Những loại cá có lượng thủy ngân thấp và chất béo lành mạnh. Ảnh: nicoledinardonutrition.com
Cá là nguồn thực phẩm giàu axit béo omega-3 (đặc biệt là DHA và EPA), rất quan trọng cho sự phát triển trí não và mắt của trẻ nhỏ. Cá có ít hàm lượng chất béo bão hòa và giàu đạm, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác.
Tuy nhiên, một số loại cá bị nhiễm các chất độc như thủy ngân. Ở hàm lượng cao, kim loại nặng này có hại cho sự phát triển trí não và hệ thần kinh của trẻ.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng trẻ em nên ăn một số loại cá. Nhưng cách tốt nhất là tìm hiểu kỹ hơn loại cá nào tốt cho sức khoẻ và nên cho trẻ ăn bao lâu một lần.
Thủy ngân bị nhiễm vào cá như thế nào?
Thủy ngân xuất hiện khắp mọi nơi ngay cả trong không khí. Nó có trong tự nhiên sau các đợt phun trào núi lửa hay cháy rừng. Ngoài ra, các nhà máy điện, nhà máy xi măng, hoá chất, nhà máy sản xuất công nghiệp cũng thải ra một lượng thủy ngân vào không khí. Thủy ngân còn được sử dụng trong các nhiệt kế và máy điều nhiệt, khi các máy và dụng cụ này bị hủy sẽ thải ra một lượng thủy ngân vào môi trường.
Khi thủy ngân đi vào nước, vi khuẩn sẽ chuyển đổi nó thành dạng methyl thủy ngân (methylmercury). Cá hấp thụ dạng methyl thủy ngân từ nước và nguồn thức ăn của chúng. Methyl thủy ngân gắn chặt với các protein trong mô cơ của cá và không bị phân huỷ kể cả khi bạn nấu chín cá.
Hầu như cá và thủy hải sản có vỏ đều chứa thủy ngân, nhưng loại cá ăn thịt (chúng ăn thịt các loại cá khác) chứa nhiều thủy ngân hơn. Bởi vì khi ăn các loại cá khác, chúng đã tự hấp thụ thủy ngân. Loài cá càng lớn chúng càng ăn nhiều cá. Hơn nữa, cá lớn có khuynh hướng sống lâu hơn nên thời gian để thủy ngân tích tụ trong cơ thể chúng càng nhiều hơn.
Điều gì xảy ra nếu con tôi ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao?
Cơ thể chúng ta dễ dàng hấp thụ thủy ngân từ cá và kim loại nặng này hoạt động như một chất độc đối với não bộ và hệ thần kinh. Trẻ nhỏ (bao gồm cả thai nhi) và trẻ em dễ bị tổn thương nhất khi hấp thụ lượng lớn methyl thủy ngân vì bộ não và hệ thần kinh của các bé vẫn còn đang phát triển.
Các chuyên gia vẫn đang tranh luận và tìm ra chính xác hàm lượng bao nhiêu thủy ngân là có hại, nhưng hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên tránh cho trẻ ăn cá chứa nhiều thủy ngân và hạn chế (nhưng không loại trừ) các loại cá khác.
Tại sao không loại hẳn cá ra khỏi thực đơn cho trẻ?
Cá là một lựa chọn dinh dưỡng rất tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Hầu hết các chuyên gia đồng ý những lợi ích từ cá lớn hơn so với rủi ro khi ăn cá.
‘Không cần thiết loại cá khỏi thực đơn để tránh mọi tiếp xúc với kim loại này, vì một lượng thấp thủy ngân thì không có hại’ – Charles Santerre, một giáo sư về thực phẩm độc hại tại Đại học Purdue và là một chuyên gia về các chất ô nhiễm trong cá đã phát biểu. ‘Nếu phụ huynh cho bé ngưng ăn cá để tránh thủy ngân, trẻ có thể bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết từ cá.’
