Kim Đồng tên chính xác là gì?

TP – Nhân việc góp ý chương trình Ai là triệu phú tối 14/7/2009, xác định chính xác “thành phần dân tộc” của Kim Đồng, nảy thêm chi tiết: Tên thật của Kim Đồng là Nông Văn Dền hay Nông Văn Dèn? Xin được nói kỹ hơn.

>> Kim Đồng là người Tày hay Nùng?

Nông Văn Dền hay Nông Văn Dèn?

Kim Đồng tên chính xác là gì? ảnh 1 Khu di tích lịch sử Kim Đồng. Ảnh: Hoàng Quảng Uyên

Bây giờ tra cứu sách báo, tài liệu về Kim Đồng, liên quan đến Kim Đồng thì đến 99% (có thể hơn) đều ghi Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền (trên bia mộ Kim Đồng ở khu di tích Kim Đồng, trong quyết định phong danh hiệu anh hùng cho liệt sĩ Kim Đồng… cũng ghi thế).

Riêng tôi, Hoàng Quảng Uyên, và một số rất ít người cho là Nông Văn Dèn. Tôi khẳng định như thế là căn cứ theo cách gọi của dân làng Nà Mạ, căn cứ theo cách đặt tên người của dân tộc Tày – Nùng, căn cứ theo ngôn ngữ Tày – Nùng.

Theo tiếng Tày – Nùng, Dèn có nghĩa là tiền (tiền bạc) – Gia đình nghèo, nên khi sinh Kim Đồng hẳn bố mẹ mong mỏi, mơ ước, sau này con cái sẽ không còn nghèo khổ nữa (có nhiều tiền). Và đặt tên con là Dèn để tỏ rằng con mình quí như vàng, như bạc! Thế thôi chẳng có gì cao xa, bí hiểm cả.

Thế thì, tại sao Dèn biến thành Dền (chữ Dền trong ngôn ngữ Tày – Nùng không có nghĩa gì cả). Cũng đơn giản thôi, rất có thể ấy là do những người viết về Kim Đồng, ghi lịch sử về Kim Đồng nghe mẹ Kim Đồng và người làng Nà Mạ đọc là Dèn nhưng lại ghi thành Dền trên giấy trắng mực đen và từ đó, cứ thế cái tên Nông Văn Dền luôn gắn với Kim Đồng.

Lại nữa, Kim nghĩa tiếng Nùng là Vàng. Có cơ sở để suy đoán sự giống nhau (tương đối) giữa tên gọi Nông Văn Dèn và Kim Đồng.

Pắc Bó hay Pác Bó?

Từ khu di tích lịch sử Kim Đồng lên khu di tích Pác Bó chỉ khoảng 4km. “Tiện thể” kể vài chỗ “nhầm” về tên địa danh, tên người do “nghe không thủng mà chép nhầm (sai)”.

Đầu tiên là địa danh Pác Bó bị rất nhiều người gọi nhầm, chép sai thành Pắc Bó. Pác Bó tiếng Tày nghĩa là miệng nguồn mỏ nước. Chữ Pắc trong tiếng Tày có nghĩa là đâm, chọc nên không thể đọc là Pắc Bó được.

Hay địa danh Khuổi Nặm (nơi họp hội nghị Trung ương lần thứ 8). Nhiều người cứ khăng khăng bảo là Khuổi Nậm. Khuổi Nặm tiếng Tày là Suối nước. Chữ Nậm không có nghĩa gì cả.

Mới đây thôi, có một chuyện nhỏ xảy ra với tôi. Số là có tờ báo đặt tôi viết bài về Pác Bó nhân kỷ niệm 19/5. Tôi  viết ngay. Biên tập viên nhận bài, đọc khen liền: Bài hay, ảnh đẹp!

Khi bài báo chuẩn bị lên khuôn, trong một cuộc bia rượu, biên tập viên bảo tôi: “Bài thì hay rồi, miễn chê nhưng tôi phải sửa chữ Pác Bó thành Pắc Bó”. Tôi ngạc nhiên: “Ơ! sao thế! “. Biên tập viên thản nhiên “Thế mới đúng, thôi cạn đi!”.

Tôi không thể cạn, vặc lại: “Ai bảo sai?”. “Thì tôi đã hỏi 108 Cao Bằng rồi – làm sao sai được!”. Tôi như người bị oan mà không cãi được vì quyền in hay không in là ở trong tay người ta, nhưng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ “chân lý”: “Nhuận bút vài trăm, một triệu với những người viết văn nghèo to thật đấy, nhưng các ông cứ nhất quyết in là Pắc Bó tôi xin rút bài”.

