Có lần mấy chị em trong phòng tếu táo, nếu gặp lại người đó, cậu sẽ làm gì, cười tươi thân thiện, ngó lơ bỏ đi, chào cho có rồi làm tiếp công việc của mình hay gì gì khác? Ai đó thốt lên: “Hận quá làm sao quên được để mà chào hỏi!”.
Khi ấy chị khá ngạc nhiên, phải chăng mình chưa yêu, nên chẳng thấy đau, trái tim chị quá tỉnh táo chăng? Không tính toán thiệt hơn nhưng khi thấy hoàn cảnh hai đứa quá xa xôi, gia đình anh cũng khác gia đình chị nhiều, chị đã lẳng lặng lạnh nhạt, quan tâm đến anh như đối với những người hàng xóm khác quanh dãy trọ.
Anh từng đau khổ, quay quắt không hiểu vì sao. Rồi anh đoán chị đã có đối tượng khác lý tưởng hơn. Đó cũng là lúc anh ra trường trước, nhận công trình mãi miền Tây Bắc, chẳng ai còn biết tin tức về anh. Chị lặng thinh khi có ai đó hỏi, nén chặt lòng mình, chỉ hơi nhơ nhớ và mang máng day dứt, phiền muộn.
Khi chỉ còn mình chị chưa có một gia đình riêng, bạn bè thân giục giã, gán ghép và mai mối mãi chị mới thấy hơi chạnh lòng nghĩ ngợi.
Nhờ quan hệ của các đồng nghiệp, chị làm quen rồi quyết định lấy chồng. Anh hết lòng với gia đình, cần mẫn, tận tụy, luôn muốn mang đến sự đầy đủ tuyệt đối cho vợ và con trai. Chị an phận với sự lựa chọn, gắng lo lắng chu đáo đến chồng con và rồi yêu chồng lúc nào chẳng hay. Bạn bè cũ đã có ai đó khen chị quả là người lý trí, “tỉnh không cần chỉnh”.
Nhớ đến chị lại cười buồn rồi nghĩ, lẽ thường, tình chỉ đẹp khi còn dang dở, chẳng đến được với nhau họ lại càng hay nhớ đến nhau, chỉ là nhớ mà thôi. Phải chăng là để dành những khi cãi cọ với chồng, quay mặt vào tường mà nhớ cho bõ… tức.
Đột nhiên một hôm chị nhận được điện thoại của anh: “Anh điện hỏi mẹ em thì được biết số này, anh chỉ muốn quan tâm xem gia đình em hồi này ra sao? Em hạnh phúc không? Có phút giây nào em nhớ tới anh không?”. Anh chất vấn dồn dập, rồi như không kìm được tò mò, anh mạnh dạn hỏi: “Thực ra ngày ấy em có yêu anh không? Tại sao rời bỏ anh dễ dàng như vậy?”. Chị nhíu mày, chẳng biết phải trả lời ra sao, chỉ im lặng, may mà anh đã bình tĩnh trở lại, xoay sang hỏi câu khác, dễ hơn.
Chị bật cười khi thấy rằng nhiều lúc chị còn chẳng nhớ mặt người ấy, ký ức dần bị xóa nhòa vì vẻ như nó chẳng còn quan trọng. Rung động ngày ấy được chị xếp gọn lại như những lá thư, đồ vật họ trao nhau ngày nào, sau đó chị cho “lên đường” hết trước khi gặp người mới…
Thế nên chị tự nhủ, nếu gặp lại người ấy chị sẽ nở nụ cười thật tươi chào hỏi, bắt tay và vui vẻ kể về quãng thời gian không gặp, như một người bình thường. Và nếu không vô tình gặp thì cũng chẳng cần tìm cách gặp lại làm gì. Kỷ niệm thì hãy cứ để là kỷ niệm, khơi gợi ích gì đâu.
Nhớ người yêu cũ! Đâu là lý do?
Trong tình yêu, không dễ gì để quên một người dù người đó mang lại cho mình những niềm vui hay nỗi buồn… Khi yêu, trái tim luôn có những lý lẽ riêng của nó, để rồi, dù chia tay vì tình duyên đã hết hay vì duyên số không thể đến với nhau… người ta vẫn luôn nhớ về nhau. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến “hai ngả rẽ” đó còn song hành cùng nhau?
