HẠNH NHẪN NHỤC
Nói đến nhẫn nhục thì đa số người đều có quan
niệm rằng: nhẫn là phải nhục. Nhưng, kỳ thật nhẫn có phải là nhục không ?
Nhẫn nhục là chữ Hán, dịch theo tiếng Việt là nhịn chịu, chớ không phải nhẫn
là nhục. Nếu nhẫn là nhục thì Phật bị nhục nhiều lắm, vì Ngài nhẫn hoài.
Song, Ngài là bậc trí tuệ và từ bi, có đủ mọi công đức cao cả, người đời tán
dương công hạnh ấy, nên gọi Ngài là Đấng Đại Hùng Đại Lực, vậy thì nhục ở
chỗ nào?
Tại sao chúng ta phải tu hạnh nhẫn nhục? Phật
nói cõi Ta bà là cõi khổ, chúng sanh sanh trong cõi Ta bà phải có sức chịu
đựng. Ta bà còn có nghĩa là kham nhẫn; kham là có thể chịu được, nhẫn là
nhận chịu. Nỗi khổ ở cõi Ta bà chúng sanh có thể chịu nổi, chớ không phải
không chịu được. Chúng ta kiểm điểm lại, từ khi khôn lớn cho tới ngày nay,
những điều xảy ra trong cuộc đời này có bao nhiêu điều như ý và bao nhiêu
điều bất như ý đối với chúng ta ? Có đến 70% điều bất như ý, còn lại chừng
30% điều như ý. Điều mình không bằng lòng mà nó cứ đến hoài, làm sao vui
được ? Điều mình muốn mà nó ít đến nên cuộc đời khổ nhiều vui ít. Khổ nhiều
mà chịu nổi là nhờ có sức kham nhẫn. Có kham nhẫn mới sống được trong cõi Ta
bà này. Song, nhẫn ở đây không phải chỉ nhận chịu sự mắng chửi, đối xử tệ
bạc của người đời, mà nhẫn ở đây là nhịn chịu mọi trường hợp.
Trường hợp thứ nhất là nhịn chịu sự đòi hỏi
quá đáng ở nội tâm mình, đó là tham dục. Tham dục có nhiều thứ là tham tiền
của, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon, tham ngủ kỹ. Nếu thỏa mãn
những thứ tham đó thì con người nên hay hư. Chắc chắn là hư, thế nên phải
nhịn bớt. Muốn mười chỉ thỏa mãn năm ba thôi, nếu đòi thỏa mãn trọn vẹn thì
không thể nào ổn được. Chẳng hạn như tham ngủ, đối với một thanh niên trung
bình ngủ bảy tiếng đồng hồ là đủ, vừa có thì giờ làm việc hoạt động cho cơ
thể khỏe mạnh, vừa có thì giờ học hành cho tinh thần sáng suốt minh mẫn, nếu
ngủ một ngày mười hoặc mười hai tiếng đồng hồ thì thân thể béo phệ nặng nề,
tinh thần uể oải mê mệt sống một đời bê tha gàn dỡ. Vì vậy mà phải hạn chế
sự ngủ nghỉ cho có chừng mực. Khi hạn chế không cho ngủ như ý thích là đã
bắt mình phải nhịn chịu để giảm bớt lòng tham ngủ. Rồi đến tham tài, tham
sắc, tham danh, tham lợi, đều phải hạn chế, không cho thỏa mãn đúng mức. Như
vậy, đối với ngũ dục trong thế gian này, chúng ta luôn luôn phải có sức
kham nhẫn để hạn chế nhịn chịu lòng tham của mình. Tiết chế đó là tu nhẫn
nhục.
