Hiển nhiên, ai đi làm cũng muốn mình được nhận lương càng cao. Tuy nhiên yếu tố lương bổng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và cơ bản nhất vẫn là năng lực làm việc của bạn.
Bạn có biết rằng đôi khi nhà tuyển dụng trả lương cho bạn tuỳ theo trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc? Bạn có biết rằng bạn rất có thể kiếm được nhiều tiền hơn nếu cũng với vị trí đó nhưng làm việc ở môi trường làm việc lớn hơn, hiện đại hơn? Bạn thử tham khảo một vài yếu tố sau đây, và thử áp dụng phương án phù hợp với mình, nếu bạn đang muốn tăng lương.
1. Năm kinh nghiệm
Thông thường, càng có nhiều kinh nghiệm bạn càng được trả lương cao hơn. Càng có nhiều năm làm việc, sự trưởng thành về mọi mặt của bạn càng cao. Thử nhìn lại những năm đầu tiên ra trường và 10 năm sau khi làm việc, bạn sẽ thấy rõ mình khác biệt như thế nào. Sếp trả lương cho bạn tất nhiên có cân nhắc yếu tố kinh nghiệm làm việc của bạn, nhưng để đạt được mức lương cao hơn, bạn phải gây ấn tượng bởi bảng thành tích đặc biệt trong công việc.
Tương tự như vậy, nếu bạn có ý định ứng tuyển các vị trí yêu cầu ứng viên có 10 năm kinh nghiệm mà bạn chưa đạt đến con số đó thì rất có thể bạn sẽ phải chấp nhận mức lương thấp hơn… Trong khi trả lời phỏng vấn bạn nên: Nhấn mạnh năm kinh nghiệm và những thành tích nổi bật của bạn nếu bạn có ít hơn số năm kinh nghiệm theo như yêu cầu.
2. Trình độ học vấn
Đặc điểm công việc và đặc biệt là trình độ học vấn có ảnh hưởng lớn đến mức lương mà bạn được nhận. Nếu bạn có bằng cấp của một trường đại học danh tiếng trong nước hay quốc tế thì có nhiều khả năng bạn sẽ được đánh giá cao hơn những người chỉ có tấm bằng cấp ba hoặc trung cấp, mà cùng ứng tuyển vào vị trí của bạn.
Trong khi trả lời phỏng vấn bạn nên: Nhấn mạnh thành tích học tập của mình, càng nhiều càng tốt, cho dù công việc không yêu cầu ứng viên phải có nhiều thành tích học tập đến vậy. Tất nhiên, bạn nên đặc biệt nhấn mạnh những kĩ năng liên quan đến công việc.
3. Hiệu suất công việc
Hầu hết nhà tuyển dụng quyết định trả thù lao cho bạn dựa vào những thành tích bạn đã đạt được trong công việc. Họ quyết định tăng lương hay không là tuỳ thuộc vào những gì bạn đã cống hiến. Vậy còn đợi gì nữa mà bạn không nâng cao năng suất làm việc của mình ngay bây giờ?
Vậy thì khi tìm công việc mới, bạn đừng quên kể lại những thành tích nổi bật trong công việc mà bạn đã đạt được. Nhà tuyển dụng sẽ hiểu sâu hơn về khả năng làm việc của bạn và cân nhắc mức lương thoả đáng cho bạn.
4. Đảm nhiệm nhiều công việc
Người thành công là người biết quản lý quỹ thời gian của mình một cách hợp lý nhất, làm được nhiều việc nhất trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Hãy sắp xếp công việc hiện tại của mình và đừng quên nhận thêm những công việc khác trong khả năng của mình. Bạn đừng quên chắc chắn rằng: Mình sẽ hoàn thành tốt tất cả các công việc đó, đừng để xảy ra tình trạng ôm nhiều việc quá mà việc nào cũng không hoàn thành. Khi thấy bạn hoàn thành tốt nhiều công việc hơn trước, chắc không có vị sếp nào lại quên động viên bạn kịp thời bằng những chính sách đãi ngộ hợp lý. Khi đi xin công việc mới, bạn đừng quên nhấn mạnh khả năng giải quyết công việc của mình ở công ty cũ, bạn sẽ ghi điểm cao hơn.
5. Mối quan hệ với sếp
Bạn đừng quên rằng: Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với sếp là điều rất quan trọng. Nếu bạn không khiến sếp tin tưởng vào năng lực của bạn thì vị trí của bạn có nhiều nguy cơ bị lung lay. Vị trí và tầm quan trọng của bạn trong công ty càng cao thì bạn càng có nhiều khả năng được tăng lương và thưởng. Bạn hãy cố gắng vươn lên những vị trí cao hơn ngay trong chính công ty bạn đang làm việc. Những cống hiến của bạn chắc chắn sẽ được ghi nhận, và đương nhiên thu nhập của bạn sẽ khác. Muốn thăng tiến trong sự nghiệp, ngoài năng lực làm việc, bạn cần có khả năng giao tiếp hoà đồng tốt với mọi người trong cơ quan.
Nếu đi tìm việc ở công ty khác, bạn đừng quên nhấn mạnh vị trí cao nhất mà mình từng đảm nhiệm. Và đừng quên nhấn mạnh khả năng hoà đồng với sếp và đồng nghiệp của bạn.
6. Số lượng nhân viên mà bạn quản lý
Số lượng nhân viên bạn quản lý càng nhiều bao nhiêu thì khả năng nhận được mức lương cao càng lớn. Tất nhiên khi bạn quản lý nhiều người thì khó khăn càng nhân lên gấp nhiều lần, bạn cần có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu hơn và công việc cũng bộn bề hơn…
Nếu có ý định tìm công việc mới, bạn đừng quên nhấn mạnh về kinh nghiệm cũng như những kĩ năng quản lý nhân viên mà mình đã có được trong công ty cũ. Bạn sẽ sớm gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng nếu làm được điều đó.
7. Các chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ
Các chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ có uy tín cũng góp phần giúp bạn đạt được mức lương cao hơn. Nếu bạn đang làm cho công ty hiện tại, và có cơ hội đi học nâng cao khoá học của một tổ chức uy tín trong nước, quốc tế thì bạn đừng từ bỏ. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tìm kiếm những khoá học tốt để nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ cơ bản. Tham gia những khoá học đó bạn sẽ được bổ sung rất nhiều kiến thức bổ ích. Sau khi tốt nghiệp khoá học ngắn hạn trên, nếu bạn biết vận dụng vào công việc, năng suất công việc cao hơn, vậy thì chẳng có lý do gì lãnh đạo không tăng lương cho bạn? Ngoài ra, nếu có nhu cầu tìm việc, bạn đã có ưu thế hơn so với các ứng viên khác cùng ứng tuyển vào vị trí đó.
8. Điều kiện làm việc
Điều kiện làm việc càng nhàn hạ và an toàn bao nhiêu thì mức chi phí rủi ro nghề nghiệp càng thấp. Vậy tại sao bạn không thử sức mình trong lĩnh vực nghề nghiệp có tính rủi ro cao, hiển nhiên lương thưởng và chính sách bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp của bạn sẽ cao hơn. Nếu bạn là mẫu người thích phiêu lưu mạo hiểm thì nên áp dụng phương pháp này, còn nếu bạn là người thích an nhàn và yên ổn thì hãy trung thành với vị trí công việc ổn định hiện tại.
Trên đây là những yếu tố cơ bản chi phối mức lương của bạn. Nếu bạn muốn tăng lương, đừng bao giờ quên nỗ lực trong công việc. Trên bước đường thành công không có vết chân của kẻ lười biếng!
(Theo Jobvn)