Trong nền kinh tế thị trường mở cửa như hiện nay, hàng hóa được luân chuyển xuyên các châu lục trên thế giới. Những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các công ty xuất khẩu ngày càng chú trọng cho đến dịch vụ logistics. Vậy logistics là gì và có những cơ hội nào trong ngành này? Hãy xem tiếp bài viết để tìm ra câu trả lời nhé!
I. Logistics là gì?
1. Định nghĩa logistics
Logistic là việc quản lý chuỗi cung ứng các nguồn lực từ điểm xuất phát cho đến điểm tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng hoặc doanh nghiệp. Các nguồn lực được quản lý trong logistics có thể bao gồm hàng hóa hữu hình như vật liệu, thiết bị và vật tư, cũng như thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Theo pháp luật Việt Nam, Logistics được cho là một hoạt động thương mại. Cụ thể, điều 233 Luật Thương mại 2005 quy định “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.”
Theo Hội đồng Chuyên gia Quản lý Logistics (CSCMP) và Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) thì quản lý logistics là một phần của quản lý chuỗi cung ứng. Trong đó, quản lý logistics sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi hàng hóa, dịch vụ và thông tin trên cả hai chiều từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng và ngược lại.
2. Lịch sử hình thành
Logistics được bắt nguồn từ quân đội Anh trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ – nơi một hệ thống chuỗi cung ứng quân sự được phát triển bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, hải cảng, sân bay, kho tiếp liệu và phương tiện vận chuyển vũ khí và quân đội. Tại Hoa Kỳ, khi bắt đầu phân phối nông sản trên khắp lục địa vào cuối thế kỷ 19, đã có sự phát triển của hệ thống phân phối hàng công nghiệp.
Điều này cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời chính thức của Khoa học Quản lý Logistics ở Hoa Kỳ vào năm 1964. Họ đã điều chỉnh việc quản lý hậu cần vào thực tiễn kinh doanh của họ cho đến nay.
Đối với lĩnh vực thương mại và công nghiệp, logistics đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí, từ đó tăng lợi nhuận. Nó cũng được sử dụng như một công cụ quan trọng trong việc tạo ra khả năng cạnh tranh. Vì giúp tạo ra hiệu quả trong dịch vụ khách hàng, thiết lập mối quan hệ tốt với cả khách hàng bên trong lẫn bên ngoài và đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin nhanh chóng.
3. Phân biệt với chuỗi cung ứng
Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tương tự nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Logistics đề cập đến việc di chuyển và lưu trữ sản phẩm bên trong và bên ngoài công ty, trong khi quản lý chuỗi cung ứng là một chuỗi các hoạt động liên kết với nhau từ quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa – từ nguyên liệu thô đến thành phẩm và cuối cùng là đến tay khách hàng.
Nói cách khác, logistics là một phần thuộc quản lý chuỗi cung ứng. Về mục tiêu thì logistics cần phải đưa sản phẩm từ điểm A đến điểm B với chi phí thấp nhất và dịch vụ tốt nhất. Còn mục tiêu của chuỗi cung ứng là điều phối, quản lý, thúc đẩy luồng dữ liệu, thông tin và hậu cần để cung cấp sản phẩm/dịch vụ tốt nhất cho tất cả các bên liên quan trong toàn bộ quá trình.
II. Ý nghĩa của logistics trong xuất nhập khẩu
1. Logistics ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp
Sau khi sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp cần thực hiện các hoạt động logistics như đóng hàng, vận chuyển, phân phối đến khách hàng và các nhà bán buôn, nhà bán lẻ. Thực tế thì mọi hoạt động trong lĩnh vực logistics đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Điều này bao gồm phí vận chuyển, chi phí nhiên liệu, hư hỏng, bảo quản và bất kỳ điều gì khác liên quan đến việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Nếu doanh nghiệp có thể giảm thiểu hư hỏng sản phẩm và giảm chi phí hậu cần thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể và tăng tỷ suất lợi nhuận của mình.
