Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhà nhà sẽ đều tất bật để chuẩn bị mâm lễ cúng ông Táo, ông Công theo đúng phong tục của nước ta. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách chuẩn bị tốt và đầy đủ nhất.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm chính là ngày ông Công, ông Táo theo phong tục cổ truyền của nước ta. Vào dịp này, các Táo sẽ cưỡi cá chép để bay lên Thiên Đình, báo cáo với Ngọc Hoàng về những điều tốt, xấu của gia chủ đã làm trong năm vừa qua. Từ đó mà Ngọc Hoàng sẽ ban phúc lành hay không cho những gia đình làm nhiều điều tốt.
Từ những tín ngưỡng dân gian không thể thiếu được đó mà hàng năm người người, nhà nhà lại tất bật sắm sửa lễ vật để làm thành mâm lễ cúng ông Táo về trời.
Mâm lễ cúng ông Táo gồm những gì?
1. Lễ vật cúng ông Công, ông Táo theo từng miền
Những lễ vật cúng ông Táo theo đúng như phong tục của từng miền đa số đều có những món cơ bản như:
– Ba bộ mũ và áo giấy cho ông Táo, gồm có 2 bộ cho Táo ông và 1 bộ cho Táo bà. (Bạn có thể dễ dàng phân biệt dựa vào chi tiết cánh chuồn đằng sau mũ, với bộ của Táo bà thì sẽ không có cánh chuồn ở mũ)
– Ba đôi hài giấy cho các Táo.
Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có những thứ thêm và bớt để khiến lễ vật cúng ông Táo thêm phần tươm tất hơn:
– Đối với người miền Bắc: Có sự xuất hiện của cá chép còn sống (có thể là cá chép thường hoặc cá chép đỏ).
– Đối với người miền Trung: Không có cá chép sống mà chỉ thêm vào một con ngựa giấy có đầy đủ yên cương.
– Đối với người miền Nam: Không có ngựa giấy hay cá chép, đơn thuần chỉ có tiền vàng, bộ quần áo cho các Táo và mâm lễ cúng ông Táo mà thôi.
2. Mâm lễ cúng ông Táo đúng phong tục
Sau khi đã sắm sửa các lễ vật cơ bản như ở trên, điều tiếp theo cần làm đó là sửa soạn mâm lễ cúng ông Táo theo đúng phong tục địa phương. Đối với mâm cỗ mặn truyền thống sẽ bao gồm những món ăn sau đây:
– Một con gà trống luộc nguyên con
– Thịt heo luộc (trong trường hợp không dùng gà luộc)
– Xôi gấc: 1 đĩa
– Giò: 1 đĩa
– Rau xào: 1 đĩa
– Dưa, hành muối: 1 bát
– Nem rán: 1 đĩa
– Canh măng hoặc mọc: 1 bát (tùy theo từng địa phương)
– Bánh chưng: 1 đĩa (có thể có hoặc không)
– Gạo: 1 đĩa
– Muối trắng: 1 đĩa
– Trái cây tươi, thuốc lá, trầu cau,…
– Hoa tươi
Mâm lễ mặn cúng ông Táo truyền thống
3. Mâm lễ chay cúng ông Công, ông Táo
Trong trường hợp gia đình của bạn đều là những người có thói quen ăn chay lành mạnh, hãy sắm sửa mâm lễ theo gợi ý dưới đây:
– Xôi gấc: 1 đĩa
– Giò chay: 1 đĩa
– Canh nấm chay: 1 bát (hoặc loại canh chay khác tùy sở thích)
– Chè kho: 1 đĩa
– Bánh chưng: 1 cái (loại không có nhân thịt)
– Rau xào chay: 1 đĩa
– Gạo: 1 đĩa
– Muối trắng: 1 đĩa
– Trái cây tươi, trầu cau,…
– Hoa tươi
Mâm lễ chay cúng ông Táo
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng mâm lễ cúng ông Táo chay cũng có các món cơ bản giống như mâm cỗ mặn. Tuy nhiên mâm cỗ chay không được xuất hiện các món thịt mà chỉ có các món rau củ mà thôi. Số lượng món ăn có thể tăng, giảm bớt tùy theo nhu cầu và phong tục từng địa phương.
Ngày lễ ông Công, ông Táo 2022 vào ngày mấy?
Năm 2022, ngày cúng ông Công, ông Táo sẽ rơi vào ngày 25/01/2022 Dương lịch, tức là vào thứ ba. Do là vào ngày thường chứ không phải ngày nghỉ, vậy nên bạn hãy thu xếp thời gian, công việc để có thể thực hiện lễ cúng cho kịp và đúng thời điểm nhé.
Ngày ông Công, ông Táo rơi vào ngày 25/01/2022
Nên cúng ông Công, ông Táo vào thời gian nào trong ngày?
