Kinh Thánh

Kinh Thánh\ The Bible. La Bible.

I. Kinh Thánh là gì?

Tên nầy chỉ về một bộ sách thánh gồm có Cựu Ước và Tân Ước mà Hội Thánh Đấng Christ đều công nhận và dùng. Các tôn giáo khác như Zoroastre, Hindouisme, Bouddhisme, Islamisme, mỗi một tôn giáo có bộ sách thánh riêng của mình, có khi gọi là “Kinh”. Người Do-thái chỉ công nhận Cựu Ước là Kinh Thánh, Tín đồ Đấng Christ thêm Tân Ước nữa. Kinh Thánh là những sách chép các sự khải thị của Đức Chúa Trời về Ngài và ý chỉ Ngài cho loài người trong các đời và thời đại kế tiếp nhau (Ê-phê-sô 1:8-10; 3:5-9; Cô-lô-se 1:25-26; Hê-bơ-rơ 1:1-2), đến nỗi sự khải thị tóm kết bằng sự giáng sanh và công việc của con Ngài và chức vụ của Đức Thánh Linh. Bởi đó, Kinh Thánh khác hẳn với các bộ Kinh khác trong thế gian. Các Kinh đó không có sự duy nhứt, chỉ thu lại những tài liệu khác nhau, không có thứ tự, không có một đại ý rõ ràng. Ấy vì không có sự khải thị và sự hành động của Chúa để đạt đến mục đích theo thứ tự từ lúc bắt đầu cho đến cuối cùng. Trái lại, Kinh Thánh là một bộ sách có sự khải thị của Chúa, và tỏ ra rõ ràng mục đích Ngài. Tuy Kinh Thánh gồm nhiều phần khác nhau, nhưng mỗi phần đều là một bằng chứng tỏ ra sự duy nhất của Kinh Thánh.

II. Các tên và ý nghĩa.–Theo nguyên văn Hy-lạp, Kinh Thánh là Biblia (từ biblos tức là phần trong của vỏ cây papyrus), ý nghĩa là “các sách” và được chép như thế trong Đa-ni-ên 9:2 (Septante: Tà biblia tức là các sách). Trong Apocryphe, cũng chép là “các sách thánh”. Trong Hội Thánh đầu tiên, ấy chỉ về Cựu Ước và trong thế kỷ thứ IV Jérôme gọi là Bibliothéca Divina. Có người tin rằng Jean Chrysostome là trưởng lão tại thành Constantinople (398-404 S.C.), là người thứ nhứt dùng chữ “Tà biblia” đó để chỉ về “các sách thánh”. Đến thế kỷ XIII, thì “Tà biblia” (số nhiều) trở nên “biblia” (số một) tức là các sách thánh trở nên Kinh Thánh.

Vì lúc đó chỉ có Cựu Ước nên trong Tân Ước không có một tên chỉ cả Tân Cựu Ước. Song theo 2Phi-e-rơ 3:16, các thơ tín của Phao-lô dường như được gộp lại trong danh từ Kinh Thánh. Dầu trong bản quốc ngữ có chép về việc Chúa và các Sứ đồ dùng Kinh Thánh, song ấy chỉ về Cựu Ước mà thôi. Theo Lu-ca 24:44 ta thấy người Do-thái chia Cựu Ước làm “luật pháp Môi-se, các sách tiên tri cùng các Thi-thiên”; theo Ma-thi-ơ 5:17 thì chia ra “luật pháp hay là lời tiên tri”, và theo Giăng 10:34, 1Cô-rinh-tô 14:21, v.v…, thì chỉ gọi chung là luật pháp. Cũng xem các tên khác dùng trong Rô-ma 3:2 so Công vụ 7:38; Hê-bơ-rơ 5:12; 2Phi-e-rơ 4:11.

III. Cách sắp đặt các sách thánh đã thu lại và được công nhận như thế, thì tự nhiên phải bắt buộc sắp đặt theo thứ tự. Vậy Cựu Ước theo bản tiếng Hê-bơ-rơ có ba phần: 1. Các sách luật pháp, ấy gồm lại năm sách: Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký và Phục truyền luật lệ ký, những sách này bao giờ cũng giữ địa vị chắc đã có từ lúc ban đầu vì là phần cổ nhứt có quyền hơn cả. Người Hê-bơ-rơ thường lấy chữ cái hoặc chữ quan trọng trong câu đầu để quyết định đầu đề của sách. Trong bản Septante, có ý chọn đầu đề chỉ về đề mục của mỗi sách.

2. Phần thứ nhì sắp đặt lối khác như sau nầy:

a) Sách cũ: Giô-suê, Các quan xét; I, IISa ; I, II Các vua.

b) Sách sau: Tiên tri lớn gồm Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên; tiên tri nhỏ có mười hai sách. Những đầu đề theo bản Hê-bơ-rơ hiệp với Kinh Thánh quốc ngữ.

3. Sau đến một số sách mà người Do-thái gọi là Cethubim, gồm có các sách còn lại trong Cựu Ước Hê-bơ-rơ, sắp đặt theo thứ tự sau:

a) Thi-thiên, Châm Ngôn, Gióp.

b) Nhã Ca, Ru-tơ, Ca thương, Truyền đạo, Ê-xơ-tê, gồm năm cuốn.

c) Đa-ni-ên, E-xơ-ra, Nê-hê-mi, I Sử ký, II Sử ký.

