BT- Trồng “lagim”(1) sạch theo phương pháp an toàn ở thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, thị xã La Gi là hướng đi vừa thoát khỏi tập quán canh tác cũ xưa vừa khắc phục được tình trạng dùng phân, thuốc vô tội vạ. Tuy chỉ mang tính tự phát trên diện tích nhỏ và xen canh nhưng là cách làm hay, an toàn cho người tiêu dùng.
Trồng dưa leo chỉ có 40 – 45 ngày là thu hoạch.
Dùng bạt phủ và phân chuồng là chính
Theo canh tác truyền thống thì thôn Hiệp An là khu vực đất bạc màu, chỉ làm lúa vụ nước trời, thời gian nông nhàn ở đây kéo dài nên thu nhập thấp, đời sống nghèo khổ. Hiện nay, tình trạng này đã được khắc phục với mô hình xen canh lagim sạch, không những thế người nông dân ở đây còn chủ động tính toán đầu tư theo từng mùa vụ sao cho thu nhập được cao nhất.
Chúng tôi đến tham quan vườn nhà vợ chồng anh Nguyễn Đức Vũ, chị Nguyễn Thị Hương để hiểu thêm về sự năng động của người nông dân ngày nay. Anh Vũ, chị Hương có tổng cộng 1 mẫu đất, họ chia 5 sào trồng thanh long, 5 sào lúa một vụ và xen canh thêm dưa leo, bí hồ lô. Năm nay, anh chị tính toán ngày xuống giống và thu hoạch đúng dịp Noel vì năm ngoái làm thử thấy giá cao hơn cả vụ tết.
Anh Vũ chia sẻ: “Làm dưa, bí sạch phải xác định chủ yếu là dùng bạt và phân chuồng, chi phí thấp, an toàn, lại hiệu quả. Vấn đề là tính toán sao cho hợp lý, ví vụ như dưa leo, chỉ 40 – 45 ngày là thu hoạch nên các bước phải được tính chính xác từng ngày”.
Theo anh Vũ thì biện pháp canh tác thực tế của anh có mấy vấn đề sau:
– Chọn giống tốt và luân canh, tức là trên mảnh đất này năm ngoái xuống giống dưa thì năm nay phải xuống giống khác, chẳng hạn bí hay rau.
-Trải bạt phải dằn kỹ, tránh bị gió thốc hoặc lay bạt làm ảnh hưởng đến rễ cây. Việc trải bạt kỹ sẽ giúp cho đất gốc ổn định độ ẩm, không phải tốn công diệt cỏ, giảm hẳn các loại sâu tơ phát triển, hạn chế thấp nhất việc rụng trái do thúi úng hay sâu phá.
-Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, triệt để dùng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độc thấp, sao cho ít ảnh hưởng các loài sinh vật có ích trên mảnh vườn xen canh. Ngoài việc bón lót, xử lý đất trước khi trồng, anh Vũ chỉ dùng đến thuốc nhiều nhất là 2 lần. Lần thứ nhất vào ngày thứ 10, sau khi xuống giống, dùng lượng lớn phân chuồng và đệm thêm NPK, thuốc kích rễ. Cách hai vụ anh mới dùng thêm các loại vi lượng bổ sung vào các thành phần còn thiếu của đất, xịt trực tiếp, giải quyết kịp thời khi cây có biểu hiện thiếu chất. Lần thứ hai, trước 10 ngày so với thời điểm thu hoạch. Lần này chủ yếu tăng cường điều hòa sinh trưởng, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, kích thích đâm chồi, đẻ nhánh, ra hoa, đậu trái, giảm hiện tượng rụng non và giúp trái đẹp hơn. 10 ngày là thời gian đủ để trái sạch không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Với cách làm sạch như vậy, anh Vũ cho biết: “Năng suất vẫn cao, thu nhập hơn 4 lần so với vụ lúa. Anh Vũ, chị Hương quê gốc ông bà ở Quảng Bình, cha mẹ vào đây lập nghiệp, làm nông một vụ trên những rẻo đất ven biển bạc màu này nên nghèo triền miên. Nay nhờ tìm tòi học hỏi làm thêm với các biện pháp canh tác mới, xen canh nên đời sống khấm khá, có của ăn của để. Chị Hương tâm sự: “Nhờ làm lagim sạch đón vụ, thu nhập cao nên vợ chồng tôi quyết định xây nhà vào đầu năm tới”.
Bán bông bí sạch đủ chi phí phân chuồng, thuốc sinh học và tiền mua bạt
Cạnh vườn của anh chị Vũ – Hương còn có vườn anh Nguyễn Phú, anh Hà Phú, ông Lâm… đều là những chủ vườn rau quả sạch đang làm ăn nên ra.
Ông Lâm cho biết, ông đã canh tác trên mảnh đất này hơn 30 năm nhưng chỉ có vài năm gần đây làm theo mô hình xen canh, đón vụ, gia đình ông mới thực sự thoát khỏi đói nghèo. Gia đình ông cũng đã từng xen canh cây bắp, đậu phụng, nhưng giờ chuyển sang trồng bí hồ lô đón vụ Noel và vụ tết thấy hiệu quả hơn rất nhiều và mới “thực thấy đất ni đẻ ra tiền”.
Giống bí hồ lô đắt (100 hột 45.000 đồng) nhưng cho trái ngon, thu nhập cao, năm nào thất bát nhất thì cũng thu được 7 – 8 triệu đồng/sào. Với kỹ thuật trồng trải bạt thì công cán đã giảm đáng kể, loại bạt khổ 70m, 3 cây bạt trải được 2 sào đất.
Về biện pháp canh tác thì ông Lâm cho rằng: “Hắn cũng giống với dưa leo, chỉ khác hai điểm là khi bắt đầu bỏ ngọn thì phải cắt bỏ đọt, giâm đầu ngọn xuống đất để phần thân này đẻ thêm nhiều nhánh và phải tự thụ phấn khi hắn ra hoa”.
Điều làm ông Lâm chọn xuống bí hồ lô một phần cũng do gia đình ông là mối bỏ bông bí cho chợ La Gi. Khi số trái đã ổn định trên từng thân dây thì ông tiến hành thu hoạch bông bí, riêng khoản tiền bán bông bí ông Lâm đã đủ chi phí cho các khoản đầu tư, “từ các loại phân thuốc đến bạt trải đều từ tiền bán bông bí”.
Tạm biệt bà con nông dân Hiệp An, chúc bà con thu nhập cao vụ lagim sạch đón vụ Noel này, chúc những người nông dân năng động sẽ được trả công xứng đáng!
Nguyễn Tân Hải
(1)Lagim (tiếng Pháp): Rau, củ, quả. Nhiều người Việt có thói quen dùng từ này khi đề cập đến nhóm rau củ.