Kỹ thuật ươm tiêu giống | Các phương pháp nhân giống tiêu lươn tiêu ác

Bài viết hướng dẫn cách ươm tiêu giống, các phương pháp nhân giống cây tiêu. Cách phân biệt tiêu lươn tiêu ác cũng như các kỹ thuật nhân giống cây tiêu đạt yêu cầu, giúp cho tỷ lệ sống cao, sạch bệnh, sức sinh trưởng mạnh và đảm bảo. Mời bà con cùng theo dõi và góp ý thêm.

Các phương pháp nhân giống cây tiêu

Hiện nay có rất nhiều phương pháp để nhân giống tiêu, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Có thể kể đến như sau

  • Nhân giống tiêu từ hạt: Chọn những quả tiêu già, chín đỏ, ươm trên luống đất sau đó cấy vào giá thể. Cách này thường tiến hành trong các viện nghiên cứu nông nghiệp, phục vụ cho mục đích nghiên cứu và lai tạo ra những giống tiêu mới. Cây trồng từ hạt thường lâu cho thu hoạch, có sự phân ly đặc tính so với cây mẹ rất lớn. Do đó thường ít phổ biến
  • Nhân giống tiêu bằng cách vùi thân tiêu: Cách này thường tiến hành trực tiếp trong vườn tiêu. Sử dụng cách dây tiêu lươn, tiêu thòng đủ độ già, kéo xuống đất và vùi lại. Phần ngọn đặt ở vị trí muốn phát sinh trụ tiêu mới. Cách này cũng ít phổ biến
  • Nhân giống tiêu bằng cách chiết thân: Tỷ lệ sống thường rất cao, nhưng khó thực hiện đại trà, chủ yếu thực hiện trong vườn tiêu, giúp trồng dặm, bổ sung những vị trí bị khuyết trụ. Phương pháp này có thể thực hiện quanh năm
  • Nhân giống tiêu bằng cách ghép tiêu: Thường sử dụng gốc ghép là các loại cây cùng họ như: Trầu không, tiêu rừng, trầu rừng… Cách này giúp cho tiêu có thể kháng được các bệnh về rễ, do phần gốc ghép là các loại cây sinh trưởng mạnh, rễ chịu úng tốt, tuy nhiên theo đánh giá, tiêu ghép thường cho chất lượng trái không đạt yêu cầu. Cần theo dõi và đánh giá thêm
  • Nhân giống tiêu bằng hom tiêu: Cách này là cách phổ biến nhất, do chi phí rẻ, thực hiện đơn giản, số lượng cây con sau nhân giống rất lớn, có thể vận chuyển đi xa, phân loại và tuyển chọn cũng dễ dàng hơn

Trong những cách trên, nhân giống tiêu từ hom và ghép tiêu trên gốc ghép cùng họ là phổ biến nhất, do đó ở bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu vào phương pháp nhân giống từ hom, còn phần ghép tiêu sẽ giới thiệu đến bà con ở bài viết khác. Bà con có thể tham khảo bằng cách bấm vào liên kết sau:

  • Hướng dẫn kỹ thuật ghép tiêu

Cách phân biệt tiêu lươn và tiêu ác

  • Tiêu lươn: Còn gọi là dây lươn hay cành lươn. Là phần thân tiêu chưa có cành tay, thường mọc thòng ra ngoài trụ hoặc bò trên mặt đất, đốt dài, thân chưa gỗ hóa còn màu xanh, các đốt thường ít rễ và độ bám trụ kém hơn. Khi nhân giống tiêu bằng hom tiêu lươn, cây thế hệ sau sẽ có ưu điểm là sinh trưởng bền, lâu cỗi, năng suất cao. Nhược điểm là lâu ra trái (2-3 năm), tỷ lệ sống khi nhân giống không cao (70-80%), khi trồng phải thực hiện kỹ thuật đôn tiêu phức tạp
  • Tiêu ác: Còn gọi là dây ác hay cành ác. Đây là phần thân tiêu đã xuất hiện cành tay, thường có đốt ngắn, bám sát vào trụ, rễ nhiều, thân to và đôi khi đã gỗ hóa. Ưu điểm của tiêu ác là nhanh phủ trụ, sức sinh trưởng mạnh, cho thu hoạch sớm trong vòng 1-2 năm, tỷ sống khi nhân giống cao (90-100%). Nhược điểm là nhanh cỗi, thường ẩn chứa sâu bệnh, năng suất giảm dần theo thời gian