Dưới đây là một vài lý do có thể khiến bạn luôn nhớ về “người xưa” khi đã chia tay:
Hai người chia tay nhưng vẫn còn tình cảm với nhau. N.T.L tâm sự: “Thực ra tình cảm giữa chúng tôi vẫn còn, tôi và T.H rất yêu nhau, nhưng hoàn cảnh không thể cho tôi và T.H đến được với nhau. Vì thế tôi nghĩ, nhớ về H là điều khó thể tránh khỏi”.
Khi yêu, người ta thường trao tặng nhau rất nhiều kỷ vật, để rồi khi chia tay, chính những món quà tình yêu đó làm chàng/nàng luôn nhớ về người yêu xưa của mình. Ngồi ngắm những bức ảnh, những kỷ vât… sẽ làm sống dậy những kỷ niệm trước đây, khơi gợi lại tình yêu mà bạn vẫn chôn vùi lâu nay trong tận sâu thẳm trái tim của mình.
Một lý do nữa khiến bạn hay nhớ về người xưa đó là: hai người thường xuyên gặp mặt, vẫn giữ liên lạc bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại, mail, chát, quà tặng… Chính sợi dây vô hình đó phần nào “kéo” các bạn lại gần nhau hơn. Một phần tình cảm vốn tồn tại sẵn trong con người của bạn, khi có cơ hội, tình cảm cũ sẽ là động lực khiến các bạn dễ “bày tỏ” và hiểu nhau hơn trong hoàn cảnh hiện tại.
Các nhà tâm lý cũng cho rằng, khi tình cảm hiện tại của bạn “có vấn đề”, người mà bạn có nhu cầu chia sẻ, cần sự đồng cảm lại chính là người yêu cũ của mình. Những suy tư, băn khoăn về cuộc sống, công việc, thậm chí về tình yêu hiện tại… là những chủ đề rất dễ để các bạn tâm sự và chia sẻ cùng nhau.
Những nguy cơ tiềm ẩn…!
Không thể phủ nhận một điều rằng: rất khó để quên đi một tình yêu đẹp mà phải “đứt gánh giữa đường”! Thế nhưng, luôn nhớ về người xưa trong khi bên bạn đang có một mối tình rất đẹp liệu có “nguy cơ” gì không?
Nếu bạn cứ mãi nhớ về mối tình cũ thì có lẽ, người hứng chịu rắc rối sẽ là chính bạn. Khi yêu, trái tim thường chỉ trao gửi cho người mà bạn thương yêu nhất. Vì thế, nếu bạn không muốn tình cảm hiện tại có những đổ vỡ thì hãy chấm dứt hoặc điều tiết mối quan hệ của mình với người cũ. Hãy biết dừng lại trước khi “tình cũ không rủ cũng đến”.
Nhớ về mối tình và người yêu xưa sẽ khiến bạn có những so sánh với tình cảm hiện tại. Điều đó có thể làm cho tình cảm của bạn bị lung lay, tâm hồn của bạn sẽ có những xao xuyến, yếu lòng… Chưa kể đến khi người yêu hiện tại biết được bạn “không toàn tâm toàn ý” khi yêu thì hậu quả thật khôn lường!
Duy trì mối quan hệ qua lại với người yêu cũ sẽ tạo nên một “thông điệp ngầm” nếu trước đây hai người đã từng “thề non hẹn biển” với nhau. Tình cảm không dứt khoát dễ tạo nên những hiểu lầm để rồi chàng/ nàng cứ mãi chờ đợi, biết đâu một ngày nào đó tình cảm xưa sẽ nối lại được. Q.H hiện đang là trưởng phòng nhân sự của một công ty thời trang. Thời sinh viên có một mối tình cảm đẹp với B.T. Hai người không đến được với nhau những vẫn duy trì mối quan hệ trên danh nghĩa là tình bạn. Q.H vẫn luôn chờ đợi và hy vọng vào mối tình đó của mình. Đến nay đã 29 tuổi, có công việc làm ổn định nhưng vẫn không bắt đầu một mối tình mới vì hy vọng sẽ có một ngày sẽ nối lại tình cảm trước đây của mình!
Cần làm gì khi luôn nhớ về người xưa?