Trong lịch sử, về lối sắp đặt các sách trong Tân Ước có khác nhau, song điều này có lợi vì nó khác nhau về sự nhận biết và tư tưởng. Bốn sách Tin lành và Công vụ các sứ đồ vẫn đứng đầu, cũng như sách Ngũ Kinh trong Cựu Ước. Sách Công vụ các sứ đồ đứng giữa, và ở sau bốn sách Tin lành và trước những thơ tín, ấy là sự sắp đặt tự nhiên. Song sau đó nhiều sự khác nhau. Theo ba bản cổ là Alexandrinus, Vaticanus, và Ephraemi, thì đặt các thơ tín chung trước thơ tín của Phao-lô, ấy là sự đặc biệt của Đông Giáo hội. Trái lại theo Jérôme, Augustin và các người kế tiếp thì Tây Giáo hội lại đặt các thơ tín Phao-lô trước các thơ tín chung. Sách Khải Huyền vì có những tài liệu đặc biệt, nên giữ một vị trí riêng ở cuối phần Tân Ước.

IV. Cách chia đoạn và câu.–1. Về bản Hê-bơ-rơ trong Cựu Ước. Nếu không có một cách chia rõ rệt, thật khó để hiểu họ dùng sách Cựu Ước lúc làm lễ như thế nào. Song theo những lời minh chứng trong Mác 12:26; Lu-ca 20:37; Rô-ma 11:2 và Công vụ 8:32 thì trong đời Cựu Ước dân sự biết phân biệt vài phần Cựu Ước bởi những đầu đề lấy từ những đề mục trong phần đó. Cũng vậy, theo Lu-ca 4:17; Công vụ 13:15; 15:21; 2Cô-rinh-tô 3:14 biết có một số bài học nữa. Sách Talmud chia theo sau đây: trước hết luật pháp chia làm 54 Parshioth (tức phần) để có bài học cho mỗi ngày Sa-bát trong niên lịch của người Do-thái. Cũng lúc đó có chia những phần nhỏ hơn nữa. Về các sách tiên tri trước và sau thì không chia đều nhau và cũng dùng những danh từ khác nhau; tên mỗi phần là Haphtaroth.

Theo lời truyền khẩu, cách chia Kinh Thánh Hê-bơ-rơ có ảnh hưởng đến cách sắp đặt Kinh Thánh như đã có ngày nay, đó là chia những phần lớn thành câu (tức Pésukim). Dường như những câu nầy không dùng đến cho đến chừng thế kỷ thứ IX S.C. khi các nhà thông thái Do-thái (Masoretes) sửa lại sách Talmud. Những việc quan hệ cần còn nói đến về sự chia Cựu Ước ra từng câu là: Stephens dùng theo khi xuất bản Vulgate mình năm 1555 S.C., và Frellon năm 1556 cũng vậy; về sau dùng trong bản tiếng Anh, lần thứ nhứt vào năm 1560 S.C. và trong bản tiếng Anh Authorized Version, vào năm 1611 S.C..

2. Tân Ước chia ra thành từng đoạn là do Hugh de St. Cher thay cho những bản mà trước đã dùng; là trong những lần xuất bản Vulgate đầu tiên, sau Coverdale dùng trong Kinh Thánh tiếng Anh, từ đó trở nên phổ thông. Về sự chia Tân Ước ra từng câu, vì không có một mẫu mực chuẩn, nên phải theo ý riêng của các nhà in và xuất bản. Vì vậy, nhờ hai ông Stephens và Vulgate dùng trong khi xuất bản Tân Ước Hy-lạp rồi dần về sau ai nấy đều công nhận theo lối chia ra từng câu đó. Trong lời tiểu dẫn của sách Concordance mà Henry Stephens xuất bản 1594 có nói rõ về căn nguyên sự chia nầy. Công việc này đã hoàn tất trong khi đi đường từ Paris đến Lyons. Có nhiều người tưởng vì thế không được công nhận, song khi vừa thấy thì người ta thảy đều công nhận. Lần đầu xuất bản với sự chia câu đó là 1551 S.C.. Có dùng trong khi in Kinh Thánh Anh tại Genève vào năm 1560 S.C. và từ đó trở đi được công nhận, trừ ra một vài chỗ thay đổi nhỏ, không đáng kể và đều được mọi người đồng ý.

Chú ý.– Cũng nên xem các bài “Cựu Ước” “Tân Ước” và Masorètes, với mấy bài theo sau có đầu đề Kinh Thánh.

Các bản cổ còn lại của Kinh Thánh, Anciens Manuscrits.– Vì Kinh Thánh không còn lại một nguyên bản nào, chỉ tìm được bản cổ sao mà thôi, nên các bản đó có giá trị như nguyên bản, mà được giữ rất cẩn thận trong những viện bảo tàng. Nên nhớ nguyên bản rất cổ của phần thứ nhứt Cựu Ước là chép độ 3.350 năm và phần cuối cùng Tân Ước chép xong độ 1.800 năm về trước. Chắc Chúa không cho để lại một tờ hoặc cuốn nào của nguyên bản, e lắm cớ vấp phạm cho người ta thờ lạy. Dưới đây xin nói đến mấy bản cổ sao rất danh tiếng còn lại.

1. Sinaiticus.– Bản nầy của Tischendorf tìm ra vào năm 1859, trong nhà dòng Thánh Catherine trên núi Si-na-i. Ấy thuộc thế kỷ thứ IV. Dường như vào năm 1844, Tischendorf đến thăm nhà dòng này, ông nhìn thấy có một cái giỏ đựng giấy cũ dùng để làm mồi lửa. Ông thấy một tờ của bản Septante, song người ta chỉ cho phép lấy đi 40 tờ. Mãi 15 năm sau, ông trở lại nhờ hoàng đế Nga giúp đỡ mới lấy được tất cả. Có Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp và cả Tân Ước viết rất cẩn thận trên da của 100 con linh dương. Hiện nay giữ tại viện bảo tàng Luân đôn. Người ta có xuất bản làm bốn cuốn giống như thế vào năm 1867. Có người nói ấy là bản cổ nhứt còn lại.