Thứ nữa, bản thân chúng ta khi gặp cảnh bức
ngặt như muỗi mòng, nóng lạnh, đói rét… xảy ra bất thường, chúng ta cũng
phải nhận chịu tất cả. Ví dụ đang tụng kinh muỗi cứ bay vo ve cắn trên đầu
trên mặt đau nhói, nếu đưa tay lên đập muỗi thì loạn động mất trang nghiêm,
nên phải đứng yên. Bị muỗi cắn đau nhức mà phải đứng yên nhận chịu đó là
nhẫn nhịn muỗi mòng. Hoặc khi đang ngồi thiền bỗng có cảm giác con gì bò
nhột trên mặt, rồi bò lên cổ rồi chui vô lỗ tai… nhột nhột khó chịu. Nếu
xả thiền ra xoa chà thì xao động, bất an và rồi cứ xoa chà hoài, vì hết chỗ
này lan qua chỗ khác. Nên phải nhịn chịu không xoa chà, ngồi yên. Đó là nhẫn
nhịn sự phiền toái bức bách trên thân. Hoặc đang khi nắng nóng mà phải làm
việc ngoài trời, mồ hôi ra nhễ nhại, vẫn vui với việc làm không bực bội,
không than rên, không bỏ dỡ công việc, đó là nhẫn chịu sự nóng bức. Để thấy,
nhẫn không phải chỉ nhẫn nhịn khi bị người chửi mắng lấn hiếp, mà chúng ta
còn phải nhẫn nhịn với bản thân mình: lòng tham quá trớn cũng phải hạn chế,
nóng giận quá đáng cũng phải điều phục, thân nhọc nhằn nóng bức, đói rét
cũng phải kham chịu. Đó là nhẫn ở tâm mình và nhẫ ở thân mình.
Thế thường, người đời quan niệm nhẫn là khi
người ta nói làm trái tai gai mắt, mình phải trân mình, mím môi để nhịn.
Nhẫn theo cách này thì có giới hạn, nhẫn lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, đến
lần thứ ba thì không chịu nổi. Nên có nhiều người hay nói: “Tôi nhịn đó
nghe, tôi nhịn một lần, hai lần rồi, lần thứ ba tôi không nhịn được nữa đó
!” Do vì trân mình mím môi để nhịn nên có giới hạn. Phật dạy chúng ta nhẫn
không phải gồng mình chịu, mà nhẫn với cái nhìn bằng trí tuệ biết như thật,
nên rất nhẹ nhàng êm ái. Tại sao nhẫn nhục mà êm nhẹ như vậy ? Phật dụ người
dữ mắng chửi hãm hại người hiền, giống như kẻ ngậm nước bọt ngửa mặt phun
trời xanh. Nước bọt không tới trời mà rớt lại trên mặt người phun. Ở trên,
trời vẫn xanh không có chút bợn nhơ nước bọt, cũng như người hiền không thọ
pháp ác nên vẫn an vui không khổ. Phật lại còn nói: “Người dữ muốn hại người
hiền giống như người đứng ngược gió ném bụi”. Người đứng dưới gió hốt bụi
ném, gió đùa bụi lại phủ trên đầu trên mặt người ném. Người bị ném thì bụi
không bay tới, nên không dơ không dính bụi. Như vậy người hiền bị người dữ
hại vẫn bình thản không buồn, vì thấy việc làm ác của họ không có tác động
đến mình, chỉ gây hậu quả không tốt cho họ mà thôi, nên không buồn. Song,
người đời thì không như vậy, nghe ai ở xa xa nói đến tên mình, là đã nổi tức
lên giành cái khổ về mình rồi.
Đó là không biết tu nhẫn nhục. Nếu nghĩ kẻ kia
mắng chửi muốn hại mình, cũng giống như họ đang ngửa mặt trên trời xanh mà
phun nước bọt thì lúc đó giận hay là thương họ ? thấy họ ngu khờ tội nghiệp,
làm sao giận được ? Nhẫn như vậy đâu có bậm môi trân mình gắng gượng chịu,
mà quá nhẹ nhàng ! Nhẫn được như vậy là nhờ trí tuệ thấy được lẽ thật.
Tôi nói thế, quí vị sẽ nghĩ Phật dạy những
trường hợp bị phỉ báng, bị mạ nhục, bị ép bức… thì chúng sanh phải nhẫn.
