YẾU CHỈ THIỀN TÔNG
(tt)
V. THIỀN TÔNG VỚI CÁC
KINH ĐẠI THỪA.
Thiền là tâm của Phật, kinh là miệng của
Phật. Đức Phật tâm miệng tương ưng, cho nên đem kinh đối chiếu với Thiền
là một cuộc tao phùng kỳ thú. Kinh Đại thừa quá nhiều, ở đây chúng tôi chỉ
đơn cử năm ba bộ, thường được Phật tử đọc tụng và hiểu biết. Mỗi bộ chúng
tôi chia: liên hệ Thiền sử, chủ đích, đối chiếu chi tiết và toát yếu toàn
bộ.
A. KINH LĂNG-GIÀ
1. Liên hệ Thiền sử:
Tổ Bồ-đề-đạt-ma sau khi truyền y bát cho
Tổ Huệ Khả, Ngài còn trao cho bốn quyển kinh Lăng-già để làm tâm ấn. Cho
nên kinh Lăng-già trong nhà Thiền được coi là một bộ kinh để tâm ấn.
2. Chủ đích:
Câu: “Dĩ tâm vi tông, dĩ vô môn vi pháp
môn” của kinh Lăng-già đã nói lên chủ đích của kinh này rồi. “Lấy tâm làm
chủ, lấy cửa không làm cửa pháp” là toát yếu toàn thể bộ kinh. Cửa vào của
kinh Lăng-già là trí tuệ Bát-nhã thấy các pháp như huyễn, cứu kính của
kinh là nhận ra bản tâm chân thật. Câu này cũng là tông chỉ của Thiền
tông. Chúng ta nghe bài kệ của Bồ-tát Đại Huệ tán thán Phật trong phần tự:
Thế gian lìa sanh diệt
Ví như hoa hư không
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi
Xa lìa chấp đoạn, thường
Thế gian hằng như mộng
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi
Biết nhân, pháp vô ngã
Phiền não và sở tri
Thường thanh tịnh không tướng
Mà khởi tâm đại bi
Tất cả không Niết-bàn
Không Niết-bàn của Phật
Không có Phật Niết-bàn
Xa lìa giác, sở giác
Hoặc có, hoặc không có
Cả hai thảy đều lìa
Quán Mâu-ni tịch tĩnh
Thế là xa lìa sanh
Ấy gọi là chẳ?g thủ
Đời này đời sau tịnh.
Trong bài tán Phật này, thấy rõ chủ yếu
của kinh Lăng-già. Bốn câu đầu, thấy thế gian này chẳng thật có sanh,
chẳng thật có diệt, ví như hoa đốm trong hư không, trí Bát-nhã chẳng kẹt
nơi có nơi không mà khởi tâm đại bi. Bốn câu kế, thấy tất cả pháp như
huyễn, nên xa lìa vọng thức phân biệt, trí Bát-nhã chẳng dính vào có và
không, mà khởi tâm đại bi. Bốn câu tiếp, thấy thế gian như mộng chẳng
thật, phá được cái chấp đoạn kiến và thường kiến, trí Bát-nhã chẳng mắc có
và không, mà khởi tâm đại bi. Bốn câu kế, thấy người vô ngã, pháp vô ngã,
nên phiền não chướng và sở tri chướng thường được thanh tịnh không dấy
khởi, mà phát tâm đại bi. Sáu câu tiếp, không thấy thật có Niết-bàn thì
đâu có Niết-bàn của Phật, cũng không thấy Phật vào Niết-bàn, tức là lìa
được chấp có Phật năng giác và Niết-bàn sở giác, tất cả cái chấp hai bên
thảy đều lìa. Bốn câu chót, phải nhận ra pháp thân tịch tĩnh, là xa lìa
sanh tử, đó gọi là không chấp, muôn đời được thanh tịnh.
Suốt bài kệ có hai mươi sáu câu, hai mươi
hai câu trên là chỉ thẳng cửa không, bốn câu chót chỉ ra tâm thể. Mâu-ni
tịch tĩnh là chỉ Phật pháp thân, pháp thân này nằm sẵn trong chúng sanh,
gọi là Chân tâm hay Phật tánh. Đối chiếu với Thiền tông thì hai mươi hai
câu trên nằm trong hai phần giác ngộ hạ và trung, “vô ngã” và “vô niệm”,
bốn câu sau là phần giác ngộ thượng “tri hữu”. Tóm lại, kinh Lăng-già và
Thiền tông đã đồng hoá nhau, chủ đích kinh Lăng-già là chủ đích Thiền
tông, không còn gì phải so sánh đối chiếu.
3. Đối chứng chi tiết:
Qua một trăm lẻ tám câu hỏi của Bồ-tát Đại
Huệ, đức Phật chỉ trả lời bằng một chữ “phi” hay chữ “bất”. Để rõ ràng câu
trả lời Phật lặp lại câu hỏi rồi đặt vào một chữ “phi” đáp cho tất cả.
Cũng thế, Thiền sư Vô Nghiệp khi có thiền khách đến hỏi bất cứ câu gì,
Ngài cũng trả lời bằng câu: “Chớ vọng tưởng”. Hơn nữa Thiền sư Vân Môn,
mỗi khi đáp câu hỏi của người, Ngài thường dùng một chữ hoặc “cố” hoặc
“giám” hoặc “di”.
Đến phần “Chỉ Phật giác tự chứng, không
thể nói bày”, Phật toát yếu bằng bài tụng:
Ta đêm ấy thành đạo
Đến đêm ấy Niết-bàn
Ở trong khoảng giữa này
Ta trọn không có nói
Duyên tự đắc pháp trụ
Nên ta nói thế ấy
Phật kia cùng với ta
Thảy không có sai biệt.
