Các bộ phim của Hollywood thường xây dựng hình tượng cá mập trắng khổng lồ như một gã giang hồ của biển cả. Với thân hình dài hơn 6 mét và nặng hơn 3 tấn, chúng dường như không ngán bất kể một sinh vật đại dương nào.
Cá mập trắng khổng lồ đứng gần đỉnh của chuỗi thức ăn, chúng ăn thịt từ các loài cá nhỏ cho tới khổng lồ như cá mặt trăng. Cả các loài động vật có vú như sư tử biển, hải tượng, và cá voi mũi khoằm cũng trở thành con mồi cho cá mập trắng.
Nhưng nói vậy không có nghĩa cá mập trắng có thể trở thành vua biển cả. Trên thực tế, chúng vẫn phải sợ một loài sinh vật này một phép. Đến nỗi chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của nó thôi, cả đàn cá mập trắng liền phải cúp đuôi trốn ngay sang vùng biển khác.
Những đợt biến mất bí ẩn của cá mập trắng
Salvador Jorgensen, một nhà nghiên cứu tại Thủy cung Vịnh Monterey đã theo dõi những con cá mập trắng khổng lồ ở ngoài khơi California suốt 17 năm qua. Để làm được điều đó, anh và các đồng nghiệp đã thả xuống nước những tấm thảm cũ cắt theo hình hải cẩu để dụ chúng đến gần thuyền.
Khi những con cá mập đã vào tầm ngắm, nhóm nghiên cứu sẽ bắn chúng bằng các thẻ điện tử phát tín hiệu siêu âm. Tín hiệu này có thể được thu bởi các bộ thu dưới nước trước đó đã được thả khắp các vùng biển California. Nhờ vậy, Jogersen và nhóm của mình có thể phát hiện ra những con cá mập đã ở đâu và khi nào thì chúng bơi qua.
Vào năm 2009, nhóm nghiên cứu đã gắn thẻ được 17 con cá mập trắng lớn. Họ đã quan sát chúng hàng tháng trời khi những con cá mập này bơi vòng quanh Đảo Đông Nam Farallon và ăn sạch những con hải tượng ở đây.
Nhưng đến khoảng đầu tháng 11 năm đó, những con cá mập trắng khổng lồ đã biến mất. Jogersen cho biết chỉ trong vòng 8 tiếng đồng hồ, cả đàn cá mập 17 con ở Farallon đều chạy ra khỏi vùng đảo. Sau đó chúng được phát hiện đã đến một vùng biển xa, và trong ít nhất một tháng, những con cá mập không dám bén mảng trở lại ngôi nhà cũ của chúng.
Nguyên nhân cuối cùng được tìm ra là sự xuất hiện của hai con cá voi sát thủ ở khu vực này. Những con con cá voi sát thủ đến và lũ cá mập biến mất. Ban đầu Josenger ngỡ đó chỉ là sự trùng hợp, nhưng dữ liệu các năm sau đó cho thấy những sự kiện tương tự đã lặp lại.
Từ năm 2009 đến năm 2017, Josenger đã theo dõi tổng cộng hơn 165 con cá mập trắng khổng lồ và thấy hễ khi nào có cá voi sát thủ xuất hiện trong khu vực sinh sống của chúng, cá mập trắng sẽ trốn ra vùng biển khác chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Một số loài cá voi sát thủ cũng săn hải cẩu, vì vậy có thể những con cá mập chỉ đang cố gắng tránh cạnh tranh nguồn thức ăn với chúng. Nhưng Jogenson không nghĩ vậy bởi với tốc độ của chúng, cá mập trắng không hề ngại cạnh tranh thức ăn. Nếu chúng chạy trốn, một lý do đáng tin hơn là chúng đang sợ, chúng thực sự sợ cá voi sát thủ.
Tại sao cá mập trắng khổng lồ sợ cá voi sát thủ?
Nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài, thật khó để tưởng tượng ra được cá mập trắng phải sợ cá voi sát thủ một phép. Đó là bởi những con cá voi này trông khá hiền. Chúng chỉ giống với một con cá heo được phóng to lên rồi đổ màu cho giống gấu trúc.
