Loạn hàng thật hàng nhái ở Thổ Tang, Vĩnh Phúc

Ngay từ mờ sáng, chợ Giang (Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã nhộn nhịp như thể một phiên chợ tết. Mọi người ví von “con người cần gì thì Thổ Tang đều có”, các mặt hàng được nhập từ cửa khẩu Lạng Sơn, thậm chí sang tận Trung Quốc lấy hàng về đây gắn mác “Thổ Tang” là có thể tung hoành khắp nơi. Ít ai có thể biết được, khu chợ nhỏ này nhiều năm nay được coi là “kinh đô” của hàng Tàu, hàng nhái, hàng giả…

Khoảng chục năm trở lại đây, dân Thổ Tang giàu nhanh đến chóng mặt. Với địa thế thuận lợi (nằm ngay sát QL 2) thị trấn Thổ Tang được coi là khu vực sầm uất nhất huyện Vĩnh Tường.

Được một người bạn dân bản địa “bảo lãnh”, những kẻ lạ mặt như chúng tôi dễ dàng thâm nhập khu chợ đặc biệt này. Trước khi đi tìm hiểu người bạn không quên dặn dò: “Dân ở đây rất kỵ nhà báo, nếu muốn tìm hiểu tốt nhất không hỏi nhiều, đặc biệt không được chụp ảnh. Bất kỳ kẻ lạ mặt nào vào đây”.

Các cửa hàng ở Thổ Tang tuyệt đối không bán lẻ mà chủ yếu xuất buôn cho những mối quen thuộc. Ngầm sau con phố này là những hoạt động buôn bán với doanh số khổng lồ. Hầu hết các mặt hàng đều được nhập từ cửa khẩu Lạng Sơn sau đó sẽ gắn mác Thổ Tang rồi tỏa đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Một người cấp hàng cho các đại lý ở Thổ Tang (xin được giấu tên) cho biết: “Buôn bán ở Thổ Tang chẳng giống đâu hết. Những xe tải buôn chuyến cỡ lớn tới từng cửa hàng một trên phố, chất từng loại mặt hàng cho đầy xe rồi chở ngược lên miền núi. Họ thả hàng dần cho các cửa hàng bán lẻ dọc đường đi rồi lại quay ngược về Thổ Tang lấy hàng”.

Dây điện Trần Phú chính hãng.

Dây điện Trần Phú giả.

Khi đề cập đến việc muốn đổ bán số lượng lớn vỏ chai nước mắm, mỹ phẩm… tôi được một ông chủ phía cuối chợ hồ hởi: “Ok, bọn anh đang cần hàng đó. Tuy vậy, chú phải chiếm được lòng tin của anh đã. Chú phải cung cấp cho anh hàng đẹp, còn nguyên nhãn mác. Số lượng thoải mái, bao nhiêu anh cũng múc”. Dứt lời ông chủ này rỉ tai: “Khi bọn anh nhái xong chú lấy lại số lượng bao nhiêu cũng được, giá chỉ bằng 1/3 giá chính hãng”.

Theo như phản ánh của người dân quanh vùng, thị trấn Thổ Tang giàu lên là do nghề “chế” hàng nhái. Các mặt hàng nhái ở đây được làm khá tinh vi. Từ những sản phẩm cao cấp đến những sản phẩm bình dân: bột giặt, kem đánh răng, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, bột ngọt… Chị Thu Hương, một chủ quầy bán hàng tạp hóa tại chợ Giang chia sẻ: “Hàng ở đây thường có hai loại. Ví dụ như lọ dầu gội đầu này, loại rẻ chỉ có hơn 20 nghìn đồng, loại xịn giá tới 120 nghìn đồng”.

Nổi bật hơn cả trong số hàng nhái ở Thổ Tang là nước mắm và mỳ chính. Mỳ chính ở đây chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc, sau đó xuất lên miền núi. Nước mắm đa phần là những viên nước mắm của Trung Quốc thả vào chai nước lã bình thường. Các loại tạp hóa khác như nước ngọt, mỳ tôm, xà phòng,… đều xuất buôn với mức giá rẻ hơn giá chính hãng 3 đến 4 lần.

Mặc dù được coi là “kinh đô” của hàng nhái, hàng Trung Quốc nhưng hàng thật ở Thổ Tang không phải không có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng thật và hàng nhái ở đây được các con buôn bán đan xen vào nhau. Trong vai một người đang có nhu cầu mua số lượng lớn dây điện, chúng tôi được giới thiệu thẳng đến cửa hàng B.T nằm ngay đầu phố Thổ Tang. Dòng dây điện được ưa chuộng nhất vẫn là dây Trần Phú. Tuy vậy dây điện Trần Phú chính hãng và không chính hãng vẫn được kéo léo đặt cạnh nhau để bán. Khi được hỏi có hai loại dây phải không, người bán hàng trả lời: “Đúng là có hai loại dây nhưng giá không chênh nhau nhiều đâu anh, chất lượng hai loại cũng tương đương”.

Tại một cửa hàng có tiếng về dây điện tên H.T, chúng tôi cũng ngỏ ý muốn mua dây điện của hãng Trần Phú nhưng chủ cửa hàng lái ngay sang loại dây khác: “Chất lượng và giá cả của hai loại cũng không chênh nhau anh ạ. Nhưng sao anh không mua dây Hàn Quốc?”. Các cửa hàng đồ điện trên địa bàn Thổ Tang đều bày bán song song cả hai loại dây cùng mang một thương hiệu Trần Phú. Mặc dù dây Trần Phú chính hãng có nhãn to bọc ngoài nhấn mạnh dây điện chính hãng chỉ xuất xứ tại một địa chỉ duy nhất: 41 Phương Liệt, trong khi dây không chính hãng chỉ có một tem nhỏ dán trên thân cuộn dây.

“Nói Thổ Tang chỉ xuất bán hàng giả, hàng nhái cũng không đúng. Chúng tôi vẫn chỉ bán dây Trần Phú thật từ nhiều năm nay. Dây chính hãng dù được xuất lên miền núi nhưng dân trí ở đó cũng ngày càng cao nên họ thậm chí gọi điện yêu cầu dây chuẩn. Ví dụ ở Hà Giang, 80% dây được bán là hàng chính hãng. Nhiều khu vực miền núi như Mường Tè, Mường Nhé 100% bán dây chính hãng” – chủ đại lý đồ điện H.T. chia sẻ.

Mỗi năm, quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt giữ và xử phạt hàng chục vụ liên quan tới buôn bán, sản xuất hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng… Một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nói: “Đối tượng sản xuất và mua bán hàng giả, hàng nhái là rất lớn trong khi đó lực lượng Cảnh sát thì mỏng, kinh phí có hạn. Việc đó đã gây nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám định chất lượng hàng”

Rate this post

Viết một bình luận