Còn Phật là bậc mà ai cũng tôn kính đâu dám xúc chạm đến Ngài, nên Ngài đâu
có nhẫn. Phật dạy phàm phu chúng ta nhẫn, Ngài có nhẫn không ? Phật nhẫn
nhiều hơn chúng ta. Phật thành đạo đi giáo hóa, có rất nhiều người tin và
theo Ngài, nhất là đệ tử của ngoại đạo. Một hôm Phật đi khất thực trong làng
Bà-la-môn, thầy Bà-la-môn tại địa phương đi theo sau kêu tên Phật chửi, vì
đệ tử ông đã theo Phật, Phật chậm rãi đi trước, ông cứ đi theo sau chửi
hoài. Phật cứ vẫn làm thinh đi không nói gì hết. Ông tức quá, chạy tới trước
đón đường Phật hỏi:
Cù-đàm, ông có điếc không, tại sao tôi chửi mà
ông không trả lời ?
Phật đáp bằng câu hỏi:
– Giả sử nhà ông có giỗ, ông mời khách đến
dự. Tiệc xong khách ra về, ông đem quà bánh tặng khách, khách không nhận,
thì quà bánh đó về ai ?
– Tôi tặng mà họ không nhận thì về tôi chớ về
ai !
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì có
dính gì với ta đâu !
Chúng ta thấy, mắng thì mắng, chửi thì chửi,
Phật nghe mà không nhận thì có dính gì với Ngài, nên Ngài bình thản như
không có gì. Còn chúng ta thì dễ dính, người ở đằng xa xì xầm có tên mình là
theo dõi lắng nghe, để rồi sanh chuyện với họ; động tới là dính, nhạy lắm !
Phật không gồng mình mím môi nhẫn như chúng ta, Ngài dùng trí tuệ biết người
đó đang si mê nên nóng nảy nói bậy, đáng thương, họ nói một lúc rồi sẽ nghỉ.
Đâu phải Phật không gặp người đời làm phiền nhiễu, mắng chửi Ngài, nhưng
Ngài không động vẫn an nhiên bình thản. Chúng ta ngày nay tu, giả sử có ai
nói: “Ông đó tu hú chớ tu cái gì !”. Thì đã nổi giận rồi. Nếu thật tu thì
chúng ta không nổi giận, mà đã nổi giận, đó là tu hú chớ còn gì nữa. Chính
vì muốn cải chánh, mình là người tu đàng hoàng nó đã tố cáo mình không khéo
tu rồi. Người khéo tu sẽ nghĩ rằng: Ông muốn nói gì thì nói, việc ông làm
ông biết, việc tôi làm tôi biết, khỏi phải cải chánh làm gì. Song, cái bệnh
chung của con người là ưa thọ nhận, nên động tới mình là nhận liền để
rồi dính mắc, sanh bao nhiêu thứ phiền não trần lao.
Người tu Phật, không phải chỉ có người mới tu
bị khảo đảo, người này theo phá, người kia theo chọc, mà các vị tu càng cao
khảo đảo càng lắm; mới tu thì khảo đảo ít, tu lâu khảo đảo nhiều. Tại sao
vậy ? Người tu giống như đứa học trò đi học vậy; học lớp 5 thì bài học bài
thi dễ, học lớp 10 thì bài học và bài thì phải khó. Tới lớo 12 thì bài học
và bài thi càng khó hơn nữa; học càng cao chừng nào thì bài học và bài thi
càng khó chừng nấy. Đừng tưởng rằng tu cao rồi mọi việc xảy ra đều như ý
hết. Tu mà muốn mọi việc đều như ý thì đâu có tu. Nói như vậy, nghe hơi lạ !
Tu là chuyển cái dở thành cái hay, chuyển tật xấu thành tánh tốt, nếu mọi
việc đều như ý hết thì đâu có gì chuyển đổi, không chuyển đổi tức là không
tu. Thế nên chúng tu, lâu lâu có người đến chửi, coi có còn giận không. Nếu
còn giận thì tự thấy mình còn dở, phải nổ lực tu hơn nữa để điều phục bệnh
sân giận của mình. còn nếu ai gặp mình cũng xá cũng trọng hết thì đâu có gì
để sửa, không sửa tức là không tu. Như vậy chúng ta tu mà có cơ hội thử
thách thì sức tu của mình mới mạnh. Cho nên nói đến tu là nói đến nhẫn nhục.
