Làm Thế Nào Để Lai Tạo Cá Bảy Màu – Cá Bảy Màu – Guppy Nhật Minh

Làm thế nào để lai tạo những con cá bảy màu hoàn hảo

Tác giả Derek Jordan – nguồn www.PracticalFishKeeping.com

Bậc thầy về cá bảy màu Derek Jordan hướng dẫn cách nuôi dưỡng và lai tạo những con cá bảy màu chất lượng hàng đầu.

Có một suy nghĩ phổ biến rằng cá bảy rất giỏi chịu đựng nên không cần chăm sóc gì mà vẫn đẹp rực rỡ và là loại cá dành cho người mới bắt đầu nuôi cá.

Hiện tại, mặc dù nhiều người bắt đầu chuyển sang chơi cá bảy màu nhưng trong nhiều năm trời chúng bị mang tiếng xấu, chủ yếu là vì việc lai cận huyết và lai tạp quá nhiều.

Tuy nhiên, hoàn toàn không có lý do gì để bạn không thể sở hữu một hồ cá hoàn hảo đầy ắp những con bảy màu rực rỡ. Bởi vì bảy màu rất dễ sinh sản nên chỉ cần bỏ công chăm sóc tối thiểu là bạn có thể thu được những cá thể khỏe mạnh và linh động.

Những kiến thức cơ bản

Hồ lai tạo phải thiết kế để thuận lợi cho việc bảo dưỡng, đặc biệt là khi bạn có rất nhiều hồ! Tôi để hồ trống, không hề có cây thủy sinh hay sỏi.

Hồ lai tạo chỉ cần có dung tích 25 lít và hồ ươm dung tích 36-45 lít là đủ. Nguyên tắc số một đó là mỗi con cá dài 2.5 cm cần dung tích khoảng 4 lít để phát triển hết khả năng vốn có của chúng.

Vài nhà lai tạo nuôi cá với mật độ cao hơn, điều đó cũng tốt nhưng cần phải thay nước thường xuyên hơn. Đừng mạo hiểm vì bạn có thể thu hoạch toàn những con cá dị tật và kém chất lượng.

Để lọc nước, tôi chọn bộ lọc khí hay bọt biển với dòng khí thật mạnh. Dòng khí thật mạnh có nghĩa là nước ở phía trên bộ lọc sẽ sủi lên như nước sôi.

Việc bố trí dòng nước mạnh như vậy là có chủ đích, nó thúc đẩy cá phát triển cơ bắp nhất là phần gốc đuôi. Nó giúp cho những con delta có thể giương vây một cách tự nhiên và đuôi không không có vẻ quá nặng nề, làm cho thân hình chúng trông có vẻ oằn xuống vì nặng.

Thông số nước lý tưởng là pH 7.2 (tầm bình thường 6.8-7.8); 8-12 độ gH (tầm bình thường 4-20) và nhiệt độ cho cá bột là 25.5 độ C; cá non (4-8 tháng tuổi) là 24.5 độ C và cá trưởng thành có thể chịu lạnh tốt hơn là 23 độ C (tầm bình thường 10-29 độ C).

Cá bảy màu cần 12 tiếng chiếu sáng mỗi ngày, tốt nhất nên dùng đèn huỳnh quang 30-40W lắp ngay phía trên hồ. Cường độ chiếu sáng không quan trọng.

Thời lượng chiếu sáng mới là điều quan trọng và một bộ định thời đơn giản có thể đảm bảo việc bật và tắt đèn đúng giờ.

Chăm sóc và nuôi dưỡng

Cá bảy màu là loài ăn tạp nên cần cho chúng ăn nhiều loại thức ăn khác nhau như thức ăn tổng hợp, thức ăn tươi và thức ăn đông lạnh. Tổt nhất là cho chúng ăn ít một sau mỗi vài giờ hơn là cho ăn thật nhiều một lần.

