Làm sao để vết bầm nhanh tan? – VnExpress

Chườm lạnh hoặc chườm nóng, quấn chắc và nâng cao vị trí vết bầm sẽ giúp chấn thương này nhanh hồi phục.

Khi bị ngã, va chạm mạnh hay va vào vật gì cứng, các mạch máu nhỏ bên dưới da có thể bị vỡ và hình thành nên vết bầm. Điều này xảy ra bởi vì máu bị rò rỉ ra ngoài và tụ lại ở vị trí va chạm. Máu sẽ ở đó cho đến khi cơ thể hấp thụ trở lại suốt quá trình hồi phục chấn thương.

Sau khi bị bầm, vết thâm đen, xanh lam sẽ xuất hiện trên da trong tối đa 2 tuần. Bạn cũng có thể bị đau và sưng, đau nhất trong vài ngày đầu tiên sau khi bạn bị thương. Vết bầm sẽ thay đổi màu sắc khi lành.

Dưới đây là một số mẹo có thể giúp vết bầm của bạn biến mất nhanh hơn.

Vết bầm tồn tại trên da trong tối đa 2 tuần rồi tan dần. Ảnh: Starkville urgentcare clinic

Vết bầm tồn tại trên da trong tối đa 2 tuần rồi tan dần. Ảnh: Starkville urgentcare clinic

Chườm đá

Chườm đá lên vết bầm ngay sau khi bị thương giúp vết bầm tan nhanh hơn. Nhiệt độ lạnh từ túi đá khiến máu ở khu vực đó lưu thông chậm hơn, làm giảm lượng máu chảy ra khỏi mạch.

Không chườm đá trực tiếp lên vết bầm mà hãy bảo vệ da bằng cách quấn đá trong khăn mỏng. Lấy đá ra sau khoảng 10 phút, vì để quá lâu có thể gây hại cho da. Có thể chườm đá lên vết bầm nhiều lần trong ngày.

Nếu không có đá trong tủ đông, hãy lấy một túi đậu Hà Lan đông lạnh. Đặt cả túi lên vết bầm trong 10 phút mỗi lần để giảm đau, giống như chườm đá.

Chườm nóng

Nhiệt làm tăng lưu lượng máu và có thể giúp làm tan vết bầm. Chườm nóng chỉ thực hiện 48 giờ sau khi vết bầm xuất hiện, hãy đặt một miếng gạc ấm lên đó vài lần mỗi ngày. Bạn cũng có thể ngâm mình trong bồn nước nóng để giảm đau và thư giãn cơ.

Nghỉ ngơi

Hãy dừng hoạt động đang làm khi bị thương, tránh để vết bầm trở nên tồi tệ hơn. Nếu bị đá vào chân trong một trận bóng đá, hãy rời khỏi sân ngồi nghỉ ngơi. Điều này làm chậm lưu lượng máu đến vết bầm.

Không nên xoa bóp chỗ đau khi nghỉ ngơi vì điều này có thể làm vỡ nhiều mạch máu dưới da hơn và khiến vùng bị bầm tím lan rộng hơn.

Nâng cao

Sau khi bị thương, hãy nâng cao vị trí bị bầm lên cao hơn tim. Thủ thuật này sử dụng trọng lực để giúp cho vết bầm không lan ra lớn hơn. Khi vết đau ở dưới mức tim, máu ở đó dễ đọng lại hơn, điều này có thể làm cho vết bầm lớn hơn. Khi chỗ đau được nâng lên cao, lượng máu sẽ chảy về tim nhiều hơn.

Nén

Nén là cách tạo áp lực lên vùng bị thương, có thể giúp làm dịu vết sưng do vết bầm gây ra. Tốt nhất nên dùng băng thun và quấn vùng bị bầm một cách chắc chắn nhưng không quá chặt.

Thuốc giảm đau

Cơn đau sẽ giảm đi khoảng 3 ngày sau khi bị bầm tím. Trong khi đó, nếu vết bầm đau hoặc sưng lên, có thể dùng thuốc không kê đơn để giảm đau. Một số thuốc giảm đau có thêm làm tăng chảy máu một chút, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi hoặc những người đã điều trị loãng máu.

Các phương pháp điều trị tự nhiên

Một số chất tự nhiên có thể giúp loại bỏ vết thâm nhanh chóng hơn, bao gồm:

Cây kim sa: Loại kem làm từ hoa này có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của vết thâm.

Bromelain: Một nhóm enzym được tìm thấy trong dứa, có thể giúp vết bầm tím biến mất nhanh hơn.

Nha đam: Loại cây này có vitamin, khoáng chất và các enzym giúp làm dịu và dưỡng ẩm cho da. Nó được sử dụng để điều trị nhiều loại tình trạng da, bao gồm cả vết thâm.

Vitamin K: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phytonadione, hoặc vitamin K1, có thể tăng tốc độ chữa lành vết bầm tím.

Nếu sau một vài ngày, vết bầm không đổi màu hay không có dấu hiệu lành, chạm vào thấy cứng và bắt đầu sưng to lên hoặc trở nên đau hơn, đây có thể là dấu hiệu cho thấy một khối máu tụ đã hình thành. Tụ máu là tình trạng một cục u hình thành khi máu bắt đầu tụ lại dưới da hoặc trong cơ. Trường hợp này cần sự trợ giúp của bác sĩ để thoát máu tụ đúng cách.

Một lý do khác ít phổ biến hơn khiến vết bầm tím không biến mất là khi cơ thể tích tụ canxi xung quanh vị trí bị thương. Nó sẽ làm cho vết bầm tím vừa mềm vừa cứng khi chạm vào và bác sĩ cần phải chẩn đoán bằng cách chụp X-quang.

Bạn cũng nên đi khám nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây: Vết thâm không có dấu hiệu cải thiện sau 2 tuần; thường xuyên bị bầm tím và những vết bầm tím trên cơ thể xuất hiện không biết từ đâu; cảm thấy đau khi di chuyển một khớp gần vết bầm tím; vết bầm ở gần mắt và khiến mắt khó nhìn rõ; vết bầm tím dường như có dấu hiệu nhiễm trùng, như có những vệt đỏ, chảy dịch hoặc bị sốt.

Anh Ngọc (Theo WebMD)

Rate this post

Viết một bình luận