Kiên Giang: Những tuyệt tác thạch động Kiên Lương đẹp huyền ảo

Huyện Kiên Lương nằm phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm TP. Rạch Giá khoảng 70km. Kiên Lương có bờ biển dài, cát trắng, phần đất liền giáp biên giới với Campuchia, nổi tiếng với loại hình du lịch sinh thái và tâm linh với non nước hữu tình.

Du khách đón xe ở bến xe miền Tây, TP. Hồ Chí Minh đi huyện Kiên Lương (Kiên Giang) lộ trình khoảng 286 km với thời gian 7 tiếng. Huyện Kiên Lương, TP. Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc là tam giác du lịch của Kiên Giang với thế mạnh là du lịch biển. Theo quốc lộ 80, từ thị trấn Kiên Lương về Hà Tiên, đến ngã Ba Hòn rẽ trái, ta sẽ về miệt biển, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng như Hòn Phụ Tử, Hòn Chông, Hòn Trẹm, Chùa Hang, Hang Mo So, làng đánh cá Ba Trại, Hòn Nghệ… Năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện Kiên Lương được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

kien giang nhung tuyet tac thach dong kien luong dep huyen ao

Kiên Lương được biết đến là tỉnh có nhiều núi đá vôi nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với 3 nhà máy xi măng khai thác như Xi măng Hà Tiên 2, Holcim và Insee Hòn Chông. Ngoài ra, Kiên Lương còn được biết đến với Hòn Phụ Tử, được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang với hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Năm 2006 hòn Phụ bị gãy đổ, chỉ còn lại hòn Tử, và từ ngày đó khu du lịch Hòn Phụ tử này cũng vắng khách du lịch đến tham quan.

kien giang nhung tuyet tac thach dong kien luong dep huyen ao

Nằm trong khu Du Lịch Hòn Phụ Tử cách Ba Hòn 18km, là điểm hành hương và cũng là một trong những thắng cảnh đẹp của Kiên Giang, Chùa Hang có lịch sử gần 300 năm. Trước đây chùa Hang còn gọi là chùa Thiện Thành, Hải Sơn tự thuộc xã An Bình. Chùa Hang dài khoảng 40m, chỗ hẹp nhất cũng vừa ba bốn người đi lọt. Đây là hang động thiên nhiên nằm dưới ngọn núi đá vôi bị xâm thực cách đây trên 1.000 năm. Trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều hình tượng lạ mắt, kỳ vĩ. Ở đây có hai pho tượng Phật Thích Ca đã an vị hơn 300 năm. Cuối chùa thông ra biển, bước lên bờ cát trắng mịn, hít thở không khí trong lành. Đi về phía sau giáp núi chùa Hang là nơi thờ Đàn Dược Sư 49 vị Phật.

kien giang nhung tuyet tac thach dong kien luong dep huyen ao

Để khám phá tận cùng các ngõ ngách của khu vực Chùa Hang – Ba Trại – Mo So, chúng tôi từ ngã Ba Hòn hướng về Hòn Chông (Kiên Giang) khoảng 7km, gặp con đường bê tông nhựa rộng phẳng phiu, phía tay trái dẫn vào núi Mo So. Mo So tiếng Khmer nghĩa là “đá trắng”. Theo các chuyên gia địa chất, hàng triệu năm trước, ngọn núi đá vôi này bị nước biển xâm thực, để lại nhiều hố, nhiều hang động. Với địa thế hang động hiểm trở, Mo So còn là căn cứ chỉ huy của các nhà hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

kien giang nhung tuyet tac thach dong kien luong dep huyen ao

Mo So có một hệ thống hang động ẩn hiện giữa một vùng đồi núi trùng điệp, có nhiều hang thông với nhau. Bên trong hang có một thung lũng độc đáo rộng khoảng 700m2, không gian thông thoáng, du khách có thể đứng ngắm mây trời lồng lộng và nghe những âm thanh là lạ được tạo ra từ tiếng gió. Nơi đây cây trái um tùm, được bao bọc bởi vách núi lô nhô. Men theo chiếc cầu cây đi về phía Tây thung lũng, du khách sẽ gặp một động nước với chiều cao hơn 20m, cảnh vật kỳ ảo dưới ánh sáng vàng vọt len lỏi vào những khe nứt trên vách. Đây được xem là hang động độc đáo, đồ sộ nhất với chiều sâu hun hút, luôn có tiếng gió rít vào khe núi. Những luồng hơi nước tuôn ra từ những mạch nước ngầm tạo cảm giác lành lạnh và ẩm ướt, càng làm tăng thêm sự kỳ bí của hang.

kien giang nhung tuyet tac thach dong kien luong dep huyen ao

Mo So là điểm kết nối du lịch của nhiều thắng cảnh ở Kiên Giang như Hòn Chông, Hòn Phụ Tử, Hà Tiên. Người ta ví quần thể hang động núi Mo So như Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Mo So sẽ cho du khách thưởng ngoạn một “tiên cảnh” huyền ảo và trải lòng mình với thiên nhiên kỳ thú. Sự thơ mộng với non nước hữu tình, bờ cát trắng mịn sẽ cho du khách đến khám phá hòa mình cùng ngư dân làng chài Ba Trại, xưa kia là căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Ngày nay, nơi đây là làng đánh cá với cư dân là người Việt, người Khmer và một ít người Hoa. Cuộc sống của người dân nơi đây khá bình lặng, vùng đất ven biển còn hoang sơ, vắng vẻ.

Theo Thời đại

Rate this post

Viết một bình luận