Người tu mà không nhẫn nhục thì không có tu. Thí dụ tu mà ai động tới là
chửi, người ta chửi mình một câu, mình chửi lại mười câu, không để
thua một lời thì đâu có tu. Tu là phải có sức chịu đựng, kham nhẫn để chuyển
hóa mình và chuyển hóa người.
Một lần khác, Phật cũng đi giáo hóa ở một làng
Bà-la-môn nọ, số người Bà-la-môn theo Phật rất đông. Thầy bà-la-môn làng này
tức giận lắm. Nhân lúc Phật đi khất thực, ông đi theo sau Phật chửi, Phật
thong thả đi, ông cứ đi theo sau chửi hoài. Đến ngã tư đường Phật lấy tọa cụ
trải trên đất ngồi kiết già, thầy Bà-la-môn chạy lại trước Phật hỏi:
Cù-đàm, ông thua tôi chưa ?
Phật bèn nói kệ:
Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.
Phật dạy người tranh giành để phần mình được
hơn, thì bị kẻ thua oán hận âm mưu ám hại, sẽ khổ. Còn người cảm thấy mình
bị lấn hiếp, bị thua phải ráng nhịn nhục, cho qua hồi nhiễu nhương thì lòng
tức tối, bất an không ăn ngủ được, cũng khổ. Cho nên cả hai ý niệm hơn thua
đều phải buông xả hết thì tâm thần mới được an ổn thoải mái mà ngủ
nghỉ. Chúng ta thấy người giành hơn và kẻ thấy mình thua, cả hai đều chuốc
khổ. Thế nên phải sáng suốt nhìn cho thấu cái lý thật của mọi sự việc đến
hay đi, mà buông xả bỏ qua không buồn không giận. Thế thường người không làm
ác làm quấy, mà bị kẻ xấu miệng cho là ác là quấy thì buồn giận. Và rồi kẻ
làm ác làm quấy bị chê là ác là quấy cũng giận, đó là những người không biết
tu. Đối với người biết tu, lỡ bất giác làm điều ác quấy bị chê là ác quấy,
liền tự tỉnh, nhận lỗi và cám ơn thì mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp. Còn nếu
không làm ác quấy mà bị chê là ác quấy thì người nói ác quấy đ1o là kẻ không
sáng suốt, đầu óc loạn động bất thường, thấy không đúng lẽ thật. Đối với
người không tỉnh, bất thường (điên đảo), có nên đi cự lộn với họ không ? Nếu
chúng ta cự lộn với họ thì chúng ta cũng là kẻ si mê bất thường như họ. Cả
hai trường hợp nếu nhận đúng lẽ thật thì không buồn giận. Trường hợp nếu
mình là người tốt mà bị chê là ác quấy, mình biết mình rõ hơn người biết
mình, nên bình thản cười thôi. Như vậy mình mới còn là người tốt, nếu lúc đó
nổi nóng nói bậy thì thái độ của mình chứng minh mình là kẻ xấu ác rồi. Lâu
nay chúng at xử kỷ tiếp vật đúng hay sai ? Đa số là sai. Nghĩa là mình thấy
mình tốt, ai nói mình xấu, nổi giận liền. Mà đã nổi giận thì xấu chớ tốt sao
được ? Chỉ có người bị chê mà vẫn tươi tỉnh vui vẻ, ai nói sao cũng cười
thì người đó mới trọn vẹn tốt. Đó là nhẫn nhục không có nghĩa gồng mình chịu
đựng, mà dùng trí thấy đúng lẽ thật. Khi thấy đúng lẽ thật rồi, chúng ta mới
có khả năng kham nhẫn được mọi trường hợp bất như ý xảy ra. vậy tất cả người
tu muốn cho tiến bộ, có kết quả tốt là phải có đức nhẫn nhục.
