Liên tiếp nạn nhân sập bẫy
Vừa qua, nhiều nạn nhân tố cáo tới cơ quan công an về việc bị các đối tượng sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản dưới hình thức vay tiền qua mạng. Trong đó, có người bị chiếm đoạt từ hàng chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Liên quan đến thủ đoạn trên, đầu tháng 7/2022, Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt tạm giam Võ Minh Thành (28 tuổi, trú tỉnh Bình Phước) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đầu năm 2022, Thành sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Minh Thắng” đăng bài cho vay tiền trên mạng xã hội. Khi biết bà H. (trú tại TX Phú Mỹ) có nhu cầu vay tiền nên Thành sử dụng các tài khoản Facebook và Zalo để liên lạc.
Sau đó, Thành lập hợp đồng giả ghi khoản vay 1 tỷ đồng gửi cho bà H. và yêu cầu người phụ nữ chuyển trước khoản phí bảo hiểm và giải ngân khoản vay. Nghe theo lời đối tượng, bà H. nhiều lần chuyển cho Thành và một số tài khoản khác tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng, riêng Thành chiếm đoạt 400 triệu đồng.
Trước đó, trong tháng 6/2022, anh T. (SN 1971, trú tại Long Biên, Hà Nội) và chị H. (SN 1981, trú tại Đông Anh, Hà Nội) cũng đã tới cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền qua mạng. Theo đơn trình báo, chị H. đã chuyển 117 triệu đồng cho một đối tượng để vay 200 triệu đồng nhưng không được giải ngân; còn anh T. bị lừa 100 triệu đồng.
Nhan nhản các quảng cáo cho vay tới 500 triệu đồng nhưng không cần gặp mặt, nộp hồ sơ…
Nhan nhản quảng cáo cho vay trên mạng
Từ các vụ việc trên, phóng viên nhập vai người cần vay vốn để tìm hiểu thông tin tại một số hội nhóm trên mạng xã hội Facebook như “Hỗ trợ vay vốn ngân hàng – Nhanh chóng – Tiện lợi – Uy tín – Không lừa đảo”, “Vay vốn online toàn quốc”, “Hỗ trợ vay vốn nhanh”, “Vay vốn tiêu dùng”…
Đáng chú ý, trong mỗi nhóm có hàng trăm nghìn thành viên tham gia với rất nhiều bài viết quảng cáo cho vay tiền, tuy nhiên, các tài khoản này đều vừa được đăng ký và là “tài khoản ảo” không hề có thông tin cá nhân, ảnh đại diện,… Trong khi đó, chỉ với một nội dung quảng cáo cho vay tiền nhưng có hàng chục tài khoản đăng tải lên hàng loạt các hội nhóm khác nhau.
Sau khi liên hệ với tài khoản tên Duyên trong nhóm “Hỗ trợ vay vốn nhanh”, người này cho biết hiện đang có 20 bộ hồ sơ cho vay đã duyệt sẵn, chỉ cần CMND/CCCD là có thể nhận tiền luôn. “Bên mình bao hồ sơ 100% nợ xấu, lãi suất chỉ 0,8%/1 tháng đối với các khoản vay từ 10 triệu đến 200 triệu đồng và hỗ trợ người từ 17-50 tuổi…” – Duyên thông tin.
Một tài khoản khác có tên Giang quảng cáo “Vay vốn toàn quốc” đã khẳng định, hồ sơ vay đăng ký online và nhận tiền trong ngày, không sử dụng app (ứng dụng) với hạn mức lên tới 500 triệu đồng và có hình thức vay trả góp theo tháng.
“Chúng tôi không giữ bất kỳ loại giấy tờ nào của khách hàng cũng không thẩm định người thân và giải ngân trong vòng 90 phút đối với người có thẻ ATM, 2 giờ nhận tiền mặt…” – tài khoản Giang cho biết.
Hàng loạt thông báo giả có tên “giải băng khoản vay” nhiều nạn nhân nhận được.
Bóc mẽ chiêu trò lừa đảo
Liên hệ qua số Zalo đăng tải trên các bài quảng cáo vay số tiền 70 triệu đồng, chúng tôi được người có tên Nam Trung hướng dẫn và gửi một đường link đăng ký hồ sơ vay tiền.
Đăng ký xong, Nam Trung cho biết, số tiền đã được giải ngân vào app của công ty và yêu cầu khách hàng rút về tài khoản ngân hàng liên kết với thẻ ATM. Tuy nhiên, khi thực hiện lệnh rút tiền thì hệ thống báo lỗi do thông tin khách hàng bị sai.
Sau khi phản ánh về việc này, Nam Trung yêu cầu kiểm tra lại thông tin đã đăng ký và chúng tôi phát hiện số tài khoản bị thừa số (do bị các đối tượng sửa), mặc dù trước đó đã điền rất chính xác.
Lúc này, Nam Trung liền “trở mặt” nói rằng số tiền được giải ngân vào trong ví mang tên giấy tờ và chữ ký của khách hàng, nếu không rút được tiền về là do lỗi của khách hàng điền sai thông tin số tài khoản.
Giấy thông báo giả mà đối tượng Nam Trung gửi cho nạn nhân.
Đồng thời người này gửi tờ thông báo giả mạo có nội dung phải nộp 7 triệu đồng (tương đương 10% tổng số tiền vay) để chứng minh số tài khoản là đúng và yêu cầu hợp tác với công ty tên “Công ty TMCP Bình An CREDIT” để sửa hồ sơ, nếu không số tiền sẽ bị tính lãi trên tổng số tiền 77 triệu đồng từ thời điểm giải ngân; hoặc đến trực tiếp công ty để sửa thông tin.
“Nếu bạn không hợp tác thì nợ xấu ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của bản thân và gia đình, số tiền cũng sẽ treo trên ví không thể thu hồi nhưng vẫn bị tính lãi và mọi vấn đề bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng hợp đồng với công ty” – Nam Trung cảnh báo.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, không có Công ty như trên ở địa chỉ ghi trong thông báo. Đồng thời có rất nhiều nạn nhân mắc lừa với thủ đoạn tương tự phản ánh trên các nhóm tố giác trò lừa đảo này.
“Tốt nhất là tránh xa các quảng cáo cho vay tiền trên mạng. Nếu bạn nộp tiền theo yêu cầu để sửa thông tin hoặc tiền bảo đảm khoản vay thì bị các đối tượng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt” – một nạn nhân cho biết.
Một số nạn nhân tố cáo về trò lừa đảo vay tiền.
Liên quan đến hành vi lừa đảo này, Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải quảng cáo cho vay vốn trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có người sập bẫy.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước hình thức quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
“Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật” – Công an TP Hà Nội thông tin.