Lịch sử: Vì sao nhiều điệp viên, biệt kích VNCH bị bắt khi ra miền Bắc? – BBC News Tiếng Việt

Lịch sử: Vì sao nhiều điệp viên, biệt kích VNCH bị bắt khi ra miền Bắc?

29 tháng 6 2021

Ông Đặng Chí Bình

Nguồn hình ảnh, FB Đặng Chí Bình

Chụp lại hình ảnh,

Cựu Điệp viên VNCH ông Đặng Chí Bình, bí danh X20, từng có 18 năm đi tù tại các nhà tù và trại giam ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1962

Có hai lý do chính khiến nhiều điệp viên Việt Nam Cộng hòa bị bắt giữ khi thâm nhập miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh trước đây, theo một cựu điệp viên VNCH từng ngồi tù 18 năm trong các nhà tù, trại giam ở miền Bắc Việt Nam trước và sau ngày đất nước này thống nhất.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Boston, Massachussetts, Hoa Kỳ, ông Đặng Chí Bình người có bí danh X20 và tác giả cuốn hồi ký ‘Thép Đen’ được biết đến trong cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và hải ngoại, nói:

“Đây là một vấn đề rất lớn và nếu không chi tiết thì khó có câu trả lời rõ ràng. Ngay trong thời gian tôi còn ở trong tù, rất nhiều người là tù nhân ở miền Bắc như các ông Nguyễn Chí Thiện nhà thơ hay còn biết đến là ‘ngục sỹ’, rồi ông Kiều Duy Vĩnh, hay ông Nguyễn Văn Tiến, cựu Chủ nhiệm tờ báo Le travail ở Pháp, bạn cũ của ông Phạm Văn Đồng và nhiều bạn tù khác đã hỏi tôi:

“Tại sao, rất nhiều toán biệt kích nhảy dù hay điệp viên thâm nhập ra miền Bắc Việt Nam đều bị bắt? Họ hỏi thế vì họ cho là tôi ở miền Nam, có hiểu biết tương đối một chút về hệ thống ở miền Nam.

“Không gì bằng thực tế kiểm nghiệm, chính tôi đã tìm hỏi thăm đến 5 toán biệt kích khác nhau mà thời gian, không gian họ đổ bộ ra miền Bắc khác nhau để tìm hiểu.

“Phải nói ngay là ở trong tù, nếu người ta không tin mình, không bao giờ họ trả lời vì họ sợ hiện tượng chỉ điểm báo cáo lại với cán bộ trại giam.

“Khi tôi hỏi họ: vì sao toán của anh bị bắt, liệu anh có biết gì về toán trước các anh ra miền Bắc đã bị bắt không, thì câu trả lời tôi nhận được đại lược như thế này, miền Bắc có thể đã bắt được những người thâm nhập, rồi khai thác, kể cả họ khai thác qua đường mật mã, khá hiệu quả.

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Chụp lại video,

Cựu điệp viên VNCH Đặng Chí Bình kể về điệp vụ ở Hà Nội

“Miền Bắc cũng nói họ có các điệp viên cài cắm trong lòng chính quyền và các cơ quan cấp cao chính quyền ở miền Nam. Cộng sản miền Bắc nói là có người ở trong phủ Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa, có các điệp viên như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, hay lãnh đạo đường dây Mười Hương v.v…

“Tuy nhiên, tôi cho rằng họ cũng huyền thoại hóa các nhân vật của họ hay cường điệu lên so với sự thực, thực tế mà thôi.

“Một nguyên nhân khác, theo sự hiểu biết của tôi, từ tiền cổ của loài người không có một chế độ nào quản lý chặt con người như chế độ Cộng sản. Ai cũng trong đoàn thể từ 5-6 tuổi trở lên, từ khi còn đang là nhi đồng, thiếu nhi, đội viên đã bị quản lý, rồi họ quản lý cả vợ chồng, con cái, ông bà…

“Sự quản lý chặt chẽ này, cộng với theo dõi của công an, mật vụ gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động thâm nhập, trong khi đó miền Nam với chế độ tư bản phần nào tương đối tự do, người dân ở thành phố nào, làm gì, do quyền riêng tư, rất khó ai biết hết.

