Mâm Cúng Đầy Tháng Gồm Những Gì Là Đầy Đủ Nhất Cho Bé
Mâm cúng đầy tháng gồm những gì, gồm những nghi lễ gì, các thức chuẩn bị và tổ chức như thế nào? Sau khi em bé ra đời, để khẳng định sự tồn tại của thành viên mới trong gia đình, các bậc phụ huynh thường chuẩn bị lễ cúng đầy tháng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin cơ bản về lễ cúng đầy tháng cho bé giúp gia đình có sự chuẩn bị tốt nhất nhé.
Mâm cúng đầy tháng gồm những gì?
Cúng đầy tháng là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi đứa trẻ. Theo dân gian, trẻ em do Đức Ông và 12 Bà Mụ nặn thành nên mâm cúng đầy tháng cho bé trai cần đầy đủ những lễ vật dưới đây:
Lễ vật cúng 12 bà Mụ:
-
12 ly nước
-
12 đĩa xôi nhỏ
-
12 chén chè nhỏ
-
12 chén cháo nhỏ
-
2 đĩa bánh hỏi
-
12 đĩa thịt quay (khoảng 2kg)
-
12 đĩa các loại bánh dành cho trẻ con
-
Hàng mã (giấy tiền)
Lễ vật cúng Đức Ông và đức thầy:
-
Ba đĩa xôi lớn
-
Một tô chè lớn
-
Một tô cháo lớn
-
Một con gà luộc
-
Một miếng thịt quay
-
Một đĩa hoa quả
-
Trầu cau
-
Hàng mã (giấy tiền)
Ngoài các lễ vật này thì gia đình cần chuẩn bị đủ các loại hương, đèn, một bình hoa, một bình trà, rượu, nước, gạo, muối, muỗng và một đôi đũa hoa (đũa được vót ngược đầu và có bông hoa trên đầu đũa).
Tùy từng vùng miền mà phong tục cúng đầy tháng có sự khác nhau đôi chút. Mâm cúng đầy tháng cho bé trai gồm những gì cũng tùy vào phong tục từng nơi. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì mâm cúng đầy tháng cần đầy đủ những lễ vật cơ bản trên.
Cách sắp đặt mâm cúng đầy tháng
Quan tâm đến mâm cúng đầy tháng gồm những gì thôi chưa đủ, bố mẹ còn phải để ý đến việc bày lễ. Bày lễ cúng đầy tháng mang tính chất thành kính, văn hoá và nghệ thuật, thường bàn lễ cúng Mụ được bày (trình bày) một cách hài hoà, cân đối.
-
Tất cả lễ vật dâng bà Mụ chúa để ở chính giữa phía trên của hương án
-
Lễ vật dâng cúng lên 12 bà Mụ được chia thành các phần giống nhau
-
Mâm lễ mặn cùng hương, hoa nước để trên cùng
-
Mâm tôm, cua, ốc để phía dưới
Nghi thức cúng lễ
Cúng đầy tháng bé trai như thế nào? Sau khi sắp xếp cẩn thận, bố mẹ tiến hành thắp hương và khấn vái các vị thần với tấm lòng thành kính cũng như lễ độ nhất. Khi đã khấn xong thì bố, mẹ hoặc người đại diện chắp tay bé lại vái trước án 3 vái sau 3 tuần hương thì lễ tạ. Tiếp đó gia đình mang vàng mã, váy áo đi đốt (hóa), vẩy rượu lúc đang hoá; đồng thời, đem tôm, cua, ốc đi phóng sinh tại các ao, hồ, sông để cầu phúc. Ngoài ra, các đồ chơi bằng nhựa, sành sứ thì giữ lại cho cháu bé để lấy phước.
Nghi thức đặt tên cho con
Sau khi cầu chúc điều tốt lành và may mắn đến với đứa trẻ, người chủ lễ sẽ tiếp tục nghi thức Xin Keo. Theo đó, người chủ lễ tiến hành xin quẻ âm dương. Nếu có hai mặt úp ngửa khác nhau thì chứng tỏ cái tên đã được tổ tiên chứng giám và ưng thuận. Ngược lại, nếu đồng thời hai mặt cùng úp hoặc cùng ngửa thì phải tiến hành gieo đồng tiền này lại. Nếu đã 3 lần mà vẫn chưa đạt được thì phải đổi tên khác cho trẻ.
Ngày nay, khi sinh trẻ ra, mọi người thường đặt tên con ngay để làm các thủ tục khai sinh hợp pháp nên tập tục Xin Keo cũng không còn tồn tại phổ biến. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn còn giữ lại nét truyền thống gia tộc này.
Ngoài ra, theo phong tục, sau Xin Keo người mẹ cũng phải được làm phép để tẩy sạch và kết thúc thời gian ở cữ. Thông thường, mẹ phải bồng trẻ bước qua một nồi nước sôi có đặt đinh nung đỏ nhiều lần (trai 7 lần, gái 9 lần) và sau đó đi quanh nhà. Trong lúc đi, mẹ cố tình làm rơi tiền để cầu mong cuộc sống của con sau này sung túc, đủ đầy. Dù ngày nay, việc tẩy uế cho người mẹ sau khi sinh đã được coi là hủ tục và không còn tồn tại. Nhưng một phần còn sót lại của việc đánh rơi tiền từ tập tục này vẫn còn được duy trì ở số ít gia đình.
Sau tất cả các nghi thức này là lời cầu chúc và lì xì của những người họ hàng trong dòng tộc cũng như các vị khách tham dự tiệc mừng.
Bài viết trên đây đã có thông tin của việc mâm cúng đầy tháng gồm những gì cũng như các nghi thức liên quan. Chúc ba mẹ có thể chuẩn bị một lễ cúng suôn sẻ cho bé để con yêu gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống sau này