Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội (Phần 1)
1. Lời mở đầu:
Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn của kỳ thi THPT Quốc Gia năm nay, viết đoạn văn nghị luận xã hội là một yêu cầu mới, khác với viết một bài văn nghị luận xã hội hoàn chỉnh giống như mọi năm. Nhiều học sinh lúng túng không biết phải làm như thế nào để trong vòng 200 chữ có thể triển khai tốt vấn đề, làm thế nào tư duy thật nhanh để viết đoạn văn mà không quá mất thời gian, không gây ảnh hưởng đến thời gian làm bài nghị luận văn học ở phần sau. Với chuyên đề này, tôi sẽ cố gắng đưa ra những tư vấn để giúp các bạn phần nào giải quyết những khó khăn trên.
2. Hướng dẫn kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội:
2. 1. Thứ nhất, cần nắm vững những yêu cầu cơ bản về đoạn văn:
– Đoạn văn là phần văn bản quy ước từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng. Đoạn văn là đơn vị cơ bản của văn bản.
– Các hình thức cơ bản của đoạn văn: quy nạp, diễn dịch, tổng-phân-hợp.
(Có nhiều hình thức đoạn văn khác, nhưng học sinh nên làm theo một trong những kiểu trên)
– Học sinh tuyệt đối không xuống dòng trong quá trình viết, nếu không sẽ bị trừ 0, 25 điểm hình thức
2. 2. Thứ hai, cần xác định đúng kiểu bài nghị luận mà đề văn hướng tới:
– Có 2 kiểu chính: Nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng đời sống
– Hai kiểu bài này có 2 cách làm hoàn toàn khác nhau, cần xác định đúng để tìm được ý dễ dàng và chính xác.
2. 3. Thứ ba, cần xác định đề bài đưa ra vấn đề đóng hay vấn đề mở:
– Vấn đề đóng là đề đã đưa ra một luận điểm có sẵn chỉ cần chứng minh (Ví dụ: Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói: “Cân bằng, hài hòa là bí quyết để có được hạnh phúc”)
– Vấn đề mở là đề đưa ra một vấn đề để ngỏ, người viết có thể đề xuất quan điểm của riêng mình. (Ví dụ: Theo anh (chị) bí quyết của hạnh phúc là gì?)
Đa số các đề thi thử của các trường đều là vấn đề đóng. Trong trường hợp đề mở, học sinh phải tự đề xuất và chứng minh cho quan điểm của mình.
2. 4. Thứ tư, cần tìm ý cho đoạn văn:
– Học sinh cần nắm vững cách tìm ý để có thể xác định nhanh các ý cần có trong đoạn văn. Mỗi kiểu bài sẽ có một khung dàn ý riêng.
– Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về một tư tưởng đạo lý (một phẩm chất, một mối quan hệ tình cảm, một bài học, một quan điểm tư tưởng) thì cần có những ý sau đây:
+ Giải thích ý kiến: Giải thích từ quan trọng, khái quát luận điểm chính của đoạn văn.
+ Bàn luận về ý kiến bằng cách trả lời các câu hỏi: Vì sao lại như thế? Biểu hiện trong đời sống như thế nào? Cần phê phán (hoặc ca ngợi) mặt đối lập của vấn đề trên trong cuộc sống như thế nào?
+ Nêu bài học, liên hệ bản thân.
– Nếu đề bài yêu cầu nghị luận về một hiện tượng đời sống (những hiện tượng có tính thời sự đang diễn ra trong đời sống hôm nay) thì cần có các ý sau:
+ Mô tả hiện tượng: Nêu thực trạng, biểu hiện của hiện tượng trong đời sống.
+ Bàn luận về hiện tượng: Chỉ ra nguyên nhân, hậu quả (hoặc ý nghĩa nếu là hiện tượng tích cực), giải pháp khắc phục (hoặc phát huy) hiện tượng.
+ Rút ra bài học, liên hệ bản thân.
– Tuy nhiên, trên đây chỉ là khung dàn ý chung, học sinh còn cần sự linh hoạt và tinh tế khi xử lý đề văn bằng cách xác định nội dung trọng tâm của đoạn qua lệnh đề. Chẳng hạn:
+ Nếu đề bài nghị luận về tư tưởng đạo lý yêu cầu viết về vai trò hay ý nghĩa của một vấn đề (Ví dụ: Anh (chị) có suy nghĩ gì về vai trò của trải nghiệm đối với tuổi trẻ) thì cần viết sâu ý phân tích vì sao lại thế, nêu biểu hiện, còn các ý khác có thể viết ngắn gọn, chỉ cần đả động đến mà không cần viết quá sâu.
