Lý do trời lạnh càng phải uống nhiều nước

Mùa lạnh độ ẩm thấp, cơ thể mất nước nhiều hơn qua đường tiểu, hô hấp; ngoài ra trời lạnh tạo điều kiện virus phát triển, cơ thể thiếu nước hệ miễn dịch sẽ suy yếu, dễ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Trần Hòa An, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3 chia sẻ: Vào mùa nóng, cơ thể thường đổ nhiều mồ hôi giúp giải nhiệt cơ thể. Khi trời lạnh thay vì đổ mồ hôi, cơ thể sẽ đi tiểu nhiều hơn. Thời tiết khô hanh khiến cơ thể mất thêm khoảng 0,6-0,9 lít nước mỗi ngày ở niêm mạc hầu họng, đường hô hấp, mắt và da.

Theo bác sĩ An, có 4 lý do cho thấy tầm quan trọng của việc chú trọng bổ sung nước trong mùa lạnh. Thứ nhất, cho dù mùa nóng hay mùa lạnh, nước vẫn đóng một vai trò rất quan trọng với cơ thể, chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể. Hệ tuần hoàn đủ lượng nước sẽ lưu thông thông đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và miễn dịch cho toàn bộ cơ thể. Nước bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu, đường phân và đường mồ hôi. Nhờ có nước mà các chất dịch trong cơ thể mới được hình thành như dịch khớp, dịch đường tiêu hóa, nước bọt, nước mắt, dịch đường hô hấp… Da được cung cấp một lượng nước đầy đủ sẽ đàn hồi và khỏe hơn.

Thứ hai, mùa lạnh thường có độ ẩm thấp, do đó lượng nước mất cũng tăng theo. Đặc biệt khi có nhiều gió, độ mất nước càng tăng cao. Bạn có cảm giác bị “khô” và mất đi lượng nước khá lớn qua da, đường hô hấp, mắt. Bác sĩ An nói: “Nước mất qua đường da một cách âm thầm mà chúng ta không để ý”. Da trở nên bị khô, khi dùng vật cứng ma sát vào có thể thấy đường màu trắng đục, đó chính là các tế bào chết bong tróc ra, thậm chí da có thể bị nứt nẻ. Một lượng lớn nước cũng mất qua đường hô hấp. Trên bề mặt đường hô hấp từ mũi cho đến các phế quản đều có một lớp dịch nhầy, chúng sẽ bị khô đi nếu thời tiết có độ ẩm thấp.

Ngoài ra ở niêm mạc hầu họng và mắt cũng cần một lượng dịch nhất định để bôi trơn, gọi là dịch lệ và chúng cũng bốc hơi khi độ ẩm không khí thấp. khô mắt kéo dài có thể làm tổn thương đến giác mạc và gây giảm sút thị lực.

Thứ ba, mùa lạnh thường là môi trường tốt để cho các loại virus phát triển và cơ thể sẽ bị nhiễm bệnh nếu hệ miễn dịch suy giảm. Hệ miễn dịch cơ thể có nhiều yếu tố tạo thành, trong đó vai trò của nước rất quan trọng. Nước giúp hoạt động chuyển hóa và trao đổi chất diễn ra thuận lợi, do đó giúp tăng cường hệ miễn dịch toàn thân. Dịch đường hô hấp giúp không những giúp làm ấm và ẩm không khí, nó còn chứa các kháng thể bề mặt, giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, ngăn chặn bụi và các chất độc hại từ môi trường xâm nhập vào. Thiếu các dịch này sẽ tạo môi trường thuận lợi để virus có thêm cơ hội tấn công chúng ta.

Dịch lệ ngoài việc giúp mắt không bị khô, cũng chứa các kháng thể bề mặt. Dịch lệ bị thiếu hụt không những là mắt bị khô gây tổn thương giác mạc, kết mạc mà còn dễ bị nhiễm các loại virus gây bệnh về mắt.

Thứ tư, khi thiếu nước, cơ thể sẽ có phản xạ khát nước để báo hiệu cho chúng ta; vào mùa lạnh cảm giác mát lạnh khiến cơ thể giảm phản xạ này. Đến khi cơ thể thiếu nước khá nhiều mới báo hiệu cho chúng ta. Do đó, trong mùa lạnh “không để khát nước mới uống”.

Một vài dấu hiệu có thể báo hiệu cơ thể đang thiếu nước gồm: cảm giác khát nước; cảm giác khô mũi họng, khô mắt, bong nứt môi; da trở lên khô, bong vảy, nứt nẻ, đen xạm, nhăn nheo; cảm giác xây xẩm, tối sầm, hoa mắt; đi tiểu ít, nước tiểu sậm màu, táo bón; dễ bị chuột rút. Ngoài ra còn có thể thấy nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, hạ huyết áp, giảm trí nhớ…

Lê Cầm

Rate this post

Viết một bình luận