2. Logistics ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng
Trải nghiệm khách hàng tốt không chỉ làm hài lòng khách hàng mà còn có thể làm tăng doanh thu của doanh nghiệp. Khách hàng thường không quan tâm đến cách mà doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hay các vấn đề doanh nghiệp gặp phải khi sản xuất và vận chuyển. Họ chỉ quan tâm đến việc nhận được sản phẩm càng nhanh càng tốt và không bị hư hỏng.
Khi hệ thống logistics của bạn không thể chuẩn bị nhanh chóng các đơn đặt hàng để vận chuyển và khiến cho khách hàng phải chờ đợi lâu. Điều này buộc họ phải tìm một cửa hàng trực tuyến khác.
Để khắc phục điều này, bạn có thể cải thiện bằng cách tự động hóa một số chức năng như kiểm soát hàng tồn kho, cho phép xác định mặt hàng nào còn trong kho và mặt hàng nào sắp hết. Điều đó sẽ giúp cải thiện hoạt động logistics, giao hàng nhanh hơn cho khách hàng, khiến họ hài lòng hơn và trung thành với doanh nghiệp.
III. Những điều cần biết về ngành logistics
1. Đặc điểm của ngành logistics
– Do thương nhân thực hiện: Dịch vụ logistic sẽ do các thương nhân thực hiện và chịu trách nhiệm trong các khâu đăng ký kinh doanh, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn trong vận chuyển hàng hóa, tính toán và sắp xếp nhân lực trong từng khâu của logistic.
– Dịch vụ có tính hoàn thiện cao nhất: Logistic thực chất không chỉ bao gồm các dịch vụ vận tải, giao nhận, lưu kho mà còn là toàn bộ quá trình vận tải, cung ứng rất phức tạp. Quy trình logistic đầy đủ sẽ gồm rất nhiều bước và mỗi bước có sự liên quan với nhau giúp toàn bộ hệ thống hoạt động hiệu quả.
– Đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp: Logistics đóng vai trò trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu thô, sản xuất, đến phân phối, vận chuyển thành phẩm đến tay người dùng. Doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống logistics hiệu quả sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành và hạn chế tối đa rủi ro.
– Thực hiện trên cơ sở hợp đồng các bên: Dịch vụ logistic phải được thực hiện dựa trên các điều khoản đã thảo luận và ký kết trên hợp đồng. Vì vậy trong hợp đồng cần ghi rõ ràng, đầy đủ các yêu cầu, điều kiện, chi phí giao dịch của doanh nghiệp thuê dịch vụ đối với bên cung cấp dịch vụ logistic.
2. Các hình thức của logistics
– 1PL (First party logistics) hay logistics tự cấp bên thứ nhất là các công ty, tổ chức tự thực hiện logistics như nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà xuất nhập khẩu, nhà bán buôn, nhà bán lẻ, nhà phân phối trong lĩnh vực thương mại quốc tế hoặc các cơ quan chính phủ. Nói chung, bất kỳ tổ chức nào có hàng hóa được chuyển từ nơi xuất xứ đến một địa điểm mới đều được coi là logistics tự cấp.
– 2PL (Second party logistics) hay cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai là các công ty vận chuyển sở hữu và sử dụng các phương tiện vận tải chuyên dụng để phục vụ cho công việc vận chuyển cho một chặng đường cụ thể, hoặc cung cấp một dịch vụ vận chuyển duy nhất trong chuỗi logistics cho một công ty khách hàng. Ví dụ, các công ty vận tải lớn trên thế giới như Wanhai, Maersk, Yang Ming và Evergreen chỉ chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển.
– 3PL (Third party logistics) hay cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hoặc logistics theo hợp đồng là các nhà cung cấp bên ngoài thực hiện một phần hoặc tất cả các chức năng logistics mà các chuyên gia hậu cần nội bộ không thực hiện. 3PL ngày nay bao gồm cả các hoạt động dịch vụ kho hàng và vận tải như sản xuất hoặc mua sắm hàng hóa, thực hiện đơn hàng, dán nhãn, đóng gói, lắp ráp, lắp ráp, logistics ngược, dịch vụ công nghệ thông tin, môi giới hải quan, giao nhận hàng hóa và giao nhận. Ví dụ về 3PL là các công ty logistics nổi tiếng toàn cầu như DHL và FedEx.