2. Vaticanus.– bản nầy để ở thư viện tại thành La-mã, do Giáo hoàng Nicolas V tìm được vào năm 1447-55, thuộc thế kỷ IV. Bản này gồm phần lớn Cựu Ước, chỉ thiếu 46 đoạn Sáng thế ký và Thi Thiên 105 – 137, còn Tân Ước thì chỉ đến thơ Hê-bơ-rơ 9:14 với một thơ sau và sách Apocryphe. Cuối sách Mác, chép 16:9-19 không có trong hai bản Hy-lạp rất cổ. Hết cả chép trên 700 tờ da bò con độ 30 cm, vuông vắn và được đóng thành sách. Năm 1857 có xuất bản làm 5 cuốn, và đúng như sách thường năm 1867.

3. Alexandrinus.– Bản nầy do Cyril, trưởng lão thành Constantinople, dâng cho Charles đệ I vào năm 1627, thuộc thế kỷ V. Có cả Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp, chỉ thiếu 10 tờ, và Tân Ước thiếu Ma-thi-ơ 1:25:1-; Giăng 6:50-8:32; 2Cô-rinh-tô 4:13-12:4. Hiện giữ ở bảo tàng tại Luân-đôn (Anh). Có xuất bản đúng như thế vào năm 1879, và như thường 1860 và 1864. Ấy là bản cổ thứ ba còn lại.

Còn ba bản khác viết cùng một lối chữ hoa tròn như ba bản kể trên là:

a) Éphraemi, tại thư viện Paris. Vì muốn tiết kiệm da, người ta tẩy đi và viết đè lên trên bài của Thánh Éphraem, một giáo phụ của Sy-ri. Tuy vậy, chữ viết trước vẫn còn lờ mờ, 200 năm trước đây, nhờ một thứ thuốc làm rõ chữ người ta thấy có phần lớn Tân Cựu Ước được viết trên tấm da đó.

b) Bazae, bản nầy chép tiếng Hy-lạp, và La-tinh đối ngang nhau, giữ trong trường đại học Cambridge nước Anh. Bản này do Théodore de Bèze, bạn của Jean Calvin, tìm ra năm 1560 trong nhà dòng Thánh Irénée, tại Lyons. Trong đó có 4 sách Tin lành, sách Công vụ các sứ đồ, và mấy phần trong thơ tín Giăng. Dầu có thêm nhiều câu không có giá trị nhưng có lẽ trong những câu đó có lời phán và việc làm của Chúa như nói đến trong Giăng 21:25.

c) Claromontanus, thuộc thế kỷ VI, để tại Paris.

Khi sửa soạn bản “Authorized Version” bằng tiếng Anh, thì chưa tìm được ba bản cổ nhứt; song ba bản cổ này được dùng đến khi sửa soạn “Revised Version”. Ngoài những bản kể trên còn có độ 4.000 phần khác cũng dùng để so sánh mà biết đúng nguyên bản Tân Cựu Ước. Phần nhiều bản đồ nầy chép trên da chiên, dê, v.v, vì lúc đó chưa phát minh ra nghề in, tất cả đều viết tay và chưa đóng thành sách như ngày nay, nên phải cuốn hay xếp lại.

Kinh Thánh, các bản Cựu Ước và Tân Ước cổ, Version.–Trong bài nầy, khi bàn luận về các bản Kinh Thánh thời cổ còn đến ngày nay, dù là một phần hay tất cả, thì đều theo thứ tự của các chữ cái (Alphabet).

I. Bản Arabique.–1. Cựu Ước.

a) Từ bản Hê-bơ-rơ, Saadiah Haggaon là giáo sư đạo Do-thái trong thế kỷ X. Có dịch một phần Cựu Ước ra tiếng A-rạp (có người tưởng dịch hết). Bản dịch Ngũ kinh người ta in tại Constaninople 1546 S.C..

b) Từ bản Peshito Syriaque. Ấy là nền tảng của bản Arabique in bằng hai thứ tiếng của các sách Các quan xét, Ru-tơ, Sa-mu-ên, Các-vua và Nê-hê-mi.

c) Từ bản Septante. Ấy là bản bằng hai thứ tiếng của những sách Cựu Ước còn lại không kể ở trên.

2. Tân Ước.

a) bản bốn sách Tin lành, editio princeps, từ thành La-mã, 1590-91.

b) Bản Erpen Arabique, là cả Tân Ước mà Erpen tại Leyden (Hà lan), xuất bản 1616, lấy từ bản thuộc thế kỷ XIII hay XIX S.C..

c) Bản Arabique từ Paris bằng hai thứ tiếng 1645.

d) bản Arabique Carshuni (tức bằng chữ Sy-ri), là Tân Ước bằng tiếng Syriaque và Arabique xuất bản tại La-mã vào năm 1703 S.C..

II. Bản Arménienne.–Trước thế kỷ V, người Arménien dùng chữ cái Syriaque; song khi đó chữ Arménien mới xuất hiện nhờ Miesrob. Thời gian sau, người ta bắt đầu dịch các bản Syriaque ra tiếng Arménien. Miesrob cùng mấy bạn là Josèphe và Eznak bắt đầu dịch sách Châm Ngôn rồi dịch cả Cựu Ước; và vì không có bản Hy-lạp thì dùng bản Syriaque để dịch Tân Ước. Song năm 431, Josèphe và Eznak từ Công giáo hội nghị tại Ê-phê-sô có đem một bản tiếng Hy-lạp về, thì Miesrob với Issac, tổ phụ Hội Thánh Arménienne, bỏ các sách đã dịch trước đó và dùng bản Hy-lạp để dịch lần nữa. Vậy, nhờ giám mục Oscan hay Uscan của Hội Thánh Arménienne, Kinh Thánh Tân Cựu Ước bằng tiếng Arménienne mới in và xuất bản lần thứ nhứt tại Amsterdam vào năm1666 S.C..

