Ký ức màu hoa khế

Tôi lại bước những bước chân mỏi mệt trở về quê nhà như đứa trẻ con tìm về với bầu sữa mẹ sau những ngày lang bạt xứ người. Trận lụt vừa rồi đã lấy đi gần như tất cả hoa màu của người nông dân quê tôi. Xóm làng chìm trong im lặng. Mưa vẫn rơi giăng giăng trên sân nhà, rắc đều ngoài vườn. Lòng chợt xốn xang khi tầm mắt chạm vào những nhành hoa khế tim tím ở góc vườn nhà. Ký ức nhòa nhòa tưởng đã quên, giờ lại quay về.

Cũng ngót 20 năm rồi, cây khế góc vườn cứ thản nhiên đi theo cuộc sống của tôi và gia đình như một phần không thể thiếu. Dù có những lần bão quật gốc, bẻ gãy đi nhưng rồi những chồi xanh mới lại lên, lại nở hoa tím, lại trĩu quả lúc lắc trong nắng, dưới mưa. Khiêm nhường nép mình im lặng nhưng cây khế vẫn là một góc bình yên mà tôi thường hay tìm đến sau những lần đi xa về, trong những lúc thấy lòng không được tĩnh lặng.

Và dưới tán khế ngày ấy, lúc tôi còn là một cậu bé lên 5 lên 6 tuổi, tôi và em đã có những kỷ niệm không thể nào quên được. Nhà ở sát nhau, cây khế nằm gần hàng rào, cạnh đó có một cái lỗ vừa để một đứa con nít chui qua chui lại. Vậy là tôi và em tha hồ bày trò chơi dưới bóng khế vườn nhà lúc ba mẹ cả 2 đứa đều đi làm đồng. Giờ, vẫn còn như in trong tâm khảm tôi những cánh hoa khế màu tim tím rơi trên tóc em, trên chiếc áo con nhà nghèo đã sờn rách mà chưa có tiền mua mới. Trên tóc tôi cũng đầy hoa khế. Xung quanh tôi và em cũng là cả một vùng hoa khế rụng. Như một vùng đầy thơ và mộng hiền hòa trôi theo suốt những năm ấu thơ.

Rồi khế cho quả.

Khi ba bắt được những con cá tràu, cá trê hoặc bầy cá ngạnh trôi dạt dưới sông lên thì chúng tôi có nhiệm vụ đi hái khế và một số rau sẵn có trong vườn nhà để nấu canh chua. Hái khế thì dễ rồi. Cây sào nhỏ có móc sắt ba tôi để sẵn bên gốc, khi nào cũng có thể hái được. Ông đã dặn kỹ 2 đứa không bao giờ được trèo lên cây khế vì theo quan niệm của người dân quê tôi trèo khế rất nguy hiểm. Ba bảo có người chỉ đứng trên một cái ghế đẩu, với tay hái khế nhưng ngã xuống cũng hộc máu ra mà chết, chứ chưa nói trèo lên cây. Chưa biết thật giả ra sao nhưng lũ trẻ như tôi và em ngày ấy rất sợ, chỉ quanh quẩn dưới gốc cây mà thôi.

Và tôi không thể quên được những lần hoa khế rơi trên tóc em, quyện với hương bồ kết thơm nồng thoang thoảng. Em vừa được mẹ tắm xong, lại vội vàng chạy sang nhà tôi. Vui hơn là những lần mùi hương ấy kèm theo một bộ quần áo mới. Có lẽ là nhà em vừa bán mấy con lợn hoặc đổi con bò kéo cày. Chứ thu nhập nhà nông như gia đình tôi và gia đình em hồi ấy thì chỉ đủ ăn trong ngày, không đi vay đi mượn là may rồi, lấy gì để mua áo quần mới cho con cháu. Những lúc ấy, nhìn em tung tăng vui cười chạy quanh gốc khế mà lòng tôi cũng rạo rực niềm vui như chính mình đang được mặc áo mới, chính mình vừa được mẹ tắm xong vậy.

Và cũng dưới tán khế vườn nhà, ngày em vừa thành thiếu nữ trong tà áo dài học sinh duyên dáng, tôi đã thấy lòng say say trong cảm giác lần đầu tiên có trong đời. Em vẫn hồn nhiên với những cánh hoa khế nhặt được trên tay, chuyện trò với tôi những câu chuyện về bạn bè mới, trường lớp mới, thầy cô mới trên phố. Rồi sau đó, em càng ngày càng ám ảnh tôi bằng một vẻ đẹp vừa chân chất, vừa mặn mà. Nhưng, lời yêu tôi chỉ ấm ớ đầu lưỡi, chưa kịp nói thành câu, dù chỉ là 3 tiếng. Tôi sợ chút mong manh của ngày ấu thơ, chút hồn nhiên của cô thiếu nữ lúc ấy bị mất đi sau câu tỏ bày. Vì thế, tôi chỉ im lặng ngắm nhìn em, vui cười với sự ngây thơ của cô bạn gái mới lớn cùng xóm mà thôi.

Năm tháng vùn vụt trôi đi. Em giờ chồng con đủ đầy ở một thành phố xa lạ. Phù hoa đã đưa em về với một miền không tôi, không quê nhà và không có cả cây khế ngày xưa. Cũng 5, 6 năm gì đó, từ ngày theo chồng em chưa về quê. Nghe nói em đã có 2 con. Chỉ biết buồn mỗi lần nhìn ra cây khế vườn nhà, nhìn những bông khế vương vương trong gió, nhất là những ngày lụt về. Chẳng thể trách em điều gì, chỉ thương màu hoa khế bơ vơ trong mưa chiều quạnh quẽ quất từng cơn ngang qua trời giông bão.

Nguyễn Thành Giang

Rate this post

Viết một bình luận