Thức ăn đông lạnh và thức ăn tươi dễ tiêu hóa hơn thức ăn tổng hợp vì vậy có thể cho cá ăn nhiều. Nếu cá của bạn không ăn hết thức ăn bỏ vào hồ trong vòng hai phút thì điều đó có nghĩa là bạn đã bỏ quá nhiều thức ăn hay cá có thể bị bệnh.

Nếu bạn cho cá bảy màu ăn quá nhiều, thức ăn tiêu hóa không hết sẽ được thải ra ngoài và làm dơ hồ. Tránh cho cá ăn loại thức ăn viên giàu protein vì nó có thể gây ra chứng táo bón khiến tích tụ chất độc trong ruột cá.

Cá tạo ra chất thải và chất thải nuôi dưỡng cả vi khuẩn có ích lẫn vi khuẩn gây bệnh. Nếu chất thải trong hồ tăng lên, ngay lập tức vi khuẩn gây bệnh sẽ bùng phát làm nước bị nhiễm khuẩn. Kế đó, vây và sức khỏe của cá bảy màu sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần phải thay nước thường xuyên, tôi thay 25% nước mỗi tuần.

Hiểu biết về dòng cá của mình

Trước khi lai tạo cá bảy màu, bạn cần hiểu rõ các đặc điểm của dòng cá mà mình chọn nuôi – mỗi dòng đều có đặc điểm riêng.

Sẽ rất khó khăn nếu bạn mua cá từ một nơi không thể truy vấn nguồn gốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải quan sát kỹ lưỡng và ghi nhật ký lai tạo.

Bước đầu tiên bạn cần ghi chú tất cả các đặc điểm ở cá của bạn. Ví dụ, màu sắc có đồng nhất hay hơi đậm hơn ở một số vùng nào đó? Dạng vây như thế nào? Xác định dạng vây lý tưởng là gì?

Chiến hữu cùng nuôi cá là nguồn thông tin tham khảo rất tốt. Tìm hiểu xem nếu dòng cá của bạn mang những đặc điểm mong muốn ở nhiễm sắc thể X hay Y. Công cụ Internet rất hữu ích để bạn tìm hiểu về gen di truyền của dòng cá của mình.

Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ chú trọng vào một mục đích đặc biệt, chẳng hạn lai tạo cá màu đen tức càng đen càng tốt hay chú trọng vào hình dạng của đuôi, hay thậm chí chỉ chú trọng đến một phần trên vây lưng, thì việc thiết lập hồ cá và lựa chọn tỷ lệ nuôi rất dễ.

Đừng bao giờ chỉ lai tạo trên một cặp cá: sớm muộn gì cá cũng bị bệnh cho dù bạn có kỹ lưỡng đến đâu chăng nữa, bạn không thể bỏ phí nhiều năm lao động cật lực chỉ vì một cặp cá bị chết. Vì vậy tốt nhất bạn nên nuôi từ hai đến ba cặp trong những hồ khác nhau.

Ghi chép

Nhật ký lai tạo của bạn nên có những thông tin sau đây:

Mã số: Gán cho mỗi cặp cá hay nhóm cá một mã số, chẳng hạn cặp cá đầu mã số 1, cặp cá thứ hai mã số 2…

Giới tính: M (male) và F (female) cho cá đực và cá cái.

Màu sắc/dòng cá: chẳng hạn dòng delta nửa đen, nửa đỏ hay dòng vàng da rắn.

Lứa: bắt đầu bằng P (parents) cho cá bố mẹ, các lứa tiếp theo là F1, F2…

Kiểu lai: lứa cá được lai giữa anh chị em (lai cùng bầy), giữa cha mẹ với con cái (lai ngược) hay lai giữa các dòng (lai xa)?

Cá cha mẹ: Mã số của cá cha mẹ?

Ngày sinh: Ghi chú ngày sinh. Thông tin này cần thiết để xác định tuổi của cá để lai tạo và theo dõi sự phát triển của vây và màu sắc, mà chúng khác nhau tùy mỗi dòng.