III. Bản Chaldéenne.–Bản này thường gọi là Targum, hoặc đúng hơn gọi là Bản Aramaique của Cựu Ước. Lần thứ nhứt trong Kinh Thánh khuyên “phải đọc sách Luật pháp trước cả Y-sơ-ra-ên… nào người nam, người nữ, nào con trẻ và khách lạ” trong ngày lễ Lều tạm, để dạy dỗ họ và giúp họ làm theo, điều này được chép trong Phục truyền 31:10-13. Một trong những việc đầu tiên của E-xơ-ra khi lập lại tôn giáo ngày trước và sự thờ lạy Chúa chung là việc đọc sách luật pháp Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên “trước mặt hội chúng, người nam và nữ” (Nê-hê-mi 8:1-8). Theo lời truyền khẩu, E-xơ-ra với mấy người học giả danh tiếng đều lập một đoàn thể lo về tôn giáo và chính trị, nhóm này có tên gọi là Grande Synagogue hoặc Người thuộc Hội lớn, có nhiệm vụ thường xuyên nhóm họp dân sự trong ngày giờ nhứt định mà đọc chung các sách Thánh; việc này trở nên một thói quen đến nỗi về sau ai nấy đều tin là chính Môi-se đã khởi xướng. Rồi sau, họ cũng đọc thêm các sách tiên tri (trong vài thành Ba-by-lôn có đọc thêm các sách Văn thơ nữa). Dầu họ có thể làm một việc lớn là lập lại tôn giáo và xây Đền thờ thứ hai cho một số ít người Do-thái bị đày về, mà theo lời truyền khẩu toàn là người hạ lưu, nghèo, dốt, v.v… để lập trên nơi hư nát của thành Si-ôn một dân tộc quan trọng và vững vàng, nhưng có một điều họ không làm được, tức là lập lại tiếng Hê-bơ-rơ như vốn có.

Vì những người Do-thái từ Ba-by-lôn về xứ mình không hay nói tiếng Hê-bơ-rơ nữa, nên họ không đọc các sách thánh được, nhưng nếu dịch ra bằng tiếng Chaldéenne hoặc tiếng Aramaique thì ai nấy đều có thể đọc được. Vả lại, dịch đúng cũng chưa đủ, nên cần phải thêm lời giải nghĩa những đoạn khó và tối nghĩa. Vậy, bản Cựu Ước đã được dịch và thêm lời giải nghĩa được gọi là Targum. Về sau sanh ra một ban (người thuộc ban đó gọi là Meturgeman) có nhiệm vụ giải nghĩa sách Targum đó, nhưng bị bó buộc phải giải nghĩa theo những điều lệ định sẵn. Vì hay lợi dụng chức việc mà lấy tiền, những người Meturgeman không được dân sự kính trọng mấy. Sau mấy thế kỷ bởi miệng truyền lại, họ bị ép phải chép cả luật pháp theo truyền khẩu, và cũng bị ép phải biên những Targums với mấy phần Cựu Ước nữa. Vì sự thêm bớt lời Chúa bởi người không có tài hoặc không xứng đáng, nên phải bỏ Targums chỉ bởi miệng truyền lại.

Trước khi nói về Targums, cần phải nói về Midrash mà Targums là một phần trong đó. Sau khi người Do-thái từ Ba-by-lôn về, nơi trung tâm để thu hút tư tưởng và tôn giáo của họ là các sách thánh được công nhận mà Sofeim tức những thầy thuộc về Grande Synagogue đã thu lại. Về chính phủ và tôn giáo, những thầy nầy nhờ Ngũ kinh Môi-se cầm quyền chính về luật pháp. Trước hết các thầy đó phải cắt nghĩa đúng những điều trong Ngũ kinh Môi-se cấm đoán hoặc cho phép, bởi vì trong đó có những luật khó hiểu và dân sự đã quên trong thời gian làm phu tù ở Ba-by-lôn. Thứ nhì, để đáp ứng với những sự đổi mới trong thời kỳ dân sự đang phát triển, các thầy đó cũng lập những luật không có chép hoặc không nói đến trong Ngũ kinh. Lối giải nghĩa các Sách Thánh đó được gọi là darash. Trong khoảng độ một ngàn năm từ khi bị phu tù, số sách giải nghĩa đó tăng lên ngày càng nhiều, đến nỗi không đếm xuể và nó được gọi chung một tên là Midrash, tức “giải nghĩa”. Loại sách này cũng chia làm hai phần: Halachah nghĩa là chỉ đường phải đi, đây là luật bắt buộc phải tuân theo; và Haggadah nghĩa là chỉ về những cách ngôn và truyền khẩu, là những tưởng tượng của con người từ Lời Chúa. Luật Haggadah không có một quyền hành gì. Hillel, Akiba và Simon B. Gamaliel là nhóm người đầu tiên thu lại những luật của Halachah, là những luật dự phần về chính trị, luật pháp, tôn giáo, và mọi việc thường nhật của đời sống người Do-thái, của cá nhân hoặc của dân tộc; mặc dầu nó dự phần rất nhỏ và không quan hệ đến luật pháp Chúa đối với người. Song việc đó nhờ Jehudah Hannasi trong thế kỷ thứ II S.C. mới thành công, và gọi là Mishna.

1. Những Targums vốn nhờ miệng truyền lại. Targum được chép đầu tiên là của Onkelous về Ngũ kinh, bắt đầu chép trong thế kỷ thứ II S.C. và được thành công đến hết thế kỷ thứ III S.C.. Targum chép nầy không được thay cho Targum trước, trái lại còn bị cấm đọc chung. Trong đó có chép bằng tiếng Chaldée hơi giống lối văn của E-xơ-ra và Đa-ni-ên, và theo nguyên ý rất đúng và rõ để người thường có thể hiểu được. Targums sau liên lạc với Kinh Thánh.

