25.10.2020
Năm nhất đại học là một khởi đầu mới nhưng cũng nhiều bối rối, hoài nghi. Để giúp bạn có một định hướng tốt hơn, chúng tôi đã tham khảo những “bậc tiền bối” đã từng trải những năm tháng đại học và họ sẽ phần nào cho bạn những lời khuyên hữu ích từ chính những kinh nghiệm của họ.
Tập làm quen với bệnh “nhớ nhà”
Nhớ nhà là một chuyện rất đỗi bình thường, ngay cả với những bạn khao khát cuộc sống tự lập nhất. Bạn phải quen dần với việc đó và đừng quên, bạn vẫn có cái điện thoại và hộp thư điện tử để liên lạc với bố mẹ của mình.
Dù cho bạn có nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè đến nhường nào, hãy cố gắng đừng lên xe về quê quá sớm hay quá thường xuyên. Thời gian bạn dành cho trường mới, bạn mới càng nhiều thì bạn sẽ càng hiểu thêm về họ và ngôi trường mới sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn. Đừng quên là bạn cũng có rất nhiều hoạt động thú vị ở trường đại học mà!
Giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ
Bệnh tật là một trong nhiều thứ bám đuổi các bạn sinh viên năm nhất trong một thời gian dài và thậm chí còn để lại nhiều tác hại lâu dài. Hãy ngủ đủ giấc, bổ sung vitamin và ăn uống điều độ. Bạn sẽ sớm biết mùi “cơm sinh viên” thôi và khi mà không có bố mẹ bên cạnh lo cho từng bữa ăn tươm tất với đầy đủ dinh dưỡng thì bạn sẽ rất dễ sa vào các thứ đồ ăn chiên xào hay thức ăn công nghiệp. Cố gắng giữ gìn sức khỏe và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh bạn nhé!
Học hành nghiêm túc
Hãy xác định mục đích vào đại học của bạn là để học. Nếu bạn chỉ đi chơi suốt ngày và học lúc ngày thi kề cận thì vẫn không sao cả, nhưng bạn sẽ không học được gì nhiều cả. Và nên nhớ, tuyệt đối không gian lận trong thi cử và kiểm tra nhé!
Học ngoại ngữ
Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều yêu cầu chuẩn tiếng Anh đầu ra. Năm 2 bạn bắt đầu làm quen với chuyên ngành học, năm 3 là năm tập trung cao độ với chuyên ngành, còn năm 4 là thời điểm thực tập và tốt nghiệp. Để tránh tình trạng không đủ điều kiện tốt nghiệp vì chưa đạt chứng chỉ ngoại ngữ, tại sao các bạn không tận dụng thời gian rảnh ở năm 1 để có thể cải thiện vốn tiếng Anh của mình?
Còn nếu các bạn đã giỏi tiếng Anh, tại sao không dùng vốn tiếng Anh đó để làm những việc có ích? Hoặc là, thử tìm hiểu một ngôn ngữ thứ ba? Ngoại ngữ thật sự là một điểm mạnh cho các bạn khi ra trường.
Chi tiêu hợp lý
Nếu bạn chưa có tài khoản riêng thì bây giờ chính là lúc thích hợp nhất để mở một cái rồi đấy. Tuy nhiên, bạn nhớ cân đối tài chính của mình và tránh những khoản nợ càng xa càng tốt nhé!
Đừng trì hoãn
Có thể ở cấp 3, bạn đợi đến “phút 89” mới làm bài tập mà vẫn đạt điểm cao như thường nhưng khi vào môi trường đại học năng động, việc đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Hãy đặt cho mình những hạn chót và bám sát nó!
Xây dựng mối quan hệ tốt với bạn cùng lớp
Trong tuần học đầu tiên, bạn nên làm quen với các bạn ở trong lớp của mình. Nếu bạn học nhiều lớp khác nhau, bạn nên kết bạn với ít nhất một người trong mỗi lớp đó. Điều này sẽ giúp ích cho bạn, nhất là mỗi khi bạn phải vắng học.