Để tránh môi quan hệ với người cũ đi “quá đà” bạn hãy thận trọng nhìn nhận lại vấn đề. Xác định lại tình cảm hiện tại của mình. Làm chủ được cảm xúc của mình khi có những xao xuyến hoặc gặp lại người yêu cũ. Tránh những không gian hẹn hò chỉ có hai người vì đó là nguy cơ mà “lửa” và “rơm” rất dễ dàng để cháy!
Phải biết hạn chế những buổi gặp mặt, những tin nhắn, những cuộc gọi, những quà tặng… Khi có chuyện gì buồn nên tìm sự chia sẻ với người yêu hiện tại. Tránh khi gặp xích mích với người yêu mà tìm lại với người xưa. Những lúc như thế sẽ khiến các bạn rất dễ gần nhau.
Đừng tỏ ra và bắt mình cố quên tình cũ. Hãy để cho mọi chuyện được tự nhiên. Xác định đâu là mục đích, điểm đến và điểm dừng của mình trong vấn đề tình cảm. Hãy nhớ rằng: càng cố quên thì bạn lại càng nhớ đó!
Điều quan trọng là: không quên vun đắp cho tình cảm hiện tại của mình. Hãy luôn biết làm mới tình yêu của bạn. Xác định rõ nguyên nhân thất bại của mối tình cũ để tránh đi lại “vết xe đổ”! Hãy đầu tư nhiều thời gian cho công việc và sự nghiệp của bạn để xây đắp một tổ ấm thực sự hạnh phúc sau này!
Tình yêu dễ tìm, khó giữ! Hãy biết trân trọng những gì bạn có. Đừng để trái tim – không của chỉ riêng bạn thêm một lần rỉ máu!
Đã một thời bạn và người đó từng yêu nhau, nhưng giờ chỉ là quá khứ. Có thể bạn hay bạn ấy đã có hoặc chưa có người mới, vậy thì khi gặp nhau bạn sẽ xử sự như thế nào?
Phương án 1: Tránh mặt
Đây cũng là điều dễ hiểu, vì teen thường cảm thấy ngại hay ngượng ngùng khi đối mặt người cũ. Bởi khi đó cả hai đều không biết nói gì, nhất là nếu lúc đó có cả người mới của một trong hai. Rút cục thì cả hai cùng đi qua nhau như chưa từng quen biết. Huy (18t) chia sẻ: “Mình và bạn ấy từng yêu nhau từ ngày mới vào cấp 3. Nhưng sau một thời gian tớ nhận ra đó chỉ là tình cảm bồng bột của tuổi ẩm ương gọi là thinh thích mà thôi. Tớ chủ động nói lời chia tay với bạn ấy. Sau khi chia tay, hai đứa ít trò chuyện với nhau hơn. Thế nhưng học chung khối nên bọn mình vẫn hay gặp nhau, mỗi lần vô tình chạm mặt giữa sân trường hay ở nhà để xe đều khiến mình rất khó xử. Vì thế mình thường xuyên tìm cách để khỏi chạm mặt nhau. Nếu thấy bạn ấy ở dưới sân thể dục thì mình sẽ chịu khó ngồi im trong lớp. Nếu bóng dáng cô nàng ở cổng trường thì mình đi thật chậm lại hoặc cố tình quay đi chỗ khác coi như không biết.”
Không như Huy, Lan (17t) lại ở trong hoàn cảnh khác, Lan và người đó có tình cảm với nhau cách đây mấy tháng, kể từ khi cô giáo chuyển hai người ngồi cạnh nhau. Ban đầu thì suốt ngày chí chóe nhưng lâu dần thì “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cả hai thành một cặp. Ngày ngày cùng nhau đi học, cùng làm bài tập, cả hai đã có rất nhiều kỉ niệm bên nhau. Nhưng không hiểu vì sao, đùng một cái, cặp đôi này chia tay. Lan xin cô giáo chủ nhiệm chuyển chỗ ngồi, cũng từ đó, cô bạn tìm mọi cách để không phải đi học cùng cậu bạn. Lan thường xuyên đi sớm hơn, lúc về cô nàng cũng vụt nhanh ra khỏi lớp như tên lửa với mục đích… không phải chạm trán bạn ấy. Rồi mỗi giờ ra chơi, thấy bạn ấy ở trong lớp thì Lan lại ra ngoài, bạn ấy ra ngoài thì Lan lại vào trong lớp.