Cuộc rượu bia hôm đó không vì thế mà tan, nhưng chẳng mấy vui (chuyện này có Giáo sư – tiến sĩ khoa học Vũ Quang Côn – một nhà khoa học yêu thơ, có thơ hay là “kẻ dự phần” từ đầu đến cuối xác nhận chứ không phải tôi bịa ra để làm “gia vị” cho bài viết).

Tôi có kể chuyện này cho một vài người bạn nghe, họ khen tôi dám từ chối tiền triệu. Tôi bảo: “Dũng cảm cái gì, người ta còn từ chối cả tiền tỷ ấy chứ. Hoàng Quảng Uyên nghèo, nhưng viết Pắc Bó, người đọc biết sẽ vạc vào mặt. Nhục”.

Thế đấy, tôi là người có “tính xấu” là hay tìm ra những chỗ sai, chỗ nhầm (kể cả chuyện đạo văn, đạo thơ trong văn học – nghệ thuật) để mà góp ý này, nọ nên bị nhiều người ghét vì những chuyện lặt vặt đó. Tôi có hơi ngại.

Tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hội văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ ra tập thơ có tên Pắc Bó – Tân Trào – Hà Nội để “dự phần”. Tôi đã định góp ý chữ Pắc, nhưng ngại các vị  ở Hội dân tộc cho tôi là “dạy bảo”, “dạy dỗ”, nên thôi!

Chuyện tên ông Lý Quốc Súng

Gần đầu nguồn Pác Bó có nhà ông Lý Quốc Súng là nơi Bác Hồ đến ở đầu tiên sau khi vượt cột mốc 108 ngày 28/1/1941. Tôi bảo: “Tên ông ta không phải là Súng – đọc và ghi nhầm rồi!“.

Để cải chính điều này, tôi đã cất công sang tận Trung Quốc, đến làng ông Lý Quốc Súng “thẩm tra”, rồi tra từ điển Hán – Việt. Ông Lý Quốc Súng (cứ tạm gọi thế đã) quê ở chợ Cọt Mà (thuộc huyện Tịnh Tây – Trung Quốc) cách cột mốc 108 chừng 5km.

Làm ăn khó khăn, ông chuyển ra sát cột mốc 108 dựng nhà, phát rẫy, sau thấy đất bên Việt Nam tốt lại “vắng người”, ông dịch chuyển dần xuống định cư cạnh đầu nguồn Cốc Bó. Ở mãi, lâu dần, “tự nhiên” thành người Nùng Pác Bó! Lần đầu tiên nghe tên ông Súng, tôi đã ngờ ngợ.

Ở Pác Bó, không ai đặt tên là Súng (súng đạn). Trung Quốc càng thế. Từ Súng có vài từ tiếng Nùng “na ná”: Sống (đưa, tiễn, tặng), Slung (cao), Srung (sáng). Tôi đoán, ông ta có thể có tên là Slung (cao).

Hỏi các cụ già Pác Bó, họ bảo “ông ấy không cao, không thấp”. Thế thì chỉ là Srung (sáng) mà thôi, nhưng tôi không dám khẳng định vì sợ nhầm! Mấy lần định “trà trộn” cùng dân làng Pác Bó đi chợ Cọt Mà (qua mốc 108) để hỏi, nhưng nhát, nên tôi làm hộ chiếu đi Trung Quốc cho đàng hoàng.

Nhập cảnh vào Quảng Tây rồi vòng về chợ Cọt Mà tìm họ hàng ông Súng hỏi tên. Mấy đứa cháu của ông “có chữ” liền viết một chữ Hán đưa cho tôi. Tra từ điển thì ra chữ Shèng tức là Thăng. Chữ thăng viết theo lối phồn thể có chữ thăng (đẩy) ở dưới và chữ nhật (mặt trời) ở trên. Giảng tỉ mỉ là: Đẩy mặt trời lên – tức trời sáng.

Vậy đích thị tên ông ta, đọc theo âm Hán là Shèng, đọc theo tiếng Choang Tịnh Tây và tiếng Nùng Giang Pác Bó là Srung. Nghĩa là Sáng. Tiếng Việt không có âm Sl, Sr, nên nghe và chép Srung thành Súng cũng là chuyện bình thường.

