Làm giàu khác người: Bắt cá thần tiên đẻ theo ý thích
–
Thứ tư, 01/04/2020 14:30 (GMT+7)
Mỗi năm, anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) thu về hàng tỷ đồng từ cá thần tiên (thường gọi cá Ông Tiên).
Sản xuất cá cảnh cao cấp bằng công nghệ 4.0
Dù là “gà nòi” – xuất thân từ ngành Thủy sản (Đại học Nông lâm TP.HCM), nhưng khi bước chân vào nghề ương, nuôi cá cảnh, anh Sơn vẫn cứ “lên bờ xuống ruộng”.
Lúc bấy giờ, mỗi con cá Ông Tiên bố mẹ được nhập từ Thái Lan, Malaysia… có giá vài nghìn USD. “Năm 2003, tôi bắt tay vào nuôi cá cảnh. Những lứa cá giống đầu tiên cứ lần lượt chết do bệnh tật, do thiếu kỹ thuật chăm sóc, thay đổi môi trường sống… Những con sống được lại không đẹp nên phải bán giá rẻ” – anh Sơn thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn đang kiểm tra đàn cá cảnh bố mẹ. (ảnh Trần Đáng)
Anh Sơn cho biết thêm, cá Ông Tiên có nhiều dòng, trước đây các dòng cá này khá dễ nuôi, nhưng những năm gần đây, các loại cá Ông Tiên mới được nhập về Việt Nam mặc dù có giá trị kinh tế cao hơn các giống cá Ông Tiên phổ thông trước đây nhưng lại khó sinh sản và đòi hỏi chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng nghiêm ngặt hơn.
Anh Sơn chia sẻ: “Trước đây, người ương, nuôi cá cảnh dùng máy sủi ôxy. Do bọt sinh ra có kích thước lớn nên nhanh chóng vỡ và chỉ giữ lại một phần ôxy trong nước. Nếu dùng hệ thống tạo khí nano sẽ tạo bọt có kích thước rất nhỏ. Do quá nhỏ nên bọt chỉ nằm lơ lửng trong hồ nước, dẫn đến nồng độ ôxy trong nước cao, giúp cho cá ăn nhiều, mau lớn và khí độc trong nước sẽ bị đẩy ra ngoài”.
Ngoài ra, anh Sơn còn dùng công nghệ blockchain để tra cứu, truy xuất dữ liệu nguồn trong quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp anh chọn giống bố mẹ không đồng huyết, an toàn dịch bệnh, tạo ra con giống dễ nuôi, mau lớn…Để khắc phục những nhược điểm của thức ăn cho cá cảnh, anh Sơn đã nghiên cứu cho ra loại thức ăn mang nhiều ưu điểm, như: Cho ra cá đẹp, tỷ lệ sống cao, giá thành giảm, kéo chi phí nuôi xuống còn 1/2 so với bình thường.
Nuôi cá cảnh lợi nhuận tăng 300%
Hiện, anh Sơn có một cơ sở ương, nuôi cá dĩa rộng 250m2 ngay tại nhà và khu trại rộng 1,5ha để ương nuôi các loại cá cảnh khác nhau. Ngoài ra, anh còn hợp tác với trên 10 vệ tinh nuôi, ương cá ở trong tỉnh và trên 10 vệ tinh ở các tỉnh lân cận để cung cấp cá ra thị trường.
Sau nhiều năm sản xuất cá Ông Tiên cao cấp bằng giải pháp công nghệ cao, anh Sơn đánh giá, lợi nhuận thu được từ khâu sản xuất tăng 300% và 200% ở khâu thương phẩm so với việc chưa áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất như trước đây.
Anh Sơn cũng tin tưởng, với giải pháp công nghệ mà anh đang áp dụng nuôi cá Ông Tiên sẽ tạo tiền đề trong việc xây dựng trại sản xuất, ương nuôi cá cảnh tại Long An. Giải pháp này còn bảo đảm các yêu cầu về môi trường, dịch bệnh, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng mọi tiêu chí về cá cảnh trong và ngoài nước.
Với mong muốn nhân rộng mô hình nuôi cá cảnh và chuyển giao kỹ thuật cho những người có cùng đam mê, ngoài giải pháp “Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá Ông Tiên”, trước đây anh Sơn còn thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học, do Sở KHCN tỉnh Long An cấp kinh phí và được Hội đồng xét duyệt đề tài thông qua là: “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá dĩa bột” và “Xây dựng mô hình quản lý tốt (GMP) trong sản xuất cá cảnh tại TP.Tân An”.
Với những thành công của mình, anh Hồ Nhuận Đăng Sơn đã nhận được nhiều bằng khen của UBND tỉnh, T.Ư Hội NDVN và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An Trần Quốc Toản đánh giá, anh Sơn là một điển hình của nông dân sáng tạo, làm kinh tế có hiệu quả ở tỉnh Long An.
Theo Dân Việt