Lưu ngay 9 loại lá xông giải cảm có sẵn trong vườn nhà bạn

Xông hơi là một trong những phương pháp dân gian được sử dụng để chữa các bệnh cảm cúm thông thường. Phương pháp chữa bệnh này dựa trên hình thức tự điều tiết thân nhiệt cơ thể thông qua quá trình bài tiết mồ hôi, từ đó giúp sức khỏe nhanh hồi phục.

1. Sử dụng lá xông để xông hơi có tác dụng gì?

Thời tiết giao mùa với độ ẩm cao là môi trường rất thuận lợi cho các bệnh cảm cúm phát triển. Mặc dù các loại thuốc trị cảm có thể giúp khỏi bệnh nhanh chóng, tuy nhiên, theo khuyến cáo về y tế, cảm cúm do nhiễm virus không nên uống các loại thuốc kháng sinh vì không có tác dụng. Thay vào đó, bồi dưỡng cơ thể khỏe mạnh và tăng cường sức đề kháng sẽ giúp chống lại bệnh hiệu quả.

Theo quan niệm chữa bệnh dân gian, dùng các loại lá xông giải cảm chính là cách giúp điều trị hiệu quả. Bình thường, nhiệt độ cơ thể ổn định là nhờ sự lưu thông ở tuyến da, tuy nhiên, khi bị cảm lỗ chân lông bị hàn khí xâm nhập làm bít lại gây tắc nghẽn, khiến nhiệt độ trong cơ thể tăng lên dẫn đến các triệu chứng sốt, đau đầu, nghẹt mũi, đau họng, rát họng, đau nhức toàn thân…

9-loai-la-xong-giai-cam-tai-nha-hieu-qua-voh

Dùng lá xông để xông hơi là phương pháp dân gian giúp giải cảm hiệu quả (Nguồn: Internet)

Lúc này, nếu sử dụng lá xông giải cảm, tác dụng vật lý của hơi nước nóng trong nồi nước xông sẽ làm giãn mạch ngoại biên, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài.

Ngoài ra, tinh dầu trong các loại thảo dược theo hơi nước qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da… giúp làm thông các ống dẫn mũi, tai và xoang, từ đó làm giảm đau, chống viêm, bớt đau đầu, chóng mặt, khó thở… Sau khi xông hơi xong, người bệnh sẽ cảm thấy nhẹ người, thở dễ dàng hơn.

2. Khi nào cần dùng lá xông để xông hơi giải cảm?

Không phải tất cả các trường hợp bị cảm cúm đều có thể xông hơi. Phương pháp này chỉ được áp dụng cho những trường hợp:

  • Viêm mũi họng do vi khuẩn, virus.
  • Cảm lạnh, sốt do thay đổi thời tiết.

3. Các loại lá xông giải cảm thường dùng

Có rất nhiều loại cây, lá, củ được sử dụng làm dược liệu xông hơi. Dưới đây là 9 loại lá xông giải cảm thường được dùng nhiều nhất:

  1. Lá tre: Chứa các chất có tính kháng sinh thực vật, giúp hạ nhiệt, an thần.
  2. Lá bưởi: Có chứa alpha-pinen, limonene alpha-terpineol… Đây đều là những tinh dầu đặc trưng của lá bưởi, có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, giảm ho, sát trùng vùng mũi họng.
  3. Cây kinh giới: Tinh dầu trong kinh giới có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt, giảm đau, giúp ra mồ hôi.
  4. Cây bạc hà: Chứa tinh dầu menthol, α – β pinen, menthol… có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, loãng đờm.
  5. Cây hương nhu trắng (hoặc tím): Có chứa tinh dầu eugenol và methyl eugenol, tác dụng giúp kháng khuẩn, chống viêm, hạ nhiệt, giảm đau.
  6. Lá ngũ trảo: Có tác dụng giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, giúp ra mồ hôi.
  7. Cành và lá cây hoắc hương: Có chứa tinh dầu sesquiterpen, mùi hương đặc trưng là patchouli alcol và norpatchoulenol… có khả năng làm ức chế sự phát triển của tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ, giảm tình trạng viêm cấp.
  8. Cây sả: Có tinh dầu citral, geraniol… có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống ho, hạ nhiệt.
  9. Gừng: Tinh dầu gừng có tác dụng giảm đau, chống co thắt cơ trơn, giảm đau, giảm ho, chống nôn.

4. Cách nấu và xông lá xông giải cảm

Các loại lá để nấu nồi nước xông thường có mùi thơm, lá tươi tốt hơn. Thường dùng nhất là lá chanh, sả, bưởi, bạc hà, hoắc hương, gừng, lá tre,… Mỗi lần dùng 5 – 10 loại lá tùy điều kiện. Tổng lượng dùng khoảng 600 – 1.000g.

9-loai-la-xong-giai-cam-tai-nha-hieu-qua-1-voh

Nấu và xông đúng cách sẽ giúp giải cảm hiệu quả (Nguồn: Internet)

Lá rửa sạch, cho tất cả vào nồi, đổ ngập nước. Dùng lá chuối tươi phủ kín miệng nồi trước khi đậy nắp, có thể dùng vật nặng đè lên nắp nồi lá xông để giữ hơi. Đun sôi khoảng 10 phút. Sau đó đặt nồi xông ở nơi thật kín gió, người bệnh mang theo khăn sạch (loại to) hoặc một chiếc mền, đũa.

4.1 Cách xông

  • Người bệnh cởi bỏ quần áo, trùm chăn kín người và nồi xông. Nồi xông đặt trước mặt người xông. Đầu ngẩng và nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt. Dùng đũa mở nồi nước từ từ cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa mức chịu đựng được. Có thể dùng đũa vạch lá để cho hơi nước thoát ra.
  • Thời gian xông thường kéo dài khoảng 10 – 20 phút (mồ hôi đã ra đều toàn thân thì dừng xông).
  • Lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch, mặc quần áo sạch.
  • Uống một cốc nước (trà, đường, chanh…) nóng.

5. Những điều cần lưu ý khi xông hơi

  • Không xông hơi quá 20 phút một lần. Mỗi ngày trung bình thực hiện 1 – 2 lần là đủ.
  • Nên lau khô mồ hôi ngay sau khi xông, tránh nơi gió lùa, nếu không cơ thể dễ bị nhiễm lạnh.
  • Phụ nữ có thai, người suy nhược sau khi bệnh nặng, người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao… cần cân nhắc trước khi xông.
  • Người bị mất nước do tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao kéo dài… không nên sử dụng liệu pháp xông hơi.
  • Người bị sốt xuất huyết, sốt do siêu vi cũng không nên dùng lá xông xông hơi.
  • Tránh xông hơi toàn thân khi bị cảm nhưng tăng tiết mồ hôi quá nhiều. Những trường hợp này bạn có thể sử dụng liệu pháp xông hơi cục bộ.

Nhìn chung, liệu pháp dùng lá xông để xông hơi trị cảm tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả đối với những trường hợp cảm cúm giai đoạn đầu. Chỉ cần thực hiện đúng quy trình và đúng chỉ định sẽ giúp bạn nhanh chóng “đẩy lùi” bệnh tật.

Rate this post

Viết một bình luận