2. Targum về các sách tiên tri, tức Giô-suê, Các quan xét, Sa-mu-ên, Các-vua, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và 12 sách tiên tri nhỏ, được gọi là Targum của Jonathan Ben Uzziel. Targum nầy chắc làm xong độ vào giữa Targum của Onkelos và các Targums theo sau, nhưng cách giải nghĩa và mở rộng thì không đúng ý bằng Targum trước nhứt và không có sự tưởng tượng bằng các Targums sau.

3. và 4. Đây là Targum của Jonathan Ben Uzziel và của Jerushalmi về Ngũ kinh. Hai Targums kể trên của Onkelos và Jonathan về Ngũ kinh và các sách tiên tri Cựu Ước có dùng nhiều tại Ba-by-lôn giữa thế kỷ III và IV S.C. nên được gọi là Targums của Ba-by-lôn. Còn có một số Targums khác, dầu không chép cẩn thận như hai Targums trước và có giữ nhiều sự tưởng tượng của người Meturgeman hơn, song có chép và dùng tại chính xứ Giu-đa. Hiện nay chỉ còn lại phần về Ngũ kinh, mấy sách khác và mấy tờ còn lại; phần về các sách khác của Cựu Ước phải nhờ sự trưng dẫn mà được biết.

5. Những Targums của “Josèphe, người mù” về những sách Văn thơ Cựu Ước. Dầu nhiều người tin thật là do Josèphe soạn, nhưng nếu thật vậy, chắc Targums đó còn đến ngày nay không phải bởi chính tay người hay môn đồ người viết, vì không phải thuộc thế kỷ thứ IV. Có người tưởng chép ra độ 1.000 năm S.C..

IV. Bản Égyptienne.– Có ba thứ:

1. Bằng tiếng Memphitique của miền Trung du xứ Ai-cập và người ta tưởng có từ thế kỷ II. Bảng này phần nhiều rất đúng và như các tổ phụ Hội Thánh Alexandrie thường dùng. Dầu ngày nay, các tín đồ Đấng Christ thường dùng Kinh Thánh bằng tiếng A-rạp, nhưng hay đọc chung Kinh Thánh bằng tiếng Coptique nầy. Cựu Ước của bản nầy dịch từ bản Septante.

2. Bằng tiếng Thébaide của miền Thượng du xứ Ai-cập làm sau bản kể trên nhưng không chính xác bằng.

3. Bằng một thổ ngữ khác, còn một ít bản gọi là Ammonian được tìm trong số những bản viết tay Bogian và được dịch năm 1789 S.C..

V. Bản Éthiopique.– vào thế kỷ IV có hai người là Frumentius và Aedesius, người thành Ty-rơ, bị bắt làm nô lệ cống hiến cho vua Éthiopie. Nhờ hai người đó, đạo Tin lành bắt đầu được truyền cho dân Éthiopique. Bản Éthiopique mà người ta dùng ngày nay là bằng một thổ ngữ cổ Axum. Bởi đó, người ta tưởng là thuộc về thời kỳ các nhà truyền đạo đầu tiên; song khi xét đặc sắc chung của bản thì không có căn cứ, và họ đã tin là bản này thuộc về một thời kỳ sau. Cả Tân Cựu Ước của bản này cũng dịch từ tiếng Hy-lạp. Đến năm 1513, Potken xuất bản các Thi-thiên bằng tiếng Éthiopie tại La-mã; và năm 1548-49 có ba người Á xuất bản cả Tân Ước in tại La-mã. Dillmann bắt đầu năm 1853 dịch cả Cựu Ước.

VI. Bản Gothique. Đó là nhờ công của Ulphilas, ông dịch ra trong nửa phần sau thế kỷ thứ IV, có lẽ dịch từ tiếng Hy-lạp. Ulphilas là giám mục Hội Thánh giống Goths phía Tây, vốn ở miền cửa sông Vistule, sau ở phía Đông nam Âu châu. Bản nầy gồm cả Kinh Thánh trừ ra các sách Sa-mu-ên và Các vua. Ulphilas không dịch bốn sách đó vì sợ gây thêm tinh thần chiến tranh, và sợ khuyến khích việc thờ hình tượng của người Goths. Đến nửa phần sau thế kỷ thứ XVI mới biết tại thư viện trong nhà dòng Werden thuộc miền Westphalie ở bên Đức có bản nầy còn lại. Nhưng chỉ có 188 tờ còn lại trong số 320 tờ mà phần nhiều là gần hết Tân Ước với một ít Cựu Ước. Bản nầy có giá trị lắm: vì nó được viết bằng tiếng Gothique rất hay, nó còn làm kỷ niệm về việc truyền đạo đầu tiên cho dân Goths, ngoài ra dựa vào bản này, người ta có thể so sánh với các bản cổ khác để biết nguyên ý những từ có trong Kinh Thánh.

VII. Bản Hy-lạp của Cựu Ước.–1. Septante.– Bản Hy-lạp nầy dịch từ Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nó nổi tiếng là nhờ cổ hơn các bản khác. Bản nầy được gọi là Septante (LXX), vì có bảy mươi người dịch trong đời Ptolémée Philadelphe, vào những năm 285-247 T.C.. Lúc ấy, nhờ Aristobule, một thầy tế lễ Giu-đa trong đời Ptolémée Philometor, mà Clément ở Alexandrie và Eusèbe biết rằng: dầu trước đó có mấy phần sử ký Hê-bơ-rơ đã dịch ra tiếng Hy-lạp, nhưng trong đời Ptolémée Philadelphe có Demetrius Phalereus coi sóc việc dịch cả luật pháp Hê-bơ-rơ ra Hy-lạp. Trong thơ của Aristes – một quan hầu trong triều Ptolémée Philadelphe – gởi cho anh em mình có nói đến truyện nầy. Dầu ngày nay, có học giả cho rằng thơ đó không thật, song sử gia Josèphe cũng nói đến nữa. Josèphe thuật lại rằng Demetrius Phalereus, người trông nom thư viện của Ptolémée Philadelphe muốn thêm vào số 200.000 bộ sách có bản luật pháp bằng tiếng Hê-bơ-rơ, vì nguyên văn Hê-bơ-rơ không hiểu được nên phải dịch ra tiếng Hy-lạp. Vua đồng ý, và sau đó được sự cho phép của Éléazar, thầy cả thượng phẩm tại Giê-ru-sa-lem, cử 72 người già và có tài thông dịch, mỗi chi phái 6 người để dịch. Tất cả họ đến thành Alexandrie, đem theo luật pháp Chúa chép bằng chữ vàng trên các cuốn bằng da. Họ được tiếp đãi tử tế, ở một căn nhà yên tịnh trên đảo Pharos, trong hải cảng Alexandrie, 72 người đều dịch và chép lại cả luật pháp Chúa bằng tiếng Hy-lạp. Những lời truyền khẩu nầy về nguyên gốc bản Septante có giá trị rất lớn, dầu có những tiểu tiết và lối nói hơi khó hiểu.