Trong chỗ tự chứng không thể nói ra được,
có nói ra đều không đúng sự thật. Pháp thân không có tướng mạo, không có
danh tự, dùng danh tự diễn tả, mượn tướng mạo so sánh, đều trái với tự
thể. Cho nên đức Phật nói: “Từ khi thành đạo đến nhập Niết-bàn, trong
khoảng giữa chưa từng nói một câu”. Chỗ không nói một câu đó, để chỉ pháp
thể tự chứng ngoài ngôn ngữ văn tự. Có vị tăng đến hỏi Thiền sư Bảo Triệt:
“Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư lặng thinh. Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền
đến hỏi Hoàng Bá: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Hoàng Bá liền đánh. Lâm Tế
ba phen hỏi là ba phen ăn đòn. Đến đây chúng ta thấy yếu chỉ Phật, Thiền
sư nào có khác nhau. Trên phương tiện, Phật còn dùng lời, Thiền sư chỉ im
lặng hoặc đánh, đều thầm chỉ cái phi ngôn ngữ ấy.
Đoạn nói về Thuyết và Tông, đức Phật kết
thúc bằng bốn câu tụng:
Ta nói hai thứ thông
Tông thông và ngôn thuyết
Thuyết là dạy đồng mông
Tông vì người tu hành.
Thuyết là giáo, tông là thiền; hoặc thuyết
là lời nói, tông là tâm. Ở đây Phật đã nói rõ, người sơ cơ Ngài dùng
thuyết để dạy họ, người đạt đạo tu hành Ngài dùng tông chỉ cho họ. Thế thì
Giáo và Thiền ở trong kinh Lăng-già này, chúng ta thấy hệ trọng dường nào.
Đoạn chỉ Như Lai chẳng sanh chẳng diệt,
không đồng với ngoại đạo, phần kết đức Phật nói tụng, đoạn chót của tụng:
Như thầy trị các bệnh
Không có bao nhiêu luận
Vì bệnh có sai biệt
Nên lập các thứ trị
Ta vì chúng sanh kia
Phá hoại các phiền não
Biết căn kia hơn kém
Vì nói độ môn kia
Phi gốc phiền não khác
Mà có các thứ pháp
Chỉ nói pháp nhất thừa
Ấy tức là Đại thừa.
Phật không lập một pháp cố định nào hết,
chỉ vì bệnh phiền não của chúng sanh có nhiều thứ, tạm bày các độ môn khác
nhau. Như ông thầy thuốc, chỉ tùy bệnh nhân mà cho nhiều toa thuốc khác
nhau. Đến tột cùng gốc của phiền não không có nhiều thứ, chỉ một cái mê
thôi, nên Phật cũng chỉ dạy một thừa là Đại thừa hay giác ngộ. Thiền sư
Đức Sơn thượng đường nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp dạy
người”. Thiền sư Lâm Tế nói: “Ta không có một pháp để chỉ dạy người, cốt
vì họ nhổ đinh tháo chốt thôi”. Thế thì, chúng ta thấy Phật và Thiền sư
chỗ dạy nào có khác nhau.
4. Toát yếu toàn bộ:
Nội dung kinh Lăng-già, đức Phật tạm dựng
lập: tám thức, năm pháp, ba tự tánh, hai vô ngã… Trước giải thích tám
thức: 1. Nhãn thức, 2. Nhĩ thức, 3. Thiệt thức, 4. Tỹ thức, 5. Thân thức,
6. Y Ù thức, 7. Y Ù căn, 8. Tàng thức. Để thấy rõ ý nghĩa của tám thức,
chúng ta hãy nghe bài tụng đức Phật trùng tuyên:
Ví như sóng biển cả
Đây do gió mạnh thổi
Sóng to vỗ biển rộng
Không có khi đoạn dứt.
Biển tàng thức thường trụ
Gió cảnh giới nổi dậy
Lớp lớp các sóng thức
Ào ạt mà chuyển sanh
Các thứ sắc xanh đỏ
Kha, sữa và đường phèn.
Vị lạt các hoa quả
Nhật nguyệt cùng ánh sáng
Chẳng khác không chẳng khác
Nước biển nổi sóng mòi.
Bảy thức cũng như vậy
Tâm cùng hòa hợp sanh
Ví như nước biển đổi
Lớp lớp sóng mòi chuyển
Bảy thức cũng như vậy
Tâm cùng hòa hợp sanh.
Là chỗ tàng thức kia
Bao nhiêu các thứ chuyển.
Là do ý thức kia
Suy nghĩ nghĩa các tướng
Tướng chẳng hoại có tám
Vô tướng cũng vô tướng.
Ví như biển sóng mòi
Thế là không sai biệt
Các thức tâm như thế
Khác cũng không thể được.
Tâm tên gom góp nghiệp
Y Ù tên rộng gom góp
Các thức, thức sở thức
Cảnh hiện thấy nói năm.
Tám câu kệ đầu, Phật nói nguyên nhân có
thức dấy khởi tương tục. Biển cả dụ tàng thức, gió mạnh dụ trần cảnh, sóng
to vỗ dụ cả bảy thức. Biển tàng thức nguyên không có sóng, do ý thức duyên
theo trần cảnh nên sóng bảy thức đều nổi dậy tiếp tục không dứt. Biển tàng
thức là thường trụ, sóng bảy thức nổi dậy lớp lớp khác nhau ào ạt, dấy
động là vô thường.
Mười hai câu kệ kế, bốn câu trước nói tên
các trần cảnh, tám câu sau nói tuy có cảnh, thức dường như khác nhau, song
vẫn không khác nhau, vì cùng tàng thức hòa hợp sanh. Ví như các lượn sóng
khác nhau, mà đồng một thể nước.
Bốn câu tiếp nói, tàng thức là biển chứa
các sóng thức, gốc tại ý thức suy nghĩ phân biệt các tướng, nên các sóng
thức kia nổi dậy.
Sáu câu tiếp nói, tám thức trên giả tướng
thì hoại, mà trên thật thể thì không hoại, vì đồng một thể từ tàng thức
phát sanh. Ví như bao nhiêu lượn sóng trên mặt biển có khi nổi, khi lặn,
tướng có to có nhỏ, song thể nước của các lượn sóng nào có khác nhau và có
mất bao giờ.
Bốn câu kệ chót nói, tàng thức là gom chứa
chủng tử các nghiệp, Y Ù căn mang chủng tử vào tàng thức nên rộng gom góp,
các thức kia duyên theo năm trần cảnh là cái bị phân biệt.
Tóm lại, đức Phật phân chia làm tám thức
là tùy tướng dụng riêng biệt của mỗi cái, thật thể vẫn không khác nhau.
Mọi sự dấy động ào ạt của sóng thức, đều do ý thức chạy theo phân biệt
trần cảnh. Một khi ý thức dừng phân biệt, sóng bảy thức dừng lặng trở về
mặt biển tàng thức trong veo, tướng bất sanh bất diệt hiện tiền. Thế là,
thấy rõ trong tướng sanh diệt, có cái thể bất sanh diệt ngay nơi tám thức.
Trở về thể bất sanh diệt gọi là Như Lai tàng.
Năm pháp tức là: Danh, tướng, phân biệt
(giác tưởng), chánh trí, như như. Bởi phân biệt danh và tướng nên tạo
nghiệp thọ khổ trong sanh tử luân hồi. Biết rõ danh, tướng không thật,
duyên hợp, như huyễn hóa, vọng tưởng phân biệt cũng hư giả, là chánh trí.
Do chánh trí thấy rõ thật tướng của danh, tướng và phân biệt, nên không
duyên chấp, trở thành như như. Vì thế, danh, tướng và phân biệt là chiều
mê; chánh trí, như như là lối giác. Phân biệt là động cơ chính của mê,
chánh trí là động cơ chính của giác.
Ba tự tánh chính là: Biến kế sở chấp tánh,
y tha khởi tánh và viên thành thật tánh. Biến kế sở chấp tánh là chạy theo
danh tướng, bám chặt vào nó. Danh tướng không thật mà lầm chấp là thật,
đeo đuổi mãi không thôi. Y tha khởi là biết danh tướng, do duyên hợp mà
có, mỗi pháp đều không có tự tánh, phải nương pháp khác mới sanh khởi
được. Bởi biết các pháp do duyên khởi nên dứt cái lầm chấp của biến kế,
trở về viên thành thật. Trong ba tánh, biến kế là chấp sai lầm, y tha thấy
được duyên khởi, viên thành hoàn toàn chân thật. Chúng ta hãy nghe bài
tụng của Phật, liên hệ cả năm pháp và ba tự tánh:
Danh, tướng giác tưởng
Chánh trí, như như
Tự tánh hai tướng
Ấy là thành tướng.
Bài kệ này, hai câu trên chỉ cho năm pháp,
hai câu dưới chỉ cho ba tự tánh. Ba tự tánh không lìa năm pháp, biến kế
tương đương với giác tưởng, y tha tương đương với chánh trí, viên thành
tương đương với như như. Biến kế sở chấp là chấp cái gì? Tức là chấp danh,
tướng. Y tha khởi là biết cái gì? Cũng biết danh, tướng. Thế là năm pháp
và ba tự tánh không rời nhau.
Hai vô ngã tức là: Nhân vô ngã, pháp vô
ngã. Nơi người không chấp thật ngã, nơi pháp không chấp thật ngã. Phá được
hai thứ chấp ngã này, quả là người giác ngộ. Phật toát yếu hai vô ngã như
sau:
Khéo biết hai vô ngã
Hai chướng phiền não đoạn
Hằng lìa hai thứ tử
Ấy gọi tri giác Phật.
Người khéo biết hai thứ vô ngã, tức lìa
được hai chướng, phiền não và sở tri, dứt hẳn được hai thứ tử, phần đoạn
và biến dịch. Thấy biết được như vậy là cái thấy biết của Phật.
Tóm lại bộ kinh Lăng-già là tâm ấn của
thiền gia, bao nhiêu lời kinh là bao nhiêu ý thiền, kinh và thiền còn chỗ
nào không tương ưng nhau. Chỉ tại người tu thiền cũng như kẻ học kinh
không nỗ lực nghiên cứu trở thành mờ mịt ấy thôi.
B.
KINH KIM CANG
1. Liên hệ Thiền sử:
Lục Tổ Huệ Năng khi còn là cư sĩ, gánh củi
vào nhà người mua, nghe nhà bên cạnh tụng kinh Kim Cang, Ngài liền có
tỉnh. Sau đó Ngài đi xuất gia tìm đến Ngũ Tổ. Khi được Ngũ Tổ cho vào
thất, cũng đem kinh Kim Cang giảng cho Ngài nghe. Nghe đến câu: “Ưng vô sở
trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền đại ngộ. Được Ngũ Tổ truyền y bát và tiễn
đi trong đêm ấy.
2. Chủ đích:
Chủ đích kinh Kim Cang chỉ nằm trong hai
câu hỏi của Tôn giả Tu-bồ-đề: “Khi người nam lành, người nữ lành phát tâm
cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao an trụ? Làm sao hàng phục tâm
ấy?”.
Đức Phật trả lời hàng phục tâm tóm lược
bằng cách độ tất cả chúng sanh (vọng tưởng) vào Vô Dư Niết-bàn, mà không
thấy có chúng sanh (vọng tưởng) được diệt độ, vì không còn thấy có bốn
tướng. Nói một cách dễ hiểu hơn, đưa tất cả vọng tưởng vào chỗ vô sanh, vì
mọi chấp ngã đều sạch.
Phật trả lời về an trụ tâm rằng: “Bồ-tát
nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là không trụ sắc bố thí,
không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí”. Nói một cách dễ hiểu,
Bồ-tát nên buông xả, không dính mắc, buông xả sáu trần không dính mắc
tướng. Chữ bố thí là buông xả, chữ trụ là dính mắc.
Thế là, người phát tâm cầu thành Phật,
muốn hàng phục và an trụ, cần phải đưa tất cả vọng tưởng vào vô sanh,
buông xả sáu trần không dính mắc tướng. Tóm lại, ngoài không dính mắc năm
trần, trong không theo vọng tưởng, đó là hàng phục tâm và an trụ tâm. Thế
thì, chủ đích kinh Kim Cang với chủ đích Thiền tông nào có khác. Người tu
thiền muốn được hằng sống với tánh giác thì trong không theo vọng tưởng,
ngoài không mắc năm trần. Bởi lẽ đó, Lục Tổ nghe đến câu “Ưng vô sở trụ
nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ đạo.
3. Đối chứng chi tiết:
Trong phần mười bảy “Cứu kính vô ngã”, có
đoạn Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề: “Này Tu-bồ-đề! Thật không có pháp Như Lai
được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho ta…”
Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn thượng đường, có vị tăng hỏi: “Hòa thượng ở
chỗ Đức Sơn (thầy của Tuyết Phong) được pháp gì về đây dạy chúng?” Tuyết
Phong đáp: “Ta khi xưa đi tay không, về tay không.” Quả thật, nếu thấy có
pháp sở đắc tức là có ngã nhân rồi. Thế nên, chỗ thấy của Thiền sư nào có
khác chỗ thấy của Phật. Chẳng những không có pháp sở đắc, cũng không có
pháp để nói. Trong phần hai mươi mốt “Phi thuyết sở thuyết”, Phật bảo tôn
giả Tu-bồ-đề: “Này Tu-bồ-đề! Ông chớ nói Như Lai nghĩ thế này: ‘Ta sẽ có
pháp để nói’, chớ nghĩ thế ấy. Vì cớ sao? Nếu người nói Như Lai có pháp để
nói, tức là phỉ báng Phật, không thể hiểu chỗ ta nói. Này Tu-bồ-đề! Nói
pháp, không pháp để nói, ấy gọi là nói pháp…”. Đây thật phù hợp với tinh
thần Thiền tông, không thấy có một pháp để cho người, song hằng thượng
đường thuyết pháp.
Phần thứ hai mươi sáu “Pháp thân phi
tướng”, Phật hỏi Tôn giả Tu-bồ-đề: “Này Tu bồ-đề! Y Ù ông nghĩ sao, có thể
do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai chăng?” Tu-bồ-đề thưa: “Như thế, như
thế, do ba mươi hai tướng mà xem Như Lai.” Phật bảo: “Này Tu-bồ-đề! Nếu do
ba mươi hai tướng mà xem Như Lai thì vua Chuyển Luân tức là Như Lai…”. Như
Lai ở đây là pháp thân Phật. Nếu người chấp vào thân có đủ ba mươi hai
tướng cho là thân Phật thì vua Chuyển Luân có đủ ba mươi hai tướng, ắt là
Phật rồi sao? Chính kinh Kim Cang Phật nói rõ Phật là tánh giác, chớ không
phải thân xác thịt. Thế là kinh này với cái nhìn của Thiền tông về đức
Phật nào có khác nhau.
4. Toát yếu toàn bộ:
Toàn bộ kinh Kim Cang chỉ gọn ghẽ nằm
trong hai câu hỏi của Tôn giả Tu-bồ-đề, bằng một điệp khúc “hàng phục tâm
và an trụ tâm”. Chúng ta muốn thấy rõ ý trả lời của Phật có thể đúc kết
trong hai bài kệ này. Chúng ta sắp ngược thứ tự để thấy ý rõ hơn:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bóng, bọt
Như sương cũng như điện
Nên khởi quán như thế.
Phật dạy chúng ta nên khởi quán tất cả
pháp hữu vi như giấc mộng huyễn hóa, hòn bọt, cái bóng, sương mù, điện
chớp. Pháp hữu vi là những cái có hình tướng, có động tác, tóm lại là sáu
trần bên ngoài, sáu căn nơi thân và sáu thức bên trong. Nếu chúng ta thấy
căn, trần, thức đều là mộng huyễn… thì phá được cái ngu si chấp ngã nơi
thân, chấp ngã trong tâm và chấp pháp bên ngoài. Dùng trí tuệ Bát-nhã hằng
soi sáng như vậy tức là đã vào cửa Thiền tông.
Bài kệ tiếp:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thinh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nếu do sắc thấy ta
Do âm thanh cầu ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai.
Phật nói kinh là vì chúng sanh chớ không
vì Phật. Chữ Như Lai ở đây là chỉ pháp thân Phật, chính là tánh giác sẵn
có nơi mọi chúng sanh. Nếu chạy theo sắc tướng thanh âm mà cầu Phật, tức
là cầu Phật ngoài tâm. Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo, nên nói: “Người ấy
hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”. Phật muốn chỉ thẳng cho chúng ta
thấy Phật là tánh giác thường hằng của mọi người. Đức Thích-ca do ngộ tánh
giác ấy được thành Phật. Mọi người chúng ta muốn cầu Phật phải xoay lại
tánh giác của chính mình liền thấy Phật. Chạy theo Phật bằng hình sắc,
thanh âm là Phật bên ngoài, Phật sanh diệt. Đã sanh diệt là vô thường, còn
bị vô thường tức còn luân hồi, làm sao giác ngộ giải thoát mà gọi là Phật.
Chỉ có pháp thân vô tướng, hằng giác, chẳng sanh chẳng diệt. Phật Thích-ca
đã chứng được, chúng ta có cầu nên cầu thẳng nơi đó liền thấy Như Lai.
Thấy Như Lai tức nhận được tánh giác, sống với ông chủ của chính mình, đây
là chỗ giác ngộ cứu kính của nhà thiền. Thế nên, Lục Tổ nghe đến đoạn
“Chẳng nên dính nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên dính thanh, hương, vị, xúc,
pháp mà sanh tâm, nên không có chỗ dính mắc mà sanh tâm Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác” (Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc
pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm) liền được thấy pháp thân
thanh tịnh của chính mình. Chỗ ngộ của Lục Tổ và bài kệ ngắn này, chúng ta
thấy Phật dạy nào có khác. Chỉ vì chúng ta ngu mê ám chướng, nên lời Phật
dạy tỏ rạng như ban ngày mà chúng ta đọc mờ mịt không hiểu, có khi hiểu
lệch lạc, trở thành xuyên tạc Phật là khác. Chính vì thế, có người nghe
bài kệ này rồi quở trách trong chùa tại sao còn thờ Phật tượng là sắc
tướng, tại sao còn đánh chuông gõ mõ, tụng kinh là âm thanh, quả là hành
đạo tà không thể thấy Phật. Thế rồi làm sao để thấy Phật đây? Họ lại mờ
mịt không hiểu. Đó là xuyên tạc Phật. Nếu nhân Phật tượng để nhớ lại tánh
giác, nhân tụng kinh để dừng vọng niệm không chạy theo sáu trần, có lỗi
gì?
