Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng (Cập nhật 07/2022)

Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn

Hải Phòng
Đồng Bằng Sông Hồng

Kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn

(Cập nhật 07/2022)

Cùng Phượt – Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20 km về hướng Đông Nam, Đồ Sơn là một khu nghỉ mát với nhiều bãi biển cùng phong cảnh đẹp. Ngoài phong cảnh sơn thủy hữu tình với núi cao, biển rộng được thiên nhiên ưu đãi, Đồ Sơn còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa. Mặc dù là địa phương xuất phát trước trong việc khai thác thế mạnh về du lịch song những năm trở lại đây, Đồ Sơn chưa tận dụng được tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình. Du lịch Đồ Sơn ngày càng tụt hậu so với các địa phương lân cận như Cát Bà, Hạ Long… bởi các loại hình, sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Bảo tàng Hải Phòng, tomxu1907, tutinorchid, thanhle_811,  Son Viet, Lam Hoàng Ngọc, Thangbox Tran, Mạnh Hùng Nguyễn, Hung Van Tran, an.pacha, Trung Tran, Chiến Lê, bebi0910, iamcam24.12, nyelee_cute_1995, katie.v9, Phuong Thao Nguyen, Duyên Phan, mawanusa, no93118, Đắc Sơn, tmyduyen1292, Vũ Thành Luân nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Đồ Sơn

Bán đảo Đồ Sơn (Ảnh – cungphuot.info)

Bán đảo Đồ Sơn nằm cuối đường TL 353, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 22 km về phía Đông Nam, nằm giữa 2 cửa sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Sách cổ gọi núi Đồ Sơn là Cửu Long – chín rồng với câu ca rằng: “Chín con theo mẹ ròng ròng. Còn một con út nẩy lòng bất nhân.” Con út ở đây là núi Độc, đứng riêng hẳn ra ở đầu bán đảo.

Cách đây 4000 năm, thời Vua Hùng dựng nước, đất Đồ Sơn đã có tên là Bộ Thang Truyền. Qua các triều đại đổi tên nhiều lần, đến đời Trần mới gọi là Đồ Sơn. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến Hải Phòng, người Pháp đã xây dựng Đồ Sơn thành khu nghỉ mát nổi tiếng cho sĩ quan Pháp và giới thượng lưu người Việt Nam

Bãi biển Đồ Sơn những năm đầu thế kỷ 20 (Ảnh – Bảo tàng Hải Phòng)

Trước đó hơn 2 thế kỷ, trong các thế kỷ 17 – 18, dù tên gọi Đồ Sơn chưa được nhắc tới nhưng trong thư tịch và bản đồ cổ của những nhà hàng hải, thương nhân châu Âu tới Đàng Ngoài (chủ yếu là người Hà Lan và người Anh) thì tên gọi Batsha hay Batshaw đã xuất hiện phổ biển. Ngày nay người ta đã xác định được vị trí của Batsha (Batshaw) ở các thế kỷ 17 – 18 là một làng chài (hoặc xóm chài) nằm trên bán đảo Đồ Sơn.

Hiện nay, Đồ Sơn là một quận của thành phố Hải Phòng, được nâng cấp lên từ thị xã Đồ Sơn. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, Đồ Sơn luôn là điểm đến nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần của người dân Hải Phòng. Đây cũng là nguồn cung cấp hải sản tươi ngon, dồi dào về phục vụ người dân ở trung tâm thành phố.

Nên đi Đồ Sơn vào thời gian nào?

Là bán đảo với đồi núi, rừng cây nối tiếp nhau vươn ra biển đến 5 km. Đồ Sơn có khí hậu vùng biển nhiệt đới gió mùa. Từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ tăng dần, cao nhất vào tháng 7, có khi tới 37°C. Mùa rét bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2, có khi kéo dài đến đầu tháng 3, nhiệt độ thấp nhất xuống tới 8°C

  • Nên tới Đồ Sơn để nghỉ ngơi vào các dịp cuối tuần trong thời điểm mùa hè, trừ những dịp mưa bão miền Bắc các bạn nên để ý bởi nằm sát biển nên Đồ Sơn luôn có sóng to, gió lớn, tương đối nguy hiểm.
  • Những dịp lễ như 30-4 hay 2-9, nếu định tới Đồ Sơn các bạn cứ xác định toàn biển người, biển không có chỗ để đặt chân xuống đâu. Tầm này đi thì chỉ ăn uống hải sản là hợp lý thôi.
  • Nếu thích xem chọi trâu, các bạn đừng quên ngày 9-8 âm lịch hàng năm.