Yêu nhau rồi chia tay là điều không ai muốn, nhưng bạn cũng không nên chạy trốn hoặc tránh mặt người ta như vậy, vì sẽ khiến cho nhiều người hiểu lầm, ngay cả hai bạn cũng cảm thấy không thoải mái và tự nhiên. Nếu không thể là người yêu thì vẫn có thể là bạn bè cơ mà, phải không nào?
Đã từng là người yêu thì vẫn có thể là bạn mà. (Ảnh minh họa)
Phương án 2: Đối diện
Chia tay không phải là một chuyện gì quá lớn lao, kinh khủng, chỉ đơn giản vì người đó không phải là một nửa của mình thôi. Vì thế không có lí do gì để chúng mình tránh mặt với người cũ cả. Thùy (19t) tâm sự: “Ngày đầu mình mới chia tay người đó, mình luôn cố tránh mặt bạn ấy. Nhưng rồi chính bạn ấy đã giúp mình hiểu ra. Khi tình yêu không còn thì tốt nhất là chia tay, nhưng cả hai vẫn có thể là bạn tốt của nhau. Thời gian sau đó, mình đã thấy tự tin, dám nhìn thẳng vào cậu ấy và chào hỏi bình thường mỗi khi gặp. Bọn mình lại như bạn bè bình thường thôi mà.”
Không may mắn như Thùy, Tú (20t) nói: “Mình đã từng yêu một người. Hai đứa gắn bó với nhau lắm, nhưng vì một số hiểu lầm mà chia tay. Mình rất buồn, càng buồn hơn khi biết cô ấy mới chia tay mình mà đã có người yêu mới. Một lần đi sinh nhật người bạn chung của hai đứa, không biết cố ý hay vô tình mình và người đó chạm mặt nhau, có cả anh chàng kia nữa. Ban đầu mình định bỏ đi nơi khác, nhưng rồi nghĩ lại, không gì bằng mình đối diện. Mình lấy lại vẻ tự nhiên vốn có, tươi cười chào hỏi cả hai người. Họ cũng chào lại mình, mọi thứ đều ổn cả, mình cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào.”
Dũng cảm đối diện với người cũ cũng là cách tốt nhất để bạn chắc chắn được rằng tình cảm của mình đã thực sự hết hay chưa. Khi nào gặp lại người cũ mà bạn cảm thấy thoải mái và tự nhiên như hai người bạn, cũng là lúc trái tim bạn đã sẵn sàng “mở cửa” cho một tình yêu mới rồi đấy!
Một công trình nghiên cứu sau ly hôn ở Pháp rút ra nhận xét: “Càng những người duy trì mối quan hệ tình bạn với người cũ càng khó tìm được hạnh phúc mới và có tìm thấy cũng không giữ được”.
Trong một cuộc trò chuyện của một vài người đàn ông nhân lúc “trà dư tửu hậu”, có người nêu câu hỏi: “Nếu tình cờ gặp lại người yêu cũ, ta nên xử sự thế nào?”. Một câu hỏi tưởng như đơn giản lại có nhiều câu trả lời rất khác nhau.
Có người chủ trương: “Hãy để quá khứ ngủ yên. Nếu gặp người yêu cũ, tốt nhất là tìm cách tránh đi, coi như không gặp”. Anh này vừa dứt lời đã bị phản đối: “Sao lại có thể bạc bẽo thế? Gặp lại một người bạn cũ ta còn tay bắt mặt mừng, có khi còn mời về nhà thết đãi cơm rượu, huống chi đây là người một thời ta đã nặng lòng yêu thương, chỉ vì hoàn cảnh nào đó không lấy được nhau, tại sao gặp lại ta có thể làm ngơ như một kẻ bạc tình?”.
Lập luận này xem ra cũng không ổn, vì không biết cách cư xử tình cảm, thân thiết với người yêu cũ có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình không?
Có người lại nói: “Tôi đánh giá cao bất cứ ai cư xử tử tế với người mà một thời mình từng yêu. Tôi coi thường kẻ nào gặp lại người tình cũ mà lại tìm cách lảng tránh”.
Cứ mỗi người đưa ra một cách ứng xử khác nhau mà người nào cũng cho là mình có lý cả. Thực ra, khi gặp lại người tình cũ, không thể có một cách ứng xử chung cho tất cả các trường hợp. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thứ nhất là mối tình đó đã tan vỡ trong hoàn cảnh nào?