Tóm lại, bài kệ trước là hàng phục tâm,
bài kệ sau là an trụ tâm của Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi. Hai bài kệ đã đầy đủ ý
nghĩa của toàn quyển kinh.
C. KINH LĂNG NGHIÊM
1. Liên hệ Thiền sử:
a) Thiền sư Tông Nhất pháp danh Sư Bị ở
Huyền Sa. Sư nhập thất quên mất sớm chiều, lại xem kinh Lăng Nghiêm phát
minh tâm địa. Do đó Sư ứng đối lẹ làng cùng kinh điển phù hợp. Những vị
huyền học ở các nơi chưa giải quyết nghi ngờ đều đến cầu Sư chỉ dạy.
b) Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai phái Trúc
Lâm Việt Nam. Sư được Điều Ngự thu làm đệ tử, dạy Sư đến tham vấn Hòa
thượng Tánh Giác ở Quỳnh Quán. Ở đây Sư tìm đủ cách thưa hỏi mà vẫn không
khai ngộ. Sư tự đọc bộ kinh Lăng Nghiêm đến bảy chỗ hỏi tâm và đoạn dụ
khách trần, xem đi xem lại nhiều lần, bỗng nhiên Sư có chỗ vào.
2. Chủ đích:
Chủ đích kinh Lăng Nghiêm, Phật cốt chỉ ra
cho hội chúng biết mọi người đều có tánh giác trong sáng, gọi là tánh giác
diệu minh hay Như Lai tạng hoặc Chân tâm. Tánh giác này phát sáng nơi sáu
căn, nên nói: “Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp”. Song chúng sanh quên tánh
giác này, chạy theo sáu căn, phân biệt sáu trần, nên bị luân hồi sanh tử.
Muốn ngộ tánh giác phải nương cái sáng từ sáu căn phát ra mà trở về. Đây
là chân lý muôn đời của chư Phật. Cho nên chư Phật ở mười phương, nhiều
như số vi trần, khác miệng đồng lời, bảo Tôn giả A-nan: “Lành thay A-nan!
Ông muốn biết ‘câu sanh vô minh’, cái gốc khiến ông luân hồi sanh tử, chỉ
là ‘sáu căn của ông’, không có gì khác. Ông muốn biết ‘vô thượng bồ-đề’,
khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng chính
là ‘sáu căn của ông’, không có vật nào khác”.
Sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là
gốc giải thoát, nguyên nhân tại sao sai biệt như vậy? Chúng ta hãy nghe
Phật nói: “Tri kiến mà lập tri là gốc vô minh; tri kiến mà không kiến đây
là Niết-bàn” (Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức
Niết-bàn). Trong cái thấy biết, chạy theo phân biệt là gốc vô minh; trong
cái thấy biết, không phân biệt là Niết-bàn. Đó là con đường trở về tánh
giác. Trong sáu căn, ở đây đặt nặng tánh nghe nhiều hơn. Cho nên trong
phần chọn lựa căn để tu, Ngài Văn Thù có đoạn nói: “Đại chúng và A-nan!
Bảo các ông xoay cơ quan nghe, trở lại nghe cái tánh nghe, là thành đạo Vô
thượng. Viên thông thật như thế, đây là con đường vào cửa Niết-bàn của chư
Phật nhiều như số vi trần. Chư Phật đời quá khứ cũng từ cửa này thành tựu.
Chư Bồ-tát hiện tại đều vào viên minh và những người tu học đời vị lai
cũng y pháp như thế”.
Phật và Bồ-tát đều xác nhận “Nghe lại tánh
nghe của mình” là con đường vào cửa Niết-bàn. Đây là lối tu trở về tánh
giác, do kinh này chủ trương. Tu như thế, tức là “Tự tánh thanh tịnh
thiền” của Thiền tông.
3. Đối chứng chi tiết:
Chủ yếu của kinh Lăng Nghiêm là từ “Nhất
tinh minh sanh lục hòa hợp”. Thiền sư không nói danh từ kinh, song lúc nào
cũng sống và thực hiện đúng như vậy. Chúng ta hãy nghe lời đối đáp của
ngài Dược Sơn với Thiền sư Đàm Thạnh. Dược Sơn hỏi: “Ta nghe ngươi biết
làm sư tử múa phải chăng?” Sư thưa: “Phải.” Dược Sơn hỏi: “Múa được mấy
xuất?” Sư thưa: “Múa được sáu xuất.” Dược Sơn nói: “Ta cũng múa được.” Sư
hỏi: “Hòa thượng múa được mấy xuất?” Dược Sơn đáp: “Ta múa được một xuất.”
Sư nói: “Một tức sáu, sáu tức một.” Qua mấy câu đối đáp này, có thấy đạo
lý gì đâu, tuy nhiên tràn trề đạo lý trong ấy.
Kinh Lăng Nghiêm đã dạy “sáu căn là gốc
luân hồi, sáu căn cũng là gốc Niết-bàn”. Người muốn trở về chân tánh,
không có lối nào khác hơn là phải nương vào sáu căn. Thiền sư chỉ dạy lối
này rất linh động và đơn giản: Thiền sư Huệ Tịch đến phiên chăn trâu dưới
sườn núi, thấy một vị tăng lên núi, không bao lâu lại xuống. Sư hỏi:
“Thượng tọa sao không lưu lại trong núi?” Tăng nói: “Chỉ vì nhân duyên
chẳng hợp.” Sư hỏi: “Có nhân duyên gì thử nói xem.” Tăng nói: “Hòa thượng
hỏ? tôi tên gì? Tôi đáp Qui Chân, Hòa thượng hỏi Qui Chân ở đâu? Tôi đáp
không được.” Sư bảo: “Thượng tọa trở lên thưa với Hòa thượng, con nói
được. Hòa thượng hỏi nói thế nào thì nên đáp trong mắt, trong tai, trong
mũi…” Vị tăng trở lại nói đúng như Sư dạy. Qui Sơn quở: “Kẻ nói suông vô
ích, đây là lời bậc Thiện tri thức của năm trăm người”. Hỏi tên Qui Chân ở
chỗ nào, chỉ thẳng trong mắt, tai, mũi… quả thật đã giải thích sáu căn là
gốc bồ-đề Niết-bàn vậy.
