Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo tục lệ là ngày ông Công ông Táo cưỡi cá chép về chầu Trời. Để phục vụ nhu cầu của người dân trong ngày Tết cuối năm, làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đang tất bật chuẩn bị cho những mẻ cá ra thị trường.
Người dân làng nghề Thủy Trầm hối hả thu hoạch cá chép đỏ. Thực hiện: Tuấn Tuấn
Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nổi tiếng về giống cá chép đỏ để phục vụ lễ cúng tết “ông Công ông Táo”.
Đây là một xã nằm ven sông Hồng có hệ thống nước ngọt thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Cá chép đỏ xuất hiện ở đây vào những năm 60 của thế kỉ XX.
Từ xa xưa, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng đo bột cá tự nhiên như cá trôi, trắm, măng, nhồng, chép, mè…
…và thả vào ao nuôi. Qua quá trình đo bột để ương nuôi cá chép đỏ lẫn trong các loại cá khác.
Lúc đầu người dân thấy cá có màu sắc đẹp nên giữ lại làm cảnh, sau này khi phong tục tín ngưỡng truyền thống tết ông Công ông Táo phát triển, người dân thay thế cá chép trắng bằng cá chép đỏ để cúng dịp 23 tháng Chạp.
Từ đó hình thành làng nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm.
Cá chép đỏ có thân hình thoi, mình dây, dẹp bên, viền lưng cong. Đầu cá thuôn, cân đối, mõm tù, có hai đôi râu. Đặc trưng của cá chép đỏ Thủy Trầm là toàn thân có màu sắc đỏ sặc sỡ (một số con màu đỏ ánh vàng), màu sắc đẹp và không bị khoang màu như các vùng khác. Cá để phục vụ chủ yếu trong dịp tế tông Công ông Táo, thường được nuôi từ tháng 5 âm lịch.
Những năm gần đây, tên loại cá này được nhiều người biết đến và hiện tại nghề nuôi cá đỏ đã trở thành một sản phẩm chính được chú trọng phát triển kinh tế của xã.