Các nghiên cứu chỉ ra rằng bé nhận được đủ lượng omega-3 trong giai đoạn thai nhi và giai đoạn sơ sinh (bú sữa mẹ hoặc sữa công thức có bổ sung) có tác dụng tích cực đến thị lực và phát triển nhận thức của trẻ.
Loại cá nào có nguy cơ nhiễm thủy ngân cao nhất?
Năm 2004, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Agency – EPA) công bố một khuyến cáo chung về thủy ngân trong cá. Trong đó, họ xác định được bốn loại cá mà trẻ nhỏ (và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ) không nên ăn vì chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao: Cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình.
Các chuyên gia và các nhóm nghiên cứu khác cũng muốn mở rộng thêm danh sách này. Giáo sư Santerre khuyến cáo rằng trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 6 không nên ăn cá ngừ tươi hoặc đông lạnh, cá vược, cá ngừ (bluefish), cá chẽm Chile, cá vàng (Golden snapper), cá cờ, cá Orange roughy, cá cam (amberjack), cá Crevalle jack, cá thu Tây Ban Nha từ Vịnh Mexico, và cá Walleye từ Ngũ Đại Hồ (Great Lakes). Không có khuyến nghị nào dành cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Loại cá nào và với khẩu phần bao nhiêu thì tốt và an toàn cho bé?
Các cố vấn từ FDA và EPA khuyên bạn cho trẻ ăn 2 khẩu phần (khẩu phần kích cỡ trẻ em) cá và thủy hải sản có vỏ thay vì 4 khẩu phần, tránh ăn các loại cá như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá kình. Một khẩu phần kích cỡ trẻ em là 1 ounce cá (28g) cho trẻ 1 đến 2 tuổi; 1.5 ounces (42g) cho trẻ em lứa tuổi 3 đến 6; và 2 ounces (56g) cho trẻ em trên 6 tuổi.
Với cách tính này, cá cắt thanh (fish stick) không tính trong khẩu phần trên dù nó chứa ít thủy ngân vì chúng không phải là nguồn cung cấp omega-3 tốt.
Nhóm của giáo sư Santerre tại đai học Purdue cho xuất bản sổ tay liệt kê hầu hết các loại cá nhiễm thủy ngân cao và khẩu phần cá bao nhiêu là an toàn cho bé ăn.
Các điểm nổi bật trong sổ tay là 8 loại cá có lượng thủy ngân thấp và chất béo lành mạnh: Cá cơm, cá trích, cá thu (cá thu Atlantic, jack, cá bống), cá hồi vân (nuôi ở trang trại), cá hồi (trong tự nhiên hoặc nuôi ở trang trại), cá mòi, cá trích dày mình (shad) ở Bắc Mỹ và cá thịt trắng.
Các loại hải sản chứa hàm lượng thủy ngân thấp thường được dùng làm thực phẩm trẻ em ăn bao gồm tôm, cá hồi, cá minh thái và cá da trơn. Trong số đó, chỉ có cá hồi là một nguồn tốt của omega-3.
Lưu ý: Tính đến tháng 6 năm 2014, FDA và EPA khuyên rằng phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú và trẻ em nên ăn hai hoặc ba khẩu phần thủy hải sản có lượng thủy ngân thấp mỗi tuần như cá hồi, tôm, cá tuyết, cá rô phi và cá ngừ đóng hộp (light canned tuna – ‘light’ có nghĩa là hàm lượng thủy ngân thấp).
Thông tin bạn cần biết về cá ngừ đóng hộp
FDA khuyến cáo rằng trẻ em không nên ăn quá hai khẩu phần ăn một tuần cá ngừ đóng hộp dạng thịt nát có hàm lượng thủy ngân thấp (chunk light) và không ăn nhiều hơn một khẩu phần cá ngừ thịt nguyên khối đóng hộp hay cá ngừ vây dài dạng thịt dày và trắng. Đó là bởi vì cá ngừ vây dài là loại cá lớn và có xu hướng chứa nhiều thủy ngân hơn.