+ Hoặc nếu như đề bài về nghị luận hiện tượng đời sống yêu cầu làm thế nào để khắc phục một hiện tượng nào đó (Ví dụ: Theo anh (chị) làm thế nào để khắc phục hiện tượng lai căng, pha tap trong sử dụng ngôn ngữ hiện nay của giới trẻ) thì cần viết sâu phần giải pháp, trong khi đó các ý nêu thực trạng, nguyên nhân, hậu quả có thể viết ít hơn.
2. 5. Thứ năm, cần gắn vấn đề đang viết với đoạn văn đọc hiểu:
– Thường thì vấn đề đưa ra nghị luận được rút ra từ một đoạn đọc hiểu thuộc phần Đọc- hiểu (3 điểm) trong cấu trúc đề thi, vì vậy, học sinh muốn hiểu đúng cần đặt nó trong mối quan hệ với phần đọc hiểu.
– Mặt khác, văn bản trong phần Đọc hiểu có thể cho bạn những gợi ý về lý lẽ và dẫn chững trong bài viết.
3. Dưới đây là một số đoạn văn mẫu:
Đề bài 1: Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của: “Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại”
(Câu nói trên được rút ra từ bài viết sau đây:
“Và khi các em vừa bắt đầu, trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải chỉ là những điều các em thích hay cho là quan trọng. Đừng bực bội vì những việc mà các em không tin tưởng, vì như thế các em sẽ cảm thấy nhàm chán chính bản thân mình, cũng đừng đem bản thân so sánh một cách lệch lạc với những người như Baltimore Orioles. Hãy giết chết cảm giác tự mãn và dễ dàng thỏa hiệp, cảm giác mọi thứ dường như đều có lý hay cảm giác tự bằng lòng trong trạng thái tinh thần u mê. Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì mà các em đang cố gắng. Và hãy đọc, đọc mọi lúc, đọc như một nguyên tắc của bản thân và như một cách để tôn trọng chính mình. Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời. Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra các lập luận để chấp nhận nó. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. Hãy làm việc cật lực. Hãy nghĩ cho bản thân mình. Hãy yêu tất cả những thứ các em thích và những người các em cảm mến bằng tất cả tấm lòng của mình. Và hãy làm tất cả những điều đó, như thể các em đang bị thúc giục, mỗi giây mỗi phút, từng chút một. Hãy tin bữa tiệc nào rồi cũng tàn nhưng các em đừng bao giờ tham gia vào một cuộc vui khi đã đến lúc tàn, cho dù buổi chiều hôm nay có rực rỡ đến thế nào.” (Trích trong bài phát biểu của thầy David Mc Culough trong buổi lễ tốt nghiệp của trường trung học Wellesley)
Dưới đây là đoạn văn mẫu:
“Câu nói “Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại” của David Mc Cullough đã gợi cho tôi nhiều suy ngẫm về khát vọng của con người trong cuộc sống. Ước mơ chính là những điều tốt đẹp, cao cả, lớn lao ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được. Có ước mơ đồng nghĩa với việc bạn đã có một mục đích sống lý tưởng để cố gắng, phấn đấu, có động lực, ý chí, niềm tin để vượt qua khó khăn biến ước mơ thành hiện thực. Ước mơ vĩ đại sẽ giúp con người tạo nên những kỳ tích, làm thay đổi cuộc sống của bản thân và của mọi người. Bác Hồ từ khi còn trẻ đã nung nấu trong mình khát vọng vĩ đại là giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, đó dường như là một ước mơ quá tầm với đối với người thanh niên trẻ tuổi. Nhưng trải qua bao gian khổ, khó khăn cuối cùng Người đã đạt được điều mình mơ ước, đồng thời làm thay đổi vận mệnh dân tộc. Dường như mọi phát minh của nhân loại đều sinh ra từ những mơ ước viển vông của các nhà khoa học như: máy bay, bóng điện, điện thoại . Bên cạnh đó, chúng ta cần phê phán những người hèn nhát, tự ti, không dám mơ ước. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên mơ ước những điều quá cao siêu, xa vời thực tế khiến bản thân phải chạy theo mệt mỏi mà không với tới được. Để sống trọn một cuộc đời có ý nghĩa ngay từ bây giờ mỗi chúng ta hãy ấp ủ, bồi đắp cho ước mơ tốt đẹp của riêng mình. Đồng thời, phải không ngừng cố gắng, phấn đấu, dũng cảm, nỗ lực vươn lên, biến ước mơ thành hiện thực. Có thể nói, ước mơ chính là nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn lên, giúp ta sống có mục đích và thêm tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.