“Ở các chế độ cộng sản, người ta theo dõi rất chặt chẽ, có lẽ chưa có nước nào có đảo chính ở các xứ cộng sản cai trị cả. Ngược lại, dưới chế độ tư bản tự do thì con người có quá nhiều quyền lợi tự do được bảo đảm, trong đó có các quyền tự do về riêng tư, thông tin cá nhân, gia đình v.v…

“Còn về việc các điệp viên Việt Nam Cộng hòa bị bắt ra sao, thế nào, đây là câu hỏi tế nhị, tôi không thể trả lời, nhưng cũng cần biết là công tác đào tạo, huấn luyện điệp viên thường là đơn độc, chúng tôi gọi là nghề ‘hang một lỗ’, chỉ có một người, một tuyến, nên cũng khó ai biết ai,” ông Đặng Chí Bình, người từng bị tù ở miền Bắc Việt Nam trong 18 năm từ 1962 và bị quản chế nhiều năm trước khi vượt biên và đến Mỹ định cư nói với BBC.

Vì sao muốn công bố hồi ký bằng tiếng Anh?

Thép Đen

Nguồn hình ảnh, Đặng Chí Bình

Chụp lại hình ảnh,

Một buổi ra mắt cuốn hồi ký Thép Đen của tác giả Đặng Chí Bình (thứ hai từ trái sang) tại hải ngoại

Tập kích Sơn Tây

Nguồn hình ảnh, Son Tay Raid

Chụp lại hình ảnh,

Trận tập kích của Hoa Kỳ và VNCH xuống một trại tù binh Mỹ ở Sơn Tây, Bắc VN 21/11/1970 đã không cứu được ai vì trại đã được di chuyển

Tác giả hồi ký ‘Thép Đen’ cho biết ông đang có các bước chuẩn bị để cuốn hồi ký được dịch và xuất bản sang Anh ngữ, mặc dù trước đây ông đã từng từ chối và ông cho biết lý do:

“Trước đây tôi tình cờ viết cuốn hồi ký của cuộc đời điệp viên của tôi, nhưng tôi không ngờ là sau khi cuốn sách gồm bốn tập ra mắt công chúng, lại nhận được sự quan tâm và tìm đọc nhiều đến vậy, nhưng đúng là tôi thuộc lớp các nhân viên tình báo đầu tiên được tung ra miền Bắc và ngồi tù rất lâu, nhiều năm trước cả khi có các tù nhân là các thành phần quân cán chính đầu tiên đi ‘học tập, cải tạo’ ở trong nước và ra miền Bắc, trong đó có rất nhiều sỹ quan cao cấp mà tôi có thể nhắc đến tên như là Tướng Lê Minh Đảo hay nhiều vị khác.

“Ngay từ năm 1990, sau khi những cuốn sách đầu tiên xuất bản, một dịch giả người Mỹ là ông Sedgwick Tourison, đã tự ý dịch tập 1 và 2 Thép Đen, rồi mời tôi đến Maryland ở Washington D.C. ký hợp đồng để dịch cuốn sách với nhà Xuất bản Random House.

“Phó Giám đốc, Chủ tịch nhà xuất bản này, ông Owen A. Lock sau đó hai tuần có gọi điện thoại cho tôi, bày tỏ muốn xuất bản cuốn sách với tên gọi “The Black Steel”, với số lượng xuất bản lần đầu là 150.000 bản sách mỏng mà tiếng Mỹ gọi là paperback.

“Tôi vẫn còn giữ lá thư đề nghị của NXB Random House, nhưng tại thời điểm đó tôi đã từ chối, do họ đề nghị trong 84 chương, chỉ dịch và in 43 chương. Với tôi từng chương của cuốn sách là từng chương cuộc đời của tôi, không thể rút gọn được mà không làm thay đổi đi ý nghĩa của câu chuyện và các số phận, con người, thân phận đất nước Việt Nam có tôi ở trong đó.”

“Tuy nhiên, nay đã ở tuổi xế chiều, tôi năm nay đã 89 tuổi, trong khi vẫn còn minh mẫn, tôi suy nghĩ lại và thấy rằng qua mấy chục năm, cuốn hồi ký Thép Đen của tôi vẫn còn có giá trị với độc giả, như nhiều độc giả cũ và mới vẫn liên lạc với tôi và cho biết, chính quyền cộng sản ngày nay vẫn sử dụng các thủ đoạn gian xảo, tôi cần phải cho giới trẻ và các bạn đọc trong đó có công chúng nước ngoài biết sự thật về họ.

“Tôi cũng xin nói thêm là trước và trong khi viết Thép Đen, tôi đã không ngừng muốn tìm hiểu và kiểm chứng các sự thật, kể cả tìm hiểu ngọn nguồn về chủ nghĩa cộng sản. Bản thân tôi đã có 6 chuyến đi Âu châu tìm hiểu, trong đó tôi đã trực tiếp sang thăm nhà lưu niệm của Karl Marx ở thành phố Trier tại Tây Đức, nay là CHLB Đức, tôi cũng tới cả Thiên An Môn, Bắc Kinh, rồi tiếp xúc nhiều người khác nhau từ Bắc và Nam Việt Nam thuộc nhiều tầng lớp và thế hệ để tai nghe mắt thấy nhiều sự việc, cũng như lắng nghe quan điểm của mọi người.”