Sau đây tôi nói về hạnh Quán Âm qua ý nghĩa
biểu trưng của tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm chúng ta
thấy có lắm tượng, ở đây tôi chỉ nói ý nghĩa pho tượng phổ thông là Quán Âm
Thanh Tịnh Bình Thùy Dương Liễu. Tượng hình người nữ đứng trên hoa sen, tay
mặt cầm cành dương liễu, tay trái cầm bình thanh tịnh, trong bình đựng nước
cam lồ. Quí Phật tử đi chùa tụng kinh Phổ Môn hằng lạy theo mười hai câu
nguyện, trong đó có câu: “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu, Quán Âm
Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”. Câu nguyện này diễn tả đúng hình tượng Bồ
Tát Quán Thế Âm.
Tại sao tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lại là người
nữ ? Theo kinh Di Đà nói: Người sanh về cõi Cực lạc tuy chưa chứng quả
Thánh, vẫn không có tướng nam tướng nữ. Kinh A-hàm nói: Người nữ có năm
chướng không thể thành Phật. Thế sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại hiện thân người
nữ ?
Bồ Tát quán Thế Âm hiện thân của đức từ bi.
Muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người, không
tình thương nào qua tình thương mẹ thương con, vừa thâm thúy vừa bao la khó
có thể hình dung đo lường được. Cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân là một
người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sanh. Người mẹ dầu bận
công ăn việc làm gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ buông bỏ tất cả vội
vàng chạy lại vỗ về con. Ngài Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa ở
đâu, một khi nghe tiếng kêu than của chúng sanh Ngài liền hiện thân đến an
ủi. Vì thế gọi Ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm, mẹ hiền của tất cả chúng sanh.
Lúc nào cũng lắng nghe tiếng nấc nở từ cõi lòng của đàn con dại đang đắm
chìm trong bể khổ mênh mông, để đến xoa dịu cứu thoát, khiến mọi khổ não đều
được tiêu tan.
Tay mặt Ngài cầm cành dương liễu là tượng
trưng cho đức nhẫn nhục. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ là
tượng trưng cho tâm từ bi. Chỉ có cành dương liễu mới có khả năng mang nước
cam lồ rưới mát chúng sanh.
Dương liễu là loại cây vừa dẻo vừa mềm, gặp
gió mạnh thì uốn mình theo chiều gió, gió dừng là trở về vị trí cũ. Nếu cứng
như cành cây lim, cây gỏ thì gió không thể lay, một khi bị gió lay là phải
gảy. Nếu yếu như cành liễu thì chỉ buông rủ theo chiều gió. Cứng quá,
mềm quá đều không có sức chịu đựng lâu dài. Cành dương liễu nhờ sức mềm dẻo
nên khéo tùy duyên mà không mất vị trí. Tức là tuy chìu theo cảnh mà không
bị cảnh chi phối. Vì thế, cành dương liễu được tượng trưng cho đức nhẫn
nhục. Nhẫn nhục không có nghĩa ai làm sao cũng được, ai bảo gì cũng nghe.
Chính bản chất của nó là kéo tùy thuận người, để hướng dẫn họ theo đường lối
hay lập trường của mình. Tùy thuận mà không bị người chi phối, ngược lại chi
phối được người. Người nhẫn nhục mới trông qua thấy rất yếu hèn, kỳ thật họ
có sức mạnh phi thường, đã tự chiến thắng được tình cảm và phản ứng của bản
năng. Họ đã vượt ra ngoài phạm trù con người phàm tục, nếu lấy con mắt phàm
tục nhìn họ thì không thể nào hiểu nổi. Người chửi ta giận, người đánh ta
đỡ, đó là bản năng tự vệ của tất cả mọi người. Bị chửi mà không giận, bị
đánh mà không đỡ, ấy mới là việc khó làm, phi bậc Thánh giả đâu thể làm
được. hằng ngày chúng ta sống theo tình cảm, theo bản năng, thấy những phản
ứng như vậy cho là phải lẽ, hợp lý. nếu thấy người bị chửi mà không giận,
chúng ta đâm ra bực tức, khi dễ họ, cho là kẻ hèn yếu nhác nhúa. Đâu ngờ,
những kẻ ấy đã đứng trên đỉnh chúng ta, mà chúng ta ở dưới vẫn tự cao tự
đại.
