Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận thì “Ma tuý là chất khi đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi chức năng của cơ thể”.
Tổ chức Y tế Thế giới (1982) đã phát triển định nghĩa về ma túy như sau: “Ma tuý theo nghĩa rộng nhất là mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp, khác với tất cả những cái được đòi hỏi để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”. Hiểu đơn giản, ma túy là mọi vật chất khi đưa vào trong cơ thể sẽ làm thay đổi chức năng sinh lý học hoặc tâm lý học của con người.
Luật Phòng, chống ma tuý của Việt Nam, tại Điều 2, đã đưa ra một số định nghĩa về ma tuý hoặc có liên quan đến khái niệm ma tuý như sau:
– Chất ma tuý là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.
– Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
– Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện với người sử dụng.
– Tiền chất là các chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành.
– Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong danh mục do Bộ Y tế, do chính phủ ban hành.
– Người sử dụng ma tuý là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Về nguồn gốc của ma tuý:
Từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, nhiều bộ lạc trên thế giới đã biết làm cho tinh thần sảng khoái và chống mệt mỏi bằng cách ăn hoặc hút một số loại cây cỏ có chứa chất gây nghiện như cây thuốc phiện ở Châu Á, cây coca ở Nam Mỹ và cây cần sa, cây khát ở Châu Phi. Ban đầu, các loại cây này được sử dụng trong các nghi lễ với mục đích ma thuật, vui thú và sau đó là được sử dụng để chữa bệnh. Dần dần những người sử dụng bị lệ thuộc vào các loại cây, cỏ này, họ phải sử dụng nhiều lần trong ngày và với số lượng ngày càng tăng lên, cho đến khi họ không thể rời bỏ được chúng. Chất gây nghiện của các loại cây cỏ đã tạo cho họ ảo giác đê mê, tạo cảm giác hưng phấn và bay bổng…
Từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên đã có những tài liệu ghi nhận việc sử dụng thuốc phiện. Vào năm 1860, tác giả Syndenham đã viết “trong số những bài thuốc mà thượng đế đã ban phát cho con người, không gì có thể chữa bệnh hiệu quả như thuốc phiện”. Chính quan điểm đó là nguyên nhân dẫn đến lạm dụng thuốc phiện trong lịch sử loài người.
Vào năm 1806, dược sĩ người Đức có tên là Friedrich W. ASurterner đã phân lập được một chất tinh khiết đặc trưng cho tác dụng chính của thuốc phiện và được gọi là morphine, bắt nguồn từ tên một vị thần giấc mơ thời Hy Lạp cổ đại là Morphurs. Ngoài ra, để chỉ tác dụng của chất gây nghiện này, người ta còn gọi nó bằng tên narcotic, nghĩ là mê mẩn, tuý luý.
Vào 1855, Gedecke đã lần đầu tiên chiết xuất được chất cocain từ lá cây coca. Đến năm 1880, Arnep đã chứng minh cocain có tác dụng gây tê tại chố. Cũng vào khoảng thời gian này, bác sỹ tâm thần người Do Thái là Dicmun Frơt đã dùng cocain đề chữa bệnh nghiện thuốc phiện và morphine, nhưng ít lâu sau, người ta phát hiện ra những tai hoạ của nó, vì bản thân cocain cũng là chất gây nghiện mạnh.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngoài những chất có sẵn hoặc chiết xuất từ cây cỏ có sẵn trong tự nhiên như thuốc phiện, coca, cần sa…, người ta còn dựa vào cấu trúc hóa học của chúng để từ đó sử dụng các chất hóa học tổng hợp hoặc bán tổng hợp thành các chất có cấu trúc tương tự và cũng có được tác dụng dược lý tương tự. Mặt khác, khi nghiên cứu cấu trúc của những chất ma túy có sẵn trong tự nhiên, người ta đã tổng hợp được các chất hóa học có khung cơ bản giống các chất này và cũng có tác dụng tương tự như các chất này, nhưng lại khắc phục được các nhược điểm của chúng để có thể sử dụng trong y hoc. Nhờ đó, đã tạo ra được hàng loạt các hợp chất ma túy khác nhau, có tác dụng khác nhau để sử dụng vì mục đích y học.