Rất nhiều trẻ sơ sinh bị những mảng sần sùi, có vảy trên da đầu và không biết từ đâu ra. Nhưng các mẹ đừng lo lắng, thật ra đó có thể là cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh, một tình trạng phổ biến và thường vô hại. Các mẹ có thể giúp trẻ thoát khỏi tình trạng này bằng Cách trị cứt trâu ở trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả trong bài viết sau đây.
Cứt trâu (viêm da tiết bã) phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi. Nhưng nó có thể kéo dài đến một năm hoặc lâu hơn. Hầu hết các trường hợp bị cứt trâu thường biến mất khi trẻ 1 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp kéo dài đến khi bé 4 tuổi.
Cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh do đâu mà có ?
Không phải tất cả trẻ sơ sinh đều bị cứt trâu. Theo Học viện Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ (AAFP), khoảng 10% bé trai và 9,5% bé gái gặp phải tình trạng này.
Hiện các bác sĩ chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh. Họ cho rằng các mảng sần sùi xuất hiện khi các tuyến dầu trên da đầu bé sản xuất quá mức cần thiết. Điều này có thể là do ảnh hưởng hormone của mẹ còn sót lại từ khi bé còn trong bụng bạn.
Ở người trưởng thành, có mối liên hệ giữa viêm da tiết bã và các loại nấm men malassezia, nhưng mối liên quan này không rõ ràng ở trẻ sơ sinh. Trường hợp hiếm gặp, cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh là do suy giảm miễn dịch nhưng trẻ sẽ có thêm các triệu chứng khác nữa.
Từ những nguyên nhân trên, bạn có thể thấy không phải trẻ sơ sinh bị cứt trâu là do mẹ vệ sinh cho con kém. Vì vậy, bạn hãy bỏ đi suy nghĩ đó khi thấy một đứa trẻ bị cứt trâu nhé.
Các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh bị cứt trâu
Da của bé có thể nhờn, có những mảng vảy trắng, vàng hoặc màu sẫm hơn trên da đầu. Màu của cứt trâu phụ thuộc vào màu da của bé. Theo thời gian, những vảy này có thể bong ra.
Đôi khi, da đầu bé bị đỏ không có vảy hoặc bong tróc. Nhìn cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh, nhiều người cho rằng nó gây ngứa cho trẻ nhưng thực tế điều này không xảy ra. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể bị rụng tóc tại vị trí có cứt trâu. Tóc sẽ mọc trở lại sau khi cứt trâu biến mất.
Cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh hay viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể ngoài da đầu. Những nơi phổ biến là: trên mặt, đằng sau tai, khu vực mặc tã, nách.
Chẩn đoán khi trẻ sơ sinh bị cứt trâu
Tình trạng này rất phổ biến nên bác sĩ có thể nhận biết ngay. Bác sĩ chỉ cần quan sát da đầu và những bộ phận khác của bé. Trẻ không cần phải thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán cứt trâu.
Cách trị cứt trâu cho trẻ
Khi bé bị cứt trâu, bạn sẽ có thể điều trị cho bé ở nhà bằng cách:
1. Tắm và gội đầu sạch sẽ cho bé
Giữ da đầu sạch sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề này. Vì sữa tắm hay gội đầu sẽ rửa sạch dầu thừa trên da đầu bé. Sử dụng dầu gội trẻ em hay dầu gội cứt trâu. Bạn không nên dùng dầu gội trị gàu cho trẻ trừ khi bác sĩ khuyên bạn nên dùng. Không phải tất cả các sản phẩm dầu gội đều an toàn cho trẻ sơ sinh. Nên sử dụng các loại sữa tắm trẻ được chiết xuất từ thiên nhiên an toàn và hiệu quả không hề thua kém.
Thực hiện:
-
Bước 1: Làm ướt tóc và da đầu
-
Bước 2: Mát xa dầu gội vào da đầu
-
Bước 3: Dùng khăn xô nhỏ để gội đầu và chà nhẹ lên khu vực bị ảnh hưởng
-
Bước 4: Bạn cũng có thể thử chải đầu cho bé trong khi gội đầu
-
Bước 5: Gội sạch tóc bé để loại bỏ tất cả dầu gội.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa tần suất gội đầu cho bé. Bạn có thể gội đầu cho con mỗi ngày thay vì cứ cách vài ngày. Tuy nhiên, gội nhiều lần có thể làm khô da đầu và làm cho tình trạng cứt trâu trở nên tồi tệ hơn. Biện pháp gội đầu khá an toàn, chỉ cần bạn cẩn thận để xà phòng không rơi vào mắt bé.