Yêu cầu của hom tiêu khi tiến hành nhân giống

  • Hom tiêu lươn: Có ít nhất 2-3 mắt, cắt từ vườn tiêu 4 năm tuổi trở lên, phải đang ở giai đoạn bánh tẻ (không quá non không quá già). Khi cắt nên cắt vát 45 độ ở phần cắm xuống đất, phần bên trên cắt ngang để dễ phân biệt ngọn và gốc (vị trí cắt cách mắt đốt 2-3cm)
  • Hom tiêu ác: Có ít nhất 4-6 mắt, cắt từ các vườn tiêu ở bất cứ độ tuổi nào, miễn là không quá non, có nhiều rễ bám, có thể để cả phần cành tay để tăng số lượng mầm phát triển trong quá trình ươm giống.

Thời điểm cắt hom tiêu

  • Tiêu lươn có thể cắt quanh năm, chọn những dây tiêu thòng, tiêu bò không bám vào trụ. Tiêu ác thì nên cắt sau thời điểm thu hoạch, tốt nhất nên cắt và ươm vào giai đoạn mùa khô, sẽ ít bị sâu bệnh hơn.
  • Chọn phần thân bánh tẻ, phần ngọn còn non thì nên loại bỏ
  • Khi cắt nên chọn ngày mát trời, không nắng gắt, không mưa dầm
  • Gỡ dây ra khỏi trụ nhẹ nhàng, tránh làm đứt rễ bám, rách thân, dập xoắn…
  • Sau khi cắt nên tiến hành ươm ngay, nếu phải vận chuyển đi xa cần bó thành bó cẩn thận, không bó quá chặt làm dập nát thân tiêu, phía bên ngoài nên phủ bằng bao tải, vải mềm và tưới nước để giữ ẩm

Kỹ thuật ươm tiêu (giâm hom tiêu ác tiêu lươn)

Tiêu sau khi cắt thành hom như đã trình bày ở phần trên, bà con có thể ươm trồng theo 3 cách sau, tuy nhiên khuyến khích sử dụng cách ươm trong bầu trước khi trồng, tỷ lệ sống sẽ cao hơn, dễ dàng phân loại lựa chọn những cây khỏe mạnh, quá trình chăm sóc cũng đơn giản hơn

  • Cách 1 – Trồng trực tiếp hom tiêu vào trụ tiêu: Sau khi cắt thành hom, có thể mang hom tiêu cắm trực tiếp vào trụ tiêu, mỗi hố 3-4 hom, mỗi trụ ít nhất 2 hố. Sau khi cắm hom cần che lưới, tránh ánh nắng trực tiếp, giữ ẩm nếu không gặp mưa
  • Cách 2 – Ươm trên luống cho ra rễ rồi trồng: Có thể sử dụng cát hoặc đất mịn, vun thành luống, sau đó cắm hom tiêu lên luống, dùng lưới nilon đen phủ lên trên và tưới nước định kỳ. Sau khoảng 15-25 ngày, tiêu bắt đầu ra rễ thì nhổ lên đem ra trồng, cách này tiết kiệm chi phí, nhưng dễ làm tiêu bị động rễ, tổn thương rễ khi nhổ
  • Cách 3 – Ươm hom tiêu trong bầu ươm: Có thể thực hiện quanh năm, chăm sóc tập trung, cây con khỏe mạnh, bộ rễ phát triển đầy đủ nên tỷ lệ sống cũng cao hơn. Chúng tôi khuyến khích bà con nên sử dụng cách này. Chi tiết vui lòng đọc tiếp phần bên dưới

