Một con cá mặt trăng trưởng thành – Ảnh: AUSTRALIAN.MUSEUM
Cá mặt trăng (Danh pháp: Mola mola (Linnaeus, 1758) là loài cá thuộc họ Cá mặt trăng trong bộ Cá nóc (Tetraodontiformes).
Loài cá này có hình dạng khá kỳ lạ. Nhìn tổng thể chúng có thân hình bầu dục tròn ở phía trước và dẹt về phía đuôi. Chiều dài thân có thể đạt từ 3,5-5,5m nhưng trông lại cụt ngủn như thể không có đuôi.
Cá mặt trăng trưởng thành thường ít bơi mà thả trôi cơ thể theo dòng nước – Ảnh: BESTPHOTOSITE
Cá mặt trăng có một vây trên lưng nhô cao như loài cá mập và một vây sát cạnh hậu môn. Hai chiếc vây này nằm gần như đối xứng nhau. Trong khi đó vây đuôi ngắn nhưng bao quanh cả phía sau thân, trông như một dải hẹp, ít có tác dụng bơi lội.
Một đặc điểm đặc biệt ở loài cá này là tuy thân hình rất to nhưng chiếc miệng thì lại rất nhỏ. Mỗi hàm có hai răng dính nhau khiến miệng trông một cái mỏ nên chúng không thể nuốt mồi to mà chỉ chuyên ăn giáp xác nhỏ và các sinh vật phù du khác.
Đặc điểm thân hình to lớn nhưng đuôi ngắn nên cá mặt trăng bơi cũng rất yếu ớt – Ảnh: BESTPHOTOSITE
Gần như tất cả thời gian, cá mặt trăng để cho cơ thể đồ sộ trôi tự do theo các dòng hải lưu. Có lẽ vì đặc điểm này mà cá mặt trăng còn được gọi là cá mặt trời do nhiều người tin rằng chúng “tắm nắng” trên mặt biển.
Nhưng điều bất ngờ nhất ở loài cá này chính là những ấu trùng cá mặt trăng con. Một cá mặt trăng mẹ có thể đẻ tới 300 triệu trứng chỉ sau 3 tuần mang thai.
Ấu trùng cá mặt trăng – Ảnh: AUSTRALIAN.MUSEUM
Cá con khi nở ra chỉ nhỉnh hơn một viên cát nhỏ, nhỏ hơn cơ thể con mẹ tới 600 lần và không có chút tương đồng nào với hình dạng của bố mẹ.
Tuy vậy, ấu trùng cá con lại lớn rất nhanh, chỉ 15 tháng sau khi trứng nở, chúng có thể tăng lên tới 373kg.
Trứng được thụ tinh ngoài và dễ bị hải lưu cuốn đi nên các nhà khoa học đã mất rất nhiều năm để nghiên cứu tìm kiếm cá mặt trăng con và xác định được con của các loài cá mặt trăng riêng biệt.
Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp cá mặt trăng là loài dễ bị tổn thương – Ảnh: BESTPHOTOSITE
Lúc còn nhỏ, cá mặt trăng cũng như bao loài cá khác, bơi rất khỏe theo đàn. Cho đến khi lớn, chúng càng trở nên lười biếng, chỉ sống một mình và thả cơ thể trôi lơ lửng theo dòng hải lưu đến khắp các đại dương.
Khi kiếm ăn, chúng nghiêng người để bơi và lặn xuống dưới rất nhanh, sau đó lại thả cơ thể trôi đi.
Việt Nam xếp cá mặt trăng là loài cá quý hiếm, có tên trong sách đỏ và cần được bảo vệ cấp thiết; luật cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt, khai thác dưới mọi hình thức.
Bắt được cá mặt trăng nặng hơn 500kg