Nhắn nhủ gì cho thế hệ trẻ mai sau?

FB Đặng Chí Bình

Nguồn hình ảnh, FB Đặng Chí Bình

Chụp lại hình ảnh,

Cựu Điệp viên VNCH Đặng Chí Bình (áo ca-rô đỏ) hiện sinh sống tại Boston, Massachussett, Hoa Kỳ

Khi được hỏi có điều gì muốn nhắn nhủ cho các thế hệ sau của người Việt tại Việt Nam và hải ngoại, nhất là hướng tới tương lai của Việt Nam, nhân dịp này tác giả Thép Đen, cựu điệp viên Đặng Chí Bình đáp:

“Đây là một câu hỏi rất giá trị, tôi cũng muốn qua cuốn hồi ký của mình, mà nếu có một thông điệp vào thời điểm này trong một chương mới, tôi xin có một vài điều muốn nói.

“Trước tiên, tôi là một cựu điệp viên Việt Nam Cộng hòa, sinh năm 1933, có quê quán gốc tại miền Bắc Việt Nam, được đi học qua mấy chế độ ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, vì số phận và nghề nghiệp, tôi đã hai lần chết hụt ở trong tù, đã trải qua rất nhiều điều kinh khủng khi bị giam cầm từ biệt giam trong xà lim, tới hầm biệt giam cầm cố dưới mặt đất tại Hỏa Lò, cho tới trải qua chế độ gần như là khổ sai chung thân ở miền Bắc Việt Nam khi đó, lại bị quản chế khắc nghiệt trong đói rách, nghèo nàn, bị kỳ thị, theo dõi khi ra tù, rồi bị tước nhiều quyền cơ bản kể cả danh dự, tự do và quyền nhân thân, đến nỗi phải bỏ bố mẹ già mù lòa, bỏ vợ trẻ con thơ vượt biên, đào thoát…

“Nhưng bây giờ, trong rất nhiều điều muốn nói lại với thế hệ trẻ là các bạn trẻ Việt Nam ở trong nước và hải ngoại, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn, các em một vài điều giản dị thế này.

“Các bạn hãy luôn tin vào bản thân là chính, đừng trông chờ phép màu, kể cả với trời đất, với các đức Phật, Chúa, chúng ta có thể cầu nguyện, nhưng chính chúng ta phải cố gắng hết khả năng mình, trước khi trông chờ bên ngoài.

“Một điều khác rất quan trọng, ấy là cần chăm chỉ, siêng năng, đừng bao giờ lười biếng, cuộc đời luôn thay đổi, anh chị em luôn cần kiểm điểm lại mình đã siêng năng, nỗ lực đầy đủ chưa, ngay cả tôi, người mà đã từng là học sinh, là thợ bạc ở Hà Nội, học viên ở miền Nam, được đào tạo nghề điệp viên, qua Mỹ tự học và đào tạo lại qua nhiều nghề kỹ thuật để có chứng chỉ chuyên môn đàng hoàng làm việc, vẫn thấy mình chưa đủ chăm chỉ thời kỳ trước đây khi trẻ, bởi vì nếu quyết tâm kiên trì từ nhỏ, nếu tôi muốn học để thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư…với nỗ lực và chăm chỉ hơn, tôi và mọi người đều sẽ có thể đạt.

“Cuối cùng, tôi thấy rằng có thể có rất nhiều sự việc về bản chất chủ nghĩa cộng sản chưa thể thấy hết ngay được qua Thép Đen, nhưng tôi tin các nhà giam, trại tù của thế giới sẽ thay đổi nếu cuốn hồi ký của tôi một ngày được xuất bản bằng Anh ngữ để đến với độc giả, công chúng quốc tế, để chẳng bao giờ tại Việt Nam hay thế giới lại còn phải trông thấy và trải qua những Hỏa Lò và hàng trăm địa ngục trần gian là các nhà tù, trại giam của người cộng sản đối xử với dân, với đối thủ và với các tù nhân của họ như thế nữa,” cựu Điệp viên VNCH Đặng Chí Bình nói với BBC trên quan điểm riêng.

Bài viết nằm trong loạt bài và phỏng vấn bằng video với các nhân vật, nhân chứng do BBC News Tiếng Việt thực hiện. Mời quý vị tham khảo thêm ở đường dẫn này.

Xem thêm về trận Tập kích Sơn Tây.

Rate this post

Viết một bình luận