Kích thích tôm bắt mồi – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Lợi ích

Một loại thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng vẫn không mang lại tăng trưởng và hiệu quả kinh tế nếu không được tôm, cá sử dụng hết. Chất dẫn dụ hay chất kích thích bắt mồi giữ vai trò quan trọng trong việc chế biến thức ăn, đặc biệt là những loại thức ăn sử dụng nguồn nguyên liệu thực vật chủ yếu trong công thức phối chế. Chất dẫn dụ giúp kích thích khả năng bắt mồi cũng như giúp tôm, sử dụng thức ăn tốt hơn. Thức ăn nuôi tôm chiếm hơn 60% chi phí vì vậy làm sao để tôm sử dụng tốt thức ăn là một yêu cầu quan trọng.

 

Sử dụng chất dẫn dụ phát huy tối đa hiệu quả của thức ăn cho tôm – Ảnh: Trần Út

Các chất dẫn dụ dùng cho tôm

Các chất dẫn dụ thường sử dụng trong chế biến thức ăn cho tôm và những thủy sản gồm: các acid amin tự do (betaine, glycine, alanine, glutamate, arginine, taurine…); các peptide từ dung dịch thủy phân cá, nhuyễn thể; phospholipid và các dẫn xuất của chúng (dầu cá, dầu gan mực), các đường đơn, thậm chí là các động vật sống (xay nhuyễn, phơi khô tán nhỏ…).

Chất dẫn dụ ngoài chức năng tạo mùi, vị giúp tôm tìm mồi (thức ăn), bắt mồi dễ dàng. Chất dẫn dụ còn cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cho tôm mà thức ăn công nghiệp không có hoặc hàm lượng ít. Bản thân các nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn cho tôm như: bột cá, bột mực, bột nhuyễn thể cũng là chất tạo mùi, chất dẫn dụ. Tuy nhiên khi chế biến, những chất này sẽ giảm mùi hoặc mất mùi đặc trưng vì vậy cần phải bổ sung thêm chất dẫn dụ hoặc tạo mùi, vị.

Ngoài những chất tạo mùi sẵn có trên thị trường như dầu mực, dầu cá… người nuôi tôm có thể sử dụng trùn quế (một loại động vật sống) để chế biến thành chất dẫn dụ, vừa giúp tôm ăn mồi tốt vừa tăng cường dinh dưỡng cho tôm.

Bên cạnh đó, chất dẫn dụ còn có chức năng giúp tăng độ bền của thức ăn trong môi trường nước, giảm sự thất thoát các chất dinh dưỡng, thuốc phòng và trị bệnh có trong thức ăn.

Ngoài chất dẫn dụ, còn có chất kết dính để gia tăng độ dính của thức ăn, chất này cũng đóng góp dinh dưỡng vào thức ăn, giảm bụi trong quá trình chế biến, tăng độ bền của thức ăn trong môi trường nước…

Rate this post

Viết một bình luận