Sinh sản: Cặp cá có tạo ra những con cá giống tiềm năng?

Ghi chú: ghi nhận những quan sát khi nào cá trưởng thành, tỷ lệ đực cái, tốc độ tăng trưởng…

Luôn ghi mã số cá và ngày sinh lên thành hồ. Nên dùng băng keo giấy để dễ gỡ ra và dán vào hồ mới nếu phải chuyển hồ.

Lai tuyển chọn

Vấn đề khi lai cận huyết quá sâu đó là mỗi thế hệ đều mất đi một ít đa dạng gen. Lai tuyển chọn sẽ giúp hạn chế nhược điểm này và duy trì dòng cá.

Nguyên tắc cơ bản là kết hợp giữa lai cận huyết với lai chéo từ một dòng cận huyết khác sau một vài thế hệ để giữ cho bầy cá bảy màu của bạn mạnh khỏe trong nhiều năm trời.

Cách hay được sử dụng đó là phân dòng cá thành hai dòng cận huyết. Rồi sau mỗi 3 thế hệ lại lai chéo các dòng cận huyết với nhau. Một ví dụ về việc lai xa như sau:

Dòng 1 Dòng 2

P1 M F P1 M F

F1 M F F1 M F

F2 M F F2 M F

Lai chéo: Cá cái (dòng 1, F2) với cá đực (dòng 2, F2), và cá đực (dòng 1, F2) với cá cái (dòng 2, F2).

Cá bảy màu thường đạt thành thục sinh dục ở bốn tháng tuổi, vì vậy việc lập lại các bước kể trên sau mỗi 3 thế hệ sẽ mất khoảng 1 năm. Tất nhiên, nếu bạn duy trì nhiều dòng cá thì sự đa dạng gen mà bạn có càng cao.

Lai xa

Tức lai giữa hai dòng cá bảy màu không có quan hệ gần. Trong khi lai cận huyết làm giảm sự đa dạng gen ở bầy cá con và lai tuyển chọn giúp duy trì bộ gen thì lai xa sẽ điều chỉnh và bổ sung gen vào dòng cá của bạn.

Ví dụ, bạn muốn cá của mình có vây lưng lớn hơn, cải thiện màu sắc hay làm thẳng vây đuôi. Hay thậm chí khi bạn muốn tạo ra một dòng hoàn toàn mới.

Lưu ý rằng, người mới nuôi cá tốt nhất không nên lai xa vì nếu bạn thất bại, bạn có thể làm mất hết những đặc điểm của dòng cá.

Khi lai xa, nên đảm bảo rằng những dòng cá phải tương thích với nhau – một số màu có thể trộn lẫn nhưng một số khác thì không. Ví dụ, lai cá da rắn vây loang lổ với cá nửa đen nửa đỏ sẽ tạo ra cá có đặc điểm kết hợp. Bạn thực sự cần giữ cho những dòng cá gốc được thuần.

Lai xa đòi hỏi phải duy trì nhiều hồ nuôi, sự kiên nhẫn khi lai ngược để đạt được kết quả mong muốn. Bạn cần sử dụng những dòng cá thực sự thuần với bộ gen ổn định, nghĩa là tất cả cá con đều giống nhau.

Cuối cùng, hãy cố gắng lai xa theo cả hai cách – tức cá mái lai với dòng xa và cá đực lai với dòng xa vì bạn có thể không biết được đặc điểm mà mình mong muốn nằm ở nhiễm sắc thể X hay Y.

Lai ngược

Đó là khi bạn lai chẳng hạn cá đực của một dòng mà bạn đang củng cố với con gái của nó (với dòng lai xa) hay cá đực của một dòng với con trai của nó (với dòng lai xa).

Mục đích là để phục hồi dòng cá gốc nhưng với những đặc điểm cải thiện.