Hướng dẫn đi tới Đồ Sơn

Phương tiện cá nhân

Ô tô

Với ô tô, các bạn từ Hà Nội chỉ cần di chuyển theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tới nút giao với TL 353 rồi từ đó đi Đồ Sơn. Đi theo lộ trình này chỉ khoảng 2 tiếng kể từ khi xuất phát ở Hà Nội các bạn sẽ tới được đây.

Xe máy

Nếu thích mang theo xe máy tới Đồ Sơn, các bạn sang ga Gia Lâm mua vé tàu hỏa + vé gửi xe máy theo tàu, sau khi tới ga Hải Phòng thì có xe để đi. Nếu định chạy từ Hà Nội thì không nên do tuyến QL5 đi Hải Phòng tương đối nhiều xe container, chất lượng đường cũng đã xuống cấp.

Phương tiện công cộng

Đường sắt

Hàng ngày từ Hà Nội có 4 chuyến tàu khởi hành đi Hải Phòng, thời gian di chuyển khoảng từ 2,5-3h. Nếu đi ngày thường các bạn đi từ ga Long Biên, nếu đi vào cuối tuần có thể đi từ ga Hà Nội. Các bạn nào muốn mang theo xe máy/gửi xe máy ở ga thì nên tới ga Gia Lâm. Vé tàu các bạn có thể mua online trên website của đường sắt Việt Nam, lưu vé điện tử và ra thẳng tàu.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 7/2022)

Đường bộ

Các chuyến xe khách từ Hà Nội đi Hải Phòng hiện tại thường xuất phát từ bến xe Nước Ngầm và bến xe Gia Lâm, gần như xe chạy liên tục nên các bạn có thể ra bến bất cứ lúc nào để đi.

Xem thêm bài viết: Xe khách đi Hải Phòng (Cập nhật 7/2022)

Đường không

Từ hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam từ khu vực miền Trung trở vào đều có các chuyến bay tới Hải Phòng (sân bay Cát Bi) của các hãng hàng không trong nước. Giá vé máy bay tùy thời điểm mua có thể mua được với giá khoảng từ 1000-1500k.

Từ trung tâm Hải Phòng đi Đồ Sơn

Từ trung tâm Hải Phòng đi Đồ Sơn chỉ khoảng hơn 20km, các bạn nếu đi vài người thì đi taxi cho tiện. Nếu muốn tiết kiệm chi phí có thể tìm xe buýt (tuyến 03) để đi. Nếu thích đi loanh quanh thành phố trước khi ra Đồ Sơn, các bạn có thể thuê xe máy ở Hải Phòng để làm phương tiện di chuyển.

Đi lại ở Đồ Sơn

Xe đạp đôi

Nếu muốn đi quanh đổi gió, các bạn có thể thuê xe đạp đôi để đi dạo ở Đồ Sơn. Tuy vậy, đoạn đường quanh Đồ Sơn khá nhiều dốc nên việc đạp xe cũng tương đối vất vả đấy nhé.

Xe điện

Với một số địa điểm xa mà không thể đi bộ, các bạn có thể liên hệ thuê xe điện để đi lại. Xe điện phù hợp cho các đoàn đông di chuyển giữa các bãi tắm hay các địa điểm du lịch khác bởi chở được nhiều người cũng như cơ động.

Lưu trú ở Đồ Sơn

Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng của Đồ Sơn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ; các cơ sở lưu trú được xây dựng từ lâu nên xuống cấp, chưa có các cơ sở lưu trú chất lượng cao từ 4 sao trở lên. 80% số lượng phòng khách sạn ở Đồ Sơn hiện thuộc sự quản lý của các cơ quan trung ương. Ngoài ra, với việc chỉ nằm cách trung tâm thành phố 20km, nhiều khách du lịch gia đình cũng lựa chọn việc chỉ đến Đồ Sơn chơi rồi sau đó quay về trung tâm thành phố nghỉ.