Thiền sư Thiệu Long đến tham vấn Viên Ngộ.
Viên Ngộ dẫn một câu trong kinh Lăng Nghiêm nói: “Kiến kiến chi thời, kiến
phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập”, liền đưa tay lên hỏi:
“Thấy không?” Sư thưa: “Thấy.” Viên Ngộ bảo: “Đầu lại thêm đầu.” Viên Ngộ
hỏi tiếp: “Thấy cái gì?” Sư thưa: “Tre dày không ngại nước chảy qua.”
(Trúc mật bất phòng lưu thủy quá.) Viên Ngộ gật đầu. Nguyên văn câu kinh
đại khái nói: “Khi thấy được cái bị thấy, cái hay thấy chẳng phải là cái
bị thấy, cái hay thấy vẫn xa rời cái bị thấy, cái bị thấy không thể theo
kịp”. Thiền sư liền đưa tay hỏi: “Thấy không?” Thông thường ai cũng bảo là
thấy. Nói thấy, Thiền sư bảo: “Đầu lại thêm đầu.” Tại sao? Nếu chỉ thấy
khi cái tay đưa lên, lúc tay không đưa lên là chẳng thấy sao? Muốn nghiệm
kỹ là người bị vật chuyển hay đã chuyển vật, Thiền sư hỏi: “Thấy cái gì?”
Nếu là người bị vật chuyển như chúng ta, nhất định phải đáp: “Thấy cái
tay.” Song Thiền sư lại đáp: “Tre dày không ngại nước chảy qua.” Tại sao
thế? Bởi vì Thiền sư khi thấy vật vẫn không quên tánh thấy của mình, như
có tre mà nước vẫn chảy. Quả là người chuyển được vật, nên Viên Ngộ gật
đầu. Thế là Thiền sư đã giải thích kinh và ứng dụng kinh một cách tài
tình.
Lại một đoạn trong kinh:
Phật ở trong đại chúng đưa tay lên nắm lại
xoè ra, nắm lại xoè ra, hỏi A-nan: “Nay ông thấy cái gì?” A-nan thưa: “Con
thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe nắm.” Phật bảo A-nan:
“Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, hay cái thấy của ông có xòe nắm?”
A-nan thưa: “Tay trăm báu của Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm, con thấy tay
Như Lai tự xòe nắm, chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm.” Phật hỏi:
“Cái nào động, cái nào tịnh?” A-nan thưa: “Tay Phật động, tánh thấy của
con còn không có tịnh, huống là động.” Phật khen: “Đúng thế.”
Thuật đưa tay lên để chỉ tánh thấy, trong
nhà thiền ứng dụng rất tinh vi mà không giải thích. Chẳng những đưa tay,
hoặc dựng cây phất tử, hoặc đưa cây gậy, hoặc chiếc gối… Đây vài hình ảnh
của Thiền sư chỉ tánh thấy trong chớp nhoáng, người chậm lụt không sao
thấy kịp: Thiền sư Tùng Chí ở Kim Phong, đứng trước chúng đưa chiếc gối
lên bảo: “Tất cả người gọi là chiếc gối, Kim Phong nói chẳng phải.” Tăng
thưa: “Chẳng biết Hòa thượng gọi là gì?” Sư cầm chiếc gối đưa lên. Tăng
thưa: “Như thế thì y đó mà hành.” Sư hỏi: “Ngươi kêu là gì?” Tăng thưa:
“Chiếc gối.” Sư nói: “Rơi trong hang Kim Phong.” Lại, Thiền sư Vân Môn đưa
cây gậy lên trước chúng bảo: “Phàm phu gọi nó là thật, Nhị thừa phân tích
gọi nó là không, Duyên giác gọi nó là huyễn có, Bồ-tát thì đương thể tức
không, Thiền gia thì thấy cây gậy gọi là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ
ngồi, không được động đến.” Mọi người nghe thấy đều mắc kẹt ở những câu
giải thích sau, ít ai thấy được cây gậy của Vân Môn. Cây gậy ấy chỉ là cây
gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến. Đâu không phải câu
giải thích của ngài A-nan “Tay Phật động, tánh thấy của con còn không có
tịnh, huống là động”.
Một đoạn kinh:
Phật bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông,
hỏi A-nan: “Hiện giờ ông có nghe chăng?” A-nan và đại chúng đồng thưa:
“Chúng con nghe.” Tiếng chuông bặt dứt. Phật lại hỏi: “Hiện giờ các ông
nghe chăng?” A-nan cùng đại chúng đồng thưa: “Chẳng nghe.” La-hầu-la lại
đánh một tiếng chuông, Phật hỏi: “Hiện giờ các ông nghe chăng?” A-nan cùng
đại chúng đáp: “Nghe.” Phật hỏi A-nan: “Ông tại sao nghe?”. A-nan cùng đại
chúng đồng bạch Phật: “Nếu đánh chuông có tiếng thì chúng con nghe, đánh
lâu tiếng bặt âm vang dứt hết thì gọi không nghe…” Phật bảo: “Này A-nan!
