Lý do quân đội Myanmar truy nã loạt người nổi tiếng

Những bài đăng mang thông điệp phản đối đảo chính do các ngôi sao nổi tiếng Myanmar đăng tải thường có sức lan tỏa mạnh, điều khiến quân đội lo ngại.

Quân đội Myanmar đã phát lệnh truy nã hơn 100 người nổi tiếng lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình chống đảo chính đang nổ ra trên khắp nước này. Nổi bật trong đó có Han Lay, đại diện của Myanmar tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2020, Zarganar, diễn viên hài nổi tiếng nhất Myanmar và mới đây nhất là người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng Paing Takhon.

Paing Takhon, người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng ở Myanmar và Thái Lan. Ảnh: Straits Times.

Paing Takhon, người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng ở Myanmar và Thái Lan. Ảnh: Straits Times.

Takhon, 24 tuổi, đã liên tục lên án hành động đảo chính của quân đội Myanmar, đồng thời bày tỏ ủng hộ với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Takhon có hơn một triệu người theo dõi trên Facebook và các mạng xã hội khác. Những tài khoản mạng xã hội của Takhon hiện tại đều không thể tìm thấy, chưa rõ có phải do anh tự đóng hoặc xóa chúng hay không.

Truyền thông, đặc biệt mạng xã hội, là một trong những “trận địa” quan trọng để người biểu tình Myanmar nêu lên tiếng nói phản đối của mình. Nhắm vào các ngôi sao, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, quân đội Myanmar dường như muốn truyền đi một thông điệp răn đe rằng không ai họ không thể chạm tới. Mặt khác, chặn tiếng nói của những người nổi tiếng, họ cũng sẽ làm suy giảm được đáng kể động lực tiếp thêm cho các cuộc biểu tình, giới chuyên gia đánh giá.

Tuần qua, quân đội Myanmar đã đăng một danh sách những diễn viên, ca sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội mà theo họ là cần phải theo dõi. Hôm 4 và 5/4, báo Global New Light of Myanmar đăng một danh sách gồm 60 người nổi tiếng bị cáo buộc vi phạm Điều 505(A) Bộ luật Hình sự vì “tung tin ảnh hưởng đến sự ổn định của đất nước”. Nếu bị xét xử, họ có thể bị kết án lên tới ba năm tù giam.

Myanmar có một nền giải trí và nghệ thuật phát triển mạnh mẽ. Phần lớn các loại hình sân khấu và âm nhạc đều bắt nguồn từ những chủ đề truyền thống, nhưng những năm gần đây, các bài hát pop nổi tiếng của phương Tây và châu Á cũng đã du nhập mạnh mẽ vào nước này. Những ca sĩ, diễn viên trẻ nổi tiếng ở Myanmar thường có lượng người ủng hộ và theo dõi rất lớn.

Khin Myat Myat Naing, blogger về du lịch với hơn 750.000 người theo dõi cũng nằm trong danh sách truy nã của quân đội. Cô cho rằng động thái này là bằng chứng cho thấy quân đội Myanmar “thực sự lo lắng” về những bài viết phản đối đảo chính và ủng hộ chính quyền dân sự trên mạng xã hội.

Những cái tên khác trong danh sách vi phạm mà quân đội Myanmar công bố còn có vợ chồng diễn viên Eaindra Kyaw Zin and Pyay Ti Oo cùng các ca sĩ Tu Tu, Chit Thu Wai hay Athen Cho Swe. Pyay Ti Oo, Eaindra Kyaw Zin và Paing Takhon là những người mẫu, diễn viên có thù lao cao nhất Myanmar.

Một tài liệu dường như bị rò rỉ từ Bộ Thông tin Myanmar hôm 4/4 cho thấy cơ quan này đã khuyến cáo các đài truyền hình và hãng sản xuất không xuất bản hay phát sóng tác phẩm của những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, văn học, nghệ thuật, âm nhạc và báo chí có hành vi phản đối chính quyền quân sự, nếu không sẽ bị truy tố.

Tài liệu trên được hãng tin Khit Thit Media đăng tải đầu tiên và đang được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Một đại diện của nhóm nhà hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết mục tiêu của quân đội đã quá rõ ràng.

“Những bài đăng từ một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hay người nổi tiếng có hiệu quả hơn nhiều so với hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn bài đăng của những người bình thường”, người này nói. “Một lý do khác là họ muốn truyền thông điệp tới người dân rằng họ thậm chí có thể truy tố cả những người nổi tiếng”.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AP, Variety)

Rate this post

Viết một bình luận