Một số khách sạn tốt ở Hải Phòng

KHÁCH SẠN ⭑⭑⭑⭑⭑
Vinpearl Hotel Imperia Hai Phong
Địa chỉ: Khu đô thị Vinhomes Imperia, Hồng Bàng, Hải Phòng, Việt Nam
Điện thoại:
0225 3266888
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Manoir Des Arts Hotel
Địa chỉ: 64 Điện Biên Phủ, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng
Điện thoại:
0225 8831522
Xem giá phòng ưu đãi từ:

NHÀ NGHỈ
Nhà nghỉ Hoàng Tuyết
Địa chỉ: 19/70 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng
Điện thoại:
0913 246914
Xem giá phòng ưu đãi từ:

HOMESTAY
Van Cao Green homestay
Địa chỉ: 174 Văn Cao, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng
Điện thoại:
0964 886686
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Somerset Central TD Hai Phong
Địa chỉ: Tòa A, Thùy Dương Plaza, Lê Hồng Phong, Hải An, Hải Phòng
Điện thoại:
0225 3670888
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
F&F Hotel
Địa chỉ: Số 26 lô 15B, Lê Hồng Phong, Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng
Điện thoại:
0908 851286
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Punt Hotel
Địa chỉ: Số 41 Lô 3C, đường Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng
Điện thoại:
0225 8832366
Xem giá phòng ưu đãi từ:

KHÁCH SẠN
Khách sạn Đại Thành Phúc
Địa chỉ: lô 41 + 42, Trung tâm Hành chính, Hải An, Hải Phòng
Điện thoại:
0901 539798
Xem giá phòng ưu đãi từ:

CĂN HỘ RIÊNG
SHP Plaza
Địa chỉ: 12 Lạch Tray, Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng
Điện thoại:
Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ:

HOMESTAY
Kiara’s Home
Địa chỉ: Đằng Hải, Hải An, Hải Phòng
Điện thoại:
0913 531920
Xem giá phòng ưu đãi từ:

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Đồ Sơn (Cập nhật 7/2022)

Các địa điểm du lịch ở Đồ Sơn

Biển

Khu du lịch Đồ Sơn được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều bãi tắm tự nhiên, lý tưởng được phân bố từ khu 1 đến khu 3. Các bãi tắm hướng trực tiếp ra biển Đông, có chiều dài từ 0,5 đến 1,5km, nằm ở các khu vực riêng biệt và thường xuyên diễn ra các hoạt động thể thao trên biển.

Khu 1

Khu 1 Đồ Sơn có bãi tắm rộng cùng nhiều bãi đá đẹp còn nguyên sơ, tuy vậy khu này sóng to, nhiều đá nên không phù hợp để tắm (nhất là buổi chiều). Khu 1 tập trung tương đối nhiều nhà hàng, quán ăn hải sản to nằm ngay sát biển.

Khu 2

Bãi biển ở đây là nơi tập trung du khách đông nhất, bãi dài cũng cát mịn, các dịch vụ trên bờ cũng sẵn nên nếu muốn tắm biển có thể lựa chọn bãi biển ở đây. Trước kia bãi biển khu 2 tương đối lộn xộn, do hàng quán trên bờ cùng dưới biển cùng với sự xả rác của du khách. Từ 2019, UBND quận Đồ Sơn có quy hoạch lại nên bãi tắm khu 2 giờ tương đối sạch sẽ hơn. Các bạn lưu ý là khi tới đây sẽ không được phép trải bạt ngồi trên bãi biển, mang theo những bộ bàn ghế gấp du lịch thì được nhé.

Khu 3

Bãi tắm khu 3 khá nhỏ, lại nằm cạnh ngay Hòn Dáu resort nên không được nhiều du khách quan tâm. Về cơ bản bãi tắm này cũng không sử dụng được để tắm.

Bãi biển 295

Bãi 295 vốn là một bãi biển hẹp, ít cát, nhưng theo người dân địa phương, vài năm trở lại đây do dải kè đá phía đền Bà Đế đã làm thay đổi dòng chảy, bãi được bồi thêm nhiều cát nên ngày càng được mở rộng. Bãi cát ở đây mịn, thoải, cách bờ hàng trăm mét, sóng nhẹ và êm; đặc biệt bãi rộng không hàng quán, ô dù, người tắm cũng không quá đông. Tuy vậy bãi tắm ở đây cũng có một số khu vực nguy hiểm, có dòng nước xoáy tiềm ẩn nguy hiểm ở khu vực cửa đền Bà Đế.

