Lễ hội truyền thống – Nét đẹp văn hóa ngày xuân

Mùa xuân là mùa của lễ hội, lễ hội từ lâu đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hằng năm huyện Đồng Hỷ có 16 lễ hội truyền thống được tổ chức. Qua đó, đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia cổ vũ

Đình Hóa Thượng thuộc xóm Gò Cao, xã Hoá Thượng, là nơi thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người đã có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của nước Đại Việt dưới các triều vua Lý. Ngoài ra, đình còn thờ các bậc Hậu thần, Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam. Hàng năm lễ hội đình được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch, để tưởng nhớ công ơn, tài đức của người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Lễ hội không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”. Người dân đến và tham gia lễ hội, với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện. Bà Tạ Thị Ngọc, xóm Tam Thái chia sẻ: Một năm mới ai cũng đến để cầu gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn học hành đến nơi đến chốn.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng cho biết thêm: Đình Hóa Thượng có từ rất lâu đời, việc tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân các dân tộc xã Hóa Thượng, phát huy những giá trị lịch sử tại địa phương, tưởng nhớ công đức của các anh hùng dân tộc, liệt sỹ, cũng như bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa tinh thần cộng đồng…

Hòa chung với không khí của mùa xuân, ngày 14-15 tháng giêng âm lịch Lễ hội Đền Long Giàn, xã Khe Mo lại được tổ chức. Đền là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thờ Hai Bà Trưng – hai vị anh hùng của dân tộc đã dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Trong những năm 1944 – 1947, Đền là nơi dừng chân của cán bộ kháng chiến và là nơi liên lạc của chiến sĩ cách mạng. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác đã dừng chân vào Đền thắp hương. Đây cũng là một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái trong năm. Vì thế, để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội và tạo ấn tượng với du khách luôn được Ban tổ chức lễ hội đã họp bàn và đưa ra nhiều phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho mùa lễ hội. Bên cạnh nghi thức lễ dâng hương trang nghiêm, Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét đặc trưng, truyền thống của các dân tộc trên địa bàn như: múa lân, đẩy gậy, cờ tướng, ném còn, đáp ứng nhu cầu vui xuân của người dân địa phương và du khách thập phương.

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện nay có có 16 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, trong đó có 04 lễ hội do cấp xã tổ chức là: lễ hội Đền Long Giàn, xã Khe Mo; lễ hội Đền Hích, xã Hòa Bình; lễ hội Đình Hoá Thượng (xã Hoá Thượng), lễ hội Đình Minh Lý (xã Minh Lập), các lễ hội còn lại do cấp xóm, bản tổ chức. Những năm qua công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đi vào nề nếp, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cơ bản được đảm bảo. Bên cạnh đó Ban tổ chức các lễ hội còn tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa lịch sử lễ hội, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn đối với xã hội và mỗi người dân; tăng tính hiệu quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Qua các lễ hội, nhiều phong tục, tập quán, nét văn hoá truyền thống của người dân địa phương được khôi phục lại một cách sinh động. 

Một mùa lễ hội nữa đã đến, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lễ hội được tổ chức khác biệt so với mọi năm, để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả. Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid19, phòng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hạn chế tối đa các hoạt động văn hóa có tập trung đông người. Đối với các địa phương có lễ hội, chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương, hạn chế tập trung đông người và thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa lâu đời, lễ hội là dịp để các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc./.

Thu Lan (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)

 

Rate this post

Viết một bình luận