Kịch là gì?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi mà thời đại công nghệ lên ngôi, giới trẻ chúng ta ngày nay cũng bắt đầu thay đổi hình thức giải trí. Những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, những tập truyện ngắn hay thay bằng những bộ truyện ngôn tình, tiên hiệp, xuyên không.. Những bài hát từng ghi đậm dấu ấn vào lòng người dần thế chỗ cho những bản nhạc rap, nhạc pop hiện đại. Cũng tương tự vậy, những vở kịch, những bộ phim trắng đen dần thay bằng những bộ phim có kĩ xảo, chất lượng tốt.

Ta có thể thấy, những hình thức giải trí dân gian, cổ điển dần dần mất đi chỗ đứng của nó khi một phần đông người thưởng thức ngày nay chuyển hướng qua những hình thức tiến bộ, hiện đại hơn. Đặc biệt là thế hệ GenZ, khi mà đang được sống trong thời đại lên ngôi của các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram.. thì những hình thức giải trí thuộc về dân gian dường như không có chỗ đứng.

Chính vì thế, ngày hôm nay, để tôn vinh lại một thời hào hùng, huy hoàng của những hình thức xưa cũ ấy, tôi sẽ làm sống dậy bộ môn “Kịch” để các bạn hiểu rõ hơn và tạo hứng thú cho các bạn trẻ ngày nay.

Kịch là gì?

Trước hết, ta phải biết rằng kịch là một hình thức nghệ thuật sân khấu, và nó phản ánh chân thực những hiện tượng xã hội trong đời sống. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hành động”, kịch tính (tiếng Hy Lạp cổ điển: δρᾶμα, drama). Ngày nay, giới trẻ chúng ta cũng rất hay dùng từ “drama” để ám chỉ những tình huống trớ trêu, bất ngờ đan xen những yếu tố hài hước, hoặc cũng có thể hiểu để ám chỉ các vụ bóc phốt có tốc độ lan truyền chóng mặt.

Thông thường, nhiều người sẽ bị nhầm lẫn, cho rằng “kịch” và “kịch bản” là một. Nhưng điều đó là không phải. Kịch chính là phát triển từ kịch bản có sẵn. Kịch bản thì có thể được đọc như các tác phẩm văn học khác, như tác phẩm “Romeo và Juliet”, nhưng kịch chủ yếu là để biểu diễn trên sân khấu.

Đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này là phải miêu tả cuộc sống bằng các hành động kịch, thông qua các xung đột tính cách xảy ra trong quá trình xung đột xã hội. Nhân vật trung tâm trong một vở kịch thường là một cá nhân hoặc một tập thể, đang phải đối mặt với mâu thuẫn vào những thời điểm quan trọng nhất trong đời.

Hay nói một cách dễ hiểu hơn rằng, kịch chính là sự miêu tả lại một mâu thuẫn xã hội nào đó.

Các vở kịch bắt nguồn từ Hy Lạp Cổ Đại, bắt đầu từ khoảng hơn 500 năm TCN. “Người Ba Tư của Aeschylus” là vở kịch còn sót lại lâu đời nhất cho tới thời điểm hiện tại.

Phân loại Kịch

Kịch được chia làm nhiều thể loại:

Hài kịch – Comedy

  • là các hình thức trình diễn hài hước dùng để giải trí. Các thể loại hài kịch thường chứa yếu tố bất ngờ, châm biếm, đả kích, nhằm để phê phán xã hội hay đơn giản hơn là để gây cười.
  • Hài kịch lãng mạn là một thể loại phổ biến, mô tả mối tình lãng mạn đang phát triển trong điều kiện hài hước, tập trung vào những điểm yếu của những người đang yêu.
  • Ngày nay, hài kịch đang là loại hình thức giải trí ưa chuộng của giới trẻ bởi những tình tiết gây cười mà kịch mang lại.

Bi kịch – Tragedy

  • Là một hình thức kịch dựa trên sự đau khổ của con người
  • Tạo cho người xem những mối đồng cảm với hoàn cảnh của nhân vật
  • Phản ánh chân thật và phê phán những phong tục cổ hủ, những định kiến lỗi thời.

Chính kịch – Drama

  • Là loại hình thứ 3 ra đời sau bi kịch và hài kịch, xuất hiện từ thế kỷ 16
  • Chính kịch ra đời trên nền tảng có thể bao gồm cả hai nguyên tố bi và hài, nhưng không bị những nguyên tắc của 2 thể loại này ràng buộc, sử dụng linh hoạt của cả hai yếu tố để nâng cao hiệu suất để thích ứng với yêu cầu phát triển vở kịch.
  • Chính kịch luôn cần có mục đích đạo đức, nhưng không thể chỉ thuyết giáo suông mà phải lấy tình cảm con người để cảm động khán giả.

Nhạc kịch – Musical

  • Là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa.
  • Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, động tác và các khía cạnh kỹ thuật sân khấu.
  • Khác với opera, nhạc kịch dành nhiều sự tập trung hơn cho các đoạn hội thoại, trong khi opera có những đoạn hội thoại mà không có nhạc đệm.

Ngoài ra, người ta Cũng có thể căn cứ vào nội dung của các đề tài mà chia kịch thành: Kịch cổ điển, kịch dân gian, kịch thần thoại, kịch hiện đại.

Khi nhắc đến kịch và những vở kịch, ta không thể không nhắc đến những nhà soạn kịch

Một trong những nhà soạn kịch tài ba nhất mọi thời đại mà ta không thể không nhắc tới chính là William Shakespeare với những vở kịch kinh điển như “Romeo and Juliet”, “Hamlet”, “King Lear”..

Ở Việt Nam, khi nhắc đến nhà soạn kịch, chúng ta phải nhớ tới Lưu Quang Vũ. Ông tuy ra đi ở tuổi 40, nhưng ông đã để lại cho nền văn học Việt Nam những hơn 30 tác phẩm kịch khác nhau, và một trong số đó phải kể đến là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Tóm lại, kịch vẫn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, dù đang sống ở thời đại nào, chúng ta vẫn nên trân trọng những di sản văn hóa bất hủ này.

Theo dembuon.vn, thanhcadu.com chia sẻ.

Rate this post

Viết một bình luận