Đề bài 2: Hãy viêt một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về trào lưu “Like là làm” được đề cập trong đoạn trích trên
(Vấn đề trên được rút ra từ văn bản dưới đây
Trào lưu “Like là làm” đang gây cơn sốt trong giới trẻ. Trước đó, mở đầu trào lưu này là sự việc một chàng trai có tài khoản facebook N. T đăng chia sẻ “Bức hình này đủ 40000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay, hấp dẫn mà xem.” Bài viết thu hút gần 100000 like cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức. Giữ đúng lời hứa “nói là làm”, tối ngày 20/9, N. T này có mặt tại cầu Tân Hóa (TPHCM) thực hiện thử thách. Được biết sau khi tẩm xăng đốt, do kịp thời nhảy xuống dòng kênh ngay cạnh nên N. T chỉ bị bỏng nhẹ. Tiếp đó, hàng loạt người trẻ khác đua nhau đăng status thách thức dân mạng theo cú pháp quen thuộc: “chỉ cần đủ like tôi sẽ….” và khẳng định chắc nịch “nói là làm”. Một số thanh niên sẵn sàng đổi like lấy những hành động gây sốc như: mặc đồ lót, nhảy xuống và uống hết một ca nước sông, mặc quần áo con gái đi ra đường….
Xung quanh vấn đề này, dưới góc nhìn của một nhà văn, Trang Hạ chia sẻ: Tôi không ngạc nhiên với sự ngông cuồng của một bộ phận thanh niên trên mạng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải kinh hãi trước những hành vi thiếu nhân văn của người biết bấm like này.
Không bố mẹ nào đẻ con ra với mục đích con sống cho người ta bấm like. Vậy thì tại sao người trẻ lại dngf like làm thước đo cuộc sống?… Hóa ra nhân cách và trí tuệ chỉ dành để trang trí, còn giá trị sống là mong người ta bấm like?)
Dưới đây là đoạn văn mẫu:
“Đoạn trích trên gợi cho em nhiêu suy nghĩ về trào lưu “Like là làm” của giới trẻ. Nó được coi là một chiêu trò “câu like” vô cùng phản cảm và lố bịch, rất thịnh hành hiện nay. Hàng loạt các status đầy thách thức được đăng tải trên mạng xã hội với cú pháp quen thuộc: “chỉ cần đủ like tôi sẽ…” và khẳng định chắc nịch “nói là làm”. Chẳng hạn, gần đây mạng xã hội rộ lên bài viết của thanh niên Nguyễn Tiến, cậu đưa ra điều kiện: “Nếu nhận đủ 40000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”. Một nữ sinh tuyên bố: “7000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn… Quả thực đây không chỉ là những hành vi đầy ngông cuồng mà còn vô cùng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân mà giới trẻ hưởng ứng, chạy theo trào lưu vô bổ này là gì? Đầu tiên đó là do nhu cầu muốn được khẳng định bản thân mình nhưng vì không đủ tài năng, trí tuệ nên nhiều bạn trẻ chọn trò “câu like” điên rồ để được nhiều người chú ý đến. Ngoài ra, các bạn trẻ còn lệch lạc trong suy nghĩ, thiếu kỹ năng ứng xử, không được chú trọng giáo dục cách sống, cách làm người. Mặc dù nút “like” là ảo nhưng hậu quả nặng nề mà nó gây ra lại là thật. Muốn chơi ngông, nhanh chóng được nổi tiếng, những người câu like sẵn sàng vì mấy ngàn lượt like mà làm liều, làm càn, đánh đổi danh dự, lòng tự trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng mà vi phạm pháp luật. Đã đến lúc cần tuyên truyền và có những biện pháp chế tài đủ mạnh để người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm với từng nút like, share hoặc comment của mình. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng cần có biện pháp giáo dục, khuyên bảo để các bạn trẻ không suy nghĩ và hành động bột phát, lệch lạc. Chỉ như vậy thì mới mong chấm dứt được những trò gây sốc vô bổ, những trào lưu đang hủy hoại giới trẻ như “like là làm”.