Ai trong chúng ta cũng đã từng lười biếng. Tất cả chúng ta đều biết lười biếng là thói quen không tốt, nhưng lại rất khó để có thể thoát ra khỏi trạng thái này, đặc biệt là trong xã hội ngày nay.
1. Lười biếng là gì?
Lười biếng là cụm từ quen thuộc và hầu như ai cũng đều nghe đến tên của nó. Thế nhưng để định nghĩa lười biếng là gì thì lại rất khó. Theo một nghĩa chung nhất, lười biếng là trạng thái chán nản, không muốn làm bất cứ một việc gì. Đó cũng chính là một trạng thái thụ động, lười biếng học hỏi, lười biếng suy nghĩ, việc dễ tranh làm, việc khó đùn cho người khác.
Người lười biếng thường luôn tìm ra được mọi lý do để biện hộ cho việc bản thân lười biếng, kể cả đối với những trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình phải thực hiện. Đây chính là một tật xấu đáng lên án của con người.
2. Vì sao con người thích sự lười biếng?
Cũng giống như “kiêu ngạo”, sự lười biếng không tự nhiên sinh ra, cũng không thuộc về bản chất vốn có của con người, mà nó được hình thành từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan tồn tại trong môi trường sống của mỗi cá nhân.
Con người sinh ra vốn nhỏ bé, chúng ta có thời gian thơ ấu dài tận 13 năm (tính đến tuổi dậy thì). Trong thời gian này, chúng ta được ông bà, cha mẹ yêu thương, bảo bọc quá kỹ càng khiến chúng ta hình thành nên tính ỷ lại, thích dựa dẫm vào người khác. Ngại đối mặt với khó khăn và không muốn hy sinh bất cứ một thứ gì cho người khác, đây chính là tiền đề cho sự lười biếng.
Những kẻ lười biếng cũng thường là những người thiếu học thức và hiểu biết. Đương nhiên ở chiều ngược lại, chính căn bệnh lười biếng đã khiến cho họ trở nên thiếu hiểu biết. Như câu nói “cần cù bù thông minh” mà người xưa truyền lại, chỉ có sự chăm chỉ, cần cù thì mới có thể giúp bạn đạt được những điều bạn muốn và chẳng ai có thể thành công khi mang trong người “con sâu lười biếng”.
Đa số những người thích sự lười biếng vì nghĩ rằng còn có thể. Đây là một trạng thái có thể dẫn đến rất nhiều hành vi khác như: lười học, lười làm, lười suy nghĩ…ví dụ, lười học bài mình vẫn có thể không bị kiểm tra, lười tập thể dục thì mình vẫn đang khoẻ mạnh… Vì hậu quả của sự lười biếng thường không đến ngay lập tức nên nhiều người thường xem nhẹ. Nếu lười biếng sẽ khiến chúng ta trả giá ngay lập tức thì chẳng mấy ai dám lười.
Bệnh lười biếng cũng có thể lây lan từ người này sang người khác. Không đâu xa, chỉ cần trong gia đình bạn có ba me, anh chị lười biếng thì con cái cũng sẽ có khả năng lười biếng rất cao. Tất nhiên, lười biếng không lây truyền qua gen, mà nó bị ảnh hưởng từ chính sự giáo dục của gia đình và môi trường sống xung quanh.
Sự phát triển của xã hội cũng có thể là nguyên nhân khiến cho con người ngày càng trở nên lười biếng. Máy móc càng hiện đại, con người càng không cần phải hoạt động nhiều, cả trí óc và chân tay. Chính sự phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ hiện đại khiến chúng ta trở nên lười biếng, trì trệ, không linh hoạt.
Internet cũng góp phần khiến cho sự lười biếng của con người ngày một tăng thêm. Đó là những khi ngồi vào bàn làm việc/bàn học thay vì chúng ta tập trung cho các dự định của mình thì lại bị hấp dẫn bởi việc lướt facebook, chơi điện tử, đọc báo, xem youtube… Đến cùng thời gian dành cho công việc/ học hành lại bị trôi đi chỉ vì suy nghĩ “xem một chút thôi rồi nghỉ”.
3. Lười biếng có thể dẫn đến hậu quả gì?
Lười biếng được xem như một căn bệnh “nan y” trong xã hội. Bởi với nhiều người, lười biếng không chỉ gây ra những ảnh hưởng cho công việc, mà còn cản trở đến việc hoàn thiện nhân cách của bản thân.
