Làng gốm Bát Tràng có gì mà thu hút đến thế?

Trước khi có máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất, Việt Nam có rất nhiều làng nghề thủ công. Nói đến nghề gốm thì không ai không biết đến làng gốm Bát Tràng ở Hà Nội, một làng nghề xuất hiện khoảng hơn 500 năm nay.

 
Bát Tràng được mệnh danh là thiên đường gốm với vô số đồ vật được làm bằng gốm, hiện nay làng nghề này rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Vậy ở đây có những gì mà lại thu hút đến thế?

Sản phẩm độc đáo từ Làng gốm Bát Tràng

Sản phẩm độc đáo từ Làng gốm Bát Tràng

 

Làng gốm Bát Tràng – Đôi bàn tay tài hoa
 

Làng gốm Bát Tràng có truyền thống rất lâu đời về sản xuất gốm bằng phương pháp và kỹ thuật sản xuất thủ công. Những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo có nhiều kinh nghiệm, sẽ biến những mảng đất sét thành những sản phẩm mang một vẻ đẹp riêng và mang nhiều ý nghĩa. Những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng được tạo ra trên bàn xoay được truyền lại từ đời này sang đời khác, với những bí quyết gia truyền tạo nên những sản phẩm bền, đẹp, độc đáo. Nhiều mẫu mã của làng gốm được nhiều thương buôn trong và ngoài nước ưa chuộng và đặt hàng rất nhiều.

Sản phẩm nơi đây được làm thủ công

Sản phẩm nơi đây được làm thủ công

 

Khi đến đây bạn sẽ được tận mắt xem các nghệ nhân lành nghề chăm chút, tỉ mỉ trong từng chi tiết để tạo ra những sản phẩm với hình dáng, hoa văn uyển chuyển vô cùng tinh tế. Những khung cảnh bình yên và đầy tính văn dân tộc nơi đây sẽ làm du khách cảm nhận phần nào về văn hóa và con người Đất Việt.
 

Tự tay tạo ra sản phẩm gốm
 

Đây là một điều đặc biệt và thu hút khách du lịch đến với làng gốm Bát Tràng chính là du khách có thể tự tay mình nặn gốm theo sở thích. Để phát triển du lịch cũng như quảng cáo nghề gốm có nhiều gia đình đã mở dịch vụ này phục vụ du khách. Đến đây chủ nhà sẽ đưa cho du khách một cục đất sét, đủ chuẩn để làm gốm và một bàn xoay.

Tiếp theo, bạn đặt đất sét lên bàn xoay và bắt đầu tạo hình mong muốn, nhìn vậy chứ khó lắm phải khéo tay mới tạo được sản phẩm đẹp dễ thương. Đa phần mọi người tạo hình ly, bình hoa, những gì đơn giản nhất. Sau khi tạo hình xong sẽ đến công đoạn làm khô mất tầm 30 phút, du khách có thể gửi sản phẩm tại đây để đi dạo và quay lại lấy sau. Sau khi làm khô sẽ đến công đoạn vẽ, khắc trang trí cho sản phẩm. Cuối cùng người thợ sẽ sơn phủ bóng bên ngoài để giữ cho sản phẩm của du khách được đẹp, bền hơn với thời gian.

Du khách tự tay làm gốm theo sở thích

Du khách tự tay làm gốm theo sở thích

 

Nhà cổ Vạn Vân
 

Nhà cổ Vạn Vân mở cửa từ 8h đến 17h30 hàng ngày, nằm ở cuối làng gốm Bát Tràng. Ở đây trưng bày những sản phẩm cổ lâu đời của làng gốm Bát Tràng như lọ rồng, ấm men lam, bộ khuôn bản dập làm gốm… Ngoài những cổ vật này, kiến trúc của của ngôi nhà cổ này cũng được đặc biệt quan tâm. Với diện tích hơn 400m2, gồm 3 ngôi nhà cổ và một khu xưởng mô phỏng lò gốm gần 200 năm tuổi mang đến sự tò mò và thích thú cho du khách.

Nhà cổ gần 200 năm tuổi ở Bát Tràng

Nhà cổ gần 200 năm tuổi ở Bát Tràng

 

Đi dạo mua quà lưu niệm ở Chợ gốm
 

Bước vào khu chợ gốm Bát Tràng, du khách sẽ bắt gặp những đôi lục bình to bằng người thật cùng những con tượng, con sứ vô cùng đáng yêu. Có những tượng cặp đôi xấu xí Chí Phèo – Thị Nở của nhà văn Nam Cao từ to cho đến nhỏ rất thú vị. Chợ gốm còn bán nhiều các chủng loại, màu sắc, kích thước… từ cốc chén, bát đĩa, tiểu cảnh non bộ, đồ lưu niệm tranh sứ, trang sức gốm cho du khách lựa chọn. 

Một gian hàng ở Chợ gốm

Một gian hàng ở Chợ gốm

 

Gốm được bày trí trên các kệ cả trong lẫn ngoài của mỗi gian hàng rất gọn và đẹp mắt. Cả khu chợ có đến gần trăm cửa hàng, lối đi giữa các gian hàng san sát nhau có người nói giống như mê cung vậy, nhưng tất các lối đều dẫn ra không gian sân sảnh rộng ở giữa nên du khách không cần quá lo lắng.

Một góc lối đi trong Chợ gốm

Một góc lối đi trong Chợ gốm

Ăn gì ở Chợ gốm?
 

Chợ gốm không chỉ có gốm mà nơi đây còn phục vụ rất nhiều các món ăn là đặc sản Hà Nội như: Bún chả, bún mẹt, bún nem,… hay đơn giản chỉ là những chiếc bánh tẻ, những ly nước mía. Nhiêu đó thui cũng làm du khách thấy ấm lòng khi bước chân đến đây.

Một hàng quán gần Chợ gốm

Một hàng quán gần Chợ gốm

 

Mà nói đến làng gốm thì không thể bỏ qua đặc sản canh măng mực, món ăn truyền thống có tiếng nơi Làng gốm Bát Tràng. Màu vàng ươm của măng hòa quyện cùng nước dùng thơm phức, khi ăn măng dai giòn sần sật phần nước ngọt lịm, rất thơm ngon. Ngoài ra, món canh này thường được người dân dùng làm món chính trong các ngày lễ truyền thống, lễ cưới xin, giỗ tết ở làng Bát Tràng.

Canh măng mực đặc sản Bát Tràng

Canh măng mực đặc sản Bát Tràng

 

Một số lưu ý khi đến Làng gốm
 

Nơi đây có một phương tiện rất đặc biệt là xe trâu, du khách có thể thử khi đi dạo hoặc thuê xe đạp để thuận tiện cho việc tham quan. Đặc biệt khi mua hàng ở chợ là phải trả giá tầm 2/3 giá đưa ra nhưng đừng trả nhiều quá mà không mua thì sẽ không tốt lắm đâu. Khu chợ đa phần là đồ gốm nên du khách cần cẩn thận va chạm đặc biệt là có trẻ em đi cùng. Nếu không muốn mua nhầm thì nên tham khảo thử nhiều gian trước khi mua nhé.

Du khách tham quan Làng gốm bằng xe trâu

Du khách tham quan Làng gốm bằng xe trâu

 

Nếu muốn tìm hiểu về các làng nghề, những nét văn hóa cổ của nước Việt thì làng Gốm Bát Tràng sẽ là nơi tham quan du lịch mà bạn không thể bỏ qua. Hãy cùng khám phá những nét độc đáo nơi đây nhé!

Rate this post

Viết một bình luận