Lửng chó Nhật Bản Tanuki và những sự thật có thể bạn chưa biết

Tanuki là một loài động vật hoang dã thuộc họ Chó đặc hữu ở Nhật Bản (cùng họ với chó sói, cáo, chó nhà). Chúng còn được biết đến với cái tên Racoon Nhật Bản. Tanuki có bộ lông rậm rạp. Màu lông đặc trưng ở phần mắt giống như một chiếc mặt lạ, cùng với bản tính tò mò đã khiến chúng trở thành những kẻ lừa bịp tinh quái và có khả năng siêu nhiên trong những câu chuyện thần thoại Nhật Bản. Dưới đây là 8 sự thật thú vị mà có thể bạn chưa biết về loài động vật này.

1, Tanuki không có họ hàng với Racoon

Mặc dù cùng “đeo” một chiếc mặt nạ giống nhau, tuy nhiên Tanuki lại không hề có họ hàng gì với Racoon. Tanuki thuộc họ nhà Chó, cùng với chó sói, cáo và chó nhà. Trong khi đó, Racoon lại thuộc họ Gấu Mèo bao gồm: Coati, gấu đuôi bờm hay mèo đuôi vòng. Người ta cho rằng sự giống nhau về ngoại hình của Tanuki và Racoon là do tiến hóa hội tụ (quá trình hai hoặc nhiều loài khác nhau phát triển các tính trạng tương tự nhau, mặc dù có tổ tiên khác nhau).

2, Chúng có thể trèo cây

Leo cây dường như là một kỹ năng khó
nhằn với họ nhà Chó. Tuy nhiên, Tanuki và Cáo Xám Bắc Mỹ lại là hai loài thuộc
họ Chó duy nhất thành thạo kỹ năng này. Nhờ bộ móng cong và sắc nhọn, chúng có
thể dễ dàng leo trèo và kiếm trái cây, quả mọng trên những ngọn cây cao. Ngoài
ra, do môi trường sống tự nhiên của chúng là trong những khu rừng và đầm lầy
nên chúng cũng là những vận động viên bơi lội cừ khôi, thường xuyên lặn dưới nước
để săn mồi, kiếm ăn.

3, Chúng bị lai tạo và giết để lấy lông

Cả Tanuki và người anh em “hờ” Racoon
của chúng đều là nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã, và cụ thể ở đây
là để lấy lông. Theo HIS ( Humane Society International là một
tổ chức có trụ sở chính tại Mỹ, với nhiệm vụ giúp đỡ vật nuôi cũng như động vật hoang
dã trên toàn thế giới), 70% sản phẩm may mặc mang mác giả lông
thú mà họ kiểm tra vẫn chứa lông của hai loài động vật này.

4, Chúng bị coi là loài xâm lấn ở Châu Âu

Vào đầu thế kỷ 20, chúng được du nhập vào Nga để thúc đẩy buôn bán, phục vụ nhu cầu lấy lông. Sau đó số lượng của chúng bùng nổ nhanh chóng, lan rộng khắp Châu Âu và trở thành một loài xâm lấn, đe dọa đến đa dạng sinh học tại đây. Nhiều quốc gia Châu Âu vì thế đã bắt đầu săn và bẫy chúng, đồng thời đưa ra quy định cấm buôn bán chúng như một loài vật nuôi ngoại lai.

5, Tanuki là loài có tính xã hội cao

Sự đồng hành và gia đình rất quan trọng với chúng. Tanuki thường sống theo cặp một vợ một chồng hoặc theo các nhóm nhỏ, gần gũi nhau. Vào mùa đông, một cặp vợ chồng Tanuki sẽ sống cùng nhau trong một ổ và cùng nuôi một lứa con… Những ông bố Tanuki có nhiệm vụ tìm kiếm và cung cấp thức ăn cho bạn đời đang mang thai, giúp vợ nuôi dạy đàn con nhỏ cho đến khi những đứa con tách khỏi chúng sau khoảng 4-5 tháng tuổi.

6, Chúng là loài động vật thuộc họ Chó duy nhất ngủ đông

Trong khi sói, cáo và những loài khác cùng họ với chúng có thể dễ dàng đối mặt với thời tiết mùa đông lạnh giá, Tanuki lại thích ẩn mình trong hang đợi tuyết tan, và chỉ ra ngoài khi thời tiết ấm áp hơn. Đầu đông, chúng bắt đầu tăng cân, đồng thời giảm trao đổi chất từ 25-50%, sau đó sẽ định cư trong hang cùng bạn đời của mình cho đến khi mùa đông kết thúc. Tuy nhiên, thực chất chúng không hoàn toàn rơi vào trạng thái ngủ sâu mà vẫn còn nửa tỉnh táo. Người ta vẫn có thể bắt gặp chúng ra ngoài kiếm thêm thức ăn vào những ngày thời tiết đặc biệt ấm hơn trong suốt mùa đông.  

7, Giữ vị trí quan trọng trong văn hóa dân gian Nhật Bản

Trong thần thoại Nhật Bản, Tanuki là một sinh vật thần
bí được gọi với cái tên Bake-tanuki, có thể hiểu với nghĩa là “yêu quái lửng
chó”. Sinh vật này xuất hiện lần đầu tiên trong bộ sách cổ “Nihon Shoki”
vào năm 720.
Từ đó về sau, Tanuki trở thành một nhân vật thường xuyên xuất hiện trong những
câu chuyện dân gian Nhật Bản như một kẻ lừa bịp, có phép biến hình, sức mạnh
siêu nhiên hoặc là hiện thân của sự may mắn.

8, Là một trong những loài thuộc họ Chó cổ đại nhất

Người ta phát hiện ra rằng, tổ tiên của loài chó bao gồm cả cáo và chó sói là một loài động vật có vú gần giống như chồn sinh sống ở các hốc cây vào khoảng 40 triệu năm trước. Vì vậy, trong số những loài thuộc họ Chó hiện nay, Tanuki được coi là loài có thể có ngoại hình tương đồng nhất với tổ tiên của chúng. Thêm vào đó là các đặc tính như không biết sủa, ăn tạp hơn hầu hết những loài chó hoang khác,… đã tạo tiền đề cho các nhà sinh vật học nghiên cứu kỹ hơn về nguồn gốc của loài chó hiện nay.   

Rate this post

Viết một bình luận