– 4PL (Fourth party logistics) hay cung cấp dịch vụ logistics bên tư nổi lên vào giữa những năm 1990. 4PL là các công ty cung cấp dịch vụ quản lý logistics, đóng vai trò điều phối cho các dịch vụ khác nhau gồm thiết kế, xây dựng và thực hiện các giải pháp chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo tất cả các yếu tố của chuỗi cung ứng hoạt động theo cùng một mục tiêu nhất định. 4PL là công ty không sở hữu bất kỳ tài sản, hàng hóa nào. Họ làm việc với nhiều nguồn lực bao gồm cả 3PL, để quản lý kế hoạch và công nghệ cho hệ thống hậu cần của khách hàng.
– 5PL (Fifth party logistics) hay cung cấp dịch vụ logistics bên thứ năm là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử gồm các 3PL và 4PL, quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử. 5PL sở hữu các hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), quản lý kho hàng (WMS) và quản lý vận tải (TMS). Cả ba hệ thống này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một hệ thống và thống nhất về công nghệ thông tin. Ba hệ thống này cũng là chìa khóa thành công của 5PL.
3. Phân loại logistics theo quá trình
– Inbound Logistics (Logistics đầu vào): Là việc di chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu từ nhà cung cấp đến doanh nghiệp. Nó liên quan đến các hoạt động khác nhau như vận chuyển, lưu trữ và phân phối các bộ phận hoặc nguyên liệu thô sử dụng trong sản xuất. Ngoài ra cũng có các hoạt động theo dõi hàng tồn kho, tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu và tối ưu hóa việc di chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến kho, cửa hàng hoặc nhà máy sản xuất của doanh nghiệp.
– Outbound Logistics (Logistics đầu ra): Đề cập đến quá trình vận chuyển thành phẩm từ công ty của bạn đến công ty khách hàng hoặc người tiêu dùng cuối cùng. Các hoạt động này hầu hết liên quan đến dịch vụ khách hàng và kênh phân phối. Ví dụ: Nếu bộ phận bán hàng của công ty của bạn nhận được đơn đặt hàng thì phải kiểm tra kho để đảm bảo sản phẩm còn hàng. Sau đó, bộ phận bán hàng sẽ gửi đơn đặt hàng đến kho để thực hiện đóng gói và vận chuyển cho khách hàng.
– Reverse Logistics (Logistics ngược): Là các hoạt động của quá trình thu hồi sản phẩm lỗi, phế phẩm, phế liệu,… phát sinh sau khi phân phối sản phẩm. Mục đích của logistics ngược là đảm bảo sự hài lòng của khách hàng bằng cách thu sản phẩm lỗi, đổi sản phẩm mới và để tái chế hoặc xử lý các thành phần thừa khi sản xuất.
IV. Chức năng của logistics trong doanh nghiệp
– Vận chuyển trong nước: Thị trường đầu tiên mà các công ty sản xuất sản phẩm, hàng hóa cần quan tâm đó là thị trường trong nước. Họ sẽ cần có một hệ thống logistics để vận chuyển thành phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng và đảm bảo thời gian giao nhận là nhanh nhất có thể.
– Vận chuyển ra nước ngoài: Ngày càng nhiều công ty tìm kiếm các thị trường tiêu thụ ở các quốc gia khác để xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm của mình. Vì vậy, hệ thống logistics có chức năng quan trọng trong việc thực hiện các khâu chuẩn bị, sắp xếp các nguồn lực để vận chuyển đến các khu vực cảng, hàng không và xuất sang các nước khác một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.
– Chịu trách nhiệm kho bãi: Doanh nghiệp sản xuất luôn phải chuẩn bị các kho bãi để cất giữ, bảo tồn hàng hóa trong khi chờ vận chuyển đến người dùng cuối, các đại lý hoặc khu vực cảng, hàng không. Bộ phận logistics sẽ là những người thực hiện việc quản lý kho, kiểm tra số lượng hàng hóa ra vào kho đúng kế hoạch.
– Quản lý đội tàu: Đối với các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa qua đường biển thì logistics có chức năng lên kế hoạch sắp xếp tàu vận chuyển, điều chỉnh thời gian vận chuyển hàng hóa lên tàu theo như đúng kế hoạch cấp trên đề ra và linh hoạt điều chỉnh nếu gặp sự cố nào đó.
– Thực hiện đơn hàng: Bộ phận logistics cũng có nhiệm vụ thực hiện các đơn hàng với các bên như nhà cung cấp vật liệu, các đại lý, khách hàng nước ngoài. Nhằm đảm bảo cho đơn hàng được thực hiện đúng theo các yêu cầu đã ghi trên hợp đồng.
– Quản lý hàng tồn kho: Nhân viên logistics phụ trách mảng tồn kho có nhiệm vụ đảm bảo có đủ chỗ trống tại nhà kho để cất giữ hàng hóa. Bên cạnh đó, lên kế hoạch xử lý hàng tồn kho quá lâu, sắp hết thời hạn sử dụng.
– Xử lý vật liệu: Ngoài việc quản lý các thành phẩm đến tay người tiêu dùng hay khách hàng thì bộ phận logistics còn có chức năng xử lý vật liệu thô, đảm bảo cung cấp kịp thời cho các nhà máy sản xuất để không làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp.
– Hoạch định nhu cầu: Bộ phận logistics có nhiệm vụ tìm hiểu nhu cầu của nhà cung cấp và khách hàng, hay người dùng cuối để cùng các quản lý cấp cao lên chiến lược kéo hoặc đẩy. Với mục tiêu đảm bảo hàng hóa sản xuất và cung cấp ra thị trường không thừa cũng không thiếu.
V. Kiến thức và kỹ năng cần có khi làm logistics
1. Kiến thức cơ bản
– Incoterms: Là các điều kiện thương mại quốc tế. Incoterms là yếu tố quyết định đến địa điểm giao hàng, về các thông tin trên bộ chứng từ giao nhận hàng hóa,… Vì vậy người ta vẫn thường gọi Incoterms là “kim chỉ nam” trong ngành xuất nhập khẩu – logistics. Việc hiểu rõ từng điều kiện này sẽ giúp bạn hình dung được công việc, chi phí, trách nhiệm và quyền lợi của các bên (bên bán và bên mua) trong một hoạt động thương mại quốc tế.
– Bộ chứng từ xuất nhập khẩu: Bao gồm những giấy tờ cần thiết để hoàn thành việc xuất hay nhập khẩu một lô hàng. Có những chứng từ do phía xuất khẩu làm như Invoice, Packing list, C/O,… Hoặc sẽ do người nhập khẩu chuẩn bị như L/C. Đôi khi sẽ là do cả hai bên cùng thực hiện như hợp đồng, tờ khai hải quan,…
– Bảo hiểm hàng hóa: Một trong các nhiệm vụ của logistics là bảo đảm hàng hóa an toàn, đủ tiêu chuẩn. Vì vậy người làm logistics cần phải biết về bảo hiểm hàng hóa. Việc bảo hiểm rất quan trọng nên thậm chí có nhiều công ty logistics có thêm dịch vụ cung ứng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.
– Khai báo Hải quan: Là thủ tục bắt buộc tại cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không. Việc khai báo hải quan nhằm cho phép hàng hóa, phương tiện vận tải được phép xuất – nhập khẩu qua lại biên giới quốc gia Việt Nam một cách hợp pháp.
– Thủ tục giao nhận hàng hóa: Các forwarder cần phải nắm chắc quy trình giao hàng, nhận hàng cùng các thủ tục cho từng giai đoạn để thực hiện đúng mỗi khi có đơn hàng đến hoặc đi.
– HS code, tính thuế, làm kiểm tra chuyên ngành: Đây là một dịch vụ mà các công ty logistics cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Họ sẽ tính thuế, tra mã HS code, làm các kiểm tra chuyên ngành cho công ty xuất nhập khẩu.
2. Kỹ năng cần thiết
– Khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh): Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh vô cùng quan trọng đối với những người làm trong ngành logistics. Bởi vì bạn sẽ phải thường xuyên giao tiếp với các đại diện của công ty nước ngoài để bàn bạc, trao đổi về các chính sách, thỏa thuận về vận chuyển hàng hóa. Nếu có thể thì ngoài tiếng Anh, bạn nên trau dồi càng nhiều ngôn ngữ khác như Trung Quốc, Nhật, Pháp,…
– Khả năng nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh: Để có thể thành công trong lĩnh vực logistics, bạn cần phải có khả năng trực quan hóa các quy trình từ đầu đến cuối để sắp xếp quy trình một cách logic. Ngoài ra, kỹ năng này giúp bạn có thể lường trước những gì có thể xảy ra từ các hoạt động đóng gói đến vận chuyển và giao hàng để có sự thích ứng kịp thời khi xảy ra các vấn đề bất ngờ.
– Khả năng thích ứng: Các chuyên gia lâu năm về logistics cho rằng điều quan trọng trong quá trình làm việc là khả năng thích ứng và linh hoạt. Bởi vì với sự thay đổi lớn và nhanh chóng so với thế kỷ trước, chuỗi cung ứng đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Do đó, các nhà quản lý logistics thành công nhất ngày nay phải có khả năng thích ứng khi tổ chức và quy trình liên tục được phát triển.
– Chịu được áp lực công việc: Nhịp độ làm việc của ngành logistics thường rất nhanh và công việc thường được liên kết chặt chẽ với nhau. Vì vậy, áp lực về thời gian và tiêu chuẩn hoàn thành công việc khiến cho môi trường làm việc thường trong ngành này có một áp lực đáng kể. Thế nên, nếu muốn làm trong ngành này, bạn hãy rèn tập sức chịu đựng trong một môi trường áp lực để sau này làm việc không bị quá đuối sức.
– Kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả: Một chuyên gia logistics thường phải xem xét nhiều khía cạnh từ kiến thức phát triển kinh doanh, thông tin vận hành, tâm lý học,… để phân tích giải quyết vấn đề nhằm hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Kỹ năng giải quyết vấn đề là một yếu tố hàng đầu để giúp bạn thành công nếu theo đuổi ngành nghề này.
– Trung thực: Đây là một vấn đề khá nhức nhối trong ngành hàng hải cũng như logistics. Việc che dấu một sai lầm nhỏ hoặc nhận một khoảng hối lộ đôi khi sẽ khiến cả công ty gặp phải tiếng xấu và ảnh hưởng đến công việc chung. Vì vậy, bạn hãy giữ cho mình sự liêm chính, trung thực. Điều này sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa công ty của bạn với khách hàng. Bên cạnh đó, cấp trên hay nhà tuyển dụng sẽ tin tưởng, có cái nhìn tốt đối với bạn.
– Thành thạo việc quản lý dự án: Một trong những điểm chung của các nhân viên thành công trong ngành logistics là khả năng tổ chức và định hướng công việc. Vì quản lý chuỗi cung ứng nói chung và logistics nói riêng liên quan đến rất nhiều chi tiết, công đoạn và ảnh hưởng lẫn nhau. Nên người làm logistics cần có kỹ năng lên kế hoạch, lên lịch trình, điều hướng hiệu quả thời gian và chi phí.
VI. Mức lương và cơ hội việc làm ngành logistics
Mức lương trong ngành logistics sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm của nhân viên. Những người mới tốt nghiệp thì mức lương nhận được khoảng từ 5 – 9 triệu/tháng, khi đã tích lũy kinh nghiệm vài năm thì sẽ dao động từ 9 – 13 triệu/tháng. Ở vị trí quản lý logistics sẽ có mức lương khoảng 15 – 23 triệu/tháng, và với một số doanh nghiệp lớn có thể trả đến 80 – 100 triệu/tháng dành cho người có chuyên môn cao.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics và con số này dự đoán vẫn còn tăng trong thời gian sắp tới. Kết quả khảo sát giai đoạn 2020 – 2025 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh dự báo ngành Logistics chiếm 5% trong tổng số tất cả các vị trí công việc. Điều này mở ra cho các bạn trẻ nhiều cơ hội làm việc và thử sức trong môi trường kinh doanh quốc tế.
1. Nhân viên cảng
Nhân viên cảng có nhiệm vụ khá đơn giản và không yêu cầu kiến thức chuyên môn về logistics. Họ là những người chịu trách nhiệm điều phối các container lên tàu hoặc từ tàu xuống cảng.
2. Nhân viên chứng từ
Nhân viên chứng từ không yêu cầu nhiều về chuyên môn nhưng cũng cần có kiến thức liên quan đến thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh và phải có ngoại ngữ tốt. Bộ phận chứng từ có chức năng tiến hành các nghiệp vụ liên quan đến chứng từ hàng nhập, xuất được chở trên tàu. Họ có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của chứng từ về hàng hóa xuất – nhập trên tàu trước khi thông quan, đảm bảo việc giao hàng cho khách hàng tuân thủ theo đúng quy trình, thủ tục pháp lý.
3. Nhân viên thu mua
Nhân viên thu mua có nhiệm vụ đảm bảo các nguyên vật liệu và dịch vụ phục vụ cho việc sản xuất của công ty được mua từ các nhà cung cấp uy tín. Điểm mấu chốt của chuyên viên thu mua là phải tìm được giá trị tối đa cho công ty thông qua việc thỏa thuận thời gian và chi phí với nhà cung cấp. Để làm tốt ở vị trí này, bạn cần có sự cập nhật kiến thức nhanh và liên tục về giá cả cũng như thông tin về các nguyên vật liệu mới.
4. Nhân viên hải quan
Nhân viên hải quan là một vị trí có thu nhập “hot” nhất trong tất cả vị trí, tuy nhiên cũng có yêu cầu rất cao về năng lực chuyên môn. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo tính hợp pháp của hàng hóa xuất, nhập khẩu và sự luân chuyển hàng hóa giúp cảng không bị ùn tắc. Công việc của nhân viên hải quan tại công ty logistics không hề đơn giản và dễ dàng mà đòi hỏi độ chính xác cực kì cao.
5. Nhân viên hiện trường
Nhân viên hiện trường có yêu cầu cơ bản về ngoại ngữ cũng như trình độ chuyên môn. Đây là một lựa chọn thích hợp cho những bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Nhiệm vụ của vị trí này là trực tiếp đi đến các kho bãi, cảng hàng không, cảng biển để làm các thủ tục thông quan và nhận hàng từ các công ty vận tải. Đây là vị trí thích hợp cho nam giới hơn vì phải thường xuyên di chuyển ra ngoài các cảng, cửa khẩu hải quan.
6. Nhân viên kho bãi, cung ứng
Nhân viên kho bãi là những người quản lý các nhà kho, xưởng cung cấp sản phẩm. Họ có nhiệm vụ xác định sản phẩm được lấy ra từ đâu, lấy bao nhiêu, kho hàng xa trung tâm thì phân phối như thế nào, vận chuyển hàng hóa ra sao,… Nhân viên kho bãi, cung ứng cần có sự phân tích sắc bén để thực hiện công việc sao cho việc quản lý đạt hiệu quả cao nhất.
7. Nhân viên thanh toán quốc tế
Nhiệm vụ của nhân viên thanh toán quốc tế là hỗ trợ khách hàng thực hiện các nghiệp vụ thanh toán quốc tế như: mở L/C, chuyển T/T, D/P, kiểm tra bộ chứng từ hợp lệ,… Vị trí này đòi hỏi bạn phải giỏi tiếng Anh, hiểu biết về các tiêu chuẩn như UCP 600, các nguyên tắc quốc tế, mảng xuất nhập khẩu, logistics để hỗ trợ các công ty xuất nhập khẩu làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, người làm trong vị trí này phải có sự cẩn thận và kỹ tính.
