Làm gì với Tết?

Nhiều người châu Âu thường dùng cụm từ “Chinese new year” để gọi chung cho năm mới âm lịch của một số nước, nhưng lại không biết Tết Nguyên đán của Việt Nam.

“Tết” là tên riêng của người Việt Nam, không lẫn với dân tộc nào.

Khi là Đại sứ Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu năm 2003-2007, tôi đã tự hỏi: Tại sao nhiều người châu Âu không biết Việt Nam có Tết Nguyên đán, tương tự Trung Quốc, mà còn mang bản sắc rất riêng?

Văn hoá không phải thứ để đem ra cạnh tranh nhau. Nhưng tôi rất muốn nhiều người biết rằng Việt Nam có Tết. Tết chính là một cội nguồn văn hóa Việt và cũng là dịp để quảng bá Việt Nam. Chính vì thế, những lần tổ chức Tết cho bà con Việt kiều, thay vì buổi tiệc mừng như thường lệ, sứ quán chúng tôi muốn làm khác đi.

Trước Tết một tháng, chúng tôi đã đăng quảng cáo trên báo Vlaans – báo rất đông người đọc ở Bỉ, thường được phát miễn phí ở các siêu thị, tàu điện ngầm, trường học và điểm công cộng. Nội dung quảng cáo đơn giản là hãy chờ đón Tết Việt Nam, sự kiện sẽ được tổ chức tại Trường Saint Michel ở thủ đô Brussels trọn một ngày. Dòng quảng cáo in đậm rằng “đây là năm âm lịch của Việt Nam, được gọi là Tết”, để khắc ghi vào tâm trí người đọc chữ “Tết”.

Sự kiện này thường được tổ chức vào cuối tuần cuối cùng trước năm mới Âm lịch, là lúc bà con Việt kiều và người nước ngoài có thể tham dự. Thời tiết rất lạnh nên Tết phải được tổ chức trong khuôn viên có sức chứa hàng ngàn người.

Cái Tết năm 2004, chúng tôi tập trung giới thiệu văn hoá ẩm thực Việt. Khoảng 20 gian hàng do bà con người Việt phụ trách. Không chỉ bánh chưng, hành muối, có chị đứng bán bánh mỳ Việt Nam, có cô bán phở, miến xào. Chị khác chuyên làm bánh bao, bánh cuốn. Khách thăm cũng rất thích nem cuốn kiểu miền Nam, các loại chè, bánh trôi bánh chay, bánh chín tầng mây… Những Việt kiều từ Lào sang Bỉ định cư còn nấu món Việt lai ẩm thực Đông Nam Á.

Chúng tôi không quên trình chiếu phim về Việt Nam, mang tranh ảnh, đồ thủ công mỹ nghệ và tác phẩm của các hoạ sĩ Việt trưng bày tại sự kiện.

Buổi tối, trong không gian nhà hát của trường Saint Michel, chúng tôi tổ chức văn nghệ. Nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên và nhiều loại hình âm nhạc truyền thống Việt được mang tới đây. Giáo sư Trần Văn Khê từng giới thiệu nhã nhạc tại nhà hát này. Thị trưởng thành phố Brussels, lãnh đạo chính phủ Bỉ như Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Quốc hội Bỉ từng tới vui Tết với người Việt ở nước ngoài. Khán phòng 1.500 chỗ ngồi lúc nào cũng chật kín người trong đêm diễn.

Sự kiện Tết đầu tiên ở Bỉ năm ấy, nhân viên sứ quán đã kiệt sức, nhưng hàng tháng vận động và chuẩn bị đã đơm hoa kết trái. Bà con thường đi theo nhóm gia đình. Người Việt lấy chồng, vợ nước ngoài đều đem con cháu đến để hiểu hơn về văn hoá Việt, không quên nguồn cội. Người “Tây” háo hức xem “ăn” Tết Việt Nam thế nào.

Brussels là thủ đô quốc tế, là trung tâm và cửa ngõ của châu Âu. Đây cũng là đất nước nổi tiếng về lễ hội. Người Bỉ thích lễ hội. Lúc đầu, họ đến với chúng tôi chỉ để khám phá, lâu dần, Tết thành sự kiện thường niên mà họ thích thú. Không chỉ người Việt ở Bỉ, bà con các quốc gia lân cận như Pháp, Hà Lan, Luxembourg cũng tới. Ngày cận Tết trở thành ngày hội Việt Nam. Thành nếp, cứ tuần giáp Tết là họ lại đến đúng chỗ ấy để gặp gỡ, ăn uống và xem biểu diễn nghệ thuật Việt.

Tết Việt có tiếng vang lớn. Năm nào đài truyền hình Brussels và một số báo Bỉ cũng đưa tin. Tết 2005, một dàn hoa hậu Bỉ tới dự. Sau đó, tờ báo vùng Flamand đã tổ chức tour đưa các người đẹp Bỉ thăm Việt Nam. Khi trở về, họ làm tour giới thiệu Việt Nam khắp nước Bỉ. Các hãng tổ chức tour đi Việt Nam còn mời tôi với tư cách Đại sứ nhiều lần giới thiệu cho người châu Âu biết thêm về lịch sử, văn hoá của đất nước. Những thay đổi này giúp tăng lượng du khách Bỉ tới Việt Nam không ít.

Tôi chỉ muốn kể câu chuyện nhỏ với tư cách một nhà ngoại giao. Việt Nam có nhiều giá trị văn hoá để quảng bá. Không ai ép bạn phải làm điều này điều khác để PR đất nước mình, nhưng tôi biết chắc, chỉ tiệc tùng mừng Tết không hiệu quả bằng kết hợp quảng bá các giá trị khác.

Tết này, mời thêm một người nước ngoài tới nhà ăn bánh chưng cũng là cách bạn giới thiệu Việt Nam rồi.

Thế giới hôm nay nói chuyện với nhau bằng giá trị. Mỗi nhà ngoại giao, mỗi người bình thường đóng vai trò “đại sứ” tốt nhất cho giá trị ấy của quốc gia. Việc này có thể bắt đầu ngay bây giờ, nhờ ngoại giao bằng Tết.

Phan Thuý Thanh

Xuân láng giềng

Rate this post

Viết một bình luận