Nhưng sự thật thì cá voi sát thủ mới là kẻ săn mồi nguy hiểm hơn, Toby Daly-Engel, một chuyên gia về cá mập tại Viện Công nghệ Florida cho biết. Chúng chính là loài săn mồi đỉnh cao, một động vật ăn thịt đầu bảng.
Điều đó có nghĩa là cá voi sát thủ ăn thịt cả cá mập. Với chiều dài từ 6-8 mét, nặng từ 4-6 tấn, cá voi sát thủ còn lớn hơn cả cá mập trắng khổng lồ. Cộng thêm khả năng tổ chức săn mồi theo đàn giống như chó sói, cá voi sát thủ có thể hạ gục bất cứ con mồi nào trong đại dương, từ loài cá mập nhanh nhất là cá mako cho đến loài cá mập to nhất là cá mập voi.
Những con cá mập trắng khổng lồ cũng thường nằm trong thực đơn của cá voi sát thủ.
Những con cá mập trắng khổng lồ cũng thường nằm trong thực đơn của cá voi sát thủ. Và để có được bữa ăn này, chúng thường dùng đến những chiến lược săn mồi rất đa dạng và thông minh.
Theo các tài liệu ghi chép lại những vụ đụng độ được quan sát thấy, cá voi sát thủ có thể giết chết cá mập trắng theo những cách rất phức tạp. Một số con hay dồn cá mập lên mặt nước và sau đó chẻ vào giữa đầu chúng một cú quẹt đuôi như chặt bằng sống dao.
Những con khác dường như phát hiện ra rằng việc lộn ngược cá mập có thể đưa chúng vào trạng thái bất động và không thể tự vệ. Giết chết một con cá mập trắng khổng lồ theo cách này sẽ tiết kiệm sức và giảm nguy cơ gặp chấn thương hơn đối với chúng vì cá mập trắng có thể phản công bằng hàm răng rất sắc.
Cá voi sát thủ là loài đi săn có chiến thuật và đồng đội.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sau khi cá voi sát thủ giết chết cá mập trắng, chúng chỉ chọn ăn một thứ duy nhất đó là gan của con mồi xấu số.
Vào tháng 10 năm 1997, một tàu canh chừng cá voi gần đảo Đông Nam Farallon đã quan sát thấy một con cá mập trắng non bơi về phía hai con cá voi sát thủ. Mặc dù hai con cá voi này còn đang ăn thịt một con sư tử biển, con cá mập trắng non vẫn bị giết chết. Hai con cá voi sát thủ đã ăn gan của nó như món caramel tráng miệng.
Gần đây hơn, ở một bãi biển của Nam Phi, người ta tìm thấy xác của 5 con cá mập trắng khổng lồ trôi dạt vào bờ biển. Điều kì lạ là cả 5 cái xác này đều thiếu mất lá gan. Trước đó, vùng biển này đã chứng kiến sự xuất hiện của một vài con cá voi sát thủ.
Xác của những con cá mập trắng khổng lồ với lá gan biến mất.
Các nhà sinh vật học cho biết cá voi sát thủ thích ăn gan cá mập trắng khổng lồ bởi trên thực tế, hàm răng của chúng không đủ sắc để xé xác và nhai con mồi của mình. Bù lại, cá voi sát thủ lại có sự khéo léo giống như họ hàng của chúng là cá heo.
Những con cá voi có thể lách miệng vào gần vây ngực của cá mập, cắn rách một mảng thịt nhỏ. Sau đó, chúng sẽ dùng hàm ép trên thân con mồi cho tới khi lá gan của nó lòi ra như một tuýp kem đánh răng.
Không có gì phải nghi ngờ, gan của cá mập trắng khổng lồ chính là phần giàu dinh dưỡng nhất trên cơ thể chúng. Lá gan có thể chiếm tới 1/4 trọng lượng cơ thể cá mập trắng, nó rất giàu chất béo và là nguồn calo đậm đặc nhất mà bạn có thể tìm thấy trong đại dương.
