Làm sao phân biệt được Thiện và Ác? | Viện Chuyên Tu

Những hành động dù bình thường thiết thực, hay những việc làm có ý nghĩa rất lớn lao mang lợi ích cho bản thân, cho người khác ở hiện tại – tương lai đều gọi là việc Thiện. Những việc làm này, tùy hoàn cảnh, tùy thời điểm chúng ta đều có thể làm được, miễn là chúng ta có một tấm lòng.

Tâm Thiện là cái tinh yếu nhất, cốt lõi nhất trong con người và trong mọi hành động của con người. Hoạt động của con người tuy đa dạng nhiều màu nhiều vẻ, nhưng giá trị đích thực của chúng nói cho cùng, cũng chỉ quy về một chữ Tâm mà thôi. Đại thi hào Nguyễn Du, trong đoạn kết thúc Truyện Kiều, đã viết:

“Thiện căn bởi tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Đối với đạo Phật, tất cả những lời nói hay những cử chỉ gọi là đẹp, nếu không xuất phát từ tấm lòng chân thiện, thì chỉ là vô nghĩa, hay chỉ là giả dối kệch cỡm mà thôi. Chính như vậy mà tu theo đạo Phật, chủ yếu là tu tập cái tâm của mình khiến cho tâm trước đây nghĩ điều ác thì nay chỉ nghĩ điều thiện lành. Nhờ cái tâm suy nghĩ toàn điều thiện mà trước kia tâm bị mê mờ, thì nay tâm trở nên sáng suốt, cái tâm trước kia tán loạn, nay trở nên định và thanh thản.

Đức Phật từng ví thân tâm người thiện như cái cây, hút toàn những chất ngọt ở trong đất và thân tâm người ác như cái cây có bộ rễ hút toàn những chất đắng ở trong đất. Vì sao cảnh ngộ của người thiện thường là an vui, may mắn, tiếng lành đồn xa. Còn cảnh ngộ của người ác thì bức xúc và đầy lo âu, gặp chuyện bất hạnh, và tiếng dữ của người này cũng đồn xa, bạn bè và người thân đều lánh mặt ?

Đối với đạo Phật, thì Phật tức là lòng. Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhà Phật học xuất sắc nhất đời Trần, và là thầy dạy của vua Trần Nhân Tông có làm bài ca với đầu đề “Phật tâm ca” và mở đầu với hai câu: “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật…”

Nếu lòng chúng ta, tâm chúng ta trong sáng, thanh thản, nghĩ toàn điều tốt lành, thì tâm chúng ta, lòng chúng ta tức là Phật rồi, không cần cầu ông Phật ở đâu xa.

Tuy nhiên ranh giới giữa thiện và ác nhiều khi không rõ rệt, có thể dễ bị hiểu lầm. Chẳng hạn như một vị thầy hay cha mẹ thường hay quở trách, la rầy học trò, xem qua có vẻ ác nhưng thực chất là việc thiện lành, vì đem lại tương lai cho người trẻ. Trái lại, có người ăn nói nhỏ nhẹ, vui vẻ, hành động dễ cảm tình, trông qua có vẻ thiện, nhưng thực chất là việc xấu ác, vì làm hư người khác, dụ dẫn người khác vào chỗ sa đọa, mất hết tương lai.

Muốn xét thiện hay ác, còn phải xét xem tâm con người muốn gì, khi hành động, nói năng hay suy nghĩ với mục đích gì. Người ngoài cuộc phê bình, phán xét đôi khi không chính xác, nên thận trọng. Làm sao biết rõ việc nào thiện, việc nào ác. Có những điều mà ở thời buổi này, địa phương này, tôn giáo này, xã hội này cho là điều thiện; ở thời buổi khác, địa phương khác, tôn giáo khác và xã hội khác cho là điều ác.

Cõi đời này thường tàn độc nhẫn tâm, thiện ác bất phân!. Nếu như con người, biết rõ điều thiện, sẵn sàng tha thứ cho các người khác, cũng như đã nhiều lần trong đời tha thứ cho chính bản thân mình. Thì cảnh giới Niết bàn Cực lạc chính là đây!

Thường thường những người đã từng rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, mới biết thương xót người khác. Những người có tâm đại từ đại bi mới có cuộc sống an lạc không có phiền não, không khổ đau; Đồng thời tạo được an lạc hạnh phúc cho mình cho người. Ðó là những người thọ Bồ tát giới, hành Bồ tát đạo, sống với tâm Phật, luôn luôn cảnh giác và tĩnh thức. Ðó chính là những, người biết sống với Chân Tâm Phật Tánh từ chính bản thân.

Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:

“Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan”.

Thông thường làm ơn được coi là việc thiện, gây oán được coi là việc ác. Làm ơn giúp người thường được xem là việc thiện, nhưng giúp người làm chuyện phi đạo đức, thì nên xem là việc ác. Người đi chùa làm công quả thường được xem là việc thiện, nhưng gặp trở ngại, khó khăn hay gặp kẻ ác gây rối, bèn khởi vọng tâm tức giận, mắng chửi, dễ trở thành người thô tháo bất thiện.

Một người có tuổi phát nguyện vô chùa tu tâm dưỡng tánh là việc thiện, nhưng bất hiếu bỏ cha mẹ vô chùa khi tuổi xế chiều bệnh hoạn không chăm sóc, thì phải xem là việc bất thiện, vô lương tâm, nếu không muốn nói là việc ác.

