Luật Tài chính – Ngân hàng

Chính quy

Luật Tài chính – Ngân hàng

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC
LUẬT TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG

1. Mục tiêu đào tạo

1.1 Mục tiêu chung
      Đào tạo các chuyên gia có kiến thức về khoa học lẫn thực tiễn áp dụng trong lĩnh vực pháp luật về tài chính, ngân hàng và chứng khoán để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

1.2 Mục tiêu cụ thể
      Chương trình được thiết kế để cung cấp cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu về pháp luật nói chung và Luật tài chính, ngân hàng và chứng khoán nói riêng. Bên cạnh đó, chương trình cũng bao gồm các môn học bắt buộc, mang tính chất bổ trợ kiến thức nghiệp vụ cơ bản cho các “chuyên gia” tương lai về Luật Tài chính-Ngân hàng-Chứng khoán: Lý thuyết tài chính-tiền tệ, Tài chính doanh nghiệp, Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng, Tài chính quốc tế, phân tích đầu tư chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán, Thị trường chứng khoán…Điều này đã thể hiện tính đặc thù và nét độc đáo của Chương trình của Ngành Luật Tài chính-Ngân hàng-Chứng khoán là đào tạo những chuyên gia pháp lý không những có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật về tài chính, ngân hàng và chứng khoán mà còn có kiến thức nghiệp vụ cơ bản có liên quan để có thể làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, đảm đương nhiều vị trí khác nhau sau khi ra trường.

2. Chuẩn đầu ra

2.1 Kiến thức

–    Nắm vững kiến thức cơ bản về các lĩnh vực Luật, Kinh tế.
–    Có kiến thức cơ sở ngành vững chắc, nắm vững các kiến thức chuyên môn ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
–    Có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn, vận dụng các kiến thức chuyên ngành vào kỹ năng thực hành giải quyết các vụ án, vụ việc, có khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề thuộc về pháp luật. Am hiểu các kiến thức thực tiễn mang tính thời sự về hoạt động dân sự, tài chính – ngân hàng – chứng khoán, kinh doanh, thương mại trong nước cũng như thế giới.
–    Có kiến thức hiểu biết chung về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và xã hội.
–    Có kiến thức cơ bản để giải quyết các mối quan hệ trong tổ chức, điều hành và quản lý.

2.2 Kỹ năng

–    Có trình độ tin học văn phòng tương đương trình độ B, biết khai thác hiệu quả thông tin qua internet, sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành.
–    Có trình độ tiếng Anh tương đương 500 TOEIC
–    Kỹ năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo cũng như kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm có hiệu quả cao.
–    Kỹ năng lập luận, thuyết trình, viết báo cáo.
–    Kỹ năng tư duy, tham gia nghiên cứu khoa học, thực nghiệm và ứng dụng
–    Có khả năng tư vấn pháp luật, tham gia các phiên tòa, giải quyết các vụ án, vụ việc một cách hiệu quả.

2.3 Thái độ

–    Có phẩm chất, đạo đức tốt.
–    Có ý thức trách nhiệm công dân; có thái độ và đạo đức nghề nghiệp đúng đắn; có ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp;
–    Chấp hành nghiêm túc chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, có lòng yêu nước và tinh thần khoan dung đối với các dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa trong giao tiếp.
–    Có ý thức vượt khó, tinh thần và trách nhiệm cao trong học tập và công tác.

3. Cơ hội nghề nghiệp
    Sinh viên tốt nghiệp Ngành Luật Tài chính-Ngân hàng-Chứng khoán có khả năng làm việc độc lập và xử lý tốt công việc chuyên môn trong các cơ quan, tổ chức sau đây:
–    Làm việc tại các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước;
–    Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại trong và ngoài nước; các công ty tài chính, các công ty đại chúng, công ty niêm yết với vai trò chuyên viên pháp luật và đầu tư;
–    Các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế;
–    Tư vấn cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong những vấn đề phức tạp như: quản trị công ty, quản trị tài chính, chia tác, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, phát hành chứng khoán…;
–    Làm việc trong các văn phòng Luật sư trong nước và nước ngoài, các công ty luật hợp danh.

4. Thời gian đào tạo: 4 năm

5. khối lượng kiến thức toàn khoá: 130 TC

6. Đối tượng tuyển sinh:
     Theo Điều 5 quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03 ngày 11/02/2010/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp
   Căn cứ vào Quy chế đào tạo Đại học và Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ Ban hành kèm theo Quyết định số 1368 /ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

7.1 Quy trình đào tạo:

     Quy trình đào tạo được chia làm 8 học kỳ:
–    Khối kiến thức giáo dục cơ bản: học kỳ 1, học kỳ 2, học kỳ 3.
–    Khối kiến thức cơ sở của khối ngành: học kỳ 4.
–    Khối kiến thức chuyên ngành: học kỳ 5, học kỳ 6, học kỳ 7.
–    Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp hoặc học chuyên đề: học kỳ 8.

7.2 Điều kiện tốt nghiệp:

     Sinh viên được công nhận tốt nghiệp, nếu hội đủ các điều kiện sau đây:
–    Được công nhận là sinh viên hệ chính quy của trường theo đúng ngành cấp bằng tốt nghiệp;
–    Hoàn tất các môn học theo đúng chương trình giáo dục quy định và tích lũy đủ số tín chỉ quy định của ngành đào tạo (gồm đồ án, khóa luận tốt nghiệp, thi các môn chuyên môn thêm tương đương với số tín chỉ của đồ án, khóa luận tốt nghiệp), không có môn học nào đạt điểm dưới 5 và có ĐTBCTL không dưới 5.
–    Đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo quy định của ĐHQG-HCM và của trường (trừ trường hợp các lưu học sinh nước ngoài tuân theo Quy chế Công tác người nước ngoài học tại Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 33/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 8 năm 1999 của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT).
–    Đạt chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất.
–    Tại thời điểm xét tốt nghiệp, sinh viên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập. 

Rate this post

Viết một bình luận