Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa

05.03.2019
11497
bientap

Nếu chọn thi tuyển các khối H, V vào ngành thiết kế đồ họa của các trường Đại học, thí sinh cần phải vượt qua 1 trong 2 bài thi: vẽ hình họa, vẽ màu hoặc cả hai. Trong bài viết dưới đây, Tuyencongnhan.vn xin chia sẻ kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa để các bạn tham khảo áp dụng.

Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa
Vẽ là môn thi năng khiếu của các khối H, V

► Vẽ hình họa là gì?

Vẽ hình họa còn được gọi là vẽ mỹ thuật, bài vẽ chì… – là cách vẽ nghiên cứu những mẫu cố định dựa trên cảm quan quan sát và kỹ năng truyền tải nét vẽ – thể hiện bản vẽ. Các dạng vẽ hình họa:

– Vẽ đầu tượng thạch cao

– Vẽ khối thạch cao cơ bản hoặc vẽ tĩnh vật với chất liệu mẫu là gốm, sành, sứ…

– Vẽ người thật: kiểu vẽ chân dung, vẽ bán thân, vẽ toàn thân.

► Vẽ trang trí màu là gì?

Vẽ trang trí màu là cách vẽ chú trọng ở khâu phối màu sắc để tạo ra bức vẽ có giá trị thẩm mỹ. Bài thi môn vẽ trang trí màu thi tuyển vào các trường Đại học hiện nay thường gồm 2 dạng:

– Trang trí màu: trang trí mặt nạ, túi xách, khăn tay, nón lá…

– Bố cục cuộc sống: chợ hoa tết, trung thu, lễ hội, bảo vệ môi trường…

► Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa

Để đạt điểm cao trong các bài thi vẽ năng khiếu vào ngành thiết kế đồ họa, bạn không chỉ cần vẽ đúng kỹ thuật mà còn phải truyền tải được cái nhìn thẩm mỹ, sự sáng tạo của bản thân vào bức vẽ.

Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa
Bài thi vẽ đạt điểm cao phải truyền tải được cái nhìn thẩm mỹ của người vẽ

#Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ hình họa

– Với dạng vẽ đầu tượng – khối cơ bản, tĩnh vật

  • Với đối tượng vẽ hình họa này, bạn cần bắt đầu bằng bước dựng hình với que đo và dây dọi. Việc dựng đúng cấu trúc tỷ lệ, xác định bố cục hài hòa cân đối sẽ giúp bạn có được 50% số điểm bài thi.

  • Bước tiếp theo là lên bóng chính xác. Bạn cần xác định rõ nguồn sáng với 3 – 4 độ sáng gồm: sáng nhất, tối nhất, 2 – 3 độ sáng trung gian. Hoàn thành tốt bước này, bài thi của bạn sẽ nằm trong khoảng 6 – 9 điểm.

  • Với khổ giấy A3, kinh nghiệm truyền lại là bạn nên vẽ bằng mẫu thật hoặc nhỏ hơn 1 chút để bài thi đạt điểm cao, không nên vẽ to hơn mẫu.

– Với dạng vẽ người thật (chân dung, bán thân, toàn thân)

  • Bước đầu tiên, bạn cũng cần sử dụng que đo và dây dọi về xác định bố cục mẫu và dựng hình. Nếu bố cục dựng có tỷ lệ cấu trúc đúng, cân đối, hình đẹp – bạn có thể đạt được 50% số điểm bài thi.

  • Sau khi hoàn thành bước dựng hình, bạn chuyển sang bước đánh bóng. Với dạng vẽ người thật, phần tóc, mắt, bàn tay, bàn chân… cần lên được khối và sáng tối lớn. Những lưu ý khi vẽ người thật bạn cần biết là: không nên tập trung quá nhiều thời gian cho 1 chi tiết khiến không kịp giờ thi và cần lên được hệ thống sáng tối với tối thiểu 3 độ sáng (sáng nhất, tối nhất, 2 – 3 độ trung gian).

  • Vẽ tốt 2 bước trên, bạn có thể đạt được mức điểm từ 6 – 8; nếu diễn tả được chất da – chất tóc… có thêm 1 điểm; nếu tả được đặc điểm riêng của mẫu… đạt thêm 1 điểm.

Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa
Truyền tải được đặc điểm riêng của mẫu sẽ giúp thí sinh đạt điểm tối đa bài thi hình họa

#Kinh nghiệm luyện thi môn vẽ trang trí màu

– Với dạng vẽ trang trí màu

Yêu cầu với dạng vẽ này là cần phải có mảng chính – phụ, họa tiết chính – phụ. Để tạo cảm hứng thực hiện bài thi, bạn có thể bắt đầu với tông màu mà mình thích nhất. Bạn cần vẽ các chi tiết trang trí sáng tạo nhưng phải phù hợp với yêu cầu của đề bài. Để bức vẽ có chiều sâu, bạn cần thể hiện được 3 lớp sắc độ: sáng nhất, tối nhất, 2 – 3 độ sáng trung gian.

Tiêu chí chấm thi dạng vẽ trang trí màu thường là:

  • Dựng hình đúng yêu cầu kích thước: 1 điểm

  • Dựng bố cục hoàn chỉnh: 3 điểm

  • Họa tiết đúng chủ đề – đẹp: 2 điểm

  • Bức vẽ có màu sắc hài hòa: 3 điểm

  • Kỹ thuật thể hiện bức vẽ tốt: 1 điểm

– Với dạng vẽ bố cục cuộc sống

  • Với đề tài gắn liền với cuộc sống, thí sinh muốn vẽ tốt bài thi này, cần có khả năng quan sát và ghi nhớ thực tế tốt để thể hiện những nét đặc trưng của chủ đề. Bạn cũng cần thể hiện được những mảng, hình chính – phụ và chọn tông màu phù hợp với chủ đề.

  • Trừ trường hợp bài thi quy định số lượng người, còn không bạn chỉ nên vẽ với bố cục từ 3 – 5 người là đẹp.

#Một số lưu ý cần biết để luyện thi vẽ hiệu quả

– Nếu có năng khiếu vẽ, bạn hoàn toàn có thể tự luyện vẽ tại nhà – tuy nhiên bạn cần phải trang bị cho mình các kiến thức sử dụng các công cụ hỗ trợ vẽ, nắm các kỹ thuật vẽ đúng. Còn nếu chưa có nhiều kỹ năng, tốt nhất bạn nên tìm đến học tại các trung tâm luyện vẽ uy tín.

– Để luyện thi vẽ hiệu quả bạn cần phải kiên trì luyện vẽ từng ngày để có thể vẽ đúng – vẽ đẹp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

– Trong quá trình luyện vẽ, bạn cần lưu lại tất cả các bản vẽ, sắp xếp theo trình tự từ khi bắt đầu đến lúc thi để tự theo dõi mình, nhận ra các lỗi hay lặp lại để khắc phục tốt hơn.

Trên đây là những chia sẻ của Tuyencongnhan.vn về kinh nghiệm luyện thi môn vẽ ngành thiết kế đồ họa. Hoàn thành bài thi vẽ tốt, bạn sẽ mở toang cánh cửa bước vào giảng đường Đại học. Trong suốt thời gian theo học ngành thiết kế đồ họa, nếu trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng nghề cần thiết, sau này bạn sẽ dễ dàng tìm được việc làm thiết kế với chế độ tốt.

Ms. Công nhân

Rate this post

Viết một bình luận