Chi tiết cách ươm hom tiêu trong bầu ươm

  • Chuẩn bị đất ươm: Bà con sử dụng lớp đất mặt, tơi xốp, không lẫn cỏ rác, có thể sàng cho mịn trước khi đóng thành bầu. Trộn với phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh công nghiệp. Tỷ lệ 3-4 phần đất/ 1 phần phân. Ngoài ra nên bổ sung thêm phân lân để kích thích mọc rễ, nấm đối kháng trichoderma để hạn chế bệnh về rễ, vỏ trấu để tăng độ tơi xốp
  • Chuẩn bị bầu ươm: Sau khi đã chuẩn bị đất ươm, bà con tiến hành đóng bầu ươm. Đối với tiêu lươn có thể sử dụng bầu 10cm hoặc bầu 12cm, tiêu ác sử dụng bầu 14cm hoặc 16cm. Nên sử dụng loại bầu nilon đen. Có lỗ thoát nước. Khi đóng đất vào bầu nên đóng chặt tay, tránh đóng lỏng lẻo khi vận chuyển dễ bị động rễ.
  • Đối với tiêu lươn: Cắm 2 mắt vào bầu, 1-2 mắt ở trên mặt đất, mỗi bầu cắm từ 2-3 hom tiêu (tiêu lươn sẽ ra rễ ở vị trí cắt)
  • Đối với tiêu ác: Cắm 2-3 mắt vào bầu, 2-3 mắt ở trên mặt đất (tiêu ác sẽ ra rễ ở vị trí cắt và vị trí mắt có rễ bám)
  • Bầu ươm nên xếp thành hàng rộng từ 1m – 1m2, tiện cho việc chăm sóc, chiều dài tùy ý. Nên đắp luống cao 5-10cm rồi đặt bầu ươm lên trên, tránh bị đọng nước khi trời mưa hoặc khi tưới
  • Khu vực ươm tiêu nên được che mát bằng lưới, đảm bảo không bị ánh nắng chiếu trực tiếp, xung quanh cũng nên che kín để hạn chế côn trùng chích hút
  • Khi cây ra 2-3 lá, mỗi 15-20 ngày, nên phun các loại thuốc trị côn trùng và thuốc nấm, giúp phòng trừ sâu bệnh, hạn chế mầm bệnh lây lan
  • Sau khoảng 4-6 tháng đối với tiêu lươn, 2-3 tháng đối với tiêu ác. Là có thể mang tiêu ra trồng, khi này bộ rễ đã phát triển mạnh, tỷ lệ sống đạt yêu cầu.

Như vậy hy vọng qua bài viết này bà con đã nắm được kỹ thuật ươm tiêu chi tiết nhất. Đây là khâu quan trọng trong kỹ thuật trồng tiêu, chúc bà con thực hiện thành công, trường hợp có thắc mắc hoặc góp ý bổ sung, xin sử dụng chức năng bình luận phía dưới để đăng bình luận. Xin cảm ơn

tiêu trâu,

Ngoài ra trong trường hợp bà con bận rộn hoặc thiếu tự tin có thể tìm đến cơ sở của chúng tôi để mua tiêu giống được ươm sẵn, với đa dạng chủng loại: Tiêu Phú Quốc, tiêu Vĩnh Linh tiêu Srilanka , tiêu chùm Thekken… đã được xử lý và chăm sóc bài bản, rễ nhiều, sạch bệnh, tỷ lệ sống cao. Chi tiết xin liên hệ

TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG TIẾN ĐẠT
Địa chỉ vườn ươm: 304/57 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Địa chỉ cửa hàng: 280 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Giấy phép KD: 40A8026362 – Email: vuacaygiong.bmt@gmail.com
Điện thoại tư vấn + bán hàng: Chị Thu – 0944 333 855

83

%

Awesome

Đánh giá các phương pháp nhân giống tiêu

  • Ghép tiêu

  • Ươm hom tiêu

  • Chiết thân

  • Vùi thân tiêu

Người xem đánh giá:

0

0

đánh giá

Rate this post

Viết một bình luận