Chạy ngay đi, doo doo doo doo
Sự tàn bạo đã được hóa trang dưới vẻ ngoài của một kẻ thư sinh, rõ ràng đây là lý do khiến cá mập trắng phải cúp đuôi trốn sang vùng biển khác mỗi khi chạm trán cá voi sát thủ.
Thậm chí, những con cá voi chẳng cần đánh dằn mặt cá mập trắng để chiếm dụng địa bàn của chúng. Những con cá mập chỉ cần ngửi thấy mùi long diên hương mà cá voi sát thủ để lại trong nước, chúng đã sẵn sàng nhường lại sân nhà của mình với đầy rẫy thức ăn và dạt sang một vùng biển khác cằn cỗi hơn.
Tránh voi chẳng xấu mặt nào, khi ngửi thấy mùi của cá voi sát thủ thì kế sách tốt nhất là chạy.
Trong thế giới động vật, nhiều kẻ săn mồi khác cũng tạo ra được sự uy mãnh của chúng theo cách tương tự. Âm thanh và mùi của chúng tạo ra nỗi ám ảnh sợ hãi —một nỗi sợ âm ỉ làm thay đổi hành vi và nơi ở của con mồi.
Chẳng hạn như chính sự hiện diện của cá mập có thể buộc cá nược phải lặn xuống vùng nước sâu hơn, nơi thức ăn khan hiếm nhưng bù lại có nhiều chỗ trú ẩn. Chỉ một tiếng chó sủa cũng có thể khiến gấu mèo không dám bén mảng tới bãi biển, dẫn tới sự thay đổi của toàn bộ hệ sinh thái trong các hồ thủy triều.
Nỗi sợ hãi cái chết có thể định hình hành vi của động vật hơn chính cái chết của chúng, nhà nghiên cứu Liana Zanette tại Đại học Western, Canada cho biết: “Chẳng hạn như sư tử không cần ăn thịt quá nhiều linh dương, nhưng linh dương sợ sư tử hơn bất kỳ động vật ăn thịt nào khác ngoài con người”.
Tương tự, cá voi sát thủ không cần phải giết chết quá nhiều cá mập trắng để thay đổi hoàn toàn vùng biển của chúng. Ví dụ, vào năm 2009, khi những con cá voi sát thủ đi ngang qua vùng Đông Nam quần đảo Farallon, chỉ trong vòng chưa đầy 3 giờ, những con cá mập trắng đã dọn nhà khỏi đó và không quay lại cho tới tận sang năm.
Điều này vô tình tạo ra một thiên đường cho loài hải cẩu voi, con mồi của cả cá voi sát thủ lẫn cá mập trắng khổng lồ. Một mặt, những con cá voi chỉ đi ngang qua đây, nhưng lại đuổi được hết cá mập đi nơi khác. Quần đảo Farallon bỗng biến thành một khu vực sạch bóng thiên địch của hải cẩu.
“Khi hai kẻ săn mồi chúng đối đầu, người chiến thắng lại chính là những con hải cẩu“, Jorgensen nói.
Cá voi sát thủ mới đích thực là ông vua của biển cả.
Còn số phận của những con cá mập thì sao? Zanette cho biết: “Chúng phải chuyển đi tìm nguồn thức ăn mới khi lũ cá voi sát thủ quần thảo khu vực sinh sống cũ. Điều này có thể cản trở khả năng di cư của chúng, vốn đòi hỏi một lượng lớn chất béo và chất dinh dưỡng”.
Nhưng sự tồn tại của cá mập trắng khổng lồ cho tới bây giờ cũng là minh chứng cho trí thông minh của chúng. Tránh voi thì chẳng xấu mặt nào, việc biết khi nào nên thể hiện mình là một kẻ săn mồi, khi nào nên khăn gói trốn đi có thể góp phần vào sự sinh tồn thành công của cá mập trắng, Jorgensen cho biết.
Tham khảo Theatlantic