Chùa Tam Chúc Hà Nam không chỉ là công trình Phật giáo lớn nhất Việt Nam mà còn sở hữu kiến trúc cực đẹp, là điểm check in đẹp mê hồn ở miền Bắc Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của du lịch Hà Nam chính là ngôi chùa Tam Chúc đang giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam. Đây là công trình tâm linh lớn nhất cả nước, mỗi năm thu hút đông đảo du khách gần xa về vãn cảnh, viếng chùa.
Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Những ngày vừa qua, chùa Tam Chúc Hà Nam trở thành điểm check in được rất nhiều du khách xa gần yêu thích. Trên các cộng đồng du lịch, nhiều bộ ảnh đẹp tựa chốn bồng lai tại ngôi chùa này đã được đăng tải.
Một trong số đó là một ảnh đẹp đến từ chàng trai Phạm Phạm Hoàng. Anh chàng không chỉ chia sẻ các bức ảnh ấn tượng mà còn review thêm kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc. Nếu bạn cũng sắp đến đây, hãy xem qua bài viết sau của anh chàng Phạm Hoàng để bỏ túi thông tin cần thiết.
Kinh nghiệm đi chùa Tam Chúc
Phương tiện di chuyển
Quần thể du lịch tâm linh Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ thủ đô Hà Nội đến đây khoảng 70 km. Biết là đi viếng chùa vào thứ 7 sẽ rất đông. Tuy nhiên do không sắp xếp được thời gian nên cả team nên bọn mình vẫn quyết định đi vào thứ 7 với tâm thế là “đông thì chen”.
Theo mình, bạn nên đi chùa Tam Chúc Hà Nam vào các ngày trong tuần. Nên tránh đi vào dịp cuối tuần và các ngày lễ vì sẽ rất rất đông.
Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn có thể đi bằng xe máy. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Bọn mình đi xe máy xuất phát từ Hà Nội lúc 7h30, chạy thẳng theo hướng đường Giải Phóng, qua bến xe Nước Ngầm về Thường Tín – Phú Xuyên. Đến nút giao với Quốc lộ 1A thì lên Quốc Lộ chạy về Hướng Phủ Lý. Sau đó tiếp tục đi vào đường quốc lộ 21 khoảng 10km nữa là đến chùa lúc 9 giờ sáng. Đường đi khá dễ, chỉ xấu một chút đoạn qua Thường Tín và đặc biệt là không có công an.
Khai báo y tế khi đến chùa
Đến chùa, điểm đầu tiên mà bạn sẽ bắt gặp chính là Tam Quan Ngoại. Bọn mình xuống check in tại đây trước rồi sau đó mới vào chùa. Đi vào khoảng 100 mét là bãi gửi xe, giá 5000 đồng/xe máy. Sau đó, du khách phải xếp hàng để khai báo y tế trước khi vào chùa. Khi vào, mình sẽ được phát 1 tờ khai báo y tế cầm theo và qua cửa là được.
Vào chùa, du khách cần phải thực hiện khai báo y tế. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Đi vào thứ 7 nên rất đông, bọn mình phải xếp hàng rất dài chờ đợi lấy phiếu và đo nhiệt độ. Sau khi qua cổng khai bao y tế sẽ đến các quầy bán đồ ăn nhẹ. Ở đây có bán nước uống, mì tôm, xúc xích, bánh kẹo,… Mức giá cũng vừa phải, tốt nhất bạn nên lên đây rồi mua ăn, không cần phải mang theo cho mất công, mà giá cũng không rẻ hơn là mấy.
Từ chỗ khai báo y tế đi vào chỗ bán vé đã có 1 khoảng sân rộng, tha hồ cho bạn chụp hình. Đứng đây tạo dáng là bạn đã có vô số tấm ảnh đẹp rồi. Bạn nhớ chụp ảnh chỗ bến có mấy hàng cột cờ các nước. Mình thấy ai đi chùa Tam Chúc Hà Nam cũng check in chỗ này.
Bạn nên tránh đi vào ngày cuối tuần vì sẽ rất đông người. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Sau khi check in tại đây, bạn có thể di chuyển vào trong để tiếp tục hành trình khám phá ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Tại đoạn này, bạn sẽ tiếp tục xếp hàng “rồng rắn” để nộp tờ khai y tế vừa nãy. Sau đó sẽ vào bên trong bến mua vé thuyền hoặc xe điện để lên đến điểm vào chùa.
Giá vé đi vào chùa Tam Chúc
– Xe điện: 90.000 đồng cả khứ hồi
– Vé thuyền: 200.000 đồng cả khứ hồi
– Thuyền VIP: 240.000 đồng/lượt, có đồ ăn nhẹ trên thuyền
Ngoài ra còn có cả các combo thuyền và ăn uống, xe điện và ăn uống, mang đến khá nhiều lựa chọn. Bọn mình chọn đi thuyền vì lúc về sẽ được trải nghiệm cả xe điện. Hơi tiếc vì hôm bọn mình đi thuyền lại không dừng để vào điện Tam Chúc giữa hồ.
Nhiều góc check in đẹp ở chùa Tam Chúc Hà Nam. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Nếu bạn không muốn chen nhau trên thuyền rồng to thì có thể chọn đi thuyền bé cho thoải mái. Bọn mình chọn đi thuyền nhỏ tuy không được sang nhưng không phải chen nhau.
Một tip nhỏ cho các bạn là lúc mua vé, bạn có thể quét mã QR và thanh toán trực tiếp trên web đỡ mất công xếp hàng mua vé. Đặc biệt lưu ý, bạn nhớ giữ vé để lúc về còn check mã để lên thuyền hay xe điện.