Ban đầu, sự lười biếng chỉ khiến bạn bỏ qua những điều nhỏ nhặt, nhưng càng về sau nó sẽ tích tụ thành những thói quen xấu, ảnh hưởng nhiều đến bản thân và cả những người xung quanh.
Lười biếng không phải do bản chất mà là do chính bản thân mình tạo nên. Điều này sẽ khiến bạn đánh mất nhiều cơ hội trong công việc và cuộc sống. Không một ai thích làm việc với người biếng và ngay cả những kẻ lười biếng cũng vô cùng chán ghét những người lười biếng khác.
Lười làm nhưng muốn được hưởng thụ khiến cho những người lười biếng nảy sinh sự lươn lẹo và mưu mẹo. Không muốn bỏ công sức nhưng vẫn muốn được hưởng lợi sẽ rất dễ sinh ra những hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo….
Một hậu quả khác của sự lười biếng là nó khiến cho xã hội ngày càng chậm phát triển. Nếu một người lười biếng chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, gia đình và cả những người có liên quan đến họ, thì nhiều người lười biếng là cả một hệ lụy, bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng và xã hội.
4. Những cách giúp khắc phục sự lười biếng
Nhiều người hay nói, để thoát khỏi sự lười biếng bạn cần biết cách tạo ra động lực cho chính mình. Nhưng thật ra, để thay đổi thói quen của một người là không hề dễ dàng, nhất là khi đó là một thói quen xấu.
Vậy nên để khắc phục sự lười biếng đã và đang bám rễ sâu ở bên trong cơ thể, tâm trí thì bạn cần:
4.1 Học cách chấp nhận để thích nghi và thay đổi
Để loại bỏ tính lười biếng, điều đầu tiên bạn cần làm chính là phải học được cách… chấp nhận và sống chung với nó. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu cảm xúc tiêu cực, không bị áp lực và rơi vào trạng thái tồi tệ khi phải ép bản thân thay đổi nhanh chóng.
Nếu lười biếng là bản năng của bạn thì sẽ tập học cách thích nghi và thay đổi bản năng này.
4.2 Không tự tạo áp lực vô hình
Căng thẳng có thể tạo ra cho bạn cảm giác lười nhác. Những người có mức độ căng thẳng càng cao thì thường sẽ cho ra hiệu quả công việc càng thấp. Lý do là vì khi bạn căng thẳng bạn sẽ có cảm giác trốn tránh, không muốn đối mặt và giải quyết vấn đề. Điều này lâu ngày sẽ dẫn đến sự lười biếng khi phải đối mặt với áp lực.
4.3 Tạo động lực cho bản thân
Động lực chính là cách để bạn chống lại sự lười biếng. Đối với tất cả mọi việc, hãy bắt đầu từng bước, từng nhiệm vụ một. Khi đã có được cảm giác chiến thắng hãy tiếp tục thực hiện các kế hoạch tiếp theo.
Nếu trong lúc làm việc bạn thấy chán nản, hãy làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ, dù điều đó không chỉ liên quan đến kế hoạch của bạn, nhưng nhớ chỉ sử dụng một quỹ thời gian ngắn thôi nhé!.
4.4 Tìm bạn đồng hành
Dù mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc bạn sẽ yếu đuối và muốn từ bỏ. Vì thế, hãy tìm cho mình những người đồng đội để có thể hỗ trợ, thúc đẩy bạn tiến lên phía trước. Làm việc nhóm cũng sẽ giúp bạn đạt được thành công nhanh chóng hơn nếu chỉ có một mình.
4.5 Không chậm trễ
Một trong những cách khắc phục sự lười biếng chính là hãy bắt tay vào làm ngay khi bạn có ý tưởng. Vì lúc này năng lượng tích cực trong bạn đang là lớn nhất. Nếu trì hoãn, cảm xúc tích cực sẽ bị giảm xuống.
Đừng mang tư tưởng “chuyện hôm nay để ngày mai” vì việc không bắt tay vào làm ngay chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang lười biếng. Hãy nghĩ thử xem, khi bạn đang có động lực nhất bạn còn không làm thì bao giờ bạn mới có đủ năng lượng và tự tin để làm điều đó.
Lười biếng là một thói quen xấu, tác hại của nó khó có thể nhìn thấy ở hiện tại nhưng chắc chắn sẽ để lại những hậu quả không lường trước được. Vì thế, đừng để sự lười biếng khiến bản thân và tương lai của bạn rơi vào hố đen tăm tối, cũng giống như nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet