Tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên và hai má ửng đỏ, là một loạt phản ứng sinh hóa xảy ra khi hôn.
Lúc này, các hormone “hạnh phúc” chảy tràn trong cơ thể, bao gồm oxytocin, serotonin và dopamine. 34 nhóm cơ mặt hoạt động cùng một lúc và hàng triệu vi khuẩn được truyền từ miệng sang miệng.
Tiến sĩ Wolfgang Krueger, một nhà tâm lý học người Đức, cho biết phản ứng hóa học và các cơ chế hoạt động của nụ hôn từ lâu đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, vai trò của cử chỉ văn hóa có tính lâu đời này đối với sức khỏe đôi khi vẫn bị xem nhẹ.
“Những nụ hôn thường được coi là màn phụ trong quan hệ tình dục. Tuy nhiên, với một số cặp đôi, chúng mang ý nghĩa quan trọng hơn vậy rất nhiều”, Kruger nói. Ông gọi đó là áp kế để đo lường tình trạng của một mối quan hệ.
Hiện nay, khi nhiều cặp đôi tỏ ra lo ngại về đời sống tình dục gặp trục trặc, dấu hiệu đầu tiên của những bất ổn đó là bỏ qua những nụ hôn.
Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng mức độ thân mật nụ hôn so với tình dục còn cao hơn. Tình dục đôi khi khá vô cảm, như thể bạn đang bị cuốn theo một chương trình được cài đặt sẵn.
Mặt khác, khi hôn, bạn và đối tác như những chiếc bánh răng được khớp nối với nhau, bạn cảm nhận nhiệt độ, tiếp nhận mùi vị của họ.
Krueger nói: “Khi hôn, bạn có thể cảm nhận được đối phương có sự đồng điệu và tiếp nhận bạn hay không. Một nụ hôn thực sự cũng có thể nồng nàn và gia tăng cường độ hơn nữa”.
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, người Đức trung bình hôn nhau khoảng hai đến ba lần một ngày. Đó có thể là một nụ hôn chúc ngủ ngon trên má hay nụ hôn đầy cảm xúc trong một buổi hẹn hò. Ở độ tuổi 70, họ dành trọn 76 ngày để hôn và con số đó vẫn đang tăng lên.
Tuy nhiên, các nền văn hóa khác nhau có cách nhìn nhận khác nhau về nụ hôn.
Hôn môi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Ảnh: Shutterstock
Trong nghiên cứu năm 2015 được đăng tải trên tạp chí American Anthropologist, 46% trong số 168 quốc gia được khảo sát định nghĩa nụ hôn lãng mạn/nụ hôn tình dục là cử chỉ môi chạm môi có thể kéo dài hoặc không.
Cử chỉ hôn phổ biến nhất ở khu vực Trung Đông, tiếp đến là châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Không có bằng chứng về việc chúng được tìm thấy là Trung Mỹ, châu Phi cận Saharan, New Guinea và Amazon.
Đây chỉ là một trong rất nhiều nghiên cứu về nụ hôn. Có cả một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi này được gọi là: philematology.
Vào thập niên 60 ở Đức, một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông hôn vợ của họ trước khi đi làm vào buổi sáng sống lâu hơn những người không làm điều này trung bình 5 năm. Bên cạnh đó, hôn còn giúp hạ sốt và giảm viêm da.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được lý do tại sao con người ta bắt đầu hôn nhau. Một nhà dân tộc học người Áo, Irenaus Eibl-Eibesfeldt, phỏng đoán nó bắt nguồn từ tập quán sơ khai của con người: nhai thức ăn sau đó mớm vào miệng những đứa con.
Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng tổ tiên của chúng ta, giống như nhiều loài động vật, thường đánh hơi cơ quan sinh dục của nhau để thu thập thông tin về bạn tình tiềm năng. Hành động này sau đó chuyển hướng lên mặt khi con người bắt đầu tiến hóa và đi thẳng.
Thậm chí một số loài động vật cũng hôn nhau.
Tinh tinh và một vài loài cá có tập tính áp miệng vào nhau, mặc dù điều này khó có thể so sánh với nụ hôn ở con người.
Đại dịch và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài phần nào ảnh hưởng đến thói quen hôn.
Krueger đã chỉ ra hai tác động trái ngược nhau mà ông nhận thấy khi trị liệu tâm lý cho các cặp đôi bị tác động bị bởi đại dịch.
Krueger cho rằng: “Một mối quan hệ thiếu vắng những nụ hôn chỉ như sự quyến rũ của những nhà nghỉ rẻ tiền. Ông cũng dành lời khuyên cho những cặp đôi đang muốn xích lại gần nhau hơn: ‘Hãy tiếp tục hôn cho đến khi cả hai bị cuốn vào sự nồng nàn của tình yêu’”.
Thảo Anh (Theo SCMP)