Dinh vua Bảo Đại

Biệt thự vua Bảo Đại vốn là dinh thự của Toàn quyền Đông Dương Pafquiere được xây dựng năm 1928, với hình bát giác theo kiến trúc Pháp. Công trình có diện tích gần 1000 m² nằm trong khuôn viên rộng 3700 m², tọa lạc trên đỉnh đồi Vung cao 36 m so với mặt nước biển. Năm 1932, sau khi du học Pháp trở về và lên nắm quyền, vua Bảo Đại đã được mời ra Hải Phòng và nghỉ tại dinh thự này. Đến năm 1949, toàn quyền Đông Dương Pafquiere tặng lại ngôi biệt thự này cho vua Bảo Đại. Đây là một trong những công trình hiếm hoi còn giữ được nguyên trạng.

Khu du lịch Hòn Dáu

Khu du lịch đảo Dáu với bể bơi nhân tạo thuộc hàng lớn nhất Châu Á, có vườn chim, vườn thú, khu vui chơi giải trí. Kể từ khi được tu sửa, nơi đây còn có thêm khu “Đà Lạt thu nhỏ”, khu vực này được khá nhiều du khách lựa chọn khi đến chơi ở Đồ Sơn.

Đảo Hòn Dấu

Hòn Dấu ban đầu nằm liền kề với bán đảo Đồ Sơn. Trong những cuộc vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo trôi dần ra phía biển, trở thành đảo Hòn Dấu.

Đền Nam Hải Thần Vương

Đền thờ Nam Hải Thần Vương nằm trên đảo Hòn Dấu, nơi đây thờ Nam Hải Thần Vương – một vị tướng nhà Trần đã hi sinh vào thế kỷ 18. Hằng năm, để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng, quận Đồ Sơn tổ chức lễ hội Đảo Dấu từ ngày 1-2 (âm lịch), hội chính diễn ra trong 3 ngày 8,9,10 để cầu cho Quốc thái dân an. Trong lễ hội có tục rước đèn và thả thuyền giấy vào giờ Tí (tức 23 giờ ngày 9/2). Tàu bè đi Bắc về Nam đều qua cửa đền cầu mong được chở che trước sóng to gió lớn, cầu mong một năm đi biển được bình yên. Du khách đến đền cầu cho được mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.

Hải đăng Hòn Dấu

Hải đăng Hòn Dáu nằm trên đỉnh cao nhất của đảo. Được xây dựng từ năm 1892 và hoàn thành vào năm 1896, được đưa vào sử dụng vào tháng 6 năm 1898. Đây là công trình do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế với nhiệm vụ chỉ đường vào cảng Hải Phòng trong những năm Pháp tiến hành khai thác thuộc địa tại Việt Nam.

Quần thể đa búp đỏ

Quần thể này gồm 37 cây, trong đó một số cây có niên đại từ 400-700 năm. Việc công nhận quần thể đa búp đỏ trên đảo Dấu là cây di sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, nâng cao ý thức bảo vệ các nguồn gen quý, đồng thời quảng bá sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật tại Hải Phòng.

Rừng nguyên sinh

Hòn Dấu hiện vẫn giữ được nét đẹp của những cánh rừng nguyên sinh bao phủ gần hết đảo, chủ yếu gồm những cây đa, thông… Các loài động vật trên đảo gồm: dê, khỉ, chim, cáo, rắn…

Khu du lịch Đồi Rồng

Đây là một khu du lịch liên hợp với nhiều dịch vụ, được khai trương từ 6/2020. Toàn bộ khu được xây dựng trên một diện tích lấn biển với đầy đủ các khu vui chơi, khách sạn, sân golf. Hấp dẫn du khách nhất có lẽ là khu bãi biển nhân tạo với nước được lọc trực tiếp từ ngoài biển, nhưng do nằm sâu trong nên nước lặng, sạch và không có sóng, rất phù hợp với trẻ em.

Lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Một vùng đất gồm những cư dân nhiều nơi về đây khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp. Hội chọi trâu là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh; nhưng bên cạnh những tập tục đó là tinh thần thượng võ của người dân Đồ Sơn. Vòng đấu loại thường được tổ chức từ tháng 6 âm lịch và đến ngày 9/8 âm lịch thì diễn ra chính hội là trận chung kết.