Như vậy, bản Septante thật được dịch tại xứ Ai-cập, cả Ngũ kinh trong đời Ptolémée Philadelphe cũng vậy, sau dần dần đến các sách khác, và cả Cựu Ước dịch xong chừng 150 T.C.. Vào khoảng năm132 T.C.., Jêsus, con của Sirach, có nói đến bản tiếng Hy-lạp về sách luật pháp, các tiên tri và các sách khác. Có lẽ bản này bị sửa đổi trong đời họ Macchabées. Xem lối văn khác nhau và cách dịch thì biết bản nầy có nhiều người dịch, và giá trị không đều nhau vì có chỗ dịch sai. Còn về Ngũ kinh, trừ ra mấy khúc văn thơ như Sáng Thế Ký 49:1-; Phục truyền 32:1-; 33:1-, thì đây là phần dịch tốt nhứt và toàn thể nội dung cũng tốt dầu không dịch từng chữ. Vì những người dịch sách Châm Ngôn và sách Gióp thông thạo lối văn Hy-lạp hơn lối văn tiếng Hê-bơ-rơ; nên họ giữ theo nguyên bản một cách thái quá. Khi dịch Châm Ngôn thì theo 1 bản khác với bản Massore ngày nay. Ý nghĩa chung của các Thi-thiên thì được dịch cách rõ ràng, nhưng các sách tiên tri lại dịch kém. Để dịch sách Giê-rê-mi phải nhờ một bản khác với bản Massore ngày nay. Sách A-mốt và Ê-xê-chi-ên dịch khá và nhưng sách Ê-sai lại dịch kém. Vì Đa-ni-ên dịch xoàng nhứt nên các tín đồ đầu tiên từ đời Érénée và Hippolyte đã thay bằng bản dịch của Théodotion.

Đấng Christ cùng các môn đồ thường dùng bản Septante; có khi nhắc đúng từng chữ một, song có khi không dùng mà dịch ngay từ nguyên bản Hê-bơ-rơ. Có chừng 350 câu trích từ Cựu Ước trong bốn sách Tin lành, sách Công vụ các sứ đồ và các thơ tín, trong số đó chừng 50 câu khác với bản Septante, Khi Phi-líp gặp hoạn quan Ê-thi-ô-bi thì người nầy đang đọc bản Septante (Công vụ 8:30-33).

Bản Septante có ba lần sửa lại quan trọng: một lần độ 236 S.C., và hai lần trước 311 S.C.. Những người sửa là Origène ở Pha-lê-tin, Lucien ở Tiểu A-si và Constantinople, và Hésychius ở Ai-cập. Bản thủ thơ Vaticanus của Septante được đa số công nhận và rất đúng với nguyên văn, và chắc nhờ bản Septante của Origène sắp đặt Héxapla mình bằng 6 (sáu) cột so sánh nguyên văn Hê-bơ-rơ với bốn tiếng khác. Bản Septante mà Lucien sửa lại đã tìm ra và Lagarde đã xuất bản. Lucien là một trưởng lão Hội Thánh An-ti-ốt, tuận đạo tại Nicomédia 311 S.C.. Khi Lucien so sánh văn Hy-lạp với văn Hê-bơ-rơ, ông thấy đều tốt nhưng lại khác với văn trong bản Massore, và sau đó ông đã xuất bản một bản Septante sửa lại. Hésychius là giám mục Hội Thánh Ai-cập tuận đạo độ 310 S.C.. Bản Septante ông sửa lại đã mất rồi.

2. Bản Hy-lạp khác.– Sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá 70 S.C., người Do-thái không ưa bản Septante nữa: một phần vì tín đồ của Đấng Christ đã dựa vào đó để khẳng định Chúa Jêsus là Đấng Mê-si, một phần vì thấy lối văn kém lưu loát. Vì vậy, trong thế kỷ thứ II, dựa theo các sách thánh đã công nhận của Cựu Ước, người Do-thái dịch ra ba bản sau:

a) Bản dịch thứ nhất của Aquila, sanh truởng ở Pontus và theo đạo Do-thái. Aquila sống trong đời hoàng đế Adrien, và quyết định dịch sát từng chữ bản Kinh Thánh Hê-bơ-rơ để cạnh tranh với bản Septante mà tín đồ Đấng Christ dùng truyền đạo. Tuy vậy, bản dịch của Aquila theo sát từng chữ quá đỗi đến nỗi có chỗ cả người Hê-bơ-rơ và người Hy-lạp cũng không hiểu được.

b) Bản dịch thứ hai của Théodotion là một người theo đạo Do-thái ở Ê-phê-sô, theo lời Irénée và theo Eusèbe cũng là người thuộc phái Ébion, thì người này tin Đấng Mê-si mà chối thần tánh của Đấng Christ, người sống trước 160 S.C. vì Justin Martyr có nói đến. Khi sửa lại bản Septante, người dùng cả nguyên văn Hê-bơ-rơ và bản dịch của Aquila.

c) Bản dịch lịch sử của Symmachus, là người Sa-ma-ri theo phái Ébion, bản dịch này ngược với bản của Aquila ở chỗ dùng nhiều chữ để dịch ra một chữ.

