Một buổi trực của chuyên gia tư vấn tâm lý đầy ắp các câu hỏi của nhiều phụ huynh rất băn khoăn việc phải làm gì khi con gái mình mới 13 – 14 tuổi đã có người yêu.
Chúng cũng đau khổ, nhớ nhung, hò hẹn như người lớn. Có bà mẹ còn rất khổ tâm khi biết rằng con gái mình nhiều lần chủ động tán tỉnh bạn trai cùng lớp… Thực tế, chuyện con gái bước vào yêu đương sớm đang làm đau đầu các bậc phụ huynh. Vậy cần phải làm gì?
Từ nghi ngờ đến sững sờ
Tan buổi họp phụ huynh lớp 8B hôm đó, chị Lan ra về với vẻ mặt thất thần và đầy bực bội. Nguyên do cuối giờ họp, chị đã gặp cô giáo trao đổi riêng về tình hình học tập của con gái chị trên lớp. Chị bất ngờ khi được cô giáo thông báo về việc dạo này con thường xuyên có cử chỉ thân mật và gần gũi quá mức với một bạn trai cùng lớp. Bạn trai này có hình thể to cao nhưng rất hiền và rụt rè nên con gái chị thường chủ động gần gũi. Có hôm cuối giờ học, cô còn bắt gặp hai con ôm hôn nhau như hai con mèo sau cánh cửa lớp.
Một trường hợp khác: chị Mai để ý thấy dạo này cô con gái vừa tròn 13 tuổi của mình rất chịu khó làm đỏm khi đến lớp. Quần áo con trau chuốt hơn. Con tô son môi, vẽ viền mắt đậm, mặc áo độn ngực cao hơn khi đến trường. Buổi tối về nhà, khi học xong bài là con “ôm” ipad chat với bạn đến khuya. Nhiều hôm đi học thêm, con tỏ vẻ khó chịu và không muốn bố mẹ đi đón. Việc học hành trên lớp của con có vẻ chểnh mảng hơn. Sau nhiều ngày để ý những hành vi khang khác của con, chị Mai cũng lên mạng chat xem con mình làm gì. Chị rất bất ngờ khi biết con mình đã yêu một bạn trai học trên con 1 lớp và hàng ngày hai đứa thường xuyên hẹn hò nhau tâm sự sau mỗi giờ học. Trong cuộc nói chuyện trên mạng, hai đứa thường dùng những lời lẽ yêu đương sướt mướt… Chị đem chuyện này đến tâm sự với mọi người có con cùng lứa ở cơ quan thì được biết nhiều người cũng rơi vào tình cảnh như chị và cũng đang lúng túng chưa biết phải làm gì khi con cái vướng vào yêu đương, chểnh mảng học tập.
Ði tìm nguyên nhân
Hiện nay, do điều kiện dinh dưỡng đầy đủ cộng với nhiều yếu tố tác động từ môi trường lên từng cá thể, vì vậy, tuổi dậy thì của con đang ngày càng sớm. Cổ nhân đã có câu “nữ thập tam, nam thập lục” nhưng trên thực tế, tuổi dậy thì hiện nay ở con trai là từ 12 – 17 và của con gái là từ 10 – 15. Bước vào tuổi dậy thì, tại não của các em nữ cũng như nam bắt đầu tiết ra các chất nội tiết kích thích hoạt động của bộ phận sinh dục. Với các em gái, đó là hoạt động của buồng trứng để tiết ra các chất nội tiết sinh dục nữ. Với các em nam là sự hoạt động của tinh hoàn để sinh ra chất nội tiết sinh dục nam. Đến tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu tìm hiểu, khám phá và cảm nhận những cảm xúc mới lạ về cơ thể mà trước đây không hề có. Cùng với sự thay đổi về hormon thì những tiếp xúc qua sách báo, phim ảnh, internet và quan niệm sống cởi mở hơn… cũng giúp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn, nhanh hơn với vấn đề mà các thế hệ trước cho là điều cấm, là vấn đề tế nhị – tình yêu và tình dục.
Có nên cấm đoán?
Nam nữ đang tuổi trưởng thành, có sức thu hút về thể xác và tình cảm là điều hết sức tự nhiên, nó là một nhu cầu có tính bản năng. Tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Con luôn muốn làm người lớn, coi mình là người lớn. Nhưng thực ra, tâm hồn trẻ vẫn đầy non nớt và dễ bị tổn thương. Vì vậy, khi con gái bước vào yêu sớm, cha mẹ không nên cấm đoán tức thì hay làm ầm ĩ lên. Cha mẹ phải lựa lời phân tích điều hay điều dở về tình cảm bồng bột của con, khéo léo tìm hiểu mối quan hệ riêng tư để từ đó cho trẻ các lời khuyên về lối sống, cách ứng xử. Điều cấm kỵ nhất là cha mẹ có lời lẽ chì chiết, xúc phạm con, nghe lén điện thoại hay đọc trộm nhật kí, lùng sục facebook, email của con, ngăn cấm con tiếp xúc với bạn. Làm như vậy con sẽ rất tức tối và thấy mình không được thoải mái sống. Không ít trường hợp con có ý định tự tử, bỏ nhà ra đi vì sự can thiệp của bố mẹ. Thay vì cấm đoán một cách bạo liệt, hãy đến bên con một cách nhẹ nhàng như một người bạn tin cậy để giúp cho con phát triển tình cảm một cách đúng hướng. Khi tình yêu là nhu cầu bản năng, khó để cấm đoán thì cách ứng xử của cha mẹ phải hết sức khéo léo, nó giống như chuyện ta không ngăn được dòng chảy của con sông nhưng biết nắn dòng chảy đi theo hướng êm đềm hơn. Nếu cha mẹ chưa đủ bình tĩnh thì hãy xin ý kiến của các chuyên gia tư vấn tâm lý về việc này rồi hãy nói chuyện với con. Cách khác là cũng có thể cho con gặp tư vấn tâm lý. Những lời khuyên khách quan từ những tư vấn chuyên nghiệp sẽ dễ dàng giúp con nhận ra đúng sai trong việc phát triển tình cảm của mình.
Theo Minh Nhân
Theo Sức khỏe đời sống