Theo như nhiều chuyên gia cho biết, thời gian sắp xếp mâm lễ cúng ông Táo có thể vào nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên về điểm chung thì các thời điểm đó cần phải được thực hiện trước giờ Ngọ (tức 12 giờ trưa) của ngày 23 tháng Chạp để các Táo còn kịp cưỡi cá chép lên Thiên Đình. Vậy nên nếu bạn cúng ông Táo vào sau thời điểm 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp thì sẽ không còn có ý nghĩa gì cả.
Trong trường hợp gia đình của bạn bất khả kháng không thể thực hiện được lễ cúng ông Táo đúng lịch, có thể cúng vào buổi tối của ngày 23 nhưng phải thật tươm tất, thành tâm để xin phép các vị thần linh lượng thứ.
Văn khấn ông Công ông Táo chuẩn nhất cho năm 2022
Sau đây là bài văn khấn dựa theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin:
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.
Tín chủ (chúng) con là: … (Tên của người làm lễ khấn cùng các thành viên trong gia đình).
Ngụ tại: …. (Địa chỉ nơi ở hiện tại)
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu (2021), tín chủ (chúng) con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ (chúng) con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân hiển linh trước án, hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua mà gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, già trẻ gái trai sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Một số lưu ý khi khi thực hiện cúng ông Công, ông Táo
Để mâm lễ cúng ông Táo được tươm tất nhằm giúp bạn thực hiện buổi lễ được thành công, không thể thiếu được những chú ý quan trọng sau đây:
– Dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ trước thời điểm làm lễ: Trước ngày cúng ông Táo vào 23 tháng Chạp, gia đình bạn cần tiến hành vệ sinh, lau dọn nhà cửa thật sạch sẽ rồi mới làm lễ cúng. Khi đó các Táo lên trời sẽ báo cáo những điều tốt đẹp của gia đình bạn cho Ngọc Hoàng.
– Vị trí đặt mâm lễ cúng ông Táo: Thông thường, mâm lễ để cúng ông Công, ông Táo nên được đặt ở bàn thờ cúng ông Táo trong gia đình (nằm ở gần bếp). Tuy nhiên nếu như nhà bạn không có bàn thờ dành riêng cho ông Táo thì bạn có thể đặt mâm cúng tại bàn thờ gia tiên hoặc không gian bên ngoài rộng rãi, thoáng mát. Không nên để mâm lễ cúng ông Công, ông Táo tại bếp vì đó không phải là nơi 2 thế giới âm và dương giao nhau theo quan niệm dân gian.
Thông thường thì mọi người hay cúng ông Táo tại bàn thờ gia tiên
– Quần áo, trang phục cần mặc khi tiến hành làm lễ: Khi thực hiện lễ cúng ông Táo, gia đình của bạn cần ăn mặc chỉnh tề, quần áo dài, đầu tóc gọn gàng. Không mặc váy ngắn, đầu tóc luộm thuộm trong khi cúng.
– Nguyên tắc khi đọc văn khấn: Đọc với thái độ nghiêm túc, thành tâm, giọng đọc cần to, rõ ràng, liền mạch. Tuyệt đối không được cầu tài lộc, tiền bạc khi cúng ông Táo mà chỉ báo cáo các việc tốt đẹp đã làm trong năm vừa qua.
– Hóa vàng, phóng sinh: Theo tín ngưỡng dân gian, 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
– Cách thả cá ngày ông công ông táo: Cá chép sẽ hóa rồng, đưa ông Táo về trời và đem lại thành công, thịnh vượng cho gia chủ. Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên Thiên đình. Thả cá chép, mọi người nên thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông hồ để cá có cơ hội sống, đó cũng là hành động thể hiện sự thành kính, thiêng liêng, mang lại những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.
Hình ảnh một số mâm lễ cúng ông Táo đẹp mắt
Mâm lễ cúng ông Táo vô cùng tươm tất với 2 mâm, trong đó 1 mâm cúng tại bàn thờ gia tiên và 1 mâm cúng ngoài trời
Mâm lễ cúng ông Táo ngoài các món cơ bản thì có thêm tôm, hai loại canh, cá chép được làm bằng xôi,…
Mâm lễ cúng ông Táo cơ bản với đầy đủ các món ăn truyền thống
Một mâm lễ cúng ông Táo khác trên bàn thờ gia tiên
Mâm lễ cúng ông Táo được trình bày khá đẹp mắt với sự kết hợp của các loại bát đĩa trang trí nổi bật
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/mam-le-cung-ong-tao-dung-phong-tuc-va-day-du-nhat-…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/mam-le-cung-ong-tao-dung-phong-tuc-va-day-du-nhat-d299422.html
Theo Thiện Nguyễn (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)