Ngoài ra, có ba bản khác, vì tác giả vô danh nên gọi là bản Septante thứ 5-7, các bản này nhờ lối sắp đặt Héxapla của Origène. Origène sắp đặt văn Hê-bơ-rơ và bốn bản khác tiếng làm sáu cột ngang nhau để so sánh. Trong cột một người dành riêng cho bản Hê-bơ-rơ; cột hai là tiếng Hê-bơ-rơ theo chữ Hy-lạp; cột ba là bản dịch của Aquila; cột tư là của Symmachus; cột năm là bản Septante; cột sáu là bản Septante sửa lại của Théodotion. Vì cớ sắp đặt như thế nên gọi là Héxapla. Trong cột năm có bản Septante, phần này Origène có đánh dấu riêng những chữ không có trong bản Hê-bơ-rơ, và khi sửa lại câu văn bằng tiếng Hy lạp, ông đã thêm vào những chỗ thiếu đó bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Ông còn thêm dấu để chỉ các chỗ đó, ông dịch các tên theo cách đọc Hê-bơ-rơ. Dầu bản nguyên của Origène đã mất, song còn giữ được vài khúc mà các giáo phụ đời sau có trích lại. Cột cho bản Septante đã xuất bản riêng và được nhiều người dùng đến… Vào năm 617-18 S.C, Paul là một giám mục Hội Thánh Tella đã dịch bản đó bằng tiếng Syriaque, nhưng không may vì Origène sửa bản Septante theo văn Hê-bơ-rơ trong thời ông, ấy vì các nhà học giả mong ước được biết bản Hy-lạp như các người dịch đầu tiên tại Alexandrie, v.v…, để giúp mình biết rõ hơn nguyên văn Hê-bơ-rơ. Vả lại, những dấu mà Origène dùng để chỉ các chỗ sửa và thêm vào Septante và các chỗ Septante không tìm được trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, những người chép lại có khi vô ý bỏ sót lại.

Còn có một bản khác nữa gọi là Vénéto-Hy-lạp thuộc thế kỷ XIV S.C., nay để trong thư viện Thánh Mác tại thành Venise. Bản nầy còn có những sách Ngũ kinh, Châm Ngôn, Truyền đạo, Nhã Ca, Ru-tơ, Ca Thương, và Đa-ni-ên. Trừ Ngũ kinh ra, các sách này được xuất bản tại Strasbourg, 1784 và Ngũ kinh tại Erlangen, 1790-91.

VIII. Bản La-tinh.–

1. Bản La-tinh cổ hoặc bản Bắc Phi.– Bản La-tinh thông dụng ở Bắc-phi vào cuối thế kỷ II S.C.. Tertullien (chết độ 220 S.C.), Cyprien và Augustin đều dùng bản này. Sách Cựu Ước không dịch ngay từ bản Hê-bơ-rơ song dịch từ bản Hy-lạp.

2. Bản Itala hoặc bản Italien.Theo Augustin, bất cứ ai biết đủ tiếng Hy-lạp cũng có thể dịch Tân Ước ra tiếng La-tinh. Bản Tân Cựu Ước Bắc Phi dùng ngôn ngữ địa phương của các tỉnh nhỏ nên những người nói tiếng La-tinh ở tại kinh thành La-mã đều không hiểu. Vì vậy, trong thế kỷ IV, bản này được sửa lại ở Ý-đại-lợi nên gọi là bản Itala.

3. Bản Vulgate.Vì Bản Itala sửa đi sửa lại mấy lần đến nỗi cuối cùng thành ra lẫn lộn. Sau đó, vào năm 383 S.C., một giáo phụ là Jérôme hoặc Hiéronymus (329-420), là người có học thức cao trong thời đó, có đạo đức và sự tin kính tốt. Theo lời thỉnh cầu của Damasus, giám mục Hội Thánh tại La-mã, Jérôme bắt đầu sửa lại Tân Ước bằng tiếng La-tinh. Người so các sách Tin lành với nguyên văn Hy-lạp, bỏ những chỗ sai, thêm vào và sửa đổi những chỗ không đúng. Người cũng sửa hai lần bản Thi-thiên bằng La-tinh cổ nhờ sự so sánh với bản Septante. Ngày nay hai bản nầy gọi là bản Thi-thiên La-mã và bản Gaule vì có dùng tại hai nơi nầy.

Năm 387, Jérôme dời chỗ và đến ở trong một nhà dòng tại Bết-lê-hem để sửa lại cả Cựu Ước La-tinh. Trước đó ông có dựa vào bản Héxapla của Origène mà sửa lại, song sau nhờ nguyên văn Hê-bơ-rơ so với các bản Hy-lạp thứ nhứt bản Symmachus mà ông dịch một bản riêng của mình. Lúc thanh niên, Jérôme đã học tiếng Hê-bơ-rơ, rồi về sau có học thêm nơi mấy giáo sư Giu-đa ở Bết-lê-hem nữa. Năm 392, Jérôme xuất bản các sách Sa-mu-ên và Các Vua với một lời tựa để giải thích rõ vì sao các sách thánh được công nhận vào Cựu Ước. Năm 405, Jérôme xuất bản cả Cựu Ước do chính ông dịch. Dầu Jérôme có dịch vội hai sách Apocryphe là Tobie và Judith nhưng chính người cũng không muốn cho một Apocryphe nào vào Kinh Thánh. Tuy vậy, người trong đời Jérôme lại lạm dụng ông hơn là biết ơn về những việc ông đã làm. Nhưng Jérôme rất khó tính, ông không để tâm và đáp lại bằng sự khinh dễ của giới trí thức đối với kẻ ít học. Song việc ông đã làm không phải chỉ cho một đời, mà các đời sau càng biết ơn ông hơn. Bản Vulgate của ông dịch trở nên Kinh Thánh dùng cho cả Tây Giáo hội trong thời trung cổ; và về sau dầu dịch được bằng các thổ ngữ, nhưng nay vẫn còn Kinh Thánh của Giáo hội La-mã.

