Nhưng trong một số ca, nấc cụt có thể kéo dài hơn rất nhiều – hơn 2 ngày – là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn như trào ngược axit hoặc tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.
Không có một phương pháp nhất định nào làm hết nấc cụt. Trên thực tế, cơn nấc cụt lâu nhất được biết đến kéo dài 68 năm. Tuy nhiên, một số loại thuốc sẽ hữu ích nếu cơn nấc cụt của bạn kéo dài hơn 2 ngày.
Ảnh minh họa: Osfhealthcare
Nấc cụt là gì?
Giáo sư Troy Madsen, Đại học Utah (Mỹ), giải thích: “Nấc cụt do sự co thắt của các cơ kiểm soát hơi thở”.
Cụ thể, cơ hoành, cơ lớn ở đáy phổi và cơ ở ngực có thể bị co thắt đột ngột. Điều này tương tự co thắt ở cơ bắp chân.
Khi các cơ này co thắt, bạn hít thở vào nhanh, khiến cổ họng đóng lại rất nhanh, dẫn đến tiếng nấc.
Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh
Thói quen này có thể khiến dạ dày của bạn mở rộng ra ngoài kích thước bình thường. Khi đó, dạ dày đè lên hoặc gây kích ứng cơ hoành nằm ở phía trên cùng của bụng. Cơ hoành bị co thắt, gây ra nấc cụt.
Nếu bị nấc cụt do ăn quá no, bạn cần đợi thức ăn được tiêu hóa hết cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn. Trong thời gian này, bạn nên đi dạo để giúp dạ dày nhẹ nhõm hơn.
Nuốt không khí
Dạ dày có thể mở rộng khi nuốt không khí, đẩy lên cơ hoành và gây ra nấc cụt. Điều này xảy ra do:
– Nhai kẹo cao su: Ngay cả khi không nhận ra, bạn có thể đang nuốt phải không khí khi nhai kẹo cao su, đặc biệt nếu bạn mở miệng trong khi nhai.
– Uống đồ có ga: Nuốt bọt khí carbon dioxide trong đồ uống làm đầy khí trong dạ dày và gây ra ợ hơi hoặc nấc cụt.
– Hút thuốc: Những người hút thuốc liên tục nuốt không khí, dễ gây ra nấc cụt.
– Ăn quá nhanh: Ăn nhanh làm tăng lượng không khí mà bạn nuốt vào.
Nếu bạn đã nuốt quá nhiều không khí, việc ợ hơi có thể giải phóng một phần không khí. Nhưng bạn cũng nên ngừng nhai kẹo cao su, uống soda hoặc hút thuốc cho đến khi cơn nấc giảm bớt.
Trào ngược axit
Đây là tình trạng xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên cổ họng hoặc thực quản. Các yếu tố gây ra trào ngược axit bao gồm ăn đồ cay hoặc đồ chiên; uống rượu hoặc cà phê; ăn khuya.
Trào ngược gây ra nấc cụt vì “thực quản cạnh cơ hoành và sự kích thích ở khu vực này dẫn đến co thắt cơ”.
Uống qua nhiều rượu
Rượu có tính axit cao, dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản, dẫn tới nấc cụt.
Một số đồ uống chứa cồn như bia có ga. Carbon dioxide sẽ mở rộng dạ dày và dẫn đến nấc cụt.
Mang thai
Em bé đang lớn có thể tạo áp lực lên cơ hoành, gây ra nấc cụt. Trào ngược axit cũng là một tác dụng phụ phổ biến của thai kỳ.
Bạn không thể làm gì nhiều đối với thai nhi đang phát triển nhưng có những cách để kiểm soát chứng nấc cụt do ợ chua khi mang thai như tránh thức ăn gây kích thích, ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn.
Stress
Các nhà khoa học không biết chính xác cơ chế căng thẳng gây ra nấc cụt như thế nào, nhưng có một vài giả thuyết:
– Vô tình nuốt phải không khí: Khi căng thẳng, chúng ta thường tăng cường hít thở và một phần không khí có thể đi vào dạ dày thay vì vào phổi. Khi điều này xảy ra, dạ dày của bạn sẽ mở rộng, dẫn đến nấc cụt.
– Sự gián đoạn hệ thần kinh: Khi bạn cảm thấy đặc biệt lo lắng, điều này có khả năng làm rối loạn các đường dẫn thần kinh giữa não và cơ hoành, gây ra nấc cụt.
Tổn thương hệ thần kinh trung ương
Nấc cụt dài ngày được chia thành hai loại chính: Kéo dài hơn 2 ngày và hơn 1 tháng.
Đó là dấu hiệu cho thấy bạn bị tổn thương não hoặc hệ thần kinh trung ương. Lý do là bạn có một số dây thần kinh truyền thông tin giữa não và bụng, bao gồm cả cơ hoành.
Điều này đồng nghĩa có những bộ phận của não, bị tổn thương do khối u hoặc đột quỵ, gây ra nấc cụt.
Phản xạ nấc bình thường cũng có thể do các tình trạng tổn thương thần kinh như: chấn thương sọ não, đa xơ cứng, viêm màng não, tiểu đường, viêm não…
Cách chữa
Nấc cụt chưa có phương pháp đặc trị. Tuy nhiên, bạn hãy thử các biện pháp chữa tại nhà khác nhau như uống nước nhanh, nín thở hoặc thở vào túi giấy.
Nếu nấc cụt khó chữa hoặc kéo dài quá 48 tiếng, bạn cần đi khám để bác sĩ kê đơn. Khi nấc cụt là triệu chứng của một bệnh lý khác, cần điều trị bệnh đó.
Một số bệnh gây ra nấc cụt dài lâu:
– Rối loạn hệ thần kinh như đột quỵ, chấn thương não hoặc u não
– Các vấn đề về tiêu hóa như thoát vị gián đoạn hoặc loét ruột
– Rối loạn hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản hoặc hen suyễn
– Các bệnh tim mạch như viêm màng ngoài tim, phình động mạch chủ hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim
– Dùng ma túy, thuốc an thần, steroid và thuốc hoá trị.
An Yên (Theo Insider)