Hàng ngàn năm trước, trên đường đến Ấn Độ, các thuỷ thủ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhìn thấy những hạt khổng lồ nổi trên Ấn Độ Dương như những chiếc phao.
Hồi đó, người ta đã mua những hạt đó với giá rất cao vì họ tin rằng chúng có một sức mạnh kì diệu. Vào thế kỉ 16, tầng lớp thượng lưu ở châu Âu coi những quả khổng lồ này là vật báu đáng được sưu tầm.
Cây dừa biển Lodoicea Maldivica cao 34 mét, mọc trên hai đảo Praslin và Curieuse. Quả có đường kính 50 cm và nặng tới 30 kg. Quả này có từ 1 đến 4 hạt, chứa khoảng 5 đến 6 lít nước. Hạt dừa biển này được coi là nặng nhất thế giới lên tới 6 kg (13 pounds).
Khi bổ quả ra, nuớc ở trong sẽ chuyển sang màu trắng tươi rất giàu lượng đường và chất béo. Một hạt của nó cần 2 năm để nảy mầm và 7 năm ra quả.
Trên bờ biển Tây Âu, vịnh Gulf có loài đậu biển. Chúng có nguồn gốc từ loại cây leo ở vùng nhiệt đới châu Mỹ (cao nguyên Antilles, Columbia). Loại gỗ leo Entada có thể cao 30 mét. Ở Costa Rica, người ta gọi nó là “cầu thang khỉ”, vì bầy khỉ thường dùng loại cây này để di chuyển.
Những hạt này tuy chỉ có đường kính 6 cm nhưng chiều dài của nó lên tới 2 mét. Đây là loại hạt dài nhất thế giới. Chúng có thể trôi đến vịnh Mexico và Caribean nếu không bị kẹt ở các bờ sông. Đặc biệt chúng có thể trôi dạt nhiều tháng trên Đại Tây Dương, vượt lên Scandinavia và Anh quốc.
Trong điều kiện này chúng không nẩy mầm, người dân thu nhặt nó để làm hộp trang trí. Tại Anh, các bà mẹ dùng nó để chống sâu răng cho trẻ, còn những thuỷ thủ coi nó như bùa hộ mệnh.
Duy Khánh
Theo Softpedia