Đền Bà Đế

Dưới chân núi Độc Đồ Sơn có một ngôi đền cổ rất đẹp, đó là Đề thờ Bà Đế (Trịnh Chúa phu nhân). Vào thế kỷ 18, Chúa Trịnh Doanh đi thị sát trận địa, đến Đồ Sơn gặp được một thôn nữ làng Chài Đào Thị Hương đem lòng yêu mến rồi kết duyên. Khi Chúa Trịnh về kinh đô Thăng Long, vì bận công việc chưa kịp làm lễ cưới, nàng thiếu nữ mang thai. Theo lệ làng, thiếu nữ bất hạnh phải chịu hình phạt cạo đầu, bôi vôi, đeo đá dìm xuống biển. Nỗi oan ức thấu trời vì chưa gặp lại được Chúa Trịnh, linh hồn thiếu nữ đã hiển linh trên sông biển cứu giúp dân lành thoát hiểm. Vì vậy nhân dân Đồ Sơn đã lập đền thờ Bà dưới chân núi Độc, gọi là đền Bà Đế.

Đền Nghè

Đền Nghè nằm trên đường Suối Rồng, được xây dựng ở lưng chừng núi, nơi đất trời, biển cả, núi non giao hòa. Đây là ngôi đền “hàng tổng” của Đồ Sơn, được người dân vùng biển này coi trọng vì nơi đây thờ “Lục vị tiên công”, 6 vị thần có công lập nên đất Đồ Sơn. Đặc biệt, với người dân Đồ Sơn, đền Nghè còn gắn liền với lễ hội chọi trâu truyền thống khi ngôi đền này thờ Điểm Tước Thần Vương, một vị thần liên quan đến tục chọi trâu ở Đồ Sơn. Tại đền Nghè, trước và sau lễ hội chọi trâu, đền là nơi nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ. Là nơi diễn ra lễ dâng hương, lễ rước nước – linh hồn phần lễ của lễ hội chọi trâu hàng năm của Đồ Sơn.

Chùa Hang

Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, xưa thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc phường Vạn Sơn. Như tên gọi của chùa, người xưa lấy một hang đá núi, cao 3,5m rộng 7m chia làm 2 bậc thềm, bậc thềm ngoài rộng khoảng 23m2, bậc thềm trong cao hơn độ 0,50m lòng hang hình thang, xuyên thẳng sâu vào núi, dài chừng 25 m, phía trong cùng cao 1,2m rộng 1,3 m.

Chùa Hang là chùa thiên tạo lớn của Đồ Sơn, theo truyền ngôn có từ trước công nguyên. Nhà sư Bần – tên dân dã người nước Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa. Dân Đồ Sơn vẫn truyền rằng sư Bần còn dựng chùa Bần trên núi Mẫu Sơn, sau người viên tịch ở chùa Hang.

Đền Trần

Đền Trần (còn gọi là Đền thờ Đức Thánh Trần) thuộc phường Vạn Sơn được lập từ thời vua Minh Mạng ngũ niên (1824), thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền Trần được xây dựng ở vị trí rất đẹp, lưng tựa núi Mẫu Sơn (là một ngọn núi cao nhất trong 9 ngọn núi ở Đồ Sơn nằm theo hướng Cửu long chầu ngọc), mặt hướng ra biển. Đền mang kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn, hình chữ Nhị, mặt trước 3 gian tiền đường nối liền với hậu cung, mái chồng diêm, đầu đao góc mái khắc chạm tứ linh vô cùng sống động, hài hoà, oai linh. Trong đền hiện còn lưu giữ một số vật cổ quý giá như bức Tượng Ngai ỷ, Bức đại tự Thần Cơ Duệ Toán, bản sắc phong và đặc biệt là bộ câu đối “Sát Thát bình man an xã tắc, Bảo dân hộ quốc điện sơn hà”. Bên cạnh đó, ngoài sân đền còn giữ được tấm bia đá văn chỉ ghi công đức của nhiều họ từ thời Thành Thái Thập thất niên đóng góp công của xây dựng đền.

Rặng thị cổ

Rặng thị cổ gồm 17 cây thị cổ thụ với tuổi đời từ 200-800 năm tuổi trên con đường nhỏ dẫn lên Chùa Tháp Tường Long ở phường Ngọc Xuyên còn lưu giữ chứng tích về các cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ của quân và dân nơi đây. Hầu hết dưới các gốc thị đều là căn cứ địa bí mật, nơi ẩn nấp và hoạt động của du kích. Bên cạnh đó, Rặng thị còn tạo ra một không gian xanh kỳ thú trong quần thể núi rừng khu vực suối Rồng.

Tháp Tường Long

Tháp Tường Long (còn gọi là tháp Đồ Sơn) xây thời Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc Phật giáo này đuợc xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, thuộc địa phận phường Vạn Sơn. Theo sách “Đại Việt sử lược” thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là “Thấy rồng vàng hiện lên” để ghi nhớ điềm lành.