2. Chải tóc cho bé
Sau khi gội sạch tóc và da đầu cho bé, bạn có thể nhẹ nhàng chải tóc cho bé bằng cây lược mềm dành cho trẻ sơ sinh. Lúc này, các vảy không còn bám chặt vào da đầu nên dễ bong ra hơn. Bạn có thể chọn mua những loại lược chuyên biệt để chải cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh. Nếu không, bạn cũng có thể dùng bàn chải đánh răng mới và chải nhẹ nhàng cho bé.
Thực hiện:
-
Bước 1: Khi chải tóc cho bé, bạn di chuyển theo một hướng
-
Bước 2: Từ từ chải vùng da đầu bị ảnh hưởng để các vảy bong ra
-
Bước 3: Tiếp tục chải để loại bỏ vảy bám vào các sợi tóc
Bạn có thể chải ngay cả khi tóc khô. Chỉ chải 1 lần/ngày. Nếu da đầu trở nên đỏ hoặc kích ứng, bạn giảm tần suất chải tóc lại.
3. Hãy thử tinh dầu
Hãy nhờ bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng một loại tinh dầu nào cho bé. Sử dụng tinh dầu kháng khuẩn có thể giúp chống lại cứt trâu do nấm men gây ra và tinh dầu chống viêm có thể làm dịu da đầu. Khi chọn tinh dầu, bạn có thể chọn tinh dầu chanh hoặc phong lữ. Một số người đề nghị dùng tinh dầu tràm trà, nhưng loại dầu này có thể không an toàn với trẻ nhỏ và nên tránh dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Thực hiện:
-
Bước 1: Pha loãng 2 giọt tinh dầu với 2 thì súp dầu nền (dầu dùng để pha tinh dầu, ví dụ như dầu dừa, dầu ô liu, dầu bơ, dầu jojoba)
-
Bước 2: Thoa tinh dầu vào khu vực bị ảnh hưởng. Để trong vài phút
-
Bước 3: Chải để cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh bong ra
-
Bước 4: Rửa sạch tất cả dầu bằng dầu gội.
Phòng ngừa trẻ bị cứt trâu
Khi tình trạng cứt trâu đã được kiểm soát, bạn vẫn duy trì việc gội đầu thường xuyên bằng dầu gội trẻ em và chải đầu bằng bàn chải mềm.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về tần suất gội đầu cho bé khi cứt trâu đã biến mất.
4. Sử dụng dầu chiết xuất thiên nhiên
Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn thoa lên đầu bé một ít vaseline, dầu mát xa em bé, dầu ô liu, dầu dừa, jojoba hoặc dầu hạnh nhân. Một số cha mẹ làm điều này và tình trạng cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh cải thiện rõ rệt. Việc bôi dầu vừa làm cứt trâu không bám dính vào da đầu vừa nuôi dưỡng da tại vị trí bị ảnh hưởng. Dù là dùng loại dầu nào, trước khi bôi bạn hãy thử một lượng nhỏ lên da đầu để xem bé có bị kích ứng không.
Thực hiện:
-
Bước 1: Bôi một lớp dầu mỏng lên da đầu
-
Bước 2: Nhẹ nhàng xoa dầu trong khoảng 1 phút
-
Bước 3: Nếu con bạn vẫn còn thóp trên đầu, hãy thận trọng khi xoa dầu tại khu vực này
-
Bước 4: Để dầu ngấm trong khoảng 15 phút
-
Bước 5: Rửa sạch dầu bằng dầu gội trẻ em nhẹ nhàng.
Bạn có thể sử dụng phương pháp này 1 lần/ngày. Miễn là con bạn không bị dị ứng với dầu, đây là một phương pháp an toàn cho bé.
5. Bôi thuốc
Trong trường hợp bé bị viêm da nặng, bác sĩ có thể kê toa cho bé kem chống nấm, kem có thành phần hydrocortisone hoặc kẽm. Khi áp dụng biện pháp điều trị này, bạn không nên tự ý dùng mà cần có chỉ định của bác sĩ.
Khi nào nên đưa con đi khám?
Tình trạng cứt trâu ở đầu trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm nhưng nếu da đầu của trẻ rất đỏ, bị nhiễm trùng, kích ứng hoặc cứt trâu lan ra mặt, cơ thể bé, bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám.
Đôi khi viêm da tiết bã giống chàm ở trẻ sơ sinh, nhưng bác sĩ sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa hai tình trạng này. Bệnh chàm ở trẻ sơ sinh thường ngứa còn cứt trâu thì không. Nếu lo lắng về tình trạng trẻ bị cứt trâu, bạn hãy đưa bé đến bác sĩ để được tư vấn đúng đắn và có cách trị cứt trâu cho bé hiệu quả hơn.