Nước cam lồ là thứ nước rất trong, mát và thơm
ngọt, do hứng ngoài sương mà được. Chữ cam là ngọt, chữ lồ đọc trại chữ lộ,
tức là sương hay mốc. Khi người ta bị nóng bức khô khan, nếu được một giọt
nước cam lồ vào cỗ sẽ thấy ngọt ngào mát rượi. Nước cam lồ tượng trưng cho
lòng từ bi của Bồ-tát. Khi chúng sanh bị lửa phiền não thiêu đốt, thiết tha
cầu cứu nơi Bồ-tát. Ngài sẽ mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại cho người
sự mát mẻ an lành. Chúng ta đang sống trong nhà lửa tam giới, ngọn lửa phiền
não của chúng ta đang cháy rần rần, nếu không có giọt nước từ bi của Bồ-tát,
chắn hẳn tất cả chúng ta đều phải chết thiêu trong lò phiền não.
Từ bi là lòng thương không vụ lợi, không phân
biệt thân sơ, không thấy có quý tiện, lòng thương chân thật bình đẳng. Sự
quí báu cao cả của nó, chỉ có nước cam lồ mới đủ tính cách tượng trưng. Nước
cam lồ chẳng những cứu người qua cơn khát cháy cổ, mà còn đem lại cho người
mùi thơm ngon ngọt dịu. Từ bi chẳng những cứu người trong cơn nguy khốn mà
còn đem lại cho người nguồn an lạc vô biên. Bởi tính chất quí báu vô thượng
của nước cam lồ như vậy, nên phải đựng nó trong cái bình thanh tịnh. Vì của
quí bao giờ cũng được đựng trong món đồ quí.
Bình thanh tịnh là tượng trưng cho ba nghiệp
trong sạch. Chúng ta ôm ấp lòng từ bi muốn ra cứu độ chúng sanh, nếu thân
khẩu ý chưa trong sạch thì khó mong thực hiện lòng từ bi. Nếu cố gắng
thực hiện, một thời gian cũng lạc về danh hay lợi. Ví như người có khoa y
dược sẵn sàng chữa trị bệnh khổ cho người, khi những con bệnh được lành,
đương nhiên có sự đền đáp hay khen ngợi trên báo chí, nếu người ấy ý chưa
trong sạch dễ móng lòng danh lợi. Do đó, dần dần làm hoen ố lòng từ bi. Cho
nên, muốn thực hiện lòng từ bi, điều kiện tiên quyết là ba nghiệp phải thanh
tịnh.
Muốn mang nước cam lồ ra rưới mát chúng sanh
phải dùng cành dương liễu làm phương tiện. Bởi vì chúng sanh trong đời này
nghiệp chướng quá sâu dầy ít khi thấy lẽ phải. Họ chỉ sống theo bản ngã,
sống vì dục vọng của họ, khó ai làm cho họ hài lòng. Dù người ấy sẵn sàng
tiếp giúp họ trong khi khốn đốn, mà họ vẫn không biết ơn, đôi khi còn phản
bội. Người sẵn lòng từ bi ra tế độ chúng sanh, nếu thiếu nhẫn nhục thì sự tế
độ khó được viên mãn. Không phải ai ai cũng sẵn sàng đưa tay cho ta dìu ra
khỏi đường nguy hiểm hết đâu, dù họ là những kẻ mù. Có kẻ tin đưa tay cho ta
dìu đi, song giữa đường vấp phải những hòn đá nhỏ, hay chạm phải những gốc
cây, là họ sừng sộ với ta. Có kẻ dìu đi được một đoạn, họ cho là nhọc nhằn
khổ sở, không muốn đi nữa, rồi kiếm chuyện làm khó dễ ta. Có kẻ không ưng
đưa tay cho ta dìu, lại còn mắng nhiếc ta thậm tệ. Ở những trường hợp đó, dù
ta có thiện chí muốn cứu giúp họ thế mấy, nếu thiếu đức nhẫn nhục, thử hỏi
ta có thể làm được việc gì ? Bởi thế người học đạo từ bi, trước phải tập đức
nhẫn nhục, khi nhẫn nhục được thuần rồimới ra thực hiện từ bi. Chưa tập được
đức nhẫn nhục đã vội ra thực hành hạnh từ bi, chẳng những không làm được
hạnh từ bi, mà lại phát sanh sân hận là khác. Cho nên phải có cành dương
liễu rồi, sau mới nhúng nước cam lồ rưới mát chúng sanh.