>> Xem thêm: Ngắm một Tam Chúc uy nghi tráng lệ trong bộ ảnh review xinh lung linh của cô nàng ‘đi thử mà say mê thật’
Khám phá vẻ đẹp của chùa Tam Chúc
Khi di chuyển đến khu vực chính của chùa, nhóm mình bắt đầu từ Tam Quan Nội đi qua vườn cột kinh vào khu chính. Ở đây có 3 chùa lớn đó là Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế và Chùa Ngọc ở vị trí cao nhất (khoảng 200 mét).
Leo đến đỉnh Chùa Ngọc sẽ rất là mệt nhưng bạn sẽ ngắm được toàn cảnh Tam Chúc. Nếu gặp vào hôm trời trong, nắng đẹp sẽ không khác gì Hạ Long trên cạn luôn. Dù rất mệt nhưng mà rất đáng. Nếu có thời gian, bạn có thể ở lại đây để ngắm hoàng hôn.
Ngôi chùa rất rộng, bạn phải khám phá cả ngày mới hết. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Khi lên đến Điện Tam Thế và đi vào phía trong điện bên tay phải, bạn sẽ thấy có một hàng để rất là nhiều ngói. Ở đây, du khách có thể ghi tên của mình lên trên đó.
Do không có nhiều thời gian và chỉ đi trong ngày rồi về nên bọn mình tranh thủ và cố gắng đi được nhiều nhất có thể. Chùa Tam Chúc đúng là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, là ngôi chùa đẹp ở Hà Nam mà bạn nên khám phá một lần. Bạn nên chuẩn bị sẵn tâm thế và một sức lực dẻo dai nhất vì chùa rất rộng, đi mãi không hết.
Đến đây, chắc chắn bạn sẽ có ảnh check in đẹp mang về. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Theo mình thấy, mọi ngóc ngách trong chùa đều có thể cho ra đời những bức hình đẹp nhất. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn nên mang theo một đứa bạn chụp hình có tâm khi du lịch Hà Nam. Đặc biệt là bạn nên mang sạc dự phòng. Còn nếu mang sạc thường thì chùa có chỗ nghỉ chân ở Từ Bi, bạn có thể cắm sạc.
Ăn uống khi tham quan chùa
Dù biết ở chùa Tam Chúc Hà Nam có bán đồ nhưng bọn mình vẫn chuẩn bị thêm bánh mì và nước mang theo. Nhưng với sức trẻ của tụi mình thì đồ ăn chuẩn bị vẫn không đủ. Kết quả là bọn mình vẫn phải mua thêm kha khá đồ ăn để có sức, tiếp tục chinh phục ngôi chùa đẹp này.
Đặc biệt, ở đây có cả buffet chay giá 150.000 đồng/người và bán từ 10 – 15 giờ. Bọn mình dự định đi xong rồi xuống ăn. Thế nhưng muộn quá nên không vào ăn được. Mình chỉ ăn tạm một ít trái cây và xúc xích.
Ở chùa có bán đủ đồ ăn nước uống, bạn không cần mang theo quá nhiều. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Lúc về, do không thể chống chọi được với cơn đói nên bọn mình đã ghé vào một nhà hàng trên đường về khá gần chùa để nạp năng lượng. Đoạn này, bọn mình tiếp tục ăn, ăn không ngừng.
Theo kinh nghiệm đi Tam Chúc của mình, bạn nên mang mũ hoặc ô đi tránh trường hợp trời nắng. Bạn nên chuẩn bị sức khoẻ thật tốt và không nên đi giày cao gót vì phải đi bộ và leo khá nhiều.
Trong chùa có rất nhiều cây bán nước tự động và khu ẩm thực. Mình nhìn bảng giá cũng phải chăng nên mọi người cũng không cần chuẩn bị trước đâu. Bởi vì lúc mang đồ ăn theo khi leo núi rất mệt.
Điều quan trọng khi bạn đi chùa Tam Chúc Hà Nam là nên mặc kín đáo. Nếu mặc váy thì bạn nên mặc dài nhất có thể. Mình thấy nếu mặc áo dài thì khá là hợp với phong cảnh cũng như kiến trúc của nhà chùa.
Chúc bạn sẽ có một chuyến khám phá chùa Tam Chúc Hà Nam trọn vẹn. Ảnh:Phạm Phạm Hoàng
Bọn mình rời chùa Tam Chúc lúc hơn 15 giờ, sau đó ghé vào nhà hàng ăn uống và nghỉ ngơi. 16 giờ, mình xuất phát về lại Hà Nội và đến nơi lúc 17 giờ 30. Lúc về, bạn nhớ chú ý lúc qua trạm thu phí Cầu Giẽ một đoạn gần vào cao tốc sẽ có các chú Công An đứng bắn tốc độ.
Tổng kết chuyến đi chùa Tam Chúc Hà Nam của mình là 450.000 đồng/người, đã bao gồm xăng xe, ăn uống, tiền vé và đồ ăn bọn mình mang từ Hà Nội.
Với mình, chùa Tam Chúc Hà Nam rất đẹp nhưng vẫn còn kha khá hạng mục chưa hoàn thành được. Hy vọng lần sau quay lại chùa sẽ được hoàn thiện hơn. Chúc các bạn có một chuyến viếng chùa trọn vẹn, chụp được nhiều ảnh đẹp ưng ý.
Ảnh + Review: Phạm Phạm Hoàng
Biên tập: Bảo An
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)