Có trách nhiệm với bản thân và hành động của mình
Đừng cố tìm một ai hay cái gì đó để đổ lỗi cho những sai lầm của bạn, hãy thừa nhận chúng và bước tiếp! Bạn chớ quên, làm người lớn cũng đồng nghĩa với việc bạn phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi chuyện xảy đến với mình.
Dành thời gian cho bản thân
Đừng quên dành một ít thời gian cho bản thân để thư giãn và xóa hết những căng thẳng ở trường. Dù cho bạn có làm gì, tập yoga, xem phim hay viết nhật ký, phải nhớ đối xử tốt với chính mình.
Cố gắng giành điểm cao
Điều tất nhiên rồi! Ở trường trung học, điểm cao có thể tự đến với bạn nhưng ở bậc đại học thì bạn phải tìm kiếm nó. Đặt ra những mục tiêu cho bản thân và cố gắng hết sức để đạt được chúng là điều rất cần thiết cho các bạn sinh viên.
Tận dụng hết mọi phương tiện học tập ở trường
Các trường đại học hiện nay đã có các phòng học hiện đại, thư viện,… Hãy tận dụng hết mọi lợi thế này để học tập hiệu quả nhất! Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tạo các nhóm học tập để cùng giúp nhau tiến bộ.
Hoạt động năng nổ
Một trong những điều buồn phiền lớn nhất của các tân sinh viên đó là nỗi nhớ nhà và cảm giác lạc lõng giữa cuộc sống lạ lẫm. Giải pháp dành cho các bạn này chính là tham gia vào các tổ chức đoàn hội, câu lạc bộ, đội tuyển,… Ở đây, bạn sẽ có thêm bạn mới, học thêm kỹ năng mới và cảm thấy gắn bó với ngôi trường của mình hơn.
Tìm cho mình sự cân bằng
Cuộc sống của một sinh viên không chỉ có mỗi việc học mà còn rất nhiều hoạt động xã hội khác. Bạn đừng nên để mình quá thiên về một bên nào mà nên nhớ nằm lòng phương châm này “học chăm để được chơi vui”.
Gặp gỡ cố vấn học tập
Cố vấn học tập là người sẽ giúp đỡ bạn giải quyết các vấn đề trong học tập bao gồm: đăng ký thêm môn học hay nghỉ môn nào đó, lên lịch học cho học kỳ mới, lựa chọn chuyên ngành và nhiều việc lặt vặt khác. Đây là người mà bạn phải tìm đến nhờ vả nhiều nhất trong suốt những năm đi học của mình đấy!
Nói chuyện với giảng viên
Gặp gỡ giảng viên của mình, đảm bảo với bạn, chỉ có lợi chứ không có hại, nhất là khi bạn gặp phải những khó khăn trong quá trình học tập. Các giảng viên đều sẵn sàng dành thời gian cho sinh viên của họ, vậy nên hãy tận dụng triệt để bạn nhé!
Sắp xếp thời gian hợp lý
Ở trường trung học, giáo viên thường giao cho học sinh bài tập về nhà và thời gian nộp bài cụ thể. Còn ở trường đại học, giảng viên sẽ giao bài cho sinh viên chuẩn bị trong suốt cả học kỳ. Hãy tải về máy một phần mềm sắp xếp hay để một cuốn lịch trên bàn, bất cứ thứ gì hữu dụng để giúp bạn nhớ nộp bài đúng hạn.
Kết bạn với những người ở chung phòng và ký túc xá
Những người bạn cùng sống chung, thường là những người đã hoặc đang trải qua những vấn đề mà bạn gặp phải khi đi học xa nhà, sẽ là chỗ nương tựa cho bạn những khi “tối lửa tắt đèn”. Vậy nên, dù bạn có đổi bạn cùng phòng sau năm đầu tiên hay gắn bó với họ suốt những năm học ở trường, hãy dành thời gian để làm quen với thật nhiều bạn mới nhé!
Hi vọng những chia sẻ từ HUNRE sẽ có ích đối với các bạn sinh viên năm nhất nhé! <3