Sau đây tôi nhắc câu chuyện cổ tích có liên
quan đến đức Quán Thế Âm để sáng tỏ thêm ý nghĩa nhẫn nhục. Câu chuyện rất
được nhiều người biết đến là Quán Âm Thị Kính. Thị Kính là người đàn bà có
chồng, một hôm chồng đang ngủ, nàng thấy có sợi râu mọc ngược nên lấy kéo
cắt bỏ. Chẳng may bị chồng và gia đình chồng hiểu lầm cho nàng có y ám sát
chồng, nên nàng bị trả về cha mẹ đẻ. Lễ giáo ngày xưa rất nghiêm khắc, người
con gái ở trong gia đình đàng hoàng khi có chồng, mà bị đuổi về là một sự
nhục nhã lớn cho gia đình. Thị Kính đang kham chịu cái nhục này. nếu là hạng
nhi nữ thường tình không chịu nhục nổi thì hủy mình tự tử. Thị Kính không
làm việc đó, giả trai vô chùa tu, đó là bước nhẫn nhục thứ nhất.
Vốn dĩ người có nhiều vẻ đẹp nên khi xuất gia
ở chùa. Thị Kính bị các cô để ý. Thị Mầu là một trong những cố ấy, nàng lại
là đứa con gái không đoan chính thiếu đạo đức. nàng thương Thị Kính,
không được Thị Kính đáp lại nên sanh lòng oán hận, bèn lang chạ với kẻ thất
phu có thai, rồi cáo gian cho Thị Kính là tác giả của bào thai. Thị Kính bị
trị tội đánh đập. Khi bị hành hình nhục nhã tại sao Thị Kính không minh oan
rằng: Tôi là người nữ giả trai đi tu, mà cứ làm thinh chịu ? Bấy giờ không
có chùa Ni mà chỉ có chùa Tăng, nên Thị Kính phải giả trai để được ở chùa.
Nếu khai mình là người nữ thì được tha tội, nhưng về chùa thì không được
chấp nhận cho ở tu chung với tăng. Trường hợp thứ hai Thị Kính nhẫn nhục để
được tu, dù với giá nào cũng phải chịu. Trước Thị Kính cam chịu nhục nhã ở
đời để đi tu. Bây giờ cam chịu mọi hình phạt đau đớn nhục nhã, chờ thả ra để
được về chùa, vì sự tu mà nhẫn như vậy. Hai cái nhẫn này dễ làm hay khó ?
Nếu là chúng ta chắc không chịu nổi.