Tiếng bặt không còn âm vang, ông nói không nghe, nếu thật không nghe thì
tánh nghe đã diệt, giống như cây khô, lại đánh một tiếng chuông thì ông
làm sao mà biết? Biết có biết không chính là thanh trần hoặc có hoặc
không, đâu phải tánh nghe kia là có là không. Nếu tánh nghe thật không thì
ai biết nó không? Thế nên, A-nan! Tiếng ở trong tánh nghe tự có sanh diệt,
chẳng phải tánh nghe của ông do tiếng có tiếng không mà nó thành có thành
không…”
Đoạn kinh này Phật chỉ tánh nghe thật quá
rõ ràng. Thiền sư cũng chỉ tánh nghe mà rất ẩn mật. Thiền sư Tuyết Phong
Nghĩa Tồn đi tham vấn Thiền sư Đại Đồng Đầu Tử, từ giã ra về. Đầu Tử tiễn
ra cửa, liền gọi: “Đạo giả!” Tuyết Phong ngoái đầu lại: “Dạ!” Đầu Tử bảo:
“Đi đường vui vẻ.” Lại một Thiền sư cũng chỉ như thế. Có sứ thần đến viếng
Thiền sư Đạo Minh (Trần Tôn Túc). Sứ thần hỏi: “Ba cửa đều mở, từ cửa nào
vào?” Sư gọi: “Thượng thơ!” Sứ thần ứng thinh: “Dạ!” Sư bảo: “Từ cửa tín
vào.” Sứ thần nhìn lên vách thấy tượng vẽ, hỏi: “Hai tôn giả đối mặt luận
việc gì?” Sư gõ cây cột nói: “Trong ba thân cái nào chẳng nói pháp?” Đây
là những thuật dạy rất nhanh và rất kín của Thiền sư, muốn cho người hỏi
ngộ được tánh nghe mà không dùng lời giải thích.
Để thấy rõ kinh Lăng Nghiêm là chánh thống
Thiền tông, chúng ta đọc bài kệ của Tôn giả A-nan, sau khi đốn ngộ, tán
Phật:
Diệu trạm tổng trì bất động tôn
Thủ Lăng Nghiêm vương thế hi hữu
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân
Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thâm tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân
Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập
Như nhất chúng sanh vị thành Phật
Chung bất ư thử thủ nê hoàn
Đại hùng đại lực đại từ bi
Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc
Linh ngã tảo đăng Vô thượng giác
Ư thập phương giới tọa đạo tràng
Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong
Thước-ca-ra tâm vô động chuyển
Đấng diệu trạm tổng trì bất động
Kinh Thủ Lăng Nghiêm đời ít có.
Con sạch ức kiếp tưởng điên đảo,
Chẳng trải tăng kỳ được pháp thân.
Nay nguyện được thành quả Bảo vương.
Trở lại độ như hằng sa chúng
Đem thâm tâm này thờ trần sát
Đây mới gọi là đáp Phật ân.
Lại xin Thế Tôn vì chứng minh
Đời ác ngũ trược thề vào trước,
Còn một chúng sanh chưa thành Phật
Con quyết nơi đây chẳng Niết-bàn.
Đấng đại hùng đại lực đại từ bi
Mong lại xét trừ hoặc vi tế,
Khiến con sớm được Vô thượng giác,
Nơi cõi muời phương ngồi đạo tràng.
Hư không dù có thể tiêu vong
Tâm kiên cố con không động chuyển.
Bốn câu đầu, nhờ Phật pháp Ngài đốn ngộ,
thấy pháp thân. Bốn câu kế, Ngài nguyện được thành Phật, trở lại độ chúng
sanh và phụng thờ chư Phật, ấy là đền ơn Phật. Bốn câu tiếp, cầu Phật
chứng minh con xông vào đời ngũ trược này trước nhất để độ chúng sanh. Bốn
câu kế, xin Phật xét kỹ trừ sạch hoặc vi tế cho con để con sớm được thành
Phật. Hai câu sau, khẳng định dù hư không có tan nát, tâm kiên cố của con
cũng chẳng động.
Thiền tông chủ trương kiến tánh khởi tu
hay đốn ngộ tiệm tu. Trường hợp ngài A-nan quả đúng như thế. Trước nhờ
Phật và pháp nên thấy được pháp thân, đây là Kiến tánh. Thấy được pháp
thân rồi mới biết cách đền ơn Phật, biết thương xót chúng sanh, nên phát
tâm đại bi. Song còn những thứ hoặc vi tế cần phải tiệm tu mới sạch. Sau
cùng thệ quyết trên đường tu không còn thối chuyển. Quả là Thiền và Kinh
hội ngộ trong bài kệ này.
4. Toát yếu toàn bộ:
Toàn bộ kinh Lăng Nghiêm, chúng tôi tóm
lược chia thành hai phần chánh: “kiến tánh, khởi tu” hay “đốn ngộ, tiệm
tu”. Trong hai phần này lại chia vài phần nhỏ. Kiến tánh: biết giả, nhận
thật. Khởi tu: tu chánh, tu phụ và biết ma.
a. Kiến tánh hay đốn ngộ:
Kiến tánh tức là nhận ra được Pháp thân.
Pháp thân chính là bản thể chân thật của chúng sanh. Trước khi chỉ ra cái
thật, đức Phật phá mọi lầm chấp những thứ hư giả.
Mở đầu vào cuộc đối thoại, đức Phật hỏi
Tôn giả A-nan lý do gì đi xuất gia. Tôn giả A-nan thưa rằng: “Vì ưa thích
thân ba mươi hai tướng tốt của Phật nên phát tâm xuất gia.” Phật hỏi
A-nan: “Lấy cái gì thấy thân ba mươi hai tướng? Lấy cái gì ưa thích?” Tôn
giả A-nan trả lời: “Do mắt thấy thân Phật, tâm sanh ưa thích.” Thế là bước
vào bảy chỗ hỏi tâm, khiến Tôn giả A-nan đi đến tận cùng chỗ chấp, quả
nhiên tâm ấy không thật. Kế Phật chỉ cảnh và thân là tướng dao động sanh
diệt, mà tánh thấy chưa bao giờ dao động. Từ đây Phật vừa phá chấp giả,
đồng thời chỉ cái thật. Cái giả là thân và cảnh, cái thật là tánh thấy.