Về cha mẹ của Kim Đồng

Cũng lại “nhân tiện” nói thêm vài điều về Kim Đồng và gia đình Kim Đồng. Lâu nay, nói về gia đình Kim Đồng, người ta chỉ nhắc đến người mẹ, chứ ít khi nói đến bố Kim Đồng! Bố Kim Đồng là ai?

Có thể, Kim Đồng trở nên huyền thoại mà đã là nhân vật huyền thoại thì ít khi nhắc đến bố, chỉ có người mẹ thôi. Như Thánh Gióng chẳng hạn, bố Thánh Gióng cũng rất ít được nhắc đến!

Cũng chẳng có gì bí ẩn! Bố Kim Đồng tên là Nông Văn Ỷ (tiếng Nùng nghĩa là bé nhỏ),  người làng Nà Mạ, mẹ Kim Đồng là bà Lân Thị Hò người làng Kép Ké (cách Nà Mạ 5km).

Ông bà có 5 người con. Người con gái cả tên Nhằm (nghĩa là mong, nhớ). Kim Đồng là thứ tư. Người con gái út tên Slấn (nghĩa là tin tưởng).

Ông Nông Văn Ỷ, trong một lần qua Kép Ké bị nạn – chết, nguyên nhân không được xác định – khi đó Kim Đồng còn nhỏ. Có lẽ vì thế mà ông ít (hoặc không) được nhắc đến!?

Những chi tiết thú vị

Có một số chi tiết sau khi Kim Đồng bị bắn chết bên bờ suối rất ít tài liệu ghi lại. “Cuộc lùng bắt cán bộ bị thất bại, bọn địch tức tối, định chặt đầu Kim Đồng đem bêu chỗ đông người (chợ) hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân và doạ đốt làng Nà Mạ, nhưng một số lính được giác ngộ cách mạng đã ngăn lại.

Chiều tối, chị gái và bà con dân bản mới đưa thi hài Kim Đồng lên mai táng bên khe đá dưới chân núi Tèo Lài” (Một đoạn trong tiểu sử Kim Đồng đã được nhiều nhân chứng xác nhận trong biên bản ngày 30/3/1986).

Và thật kỳ lạ và linh thiêng, bên mộ Kim Đồng liền mọc lên 2 cây nghiến lớn nhanh, xanh tươi theo ngày tháng như để che cho giấc ngủ của người anh hùng nhỏ tuổi.

Khu di tích lịch sử Kim Đồng được xây dựng gọn, đẹp – kiến trúc khu di tích là tác phẩm của một hoạ sỹ là cán bộ giảng dạy của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Phía sau mộ là bức tượng Kim Đồng đã trở nên hết sức quen thuộc: Hình tượng một thiếu niên người Nùng, đầu đội mũ nồi, tay giơ lên đỡ lấy con sáo nhỏ. Hai bên bức tượng mỗi bên dựng 7 cột (xi măng cốt thép có lỗ tròn). Dọc 2 bên đường lên mộ mỗi bên cũng có 7 phiến bê tông dựng đứng.

Ngay cổng vào, phía trong hàng rào, hai bên mỗi bên trồng 7 cây… con số 7 này mang ý nghĩa gì? Có yếu tố thần bí nào không? Không! Chỉ để ghi lại một dấu mốc.

Hãy làm phép tính cộng: 7 + 7 = 14. Số 14 là ý tưởng của hoạ sĩ “đóng mốc lịch sử”: Kim Đồng trở nên bất tử ở tuổi 14 (1929 – 1943). Năm 2009, Kim Đồng “lên” tuổi 80, người đời vẫn gọi là anh Kim Đồng.

Năm 2029, tròn 100 tuổi, Kim Đồng vẫn là Anh. Mãi mãi là Anh Kim Đồng – Người đội trưởng Đội thiếu niên cứu quốc làng Nà Mạ, người anh hùng nhỏ tuổi trên mảnh đất Pác Bó lịch sử.

Tôi nghĩ, du lịch Pác Bó ngoài việc phải giới thiệu được tầm vóc của căn cứ địa Cách mạng giải phóng dân tộc còn cần giới thiệu kỹ, sinh động khu di tích Kim Đồng và một Kim Đồng xứng tầm lịch sử. Đó là điều mong mỏi của nhân dân Cao Bằng, nhân dân Pác Bó trong tình hình yếu tố văn hoá trong du lịch hơi bị lãng quên.

Cao Bằng, ngày 21/7/2009

Hoàng Quảng Uyên

Rate this post

Viết một bình luận