Kỹ năng kiềm chế cơn tức giận, cảm xúc tiêu cực của cha mẹ đối với trẻ em – VỤ GIA ĐÌNH

Cha mẹ nào cũng luôn yêu thương con của mình, mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên do những áp lực của cuộc sống, của công việc, mối lo “cơm áo gạo tiền” đè nặng, mối quan hệ với đồng nghiệp, giữa các thành viên gia đình… đã làm cho các bậc cha, mẹ có những cảm xúc tiêu cực hay những cơn nóng giận, vô tình lại ảnh hưởng đến đến chính những đứa con của mình. Nghiên cứu Mic 2014 đã chỉ ra rằng 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 ở Việt Nam phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý do các thành viên trong gia đình thực hiện kết hợp một loạt hình các hình thức kỷ luật có bạo lực. Một nguyên nhân của tình trạng này chính là ở việc ông, bà, cha, mẹ và các thành viên gia đình đã không thể kiềm chế những cơn tức giận, cảm xúc tiêu cực của mình, dẫn tới những lời nói, hành động gây tổn thương cho trẻ.
Nguyên nhân của những cơn tức giận, cảm xúc tiêu cực
Có nhiều nguyên nhân, lý do dẫn đến cơn tức giận, cảm xúc tiêu cực của mỗi người, có thể liệt kê những nguyên nhân cơ bản, phổ biến sau:
Áp lực công việc. Công việc quá nhiều, thời hạn hoàn thành đã đến nhưng còn nhiều việc chưa làm được; đã cố gắng nhưng công việc không được suôn xẻ, thuận lợi, đạt kết quả như mong đợi thậm chí thất bại. Hoặc công việc quá nặng nhọc, vất vả nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống.
Cũng có trường hợp thất nghiệp, công việc và thu nhập không ổn định trong khi đủ thứ phải chi tiêu.
Do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm thậm chí là do va chạm giao thông hay mệt mỏi do tắc đường.
Do mối quan hệ với các thành viên trong gia đình không được tốt đẹp, xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, nhất là quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu, vợ – chồng.
Lo lắng về tiền bạc, sức khỏe, công việc nội ngoại hai bên gia đình…
Từ bản thân trẻ em: không nghe lời, thường xuyên mắc lỗi lặp đi lặp lại, không chú tâm học tập, kết quả học tập kém…
Có thể nói, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những cơn tức giận, có người có thể kiềm chế, không để cảm xúc cá nhân của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh nhưng có rất nhiều người lại không thể làm như vậy. Trên thực tế, cha, mẹ lại thường trút giận lên đầu con của mình – những người yếu thế hơn như một cách để giải tỏa cảm xúc của mình. Ví dụ, cùng một lỗi không dọn dẹp đồ chơi khi chơi xong, nếu ngày hôm đó cha, mẹ vui vẻ, thì có thể chỉ bị nhắc nhở “dọn ngay đồ chơi đi”; nhưng nếu hôm ấy có chuyện không vui thì rất có thể trẻ sẽ bị mắng nặng lời, thậm chí bị đánh, bị phạt vì đã mắc lỗi. Bản thân chính cha, mẹ, thành viên gia đình cũng không nhận thức được chính cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực của mình đã khiến mình hành động như vậy, chỉ nghĩ “trẻ hư, phải dạy dỗ để không mắc lỗi nữa, tiến bộ hơn” hoặc nghĩ mình chưa biết phương pháp dạy trẻ, kỷ luật tích cực. Khi hậu quả xảy ra mới hối hận “giá như mình không như vậy”. Vậy làm thế nào để kiềm chế những cơn tức giận, cảm xúc tiêu cực của cha mẹ ảnh hưởng đến trẻ em?
Trước hết hãy luôn nhớ, nhắc nhở bản thân phải nhớ những điều sau:
“Cả giận mất khôn”, mọi lời nói hay hành động lúc đang tức giận rất có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, không thể sửa chữa. Đã có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra khi cha, mẹ không làm chủ được cảm xúc của mình như có người bố giận vì con không đạt kết quả học tập như mong đợi, đã mắng con là đồ vô dụng, nuôi tốn cơm, người con bị mắng như vậy đã tự tử… có người bực mình vì con hư đã đánh con gây thương tích trên cơ thể và những tổn thương sâu sắc về tâm lý, ảnh hưởng không chỉ đến sự phát triển của trẻ mà còn đến mối quan hệ giữa cha, mẹ – con cái. Có thể phản ứng của mỗi trẻ với lời nói, hành động của cha, mẹ là khác nhau nhưng chắc chắn đều gây những tổn thương sâu sắc, thậm chí mang theo suốt đời.
Với người cha, người mẹ thì con cái luôn là thứ quan trọng nhất, vậy bạn có muốn vì cơn nóng giận tức thời của mình mà ảnh hưởng đến con của mình cả đời không?
Hãy luôn nhớ, con bạn vẫn là một đứa trẻ, chứ không phải là người trưởng thành. Trẻ em không phải là người lớn, không thể có lối suy nghĩ, hành xử giống người lớn. Trẻ em sẽ có những lúc bày bừa, quên mất lời nhắc nhở của cha, mẹ; không tập trung học bài, kết quả học tập chưa tốt hay có những lời nói, hành động có thể khiến người lớn “phát điên”, điều này là hoàn toàn bình thường. Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng, “con nhà người ta” giỏi toán, giỏi văn thì “con nhà mình” lại rất khéo tay, vẽ đẹp. Tại sao có những việc chính bản thân cha, mẹ còn chưa làm được mà lại bắt trẻ em phải thực hiện thay ước mơ của cha mẹ? Hãy chấp nhận điều này để cảm thấy thoải mái và thông cảm với mọi hành vi, lỗi lầm của trẻ.
Hãy luôn nhớ, con cái là tấm gương phản ánh của cha, mẹ. Nếu bản thân mình luôn cáu giận, bực tức, quát tháo và mắng mỏ thì trẻ có xu hướng cáu kỉnh, bướng bỉnh, hay nổi giận và không thân thiện với mọi người. Nếu cha, mẹ luôn buồn bã, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống, than vãn thì trẻ cũng có xu hướng sống khép kín, không vui tươi, hồn nhiên như những bạn bè khác. Thái độ, hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, cuộc sống của trẻ sau này. Bởi vậy, hãy kiềm chế những cảm xúc tiêu cực để mang đến cho trẻ sự tích cực, tinh thần lạc quan, vui vẻ, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.
Dấu hiệu nhận biết bản thân đang rất tức giận: Nhiều người không nhận ra họ đang tức giận cho tới khi hậu quả xảy ra.Theo nhà tâm lý học Sari Chait, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến các phản ứng vô thức của cơ thể như vai run rẩy, nghiến răng, nắm chặt bàn tay, thở gấp… Việc theo dõi, cảm nhận và ghi chú những dấu hiệu này sẽ giúp nhận biết sớm cơn tức giận để chủ động kiềm chế cảm xúc trước khi cơn giận bùng nổ, gây hậu quả.

Rate this post

Viết một bình luận