8. Nhân viên giao/nhận vận tải (Forwarder)
Nhân viên giao nhận là người chịu trách nhiệm trong khâu chuyển thư từ, kiện hàng hay hàng hóa. Họ tổ chức các chuyến hàng tùy theo kế hoạch đề ra bởi cấp trên, đảm bảo việc bốc hàng lên phương tiện và lựa chọn lộ trình phù hợp nhất nhằm tuân thủ thời hạn giao hàng.
VII. Trường đào tạo chuyên ngành logistics
1. Hà Nội
– Trường Đại học Ngoại Thương (FTU)
Trường Đại học Ngoại Thương, hay tên tiếng Anh là Foreign Trade University, là một trong những trường đại học đào tạo nhóm ngành kinh doanh liên quốc gia tốt nhất tại Việt Nam. Chương trình đào tạo hướng vào các lĩnh vực chuyên môn sâu của kinh doanh quốc tế như: Marketing quốc tế, xuất nhập khẩu, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, logistics và vận tải quốc tế,…
– Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tên viết tắt là NEU, là môi trường giáo dục bậc Đại học và Cao học uy tín. Học tại đây bạn có thể làm việc trong các bộ phận liên quan đến logistics như: bộ phận quản trị logistics quốc tế, bộ phận quản trị tài chính quốc tế, bộ phận vượt rào cản kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ trong thương mại quốc tế, bộ phận xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp,…
– Trường Đại học Thương mại (TMU)
Trường Đại học Thương mại hay Thuong Mai University (TMU) là trường đại học với đa dạng ngành học, trong đó có đào tạo chuyên ngành xuất nhập khẩu và logistics. Trường có đào tạo Ngành Kinh doanh quốc tế: Chuyên ngành Thương mại quốc tế (E) chuyên đào tạo về xuất nhập khẩu và logistics.
– Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (VIMARU)
Là trường đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa bậc học từ cao đẳng đến tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế – xã hội của cả nước.
Ngành đào tạo logistics của trường Đại học Hàng hải Việt Nam bao gồm ngành Kinh tế vận tải, Khoa học Hàng hải, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật tàu thủy, Kỹ thuật công trình biển.
2. Thành phố Hồ Chí Minh
– Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH)
Là trường đại học thuộc top 1.000 trường đại học đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới. Ngành Kinh doanh quốc tế đào tạo các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về kinh doanh quốc tế, tạo cho sinh viên sự tự tin để có thể thành công trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
– Trường Đại học Quốc tế RMIT
Đây là chi nhánh tại châu Á của Đại học RMIT (Melbourne, Úc). Trường giảng dạy nhiều chương trình từ quản trị đến kỹ thuật, đồng thời tổ chức hàng loạt hoạt động ngoại khóa ấn tượng nhằm khuyến khích sinh viên mở rộng phạm vi hiểu biết của bản thân. Những ngành đào tạo xuất nhập khẩu và logistics bao gồm: Cử nhân Kinh doanh (Quản lý Chuỗi cung ứng và Logistics) và Cử nhân Kinh doanh (Kinh doanh Quốc tế)
– Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh (HCMUT)
Là trường đại học kỹ thuật đầu ngành tại miền Nam Việt Nam, đồng thời là trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Những ngành đào tạo xuất nhập khẩu và logistics bao gồm: Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp (Logistics và Quản lý chuỗi Cung ứng) và Quản lý Công nghiệp.
– Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER)
Đào tạo các tác nghiệp viên ngành Logistics Quốc tế bậc cao đẳng có phẩm chất chính trị vững vàng và nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, kinh tế quốc tế và kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ logistics quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở các doanh nghiệp, các cơ quan có hoạt động logistics quốc tế.
Xem thêm:
– HR là gì? Các vị trí trong ngành và cơ hội thăng tiến trong tương lai
– Intern là gì? Cách để ghi điểm khi thực tập tại doanh nghiệp
– Mã SKU là gì? Tầm quan trọng của mã SKU trong quản trị kho hàng
Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về ngành Logistics cùng những cơ hội việc làm trong ngành. Nếu bạn có ý định theo đuổi công việc logistics thì hãy trau dồi kiến thức và kỹ năng cho bản thân ngay từ bây giờ nhé!
Nguồn tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hậu_cần
https://builtin.com/logistics