Nhưng tới lần thứ ba thì tuyệt đỉnh. sau khi
bị đánh đập, tai tiếng không tốt, Thị Kính đã bị nhà chùa nghi không cho ở
trong chùa mà cho ở ngoài hiên. Bấy giờ Thị Mầu sanh con đem bỏ trước hiên
chùa. Nếu không quan hệ máu mủ tình cảm, thì đứa bé khóc mặc nó, nó có ra
sao cũng mặc nó, nào có liên hệ gì với mình ! Thế mà khi thấy đứa bé vô tội
bị bỏ hoang khóc oe oe Thị Kính liền ôm vào nuôi dưỡng. Bây giờ muốn trắng
án chỉ cần không nhận không nhìn đứa bé là được giải oan rồi. Song, thấy đứa
bé bị bỏ hoang, nóng ruột ôm nuôi, như vậy ai Thị Kính trong sạch ? Chính
Hòa Thượng cũng đâm ra nghi ngờ. Tại sao Thị Kính làm như thế ? Vì lòng từ
bi ! Thà cứu một mạng sống mà mình bị khổ, hơn là ngồi yên để mặc cho người
đau khổ. Nuôi đứa bé không dễ dàng. Đã bị dư luận không tốt, lại còn không
phương tiện nuôi dưỡng – không tiền, không sữa, không thức ăn… phải vào
xóm làng để xin. Đi tới đâu cũng bị khinh thường phỉ báng. Thế mà Thị Kính
mặc nhiên ai chửi thì chửi, ai khinh thì khinh, việc nên làm vẫn cứ làm,
ngày ngày vẫn đi xin sữa để nuôi trẻ, mấy năm trời đứa bé mới lớn. Nhẫn như
thế là tột độ rồi. Chúng ta bị mắng một câu đã ngủ không được, còn thị Kính
ngày nào cũng bị miệt khinh, cũng bị chửi mắng mà vẫn cứ an nhiên làm. Công
đức ấy cỡ nào, lòng từ bi bao lớn, đức nhẫn nhục có thiếu không ? Do đức
nhẫn nhục cao tuyệt nên lòng từ bi mới viên mãn. Nhẫn nhục và từ bi viên mãn
thì quả Phật hiện kề. Thực hiện lòng từ bi là phải cam chịu cái khổ, cái xấu
cái nhục… mà không sờn lòng nản chí, biết điều đó là thiện cứu giúp cho
chúng sanh hết khổ thì cứ làm, mặc người đời không biết cứ khen chê mắng
chửi. Được như vậy thì công hạnh mới viên mãn, đạo quả mới thành tựu. Chúng
ta thấy Thị Kính từ cái nhẫn nhục ban sơ, là thay vì khổ nhục quyên sinh thì
trốn đi tu. Lần thứ hai, thay vì minh oan để được trắng án thì chịu nhục,
chịu đòn để được tu. Lần thứ ba không vì danh dự, không vì sống cho
mình mà sống vì người khác, cứu mạng chúng sanh. Khi hạnh nhẫn nhục và lòng
từ bi viên mãn thì đạo quả thành tựu. Bấy giờ Thị Kính được tôn xưng là Bồ
Tát Quán Thế Âm.
Qua câu chuyện Quán Âm Thị Kính, chúng ta thấy
việc tu hành rất cụ thể, muốn thể hiện lòng từ bi là phải thực hiện trọn vẹn
hạnh nhẫn nhục. Nếu thiếu nhẫn nhục thì lòng từ bi khó viên mãn và đạo quả
cũng khó thành tựu. Chúng ta tu muốn thành Phật, muốn thể hiện lòng từ bi mà
không chịu nhẫn nhục, như thế là ăn gian, không thật tu. Người thật tu thì
phải tu nhân như thế mới được quả như thế, chớ tu nhân này mà đòi quả khác
là không được. Chúng ta thấy rất rõ ràng và cụ thể, ai tu hành đến độ cao,
muốn viên mãn đạo quả đều phải kham nhẫn mọi sự khó khổ, đắng cay không sờn
lòng nản chí, thì lòng từ bi mới thể hiện tròn đủ, đạo quả mới viên thành.
Vậy, tất cả người phát tâm tu đều phải học
hạnh nhẫn nhục. Có nhẫn nhục chúng ta mới thành người Phật tử chân chính.
Nếu không nhẫn nhục, người ta nói một câu nặng một, đáp lại một câu nặng gấp
hai, như vậy không phải là người tu. Đáp lại bằng đã không có tu rồi, huống
nữa là hơn. Vì vậy tu là phải nhẫn. Nhẫn không có nghĩa gồng mình chịu, mà
dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật, buông xả mọi hơn thua phải quấy với người,
không cố chấp phiền hận. Người chửi mình, mình không nhận, đó là xả bỏ. Nếu
bị chửi một câu mà nhớ hoài không quên, rồi sanh sân si phiền não thù hằn
tự mình chuốc khổ và làm người khác khổ lây, đó là không nhẫn, không tu. Vậy
tất cả ai tu cũng đều phải thực hành hạnh nhẫn nhục.
]