Khi làm việc phước thiện, mà khởi vọng tâm, khởi tâm sân, khởi tâm kiêu mạn phách lối, thì thiện đã biến thành ác! Tu tập cần quan tâm thiện ác, luôn quán sát từng hành động, để ý lời nói và nắm bắt ý nghĩ của mình sẽ không gây đau khổ cho người khác vì tâm tham, tâm sân và tâm si.
Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
Dịch là:
“Không làm các điều ác
Hãy làm các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy”.

Đạo Phật chủ trương chuyển hóa người ác thành người thiện, chuyển hóa phàm nhân thành thánh nhân, chuyển hóa phân rác thành hoa tươi, chuyển hóa nước đục thành nước trong. Bông sen từ bùn nhơ vươn lên tỏa hương thơm ngát là ví dụ tượng trưng cụ thể người xấu cũng có thể chuyển hóa thành người tốt, nếu như biết sám hối ăn năn, quyết tâm chuyển ba nghiệp xấu ác, trở thành ba nghiệp thanh tịnh.

Học theo đạo Phật cốt yếu sống với bản tâm thanh tịnh, có nghĩa là lúc nào cũng niệm Phật, tức là niệm thiện, là không khởi niệm ác, không khen mình khinh người, không lợi mình hại người, không chạy theo vọng tâm vọng niệm. Cái quan trọng nhất của người học Phật là tự thanh lọc tâm ý mình cho được minh tâm kiến tánh.

Tu thiện nghiệp, hay tu phước tức là mình đang gieo nhân lành, mình sẽ gặt quả lành, được hưởng phước báu nhân thiên. Tuy nhiên chưa giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Còn chấp chuyện làm phước phải hưởng phước, niệm Phật phải vãng sanh, cúng đèn được hưởng sáng suốt, cúng hoa được hưởng sắc đẹp, như vậy tâm mình vẫn còn vọng động, bởi dính mắc tâm tham, thi ân còn cầu báo, cho bánh ít đi, mong bánh qui lại, nên tâm chưa thanh tịnh, chưa được minh tâm, làm sao kiến tánh?

Muốn thanh tịnh được tâm ý, con người phải vượt qua sự chấp thiện và ác. Tuy vẫn cứu người giúp đời, làm phước thiện, niệm Phật chuyên cần, hương đăng hoa quả, tinh tấn công phu nhưng không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân, cho thân bằng quyến thuộc, như thế bản ngã mới dần tiêu mòn, chuyện khổ vì cầu bất đắc không còn, tức là mình thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và ác nghiệp, mới đi đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Trong các chùa luôn luôn có thờ tôn tượng của cả hai hạng người trên đây: tượng đức Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện Ðại Sĩ. Tượng đức Hộ Pháp với khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, tay cầm kiếm trí tuệ cắt đứt phiền não, vượt qua khổ đau, đạp lên trên con rắn độc có ba đầu dưới chân, biểu tượng của tam độc: tham, sân, si, mà tượng trưng cho tất cả những người có công với Chánh pháp, được ví như bồ tát thuận hạnh. Còn Tiêu Diện Ðại Sĩ với khuôn mặt dữ dằn, lè lưỡi phun lửa máu, đầu có đội ba ngọn núi, khẩu lè lưỡi lửa, đầu thượng tam sơn, tượng trưng cho tất cả những người có công giúp đỡ Chánh pháp được sáng tỏ hơn, là Bồ tát nghịch hạnh. Bởi vậy cho nên, chúng ta luôn luôn chân thành cảm niệm ơn đức của cả hai hạng người nói trên, đã giúp đỡ chúng ta tiến tu trên mọi phương diện.

Tóm lại, khi tu theo Phật, chúng ta không nên khởi vọng tâm, không nên khởi vọng niệm, không mong cầu được điều này, đắc điều kia, không cầu khẩn van xin khấn vái, trái lại, phải nên hiểu sâu luật nhân quả, khai mở trí tuệ, hiểu suốt thiện ác. Nghĩa là, khi mình gieo nhân bỏ điều ác, làm việc thiện, tức là chúng ta có đủ phước báu thiện lành, chỉ cần khai mở trí tuệ giác ngộ, đạt bản tâm thanh tịnh, thì hưởng quả giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đó là mục đích chính của đạo Phật.

Đạo Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện. Đạo Phật chủ trương đem lại niềm an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình và hòa bình cho xã hội. Người tu theo đạo Phật phải trưởng dưỡng tâm từ bi, phát triển tánh sáng suốt, đạt minh tâm thì được kiến tánh, cho nên không gây thù hận, không có kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm hay hiểu lầm mà thôi.

Cảm thông và thương yêu là cửa ngõ an lạc và hạnh phúc. Từ bi và trí tuệ là yếu tố giác ngộ và giải thoát.

“… Đệ tử chúng đẳng chí tâm sám hối:
Xưa kia con tạo bao nghiệp ác
Đều do ba độc: tham, sân, si
Từ thân, miệng, ý phát sinh ra
Hết thảy, con nay cầu sám hối
Bao nhiêu nghiệp chướng sâu nhường ấy
Thảy đều tiêu diệt được yên vui
THẦN CHÚ SẠCH THÂN NGHIỆP
Án tu đa lị, tu đa lị, tu ma lị, sa bà ha.
THẦN CHÚ SẠCH KHẨU NGHIỆP
Án tu lị tu lị, ma ha tu lị, tu tu lị tát bà ha.
THẦN CHÚ SẠCH Ý NGHIỆP
Án sa phạ, bà phạ truật đà sa phạ, đạt mạ sa phạ, bà phạ truật độ hám…”

Bài viết: PT Đức Lâm
Nguồn: vienchuyentu.net

Rate this post

Viết một bình luận