Rồi có lúc bạn sẽ phải làm điều này vài lần. Cách kiểm tra là lai bầy con với nhau xem chúng có là bản sao của cá bố mẹ với đặc điểm cải thiện hay không.

Ai là người đầu tiên

Cá bảy màu (guppy) được đặt theo tên của đức cha Robert John Lechmere Guppy, nhà nghiên cứu về nhuyễn thể, nhà địa lý và mục sư ở Trinidad.

Mặc dù ông được ghi công phát hiện ra cá bảy màu vào năm 1866, nhưng trước đó người Tây Ban Nha De Filippi đã phát hiện ra loài cá này vào năm 1862 ở đảo Barbados và đặt tên là Lebistes poeciliodes.

Tuy nhiên, từ sớm hơn vào các năm 1857 và 1858, nhà sinh vật học nghiệp dư người Đức Julius Gollmer đã phát hiện ra cá bảy màu ở Caracas, Venezuela. Ông gửi những con cá này về Viện Hàn lâm Khoa học Đế chế Phổ ở Berlin.

Chúng đã không ấn tượng lắm đối với những nhà ngư loại học, Gollmer chỉ được trao một giải thưởng nhỏ và những mẫu vật được đem cất vào bộ lưu trữ. Chúng nằm ở đó cho đến năm 1859, khi Wilhelm Karl Hartwig Peters, người đứng đầu ngành ngư loại học viết một báo cáo khoa học về chúng.

Không may, lọ đựng cá không được dán nhãn thích hợp nên ông đã mô tả cá thể cái như là một loài mới Poecilia reticulata. Sau năm 1866, cá đực được phát hiện và đặt tên là Giradinus guppyi. Cá cái sau đó được đổi theo tên của cá đực.

Tên khoa học đã trải qua một số thay đổi trong hơn 100 năm qua và sau cùng cá bảy màu được đặt tên khoa học là Poecilia reticulata (Rosen và Bailey, 1963). Rosen và Bailey cũng bổ sung thêm cá molly vào chi cá bảy màu.

Người tiên phong

Nhà tiên phong người Anh trong lãnh vực cá bảy màu là W. G. Phillips sinh năm 1883. Trong giai đoạn Thế chiến thứ 2, ông bán những con cá bảy màu dôi ra ở một tiệm cá tại London.

Vài tháng sau, ông phát hiện thấy những con cá còn thừa đã sinh sản, và một số cá con có dạng đuôi bất thường. Ông đem chúng về nhà và những năm sau đó hoàn thiện thành một dòng cá mà ngày nay trở nên rất quen thuộc, cá đuôi thuổng (coffer tail).

Phillips xây dựng tiêu chuẩn cá bảy màu Anh quốc mà đó là nền tảng cho nhiều tiêu chuẩn sau này. Ông cũng phát triển và bán ra nước ngoài giống cá bảy màu báo Anh (English leopard) hay cá bảy màu viền Anh (English lace) mà chúng có lẽ là tổ tiên của tất cả cá loại bảy màu da rắn (snakeskin).

Phillips đoạt hơn 500 giải thưởng về cá bảy màu, và ngôi nhà của ông ở Kenton là thánh đường của những người hâm mộ. Ông không giữ bí mật điều gì mà chia xẻ cá và ý tưởng cho tất cả mọi người, ông đóng góp công lao to lớn vào lãnh vực nuôi và lai tạo cá bảy màu đến tận ngày nay.

Bạn có biết?

Từ “Poecilia” nghĩa là loang lổ và “reticulata” ám chỉ các viền hoa văn tạo ra bởi các vảy xếp chồng lên nhau trên thân cá bảy màu.

Cá bảy màu (guppy) từng được gọi là cá truyền giáo (missionary fish).

Cá bảy màu đuôi vuông được đặt tên dựa theo hình dáng giống như cái thuổng của thợ mỏ ở miền nam xứ Wales.

Rate this post

Viết một bình luận