Khoảng năm 802, hoàng đế Charlemagne nhờ Alcuin sửa lại bản Vulgate. Một thời gian sau khi nghề in được phát minh, năm 1455 cuốn sách thứ nhứt được in là bản Vulgate tiếng La-tinh nầy. Ngày 8 tháng IV 1546, Giáo hội nghị tại Trente tỏ ý muốn sửa lại. Nhưng các nhà học giả không chú ý về việc sửa nầy. Song đến khi Giáo hoàng Sixtus V lên ngôi, là người có tánh cương quyết, ông luôn thúc giục thì công việc mới bắt đầu, và chính ông cũng dự phần vào việc sửa đổi nữa. Vậy, bản sửa này được xuất bản trong năm 1590. Một bản khác do Giáo hoàng Clément VIII sửa cũng xuất bản 1592; dầu tốt hơn bản của Giáo hoàng Sixtus V, nhưng không thay thế cho bản đó vì nay cả hai bản còn dùng. Heyse và Tischendorf có nhờ bản của Clément với nhiều bản cổ gọi là Codex Amiatinus mà sửa soạn Cựu Ước, và Tischendort nhờ Codex Amiatiuns sửa soạn Tân Ước. Kinh Thánh Vulgate đã có một ảnh hưởng rất lớn trong sự quyết định dùng các danh từ về thần đạo, và nhứt là của Tây Giáo hội. Thí dụ như chữ Sacramentum nghĩa là “lễ”, Justificatio nghĩa là “được xưng công nghĩa”, và Sanctificatio nghĩa là “sự nên thánh”.

IX. Bản Samaritain về Ngũ kinh.– Người Sa-ma-ri hay dùng một bản sửa của bản Hê-bơ-rơ đã được công nhận về Luật Môi-se, bản này viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, thường gọi là chữ Sa-ma-ri. Nguyên gốc bản Samaritain còn trong vòng bàn cãi, thường xoay quanh hai ý kiến sau: 1. Bản nầy là bởi người chi phái để lại lúc người Sa-ma-ri kế tiếp mình. Với những lý do:

a) Không lẽ nào người Sa-ma-ri chịu nhận lấy luật của mình từ tay người Giu-đa sau khi làm phu tù trở về, vì từ trước vẫn có sự ghen ghét giữa hai dân đó.

b) Bản luật người Sa-ma-ri công nhận chỉ có Ngũ kinh chung với bản Hê-bơ-rơ công nhận. Nếu tiếp bản đó lúc các sách Văn thơ và tiên tri trong tay người Giu-đa, chắc đã nhận hết.

2. Bản nầy là nhờ Ma-na-se, sau là thầy cả thượng phẩm, đem vào lúc lập nơi Thánh riêng của xứ Sa-ma-ri trên núi Ga-ri-xim độ 332 T.C., viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ thường gọi là chữ Sa-ma-ri.

Bản Samaritain có nhiều chỗ khác hẳn với bản Hê-bơ-rơ.

1. Nhiều đoạn và chữ trong bản Hê-bơ-rơ có sự gì trái ý người Sa-ma-ri về lịch sử, hoặc về danh từ dùng cho Đấng Tạo hóa, nên họ sửa chữa lại. Vậy, trong bản Sa-ma-ri không có chép người nào sanh con đầu lòng sau 150 tuổi ở trước cơn nước lụt. Song, nếu cần thì bớt 100 tuổi trước, và thêm sau khi sanh con đầu lòng. Có sự sửa đổi quan trọng trong Xuất Ê-díp-tô 12:40, bản quốc ngữ đọc là: “Vả, thì kiều ngụ của dân Y-sơ-ra-ên (và các tổ phụ ở xứ Ca-na-an) tại xứ Ai-cập được 430 năm”. Câu ở trong ngoặc đơn là câu thêm về sau vào bản Samaritain. Sáng Thế Ký 2:2 cũng đổi: “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm” đọc thành “Ngày thứ sáu Đức Chúa Trời…”, họ e rằng sự yên nghỉ ngày Sa-bát của Chúa không được trọn vẹn.

2. Vì tây vị với thần học người Sa-ma-ri về sự giải nghĩa và sự thờ phượng riêng trong xứ, nên có nhiều chỗ thay đổi lại. Bởi đó, trong bản Hê-bơ-rơ, chữ Élohim bốn lần chia với động từ về đa số, song trong bản Samaritain thì hiệp với động từ về đơn số (Sáng Thế Ký 20:13; 31:53; 35:7; Xuất Ê-díp-tô 22:9). Vả lại, trong bản này, chỗ nào chép Đức Chúa Trời có hình giống người hoặc có tâm tính loài người đều bị xóa bỏ hết. Cuối cùng, có sự thay đổi thường xuyên và cố ý là ở câu: “Chúa sẽ chọn một nơi” thành “Chúa đã chọn”, một nơi tức là núi Ga-ri-xim ấy chỉ về núi Ga-ri-xim thay cho Ê-banh chép ở trong Phục truyền 27:4. Trong Xuất Ê-díp-tô ký cũng như trong Phục truyền luật lệ ký, bản Samaritain sau 10 điều răn, còn xen ngay một câu lấy ở Phục truyền 27:2-7; và 11:30, song đổi tên “Ê-banh” ra “Ga-ri-xim” (Xem Phục truyền 27:4) và thêm “hướng phía Si-chem” (hết câu Phục truyền 11:30).

Rate this post

Viết một bình luận