Hình ảnh người tình cũ trong trái tim bạn hiện nay ra sao? Nếu đó là mối tình dang dở vì thất lạc nhau do hoàn cảnh đi công tác nước ngoài chẳng hạn thì tại sao gặp lại ta lại lờ đi? Nhưng nếu đang yêu, người ta bỏ mình để đi yêu người khác mà họ nghĩ là tốt đẹp hơn mình thì có nên gặp lại nữa không?
Cũng có khi do tuổi trẻ nông nổi, dại khờ, do hiểu lầm mà để mất nhau, bây giờ nghĩ lại cả hai cùng hối tiếc thì gặp lại nhau phải rất thận trọng, kẻo tình cũ chẳng đi đến đâu mà có khi tình hiện tại lại tan vỡ cũng nên.
Thứ hai là phải biết bản thân mình là người thế nào?
Nếu mình là người “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát” thì có ngại gì. Nhưng nếu biết mình là kẻ đa sầu đa cảm, vừa thương vợ lại thương cả người tình cũ, nhìn thấy nhau, bao nhiêu kỷ niệm đã ào ạt tràn về, tim đập thình thình như trống trận mà lại còn hay gặp gỡ nữa, biết có làm chủ được bản thân không?
Thứ ba là cách cư xử với người tình cũ như thế nào còn tùy thuộc vào thái độ của người bạn đời hiện tại.
Có người tự tin, độ lượng, thông cảm, coi việc vợ hay chồng mình có quan hệ bạn bè với người cũ là chuyện thường tình của người ăn ở có trước có sau. Có người còn cho rằng nếu người tình cũ còn tỏ ra lưu luyến chứng tỏ vợ hay chồng mình phải tốt đẹp như thế nào mới khiến người cũ tiếc nuối, thì tại sao mình lại không tự hào là kẻ chiến thắng hoặc ít nhất cũng may mắn hơn?
Còn nếu gặp phải người bạn đời có máu “Hoạn Thư”, thấy vợ hay chồng gặp lại người xưa, mắt đã long sòng sọc, lườm nguýt, hầm hè thì dù có nặng tình xưa nghĩa cũ đến đâu cũng nên hết sức có chừng có mực để khỏi dấy lên ngọn lửa ghen tuông có khi thiêu cháy cả một gia đình đang êm ấm.
Tục ngữ có câu “Con cá sổng là con cá to”. Thường ở đời cái gì ta để tuột khỏi tay rất dễ nghĩ rằng nó đáng giá hơn cái mà ta đang có. Trong tình yêu cũng thế! Từ cổ chí kim không biết bao nhiêu văn, thơ, nhạc, họa đã từng tuôn như suối chảy ca ngợi mối tình đầu. Nhưng có lẽ tình đầu cũng chẳng đẹp đến thế nếu người ta lấy được nhau.
Văn hào Alfred De Musset còn khẳng định rằng: “Mối tình tuyệt vọng là mối tình đẹp nhất”. Quả vậy, dù bao nhiêu năm sau, hình ảnh người yêu mà ta không lấy được thường vẫn có chỗ ẩn náu trong tim, chỉ đợi một sự tình cờ nào đó là sống lại như chưa từng chết bao giờ.
Những kỷ niệm ấy được dệt bằng vô vàn sợi nhớ sợi thương trong sắc màu lung linh huyền ảo, bởi ta thường nhớ về nó qua cái lăng kính thần kỳ của tình yêu. Lăng kính này phóng đại lên hàng nghìn lần những gì tốt đẹp và cũng thu nhỏ đi ngần ấy lần những gì khiếm khuyết, nhất là khi hình ảnh “người cũ” lại được đặt bên cạnh người bạn đời hiện tại mà lực hấp dẫn đã bị xói mòn sau bao nhiêu tháng năm đầu gối má kề.
Sai lầm của phụ nữ khi chia tay
Quan tâm người yêu như thế nào
Vợ nhạc sỹ Đức Trí người thay thế Hồ Ngọc Hà là ai?
Chuyện tình của Tuấn Hưng
Đối xử với con riêng của chồng như thế nào?
Cách ghen thông minh
Đàn ông ghen như thế nào
(ST).