Mâm ngũ quả ngày Tết gồm những gì, cần chú ý điều gì khi bày để tránh phạm ảnh hưởng đến tài lộc, may mắn trong năm mới của gia chủ. Dưới đây là một số thông tin hữu ích dành cho bạn.
Như chúng ta đã biết, mâm ngũ quả ngày Tết là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam nhằm thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Tùy vào từng gia đình, địa phương mà lựa chọn các loại quả phù hợp để bày biện ngày Tết Nguyên đán.
Dưới đây là một số lưu ý khi bày mâm ngũ quả ngày Tết ai cũng nên biết.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Theo quan niệm dân gian, mâm ngũ quả ngày Tết phải bày đủ 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau. Việc chọn màu sắc phù hợp với ngũ hành mang ý nghĩa cầu đạt ngũ phúc lâm môn: Phú, quý, thọ, khang ninh. Ngoài ra, 5 màu sắc còn thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương đưa về kính lên ông bà, tổ tiên.
Thông thường, người ta sẽ bày: Chuối – màu xanh tượng trưng cho Đông phương; quả hồng – màu đỏ tượng trưng cho Nam phương; quả lê – màu trắng tượng trưng cho Tây Phương; bưởi – màu vàng tượng trưng cho Trung phương và một loại quả có màu sẫm tượng trưng cho Bắc phương.
Ngoài ra, 5 loại quả, 5 màu sắc còn tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Người xưa cũng quan niệm, sở dĩ chọn ngũ quả thay vì các yếu tố khác bởi hoa quả có nhiều hạt, nhiều múi, chùm nên mang ý nghĩa cầu chúc năm mới sinh sôi, phát triển trong năm mới.
Ý nghĩa từng loại trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết
– Bưởi: phúc lộc, viên mãn
– Thanh long: rồng mây hội tụ
– Dưa hấu: tốt đẹp, viên mãn, trung thực
– Đu đủ: đầy đủ, thịnh vượng
– Mãng cầu: cầu chúc mọi điều như ý
– Dứa (thơm): thơm tho, đa phúc lộc
– Hồng: hồng hào, tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt
– Lựu: đa phúc, đa lộc, con đàn cháu đống
– Phật thủ: bàn tay Phật che chở phù hộ cho con người
– Chuối: tượng trưng cho bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc và che chở
– Dừa: viên mãn
– Xoài: tiêu xài không thiếu thốn
– Quất: sung túc, lộc lá
– Đào: sự thăng tiến, danh lợi
Hướng dẫn cách bày mâm ngũ quả ngày Tết
– Miền Bắc
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc thường có 5 loại quả với 5 màu khác nhau. Cụ thể, người ta thường bày: Chuối hoặc táo xanh; bưởi hoặc phật thủ; cam, quýt, hồng hoặc táo tây; đào hoặc lê; hồng xiêm hoặc nho đen.
– Miền Trung
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung thường bày: Chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… Ngoài ra, một số vùng người dân cũng không quá câu nệ trong việc lựa chọn các loại quả dâng cúng tổ tiên mà nhà có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính là được.
– Miền Nam
Khác với người miền Bắc và miền Trung, người miền Nam không bày chuối, cam, lê trên mâm ngũ quả ngày Tết bởi với họ đây là các loại quả có âm giống với những từ ngữ thể hiện sự nguy khó.
Thông thường mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam thường có: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với ngụ ý cầu vừa đủ xài hoặc cầu vừa đủ sung.
Một số lưu ý khi bày mâm ngũ quả ngày Tết
Bên cạnh việc lựa chọn các loại quả bày, bạn cũng cần chú ý một số vấn đề sau:
– Mâm ngũ quả chỉ bày quả không nên đặt thêm hoa hay thực phẩm gì
– Số lượng trên mâm ngũ quả chỉ tính loại mà không tính quả. Ví dụ người ta sẽ chỉ tính 1 nải chuối hoặc 2 nải chuối mà không quan tâm tới số lượng quả.
– Nên chuẩn bị mâm ngũ quả trước từ 1 – 2 hôm. Không nên chọn quả quá chín bởi nó chỉ đẹp được 1 – 2 hôm là sẽ héo hoặc thối. Do vậy hãy chọn quả xanh một chút nhé.
– Nên bày thêm quả Phật thủ là biểu tượng bàn tay Phật trên mâm ngũ quả.
– Không bày trái cây lên mâm ngũ quả còn ướt
– Không bày trái cây có gai hoặc có mùi hắc