Mặt khác, một số các nhóm vận động khuyên rằng trẻ em và phụ nữ mang thai nên tránh tất cả các loại cá ngừ đóng hộp. Dưới đây là lý do: Cá ngừ (chunk light) có lượng thủy ngân thấp bởi vì nó thường xuất phát từ cá ngừ vằn (skipjack), một loại cá ngừ nhỏ. Tuy nhiên, đôi khi cá ngừ vây vàng (yellowfin tuna), một loại cá lớn hơn, được dùng thay cho cá ngừ (chunk light), nên bạn cũng không chắc mình đang ăn loại nào trừ khi trên nhãn sản phẩm ghi rõ ràng.
Mặc dù cá ngừ (light) không phải là nguồn cung cấp omega-3 như cá ngừ trắng, nhưng cả hai loại có nhiều giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, bạn có thể cho bé ăn một khẩu phần cá một tuần, đặc biệt nếu nó là loại cá duy nhất con bạn có thể ăn.
Thông tin về cá bắt tại vùng địa phương
Điều này phụ thuộc vào chất lượng nước trong hồ, sông, ven biển hoặc khu vực của bạn. Bạn hãy xem khuyến cáo của địa phương để xác định loại cá cần tránh.
Những khuyến cáo này thường được ghi trên biển báo tại các khu vực đánh bắt cá. Nếu bạn không thấy khuyến cáo về loại cá địa phương đánh bắt, EPA khuyên bạn cho bé ăn hạn chế ở mức 1 khẩu phần trong tuần và không cho ăn thêm loại cá khác. Các chuyên gia cũng khuyên bạn không nên cho trẻ ăn thử loại cá mà bạn chưa chắc nó an toàn.
Ngoại trừ cá, bé có thể ăn thực phẩm nào đế có omega-3?
Có nhiều loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu nành, nước trái cây, sữa chua, bánh mì, ngũ cốc và bơ thực vật được bổ sung tăng cường omega-3. Chúng không có hàm lượng DHA và EPA cao, nhưng có bổ sung một lượng nhỏ 2 axit béo này. Hãy tìm các sản phẩm có chứa ít nhất 50mg DHA mỗi khẩu phần.
Bạn có thể đã nghe nói rằng hạt lanh là một nguồn tốt cung cấp omega-3, nhưng các axit béo omega-3 từ nguồn thực vật chứa ALA. Tuy nhiên ALA không được chứng minh mang lại lợi ích cho sức khỏe như DHA và EPA.
Thông tin về bổ sung omega-3
‘Nói chung, bé nên nhận chất dinh dưỡng từ chế độ ăn tốt hơn từ chế phẩm bổ sung’ – Keli Hawthorne, một chuyên gia dinh dưỡng tại Khoa nhi Đại học Y Baylor, Houston nói. Thông qua chế độ ăn, bé có thể nạp nhiều chất dinh dưỡng khác trong thực phẩm cùng lúc.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy rằng trẻ không ăn đủ các loại thực phẩm có chứa omega-3, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi cho bé uống thuốc bổ sung.
Thuốc bổ omega-3 không chứa thủy ngân. Nhiều loại chứa dầu cá, nhưng thủy ngân là không tan trong mỡ (được lưu trữ trong các mô mỡ), vì vậy nó cũng không thể tan trong dầu.
Chế phẩm bổ sung có dạng lỏng, viên nang mềm, dạng gel mềm, và hoặc có thể cho thêm hương liệu để khử mùi tanh. Nếu bạn cho bé uống thuốc bổ có nhiều hương vị, hãy chắc chắn để hộp thuốc khỏi tầm với của trẻ, vì bé có thể nhầm thuốc là kẹo. Omega-3 bổ sung có nguồn gốc từ tảo tốt hơn là từ cá vì chúng không có vị tanh và thích hợp cho người ăn chay.
Làm sao biết bé có bị nhiễm thủy ngân ở nồng độ cao hay không?
Các xét nghiệm có thể phát hiện thủy ngân trong máu hay trong mẫu tóc, tuy nhiên phương pháp này không được khuyến khích. Nếu bạn quan tâm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xét nghiệm. Và đặc biệt chú ý đến các loại cá trong quầy.