Suối Rồng

Suối Rồng là một khe nước nhỏ, chảy từ lòng núi “thượng nguồn” là rừng thông xanh tốt, ngút ngàn, ngày ngày rì rào tiếng lá reo và hạ lưu là đình Ngọc cổ kính. Dòng suối được tách ra từ dãy núi mẹ, mang dáng địa long, quanh năm đầy ắp nước ngọt phục vụ đời sống con người, tưới mát màu xanh cây trái giữa vùng đất biển mặn này.

Đình Ngọc

Đây là một công trình kiến trúc có quy mô vừa phải, bố cục hình chữ đinh, gồm 5 gian tiền đ­ường và gian hậu cung. Kiến trúc hiện tại là kết quả của đợt trùng tu hồi đầu thế kỷ thứ XX (năm 1924). Vào thăm di tích, du khách chắc chắn sẽ thích thú khi đư­ợc gặp lại trên các đầu kìm, đầu bẩy, trên các xà kẻ, r­ường cuốn những hình ảnh của tứ linh (long, ly, quy, phư­ợng) mây cụm, cỏ cây hoa lá thiên nhiên … quen thuộc. Nội thất đình rực rỡ ánh sắc kim của kiệu rồng, long khám, ngai, bài vị, h­ương án, chấp kích, bát bửu, hoành phi … đ­ược chạm trổ trang trí và sơn son thiếp vàng lộng lẫy.

Ăn gì khi đến Đồ Sơn

Các loại hải sản

Không có gì ngạc nhiên khi hải sản chính là món ngon được du khách thích nhất khi tới với Đồ Sơn, các loại hải sản ở Đồ Sơn luôn tươi ngon và tràn ngập, có thể tìm thấy ở bất cứ nhà hàng ven biển nào.

Mực trứng

Mực trứng với đặc điểm là có kích thước dài từ 5 – 12 cm, trong thân mực toàn là trứng. Mực trứng có thể chế biến được rất nhiều món ăn bổ dưỡng như mực trứng nướng, mực trứng chiên nước mắm, mực trứng luộc, … các món ăn từ mực trứng có vị ngọt, hấp dẫn và đậm đà.

Bề bề

Bề bề có quanh năm nhưng ngon nhất là vào mùa đông từ tháng 9 đến tháng 12. Bề bề nang là loại bề bề ngon bậc nhất, thịt ngon, chắc, thơm, vào mùa thì gạch càng nhiều, có thể nhìn thấy rõ vết gạch qua lớp thân trong suốt.

Cua

Cua biển hay cua bể là tên gọi chỉ chung cho tất cả các loài cua sống ở môi trường biển hoặc các vùng vịnh ven biển. Cua biển có nhiều loại: cua gạch, cua thịt, cua nước để bạn lựa chọn theo sở thích hay theo yêu cầu chế biến của món ăn. Cua Đồ Sơn gạch và cua thịt đều ngon và rất bổ dưỡng.

Ghẹ

Ghẹ Đồ Sơn có thân màu xanh sẫm, thịt thơm, chắc, dầy gạch. Ghẹ được đánh bắt bằng lưới ghẹ ở ngoài khơi. Chế biến ghẹ đơn giản và ngon nhất là hấp xả.

Ngao

Ngao vàng được đánh bắt tại vùng biển Đồ Sơn thường to, thịt dai và rất ngon. Các món có thể thưởng thức là ngao hấp, cháo ngao, canh ngao…

Mực khô

Mực khô ở Đồ Sơn có thân khá dày, nướng lên trắng thịt và ngọt đậm vị biển. Các bạn nên chọn những con mực cỡ nhỏ, vừa, giá rẻ hơn mà ăn cũng ngon hơn là loại mực to. Buổi chiều ngồi trên biển làm con mực, chấm với tương ớt Hải Phòng cùng vài lon bia lạnh thì vui phải biết.

Bánh cuốn nhân tôm

Bánh cuốn nhân tôm là đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Đồ Sơn. Dù nguyên liệu đơn giản, dễ mua, cách chế biến cũng không quá cầu kỳ, phức tạp, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của các bà nội trợ, đầu bếp nơi đây, bánh cuốn nhân tôm trở thành món ăn khiến du khách gần xa thích thú. Để có món bánh cuốn nhân tôm ngon, gạo xay bột chọn loại trắng, thơm, dẻo. Tôm biển chọn loại to, tươi ngon, vừa được ngư dân đánh bắt trong ngày. Tôm bóc nõn phơi 1 nắng cho se lại, sau đó băm nhuyễn, xào vừa săn sao cho không quá khô, quá mềm. Bánh cuốn tráng mỏng bằng tay, hấp chín trên nồi hơi nước, khéo léo cuộn bọc nhân tôm ở giữa. Nước chấm pha bằng nước mắm chắt Đồ Sơn, thêm đường, nước chanh, ớt tươi thái lát sao cho đủ vị chua, cay, mặn, ngọt.

Nộm sứa Đồ Sơn

Tháng 5, kết thúc mùa khai thác sứa của ngư dân và cũng là bắt đầu cho các món ăn từ sứa trong đó có món nộm, nếu đến Đồ Sơn vào mỗi dịp đầu hè các bạn đừng bỏ qua món ăn này.

Với nhiều người dân ở Đồ Sơn, hà đá được coi là lúa của biển. Từ bao đời nay, nghề gõ hà đá đem lại nguồn thu nhập ổn định giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động địa phương cũng như trở thành một món ăn ngon cho du khách. Người ta đi gõ hà quanh năm nhưng mùa khai thác chủ yếu diễn ra từ tháng 11 âm lịch đến tháng 6 năm sau. Khi vào mùa, hà khai thác được nhiều và ngon hơn.

Cháo cá song

Cá song (hay cá mú) là loài cá quý, thơm ngon và giàu dinh dưỡng của biển Đồ Sơn. Cá song có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó cháo cá song khiến nhiều người ấn tượng bởi hương vị lôi cuốn, hấp dẫn.

Đặc sản Đồ Sơn làm quà

Thịt trâu chọi

Sau mỗi mùa chọi trâu những chú trâu thường bị đem đi xẻ thịt để bán, do quan niệm thịt trâu này mang lại may mắn. Nếu đến Đồ Sơn vào đúng dịp này, các bạn nếu muốn có thể mua. Nhưng giá tương đối đắt và hết nhanh lắm đấy nhé.

Táo Bàng La

Táo Bàng La là một giống táo ta được diêm dân (người làm nghề muối) phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng ghép trên những gốc táo lai, táo dại. Táo ta sinh trưởng và phát triển tốt trên những gốc táo dại, táo lai, đặc biệt thích đặc biệt là thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất chua, mặn, cho năng suất và chất lượng tốt, trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giò nghé

Để chế biến giò nghé ngon, cần lựa chọn thịt nghé tươi. Nét độc đáo của món ăn này là nếu những loại giò khác có phần thịt được xay nhuyễn thì giò nghé lại để nguyên cả miếng thịt.  Người ta thường dùng lá chuối để gói giò nghé. Đầu bếp trải lớp trứng mỏng ra, tiếp theo là lớp bì nghé xay nhuyễn, cho tiếp thịt nghé lên trên cùng, rồi cuộn chặt lại. Sau khi bao bọc kín bằng lá chuối, đầu bếp gói thêm lớp giấy xi măng bên ngoài, lấy dây buộc chặt. Đun nước thật sôi rồi thả giò vào luộc trong khoảng 6 giờ để thịt chín bên trong. Khi luộc xong, vớt giò ráo nước và để nguội. Giò nghé không nên ăn ngay mà nên bỏ ngăn mát tủ lạnh qua đêm rồi mới thưởng thức. Giò nghé có vị ngọt của thịt nghé kết hợp vị cay nồng của tiêu, khi ăn cho cảm giác giòn giòn dai dai, chấm cùng tương ớt.

Mắm chắt Bàng La

Từ sản phẩm phụ trong quá trình chế biến, bảo quản mắm tôm, mắm chắt dần trở thành mặt hàng chủ lực đem lại thu nhập cao cho các hộ làm nghề ở phường Bàng La.  Khác với nhiều vùng mắm khác, người Bàng La chỉ chế biến mắm từ tép biển tươi. Xưa kia, hầu như gia đình nào cũng có chum, vại mắm tôm. Ở những chum, vại này, người ta đặt giỏ tre ở giữa để chắt nước mắm dùng dần. Mắm vì thế có tên mắm chắt. Dù hơi nặng mùi, nhưng mắm chắt ngon ngọt hơn hẳn các loại mắm chế biến từ cá, mực… Mắm chắt Bàng La được ví như nàng Lọ Lem, không nhãn mác, không thương hiệu, mùi vị lại chẳng dễ chịu. Ấy nhưng, ai đã ăn quen thì chẳng màng đến các loại mắm khác.

Lịch trình du lịch Đồ Sơn

Hà Nội – Đồ Sơn 2 ngày

Lịch trình này sử dụng phương tiện công cộng, nếu bạn nào thích sử dụng xe gia đình thì có thể thay đổi lại cho phù hợp

Ngày 1: Hà Nội – Hải Phòng

Di chuyển Hà Nội – Hải Phòng bằng tàu hỏa, các bạn có thể đi chuyến tàu lúc 9h sáng, khoảng 12h trưa sẽ tới ga Hải Phòng.

Loanh quanh trong thành phố thưởng thức một số món ngon Hải Phòng như bánh đa cua, bánh cuốn, chơi bời uống cafe chút rồi đi taxi ra Đồ Sơn.

Tới Đồ Sơn nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi rồi chiều ra biển tắm. Tối dạo quanh biển hóng gió, ăn hải sản.

Ngày 2: Hải Phòng – Hà Nội

Nếu gia đình có trẻ con, ngày 2 các bạn có thể cho các bé vào khu Hòn Dáu Resort, trong này có bể bơi nhân tạo khá lớn và có bể phù hợp cho nhiều lứa tuổi.

Ngày này các bạn cũng có thể dạo quanh tham quan một số di lịch lịch sử văn hóa quanh Đồ Sơn, thuê thuyền ra Hòn Dấu.

Chiều trả phòng, thuê taxi về lại ga Hải Phòng đi chuyến tàu lúc 15h40, khoảng 18h30 có mặt ở Hà Nội.

Hà Nội – Đồ Sơn – Cát Bà

Ngày 1: Hà Nội – Đồ Sơn

Khoảng chiều tối sau khi đi làm về các bạn có thể lên xe, theo hướng cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để xuống Đồ Sơn. Nếu đi muộn (tầm 19h) thì cũng chỉ khoảng 21h các bạn có mặt ở Đồ Sơn, nhận phòng khách sạn cất đồ, ra biển dạo chơi ăn hải sản

Ngày 2: Đồ Sơn – Cát Bà

Buổi sáng dậy sớm tắm biển, ăn uống chơi bời nhẹ nhàng, dạo quanh một số điểm ở Đồ Sơn.  Sau khi chơi cả buổi sáng, trưa ăn hải sản thì trả phòng rồi lên xe ra Cát Bà.

Từ Đồ Sơn các bạn có thể rẽ vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi hướng Quảng Ninh – Đình Vũ rồi rẽ sang cầu Tân Vũ – Lạch Huyện để tới phà Gót.

Từ đây, tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu cá nhân mà các bạn có thể mang xe qua phà hoặc gửi xe lại rồi sử dụng cáp treo + ô tô trung chuyển để về trung tâm Cát Bà.

Nhận phòng khách sạn, chiều dạo chơi Vườn Quốc gia Cát Bà, một số hang động nổi tiếng như Quân Y, Trung Trang, Phù Long..

Tối dạo chơi thưởng thức các món ngon của Cát Bà.

Ngày 3: Khám phá Cát Bà

Sáng dậy nếu đi đoàn đông các bạn thuê tàu đi Vịnh Lan Hạ (hoặc mua tour ghép nếu đi ít người), khám phá Vịnh Lan Hạ xong chắc cũng mất khoảng nửa ngày. Nếu thích có thể lựa chọn ăn trưa luôn trên tàu để có nhiều thời gian chơi, đến chiều tàu sẽ trả các bạn lại cảng.

Trả phòng khách sạn, lên xe về lại Hà Nội kết thúc hành trình.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Đồ Sơn 2022
  • du lịch Đồ Sơn tháng 7
  • tháng 7 Đồ Sơn có gì đẹp
  • review Đồ Sơn
  • hướng dẫn đi Đồ Sơn tự túc
  • ăn gì ở Đồ Sơn
  • phượt Đồ Sơn bằng xe máy
  • Đồ Sơn ở đâu
  • đường đi tới Đồ Sơn
  • chơi gì ở Đồ Sơn
  • đi Đồ Sơn mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Đồ Sơn
  • homestay giá rẻ Đồ Sơn

5/5 – (7 đánh giá)

Rate this post

Viết một bình luận