Ngày nay khi nói đến mì Quảng không nhất thiết là nói đến món ăn đặc sản của Quảng Nam – Đà Nẵng mà là nói đến một món ăn đặc trưng của người miền Trung nói chung. Và len lỏi khắp các vùng đất nơi mà người dân miền Trung đến lập nghiệp đều có các quán mỳ với hương vị truyền thống hay biến tấu để kinh doanh cho hợp khẩu vị vùng miền.
Trước hết về tên gọi, chữ “mỳ” (người miền Trung vẫn dùng chữ “mỳ” chứ không dùng chữ “mì” ) không ổn nhưng rất độc đáo. Mì vốn là sản phẩm của người Tàu, chế tạo bằng bột mì, các món ăn xưa của Việt Nam không có món nào gọi là mì cả (dĩ nhiên trừ mì Quảng). Mì Quảng là món mì duy nhất của Việt Nam, nhưng có điều buồn cười đó chỉ là mượn tên gọi thôi, chứ thực chất món sợi ấy làm bằng bột gạo chứ không có tí bột mì nào trong đó cả. Không ổn là ở chỗ ấy, mà độc đáo cũng là ở chỗ ấy.
Sợi mì Quảng làm bằng bột gạo, xắt ra từ một loại bánh tráng dày còn tươi (không phơi khô), sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm như sợi phở bây giờ. Sợi mỳ ngon phải tươi, dai và bóng mượt. Sợi mỳ Quảng có 2 màu trắng và vàng, có lẽ bởi có sợi vàng nên người dân biến tấu gọi đó là mỳ. Ở đâu cũng có thể làm lấy sợi mì được, chỉ cần một cái cối đá xay bột, khi gạo đã được xay ra thành bột nước, người ta “tráng mì” trên một nồi nước sôi bịt vải theo kiểu như làm bánh tráng, nhưng lá mì dày hơn bánh tráng, sau đó dùng dao xắt lá mì thành sợi, thế là xong.
Nước lèo của món mỳ Quảng cũng rất đặc trưng và khác biệt. Có nhiều tiệm mỳ ở Sài Gòn, nước lèo được chan sâm sấp, nhưng nếu đúng với mỳ Quảng ở Hội An và Đà Nẵng thì khó tìm thấy tí nước lèo nào, thậm chí là khô. Bởi ở miền Trung ít,ai nói nấu nước lèo cho mỳ, mỳ Quảng về bản chất không có nước lèo mà là có nhưn. Đây cũng có thể gọi là nước lèo, nhưng rất cô đặc, ít nước, đa phần là nước do khi xào phần nhưn mà có. Nên tô mỳ Quảng thường khô, không bóc khói nghi ngút như một tô phở hay hủ tiếu.
Có lẽ cũng vì mỳ Quảng không có nước lèo nóng hổi, nên khi ăn mỳ Quảng thường kém trái ớt xanh cho ấm bụng, như người Huế ăn cơm hến vậy. Ớt xang miền Trung nhỏ trái, cay thơm, ăn tô mỳ có thể kèm đến vài trái ớt thì mới thấy ngon.
Ăn mỳ Quảng là phải ăn kèm theo rất nhiều rau sống. Rau là những sợi giá dài và trắng, là rất nhiều xà lách, thân chuối non thái nhỏ, rau muống chẻ…Các loại được thái nhỏ, tươi xanh, và thuogn72 được ăn sống, í tai ăn mỳ Quảng mà lại kèm với rau trụng. Không có nước lèo nóng để chín rau, nên rau khi ăn mỳ Quảng vẫn giòn, ngọt .
Phần nhưn của món mỳ Quảng khá là đặc sắc và phong phú, nên dễ dàng chiều theo ý thích người ăn. Các thức chủ yếu là tôm, trứng cút, thịt heo. Nhưng bạn cũng có thể thưởng thức mỳ Quảng cá lóc, mỳ Quảng gà, mỳ Quảng giò heo… đó là những biến tấu ngày nay.
Cũng chính vì dễ dàng thay đổi nguyên liệu cho phần nhưn nên có những cách giải thích nguồn gốc mỳ Quảng bắt nguồn từ món ăn “nhà nghèo”. Bởi nhà nào cũng có thể làm ra sợi mỳ, rồi xào những thức ăn thừa còn lại để đổi món cho gia đình, những thức ăn đó ăn kèm với mỳ và rau sống trong vườn nhà nên chẳng tốn kém là mấy. Nhưng có lẽ chỉ là cách giải thích vui để làm bật lên tính dân giã của món ăn này. Cọng mỳ xắt to hơi thô và cứng, rau sống ghém thường có bắp chuối hoặc chuối cây, món nhưn ít nước rải lên trên thêm đậu phộng giã và bánh tráng nướng bẻ vụn, khi trộn lên trông tô mỳ lổn nhổn, không có được sự mềm mại của bánh phở trắng tinh, uyển chuyển trong làn nước dùng trong veo, hoặc quyến rũ với miếng giò heo và màu đỏ cay của tô bún bò. Nhưng phở hay bún bò có cái hấp dẫn của sự tinh tế, còn mỳ Quảng có cái ngon lành của sự mộc mạc. Sợi mì to, chất nhưn rất đậm và ngậy béo cho ta một cảm giác ngon hơi phàm nhưng mạnh mẽ, kích thích.
Người ta không ăn mì Quảng một cách nhỏ nhẻ mà phải “lua ào ào” mới ngon. Nếu ăn trong khung cảnh đơn sơ của thôn quê thì càng hay. Tại các làng quê xa của nước ta khách lỡ độ đường thường khó kiếm được quán ăn, nhưng nếu là ở Quảng Nam thì khỏi lo điều ấy, vì làng nào hầu như cũng có ít nhất là một quán mì, và mì Quảng luôn luôn là loại thức ăn rẻ tiền và chắc bụng.
Nguồn : Tổng hợp