Cho đến “tám thứ trả về” (bát hoàn) cũng cốt chỉ tiền trần hư giả, tánh
thấy chân thật. Kể cả ngũ ấm, thập bát giới, thất đại đều là tướng hư giả,
theo nghiệp ứng hiện, gốc từ Như Lai tạng lưu xuất. Như Lai tạng là thể
chân thật, ví như mặt trăng thật. Tánh thấy gần kề cái chân thật ấy, song
chưa hoàn toàn thật, ví như mặt trăng thứ hai, do ấn con mắt thấy. Đến
đây, Tôn giả A-nan nhận ra được bản tánh, nói kệ trình bày sở ngộ.
b. Khởi tu hay tiệm tu:
Phần tu chánh, Phật chỉ rõ sáu căn là nhân
luân hồi, sáu căn cũng là nhân giải thoát. Trong sáu căn chọn một căn viên
thông, tu hành chóng thành đạo. Ví như cái khăn có sáu gút, một gút mở,
sáu gút đồng thời xổ ra. Kế Phật bảo hai mươi lăm vị thánh trình bày chỗ
tu chứng của mình. Rốt sau Phật dạy Bồ-tát Văn Thù chọn lựa căn nào viên
thông và phù hợp với cõi này. Bồ-tát Văn Thù chọn qua, sau cùng thừa nhận
“nhĩ căn” là viên thông hơn cả. Đây là lối tu “Phản văn văn tự tánh” của
Bồ-tát Quán Thế Âm. Yếu điểm tu hành của Bồ-tát Quán Thế Âm là: “Ban đầu ở
trong cái nghe, vào dòng quên cái bị nghe. Chỗ vào đã lặng lẽ thì hai
tướng động tịnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế, tiến lên dần dần, cái hay
nghe và bị nghe đều mất, cũng không trụ chỗ mất. Cái năng giác và sở giác
không. Cái không giác hoàn toàn tròn, không và sở không đều diệt. Sanh
diệt đã diệt thì tịch diệt hiện tiền”. Bồ-tát Văn Thù khuyến khích đại
chúng và A-nan rằng: “Xoay cơ quan nghe của ông, trở lại nghe tánh nghe
của mình, thành tựu tánh nghe là đạo Vô thượng. Viên thông thật như thế.
Đây là con đường vào cửa Niết-bàn của chư Phật như số vi trần…”
Lối tu “Phản văn văn tự tánh” có lắm người
hiểu sai lầm, tu không tiến, trở lại thành bệnh. Bởi vì cứ nghĩ rằng xoay
cái nghe trở lại tánh nghe của mình, rồi họ ngồi yên nghe trở lại trong
hông ngực, lâu ngày thành thổ huyết. Chữ “phản” ở đây có nghĩa là ngược
lại, thay vì từ thuở nào đến giờ, chúng ta thả xuôi cái nghe chạy theo âm
thanh, có âm thanh là có nghe, không âm thanh cho là không nghe, quên mất
tánh nghe thường còn của mình. Nay đây, mỗi khi nghe âm thanh, chúng ta
biết mình có tánh nghe, bao nhiêu âm thanh liên tục bên tai, ta không chạy
theo chúng, chỉ nhớ mình đang có tánh nghe, nghe tất cả. Nhớ tánh nghe là
không nhớ thanh trần. Tánh nghe thì thường hằng, thanh trần vì động tịnh
nên sanh diệt. Hằng nghe là giác tri, chính nó hiện tướng của tánh giác.
Sống với tánh nghe là sống với hiện tướng của tánh giác chân thật, nên gọi
là con đường vào cửa Niết-bàn. Trọn ngày chúng ta đi đứng nằm ngồi có bao
nhiêu âm thanh vang tai, chúng ta chỉ vui vẻ nhẹ nhàng nhớ mình có tánh
nghe đang nghe mọi âm thanh. Khi tọa thiền cũng thế, từ tiếng tích tắc
đồng hồ, tiếng thằn lằn chắc lưỡi, tiếng gió rì rào bên ngoài…, chúng ta
đều nghe, mà chỉ nhớ mình đang có tánh nghe, chớ không chạy theo tiếng để
phân biệt. Đây là thuật “Phản văn văn tự tánh”. Chẳng những nghe thôi, mà
cả thấy, ngửi, nếm, xúc chạm đều có thể “phản văn” được hết. Đó là lối tu
“Tự tánh thanh tịnh thiền” của Thiền tông. Sống với tánh nghe của chúng
ta, tức là trở về nguồn giác, nên gọi là “vào dòng” (nhập lưu). Hằng nhớ
tánh nghe thì lơ là với âm thanh, gọi là “quên cái bị nghe” (vong sở).
Sống thuần thục với tánh nghe rồi thì hai tướng động tịnh chẳng sanh. Cho
đến năng giác sở giác đều không, mọi thứ đối đãi dứt bặt, chỉ còn một tánh
giác tịch tĩnh như như. Thế là đạt đạo viên mãn. Tuy nhiên như thế, cũng
cần có phần trợ giúp mới chóng viên thành.
Phần tu phụ, chánh yếu là trở về tánh
giác, song nhờ có sự phụ trợ để vô minh vi tế chóng sạch. Trong kinh phần
phụ dạy phải gìn giữ giới luật. Có giữ giới luật người tu thiền mới viên
mãn quả giải thoát. Nếu tu thiền mà không có giới luật, tùy sự tu hành cao
thấp, hoặc sanh làm quỉ thần, hoặc sanh vào các cõi trời. Tu thiền mà có
giới luật là đi đúng đường của đức Phật dạy, sớm muộn gì cũng đến Phật
quả.
Nếu người tu có nhiều ma chướng, Phật dạy
có thể trì thần chú Lăng Nghiêm phụ giúp cho ma chướng chóng tiêu.
Biết ma: Sau cùng bộ kinh, Phật nói về ngũ
ấm ma. Người tu thiền vượt qua mỗi ấm có mười thứ ma làm chướng ngại. Ma
ấy vốn từ sự tu hành dằn ép của thiền giả mà phát hiện. Thiền giả khéo
thấy những cảnh lạ, tự biết đừng chấp thì cảnh ấy đều là tốt, khởi chấp
mình đã được đạo, chứng thánh v.v… là rơi vào lưới của ma.
Tóm lại, đường lối tu hành trong kinh Lăng
Nghiêm lấy Thiền làm căn bản. Song muốn tu thiền trước phải đốn ngộ sau
mới tiệm tu. Quả nhiên kiến tánh khởi tu của Thiền cùng đốn ngộ tiệm tu
của Kinh rõ ràng không có hai pháp.
*