Ông Công, ông Táo là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ. Bên cạnh đó, ông còn ngăn cản sự xâm nhập của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Vì thế vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân sẽ lên Thiên đình trình báo tất cả mọi việc làm tốt, xấu của gia chủ trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho gia chủ. Cho đến vào đêm Giao thừa thì ông Công, ông Táo mới trở lại hạ giới để tiếp tục thực hiện công việc trông coi bếp lửa cho gia đình.
Truyền thuyết kể rằng, cá chép là phương tiện có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối…
Theo quan niệm dân gian của người Việt, trong ngày này các gia đình sẽ làm mâm cỗ cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Mâm cơm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như: Xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng….
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo gồm những gì? Nên cúng vào thời gian nào? Ảnh minh họa
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo có những gì?
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo truyền thống gồm có mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Màu sắc mũ, áo của ông Công, ông Táo sẽ thay đổi hàng năm theo ngũ hành.
Và trong mâm cỗ cúng không thể thiếu cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa rồng” đưa Táo quân về trời.
Mâm cỗ mặn cúng ông Công, ông Táo thường bao gồm:
1 đĩa gạo
1 đĩa muối
1 con gà luộc ngậm hoa hồng
1 bát canh mọc hoặc canh măng
1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò
1 đĩa thịt kho đông (miền Bắc)
1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
1 đĩa nem rán truyền thống
1 đĩa chè kho
5 lạng thịt vai luộc
3 chén rượu
1 đĩa hoa quả
1 ấm trà sen
1 quả bưởi
1 quả cau, lá trầu
1 lọ hoa đào nhỏ
1 lọ hoa cúc
1 tập giấy tiền, vàng mã
Lưu ý: Mâm cỗ cúng luôn đầy ắp màu sắc với mong muốn một năm sung túc.
Mâm cúng ông Táo, ông Công đặt ở đâu?
Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ở đâu bởi tùy vào phong tục cũng như quan niệm từng vùng miền sẽ có những quy ước khác nhau đối với vị trí đặt mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo.
Nhưng, theo truyền thống của người Việt Nam, cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng ông Công ông Táo cần phải được thực hiện ở nơi trang trọng và gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.
Nên cúng ông công, ông Táo vào thời gian nào?
Thời gian bày cỗ cúng có thể tùy vào thời điểm khác nhau. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều ngày 23 tháng Chạp, có người cúng hôm trước.
Tuy nhiên, theo người xưa truyền lại, tốt nhất các gia đình nên cúng vào đúng vào giờ Ngọ (tức 12h trưa) để kịp giờ các thần lên thiên đình. Trong trường hợp bất khả kháng chỉ có thể cúng vào tối 23 thì gia đình nên thành tâm và có xin phép.
Tục cúng ông Công, ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều ý nghĩa tâm linh, hướng tới bình an của người Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người trở về nhà sum họp, quây quần sau một năm làm việc vất vả.